​Nguồn dinh dưỡng nào cho mỹ thuật ứng dụng Việt?

TTCT - Tại sao mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) Việt vẫn chỉ ở mức nhạt nhòe, buồn tẻ, không có sự phát triển đột biến?

Tại sao hằng năm trên cả nước có hàng ngàn cử nhân MTƯD tốt nghiệp ra trường mà bức tranh toàn cảnh MTƯD Việt vẫn không được cải thiện? 

Vẫn là câu chuyện đào tạo

Cần  nhìn thẳng vào nguyên nhân chính là do con người, trong đó có khâu đào tạo; phần khác là do bị níu lại bởi chính những đặc trưng mỹ thuật từ trong truyền thống và hiện đại. Ngay trong một số thế mạnh của những đặc trưng cơ bản của MTƯD Việt cũng tiềm ẩn những hạn chế.

Chẳng hạn, MTƯD Việt có sự kết hợp giữa kỹ thuật của phương Tây với văn hóa Việt. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa khuôn mẫu, kỹ thuật của họ với văn hóa, quy trình MTƯD của chúng ta, nhưng khi được yêu cầu thiết kế mang phong cách Việt thì thường là không đạt được hiệu quả nghệ thuật, hoặc bị rườm rà, hoặc rất “sến”.

Một đặc trưng khác thể hiện sự đa dạng trong phương pháp sáng tác, như vậy có thể tạo ra diện mạo phong phú cho MTƯD Việt, nhưng thật khó định hình phong cách riêng, tạo dấu ấn riêng vì chính sự lặp lại nhiều lần của một phương pháp sáng tác mới hình thành một phong cách nghệ thuật. 

Chưa kể, trong số đó xuất hiện cả phương pháp đáng phê phán là phương pháp bản địa hóa - người thiết kế đã dựa vào mẫu mã của nước ngoài rồi thay đổi, thêm bớt vài chi tiết để thành của mình. Khi bị ảnh hưởng hoặc sao chép những mẫu mã của nước ngoài, người thiết kế đồng thời đánh mất bản sắc dân tộc mình.

MTƯD Việt còn có sự pha trộn nhiều phong cách, tuy có ưu điểm là không cực đoan theo một phong cách nghệ thuật nào, nhưng sự pha trộn sẽ làm mất đi tính đồng bộ và sự nhất quán trong một tác phẩm, trong một số trường hợp gây nhiễu loạn thị trường thiết kế. 

Bản sắc nào cho ta?

Tính ra theo thời gian, MTƯD Việt mới chỉ có khoảng một trăm năm đào tạo họa sĩ thiết kế. Nhìn chung, đội ngũ này còn yếu kém so với đòi hỏi của xã hội, nguyên nhân đầu tiên là từ công tác đào tạo. Chương trình đào tạo chắp vá, thiếu cập nhật. Phương thức đào tạo không phát huy được tư duy sáng tạo của sinh viên.

Các môn học lý thuyết thiếu giáo trình và giảng viên cơ hữu về mỹ thuật cổ nên chưa xác định được thế nào là bản sắc Việt. Hiện trạng đó dẫn tới một hệ lụy là hơn 90% sản phẩm bị cho là hình thức mẫu mã xấu, kể cả đối với hàng Việt Nam chất lượng cao.

Có họa sĩ đã nhận xét: “Đào tạo nhà thiết kế đang bùng nổ nhưng chưa có một định dạng đầu ra khả dĩ đảm bảo sự hành nghề hiệu quả. Nhà thiết kế đang là một người đa nhân cách lơ lửng ở vùng ven của các lĩnh vực: là một nghệ sĩ nghiệp dư gắn ghép những cảm hứng vô căn cứ vào sản phẩm, là nhà công nghệ kỹ thuật nghiệp dư không chuyên sâu một nghề thủ công hay một chuyên khoa hẹp nào, một nhà kinh tế, xã hội học, mỹ học, tâm lý học tay ngang nông cạn!”.

Vấn đề cốt tử là đào tạo nguồn họa sĩ thiết kế chất lượng cao. Không thể sáng tạo mà không có một nền tảng tri thức về mọi mặt, vì MTƯD đòi hỏi sáng tạo từ chi tiết đến tổng thể để tạo ra những sản phẩm/tác phẩm có giá trị nghệ thuật, in đậm bản sắc Việt (để có sự khác biệt trong hội nhập toàn cầu) và phù hợp với tinh thần của thời đại.

Bản sắc Việt ghi dấu ấn đậm đặc trong văn hóa - mỹ thuật Việt cổ truyền (nguồn dinh dưỡng nội sinh). Việc cải cách đào tạo MTƯD, cùng với việc hướng mục tiêu vào mỹ thuật Việt cổ truyền sẽ có được nguồn dinh dưỡng cộng sinh (tạm gọi) cho MTƯD Việt.

Nhưng thật đáng tiếc là cho đến nay, kiến thức về bản sắc Việt chưa được khái quát đầy đủ và cập nhật trong chương trình đào tạo MTƯD của các khoa, trường đại học mỹ thuật công nghiệp, chứ chưa nói đến trong toàn hệ thống giáo dục Việt.

Công tác đào tạo còn nhiều bất cập nên khi tốt nghiệp ra trường, trở thành nhà thiết kế chuyên nghiệp, ít người tiếp cận được nguồn mỹ thuật cổ truyền và rất khó để độc lập sáng tạo nhằm cho ra đời những sản phẩm/tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đứng vững trong thị trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận