Người vợ lính nhà hàng xóm

HOÀNG VIỆT HẰNG 14/07/2016 03:07 GMT+7

TTCT - Hoa phượng vĩ vẫn như bó đuốc thắp rực lên trên các hè phố Hà Nội. Màu gợi về nỗi biết ơn người lính đâu chỉ trong một ngày tháng bảy. Màu gợi về những vết thương sau chiến tranh còn đau nhức trong thời hòa bình.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Hàng xóm nhà tôi, bà Phú Yên vẫn ngồi gọt vỏ những quả sấu non rồi đem ngâm nước vôi trong, sau đó ngâm đường bán nước sấu đá mùa hè. Hơn 40 năm, hè phố Hà Nội đã gắn bà với bao nhiêu thăng trầm của đời người. Ít ai để ý bà từng là vợ liệt sĩ.

41 năm trước, chồng bà - chiến sĩ lái máy bay chiến đấu - đã hi sinh. Ông nằm trên ngọn đồi gần sân bay Kép, Bắc Giang. Ngày ấy không có điện thoại, không có Internet, bà Phú Yên lủi thủi một mình đi thăm chồng, năm đó có một thiếu nữ 19 tuổi cùng phân xưởng cơ khí đi cùng bà từ ga Hàng Cỏ lên sân bay Kép. Phi công Đăng, chồng bà Phú Yên, nằm trên ngọn đồi ấy.

Lần đó có hai người lính bay cũng ra thắp hương cho đồng đội. Thời mà bà Phú Yên mới 25 tuổi, có cô con gái ba tháng tuổi tên Phương Ly. Lúc trở về trên tàu, bà Phú Yên đã gục khóc trên vai thiếu nữ 19 tuổi. Đôi vai chưa đủ sâu sắc để hiểu hết nỗi đau mất mát kéo dài tới đâu trong cuộc đời làm vợ lính phi công.

Sau này nghỉ mất sức, bà Phú Yên từng đi làm tạp vụ cho một công ty nước ngoài, rồi chân đau nên bán trà chén sấu đá vỉa hè. Cô con gái đã lấy chồng, bà Phú Yên lên chức bà ngoại. Thi thoảng thấy máy bay, bà vẫn nhìn lên bầu trời rồi lặng lẽ cúi xuống. Thiếu nữ 19 tuổi chưa hề thấy bà khóc than, khi mà trà chén còn 5 xu, nay đã 2.000 đồng một chén.

***

Thiếu nữ 19 tuổi năm nào, từng là bờ vai cho vợ người chiến sĩ lái máy bay năm xưa, gặp lại hàn huyên. Thiếu nữ cũng lấy chồng nghề lính, lính chiến trường B2, B3; chồng nàng có tới ba vết thương như chiếc lá trên tay, và một vết thương nữa giống như viên bi không gắp ra được ở sống lưng. Viên bi tròn như hạt lạc khiến anh vật vã quanh năm đã chôn cùng ba vết thương khác ở Tà Cơn, Khe Sanh, Đường 9.

Vào những năm sau 1980, không có thẻ thương binh, thiếu phụ ngày dài đêm ngắn xếp hàng đong gạo mua dầu, đậu phụ. Tem phiếu của một thời đốt hết thời thanh xuân của người vợ lính.

Khi người chồng của thiếu phụ chết với những vết thương không chịu se miệng trong người, góa bụa chị Phú Yên nói với thiếu nữ: “Bình tĩnh nhé, rồi gió mùa đông bắc về, gió đập vào cánh cửa mới sợ. Lúc ấy mới biết thế nào là đơn độc, và nhớ đừng có khóc khi con kêu đói. Và nhớ là nước mắt vợ lính sẽ hạn hán”.

Khi nhà có việc, người đầy lên như bầy chim sẻ, họ chia nước mắt khóc thương ngắn ngủi. Khép cửa lại là đêm dài ngày ngắn. Đối mặt với đơn độc duy nhất còn lại là đứa con thơ. Bao nhiêu lần trái tim vợ lính rỏ máu mà không chia sẻ được cùng ai.

Thiếu nữ 19 tuổi ngày nào từng phải đi điều trị ở viện sức khỏe tâm thần, khi bình tâm lại mới xót thương chị Phú Yên năm xưa xiết bao. Thời đó chị Phú Yên lủi thủi một mình với con gái, bao năm tháng khi con trẻ sốt cao sài đẹn, mọi thứ khốn khó vượt qua, vợ lính thấy những bước trượt sau có giống bước trượt trước.

Nỗi đau có xám lại trên nắng, gắt lại trên hoa phượng vĩ già, hoa bằng lăng tím, hoa muồng vàng? Vẫn còn những chiến sĩ khác chưa trở về, vợ lính lại an ủi với nhau rằng, em ấy, chị ấy đang chịu đựng lớn hơn ta, do đó phải bình tâm mà vượt qua. Nước mắt không chỉ riêng ngày tháng bảy mà của thời gian tự chan chứa tự lau khô để đứng dậy đi tiếp.

Cuộc sống luôn còn nhiều ẩn số, khi vợ những người lính vẫn ngóng trông chồng họ trở về từ trên không hay dưới biển. Sẽ vời vợi những vết thương chưa se miệng. Sẽ là những khoảng trống hi sinh không ai lấp cho đầy…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận