Nhà chưa giàu nhưng tồn quỹ lớn

LAN ANH - HÀ QUÂN 10/09/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến nay ước đạt trên 935.000 tỉ đồng. Điều bất hợp lý này diễn ra trong bối cảnh người thất nghiệp đang gia tăng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Công nhân làm việc tại Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, năm 2020 các quỹ ngắn hạn của Bảo hiểm xã hội đều còn kết dư lớn. 

Trong đó Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nếu giữ mức chi này, hơn 40 năm nữa mới chi hết số kết dư. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng phải 5 - 6 năm nữa mới sử dụng hết kết dư, nếu giữ nguyên mức chi hiện nay.

40 năm mới chi hết quỹ

Theo báo cáo trên, năm 2020 Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi tăng gần 50% so với cùng kỳ, lên mức 18.852 tỉ đồng, trong đó chi trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1 triệu người (17.898 tỉ đồng) và chi hỗ trợ học nghề, chuyển đổi việc làm 148 tỉ đồng. Dù đã tăng chi, nhưng hết năm 2020 quỹ còn kết dư xấp xỉ 90.000 tỉ đồng. 

Nếu vẫn giữ mức chi này, phải 5 - 6 năm mới chi hết kết dư hiện nay, trong khi hằng tháng quỹ đều nhận được khoản đóng mới từ người lao động và chủ sử dụng lao động.

Với Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, mức chi năm 2020 cũng tăng hơn 67% so với 2019, nhưng kết dư đến hết 2020 vẫn lên đến trên 53.750 tỉ đồng. Nếu căn cứ mức chi năm 2020 là 1.400 tỉ đồng thì hơn 40 năm nữa mới sử dụng hết số kết dư này. 

Trong khi đó, Quỹ ốm đau - thai sản có năm thứ 2 liên tiếp mất cân đối thu chi, với số thu nhỏ hơn số chi (nhưng mức mất cân đối thấp) nhưng kết dư vẫn còn trên 12.770 tỉ đồng.

Ông Điều Bá Được - nguyên trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội VN - chia sẻ: trước năm 2007, Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ chung phục vụ chi trả các chế độ dài hạn, từ năm 2007 trở đi mới tách ra thành các quỹ thành phần, trong đó có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ hưu trí - tử tuất, Quỹ ốm đau - thai sản... 

“Theo quan sát của tôi, kết dư hiện nay chưa thể hiện việc nhà đã giàu, mà các quỹ xây dựng trên nền tảng mức lương còn thấp tích lũy được. Lý do dẫn đến mức tích lũy cao này là một số thiết kế như ban đầu trong thực tế chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa được như mong muốn”, ông Được phân tích. 

Theo ông Được, điểm “chưa được như mong muốn” với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ làm sao để người lao động có thể quay lại thị trường lao động, hỗ trợ học nghề cho những người thất nghiệp cần đào tạo thêm để chuyển đổi nghề, hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động để họ có thể tái sản xuất. Tuy nhiên mức hỗ trợ này từ quỹ cho người thất nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề chưa nhiều.

Ông Đào Quang Vinh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cho rằng các quỹ ngắn hạn như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đều hướng tới việc phục vụ người lao động. Do vậy, việc các quỹ trên kết dư cao phải được xem xét cụ thể là mức đóng cao - chi thấp hay chi quá thấp từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

 “Dịch COVID-19 khiến số người lao động thất nghiệp tăng lên. Đây là điều kiện bất thường, do vậy cơ quan có thẩm quyền cần có sự linh hoạt để đưa ra các chính sách kịp thời, đột xuất cho người dân”, ông Vinh nói.

 “Trước mắt, người lao động mất thu nhập tức là mất nguồn sống thì đào tạo, tư vấn việc làm chưa phải là cấp bách nên các gói cứu trợ cần tập trung cung cấp tiền mặt. Xem xét hỗ trợ, chi trả trợ cấp cho cả người lao động mất việc làm, kể cả người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do dịch bệnh. 

Các nước đều có gói cứu trợ nhanh chóng, đơn giản hóa thủ tục như người có thu nhập dưới mức nào đó là được hỗ trợ ngay. Phải chấp nhận tỉ lệ thất thoát nhất định nhưng con số đó không đáng kể vì tiền vẫn đến tay người lao động”, ông Vinh nêu ý kiến.

Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh: các cơ quan chuyên môn phải rà soát những quỹ tọa chi (chi trừ dần) thường xuyên 3 - 5 năm/lần cho phù hợp với thực tế. Theo ông, việc rà soát quỹ, kể cả với các quỹ ngắn hạn như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và dài hạn như Quỹ hưu trí - tử tuất là cần thiết. 

Ông Huân lấy ví dụ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp duy trì mức đóng của người lao động là 1% tiền lương hằng tháng và người sử dụng lao động con số tương đương qua hơn 10 năm là chưa hợp lý, dẫn đến kết dư quỹ này hơn 89.100 tỉ đồng. 

Thực tế, tiền lương của người lao động ngày càng được nâng lên, dẫn đến nguồn thu vào quỹ càng lớn, bên cạnh nguyên nhân khác là số người thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp, số lao động được hỗ trợ học nghề thấp... 

“Vấn đề hiện nay là thu thì lớn mà chi thì ít vì thị trường lao động phát triển, lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức nhiều hơn. Về lâu dài, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu các chính sách về trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, nâng mức chi ra sao cho hợp lý”, ông Huân nói.

 

Quỹ bảo hiểm phải là “giá đỡ” của thị trường lao động

Nhiều chuyên gia cho rằng các quỹ có kết dư cao không phải là vấn đề, vì các quỹ bảo hiểm ngắn hạn phải là “giá đỡ” của thị trường lao động. Nếu “giá đỡ” đó mong manh, số thu chi không quá chênh lệch thì khi có rủi ro, số lượng người bị ảnh hưởng, mất việc làm tăng cao đột biến, nhu cầu cần hưởng bảo hiểm ở cùng một thời điểm lớn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Đặc biệt, dịch COVID-19 khiến hơn 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2020. Một điểm nữa, số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp mới hơn 13,3 triệu người, và trên 6,2 triệu người đã thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tổng số hơn 51 triệu lao động. 

Do đó, việc điều chỉnh mức thu - chi vào các quỹ bảo hiểm cần phải xem xét kỹ lưỡng, theo lộ trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật việc làm sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào cuối năm 2023.

Về ý kiến sử dụng các quỹ ngắn hạn đang kết dư nhiều để hỗ trợ trong dịch COVID-19, ông Điều Bá Được cho rằng: “Sử dụng quỹ phải đúng luật, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là chi trả cho người lao động đã đóng bảo hiểm và nay mất việc, còn người chưa tham gia đóng quỹ thì dùng 62.000 tỉ đồng từ ngân sách hỗ trợ an sinh. Còn nếu người lao động khó khăn hơn thì cần báo cáo Chính phủ và đề xuất Quốc hội xem xét, cho phép chi hỗ trợ người lao động trong tình huống cấp bách theo luật”.

Cũng theo ông Được, các quỹ ngắn hạn cần có quy định phù hợp để người tham gia nhận được sự trợ giúp nhiều hơn, như Quỹ thai sản - ốm đau sau này chi trả cho lao động nam, người mang thai hộ nên mức chi từ quỹ đã tăng lên.

Trong phiên họp ngày 16-8 vừa qua, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết năm 2020 các nội dung chi của Quỹ bảo hiểm xã hội, bao gồm cả quỹ ngắn hạn và dài hạn đều có xu hướng tăng trong những năm qua: chi từ Quỹ hưu trí - tử tuất tăng hơn 10,3%; Quỹ bảo hiểm xã hội tăng 11,17%; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tăng chi trên 64%; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tăng chi gần 50% so với 2019. 

Tuy nhiên nội dung chi mới tập trung ở một số chế độ nhất định, chưa chi được hết/chi phù hợp cho các chế độ đã thiết kế. Đây sẽ là điểm cần sửa đổi sớm để người lao động - người đã góp quỹ này được hưởng lợi.

Giảm tỉ lệ đóng trong thời gian dịch bệnh

Quan điểm chung của tổ chức công đoàn là muốn chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng trong thời gian dịch bệnh. Nhưng theo quy định, điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động đã chấm dứt hợp đồng, do vậy dùng quỹ này cho công nhân “tạm hoãn hợp đồng” sẽ gặp vướng mắc về pháp lý. 

Ngoài ra, nên giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp để giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động trong thời gian dịch bệnh. Trong tình hình dịch bệnh khó khăn như hiện tại, Quốc hội có thể linh hoạt điều chỉnh, ra nghị quyết giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5% cho cả người lao động và người sử dụng lao động. (Ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban chính sách - pháp luật Tổng liên đoàn Lao động VN)

Lãnh trợ cấp thất nghiệp mùa dịch không dễ 

Tôi là nhân viên kế toán đã nghỉ việc tại công ty từ cuối tháng 5-2021 nhưng đến đầu tháng 7 mới được trả sổ bảo hiểm xã hội. Sau đó công ty bị phong tỏa, không lấy sổ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. 

Bảo hiểm xã hội quận cho biết trong vòng 3 tháng từ ngày nghỉ phải gửi hồ sơ qua đường bưu điện mới được trợ cấp thất nghiệp, hết thời hạn sẽ không giải quyết. Nhưng khi công ty hết phong tỏa thì TP.HCM bước vào đợt phong tỏa mới. Đến khoảng giữa tháng 8 tôi mới gửi được hồ sơ qua đường bưu điện nên chưa biết khi nào có tiền trợ cấp. (Chị T.T. Cẩm Phú, 26 tuổi, ngụ TP.HCM)

VŨ THỦY ghi 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận