Người thổi hồn cho băng

TUYẾT MAI 20/05/2017 02:05 GMT+7

TTCT - Nghệ thuật điêu khắc băng, môn nghệ thuật tưởng chừng chỉ có ở những xứ sở băng tuyết, đang nhanh chóng trở thành niềm đam mê của nhiều người Việt.

Một nghệ nhân băng đăng đang thực hiện tác phẩm Đôi cánh  -NVCCTừ khối nước đá thô kệch, dưới bàn tay khéo léo, cách bài trí sáng tạo và tâm hồn nhạy cảm của nghệ nhân, kết hợp ánh đèn nhiều màu sắc, những tác phẩm lung linh, kỳ thú từ từ hiện lên.

Thú chơi được ưa chuộng

Nhiệt độ -100C, ánh đèn mờ đi vì lạnh, tiếng dùi đục chan chát vào khối băng trong suốt, vang dội trong không gian lạnh buốt, mờ mờ ảo ảo như sương mù phả ra từ những chiếc quạt giữ nhiệt. Phòng băng trông không khác gì một chiếc tủ lạnh khổng lồ.

Anh Lê Hồ Quang Vinh (30 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM, nghệ nhân băng đăng) đang hí hoáy phác thảo vài đường nét định hình trên mặt cây đá thô dài tầm 1m, rồi dùng cưa máy cắt đá tạo khối. Bụi băng trắng toát liên tục bắn ra thành từng tia từ tiếp điểm giữa băng với lưỡi cưa.

Một lát sau, khối băng bắt đầu mang dáng dấp, hình thù rõ rệt, anh Vinh mới dùng mài, đục cẩn trọng, đẽo gọt từng chi tiết. Cuối cùng, một tuyệt tác thiên nga bằng băng trong suốt, tinh xảo ra đời.

Chưa có trường đào tạo chính quy nên hầu hết những người đến với nghề điêu khắc băng đều rẽ ngang từ một ngành nghề khác.

Nói về cái bén duyên rất lạ với nghề làm băng, anh Vinh kể: “Trước đây tôi làm ở một công ty sản xuất dụng cụ cơ khí, nhưng vì gia đình có xưởng sản xuất nước đá nên muốn tôi theo học nghề làm băng. Học rồi thì thấy yêu, làm rồi mới thấy gắn bó, bệnh nghỉ một hôm thôi là thấy nhớ”.

Thoạt nhìn nghề điêu khắc băng đăng cũng thi vị và đầy chất nghệ sĩ, nhưng có tiếp xúc với những nghệ nhân băng đăng mới hiểu hết cái vất vả, cực nhọc của họ. Không ít người vì môi trường khắc nghiệt nên không thể trụ lại với nghề. Bốn năm gắn bó với băng đăng là bốn năm anh Vinh nếm trải mọi buồn vui, cơ cực của nghề.

“Những ngày đầu vật lộn với tảng đá nặng gần gấp ba lần mình, tay tôi tê cóng, cứng đờ, răng đánh vào nhau cầm cập, khi ấy khả năng chịu lạnh còn kém, ở trong phòng băng không được lâu nên cứ tầm một tiếng tôi phải ra ngoài một lần cho đỡ lạnh, nhiều lúc khuân đá bị kẹp tay hay lúc tạo hình bị đá vụn rơi vào chân sưng tấy.

Bây giờ, làm lâu nên quen với cái lạnh, tầm bốn tiếng mới phải ra ngoài một lần” - anh Vinh nói.

Băng đăng đang là một thú chơi sang trọng, được ưa chuộng tại Sài Gòn. Nhu cầu tiêu thụ băng đăng rất đa dạng, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, hầu hết là để trưng bày trong các bữa tiệc sinh nhật, nhà hàng tiệc cưới, logo cho các công ty, thậm chí cả mô hình cà phê băng đăng đang làm rộn ràng giới trẻ.

Trong các mẫu hình, thiên nga là mẫu được nhiều khách hàng ưa chuộng nhất, giá của đôi thiên nga băng vào khoảng 3,5 triệu đồng.

Để hoàn thành tác phẩm này, người thợ lành nghề mất gần 45 phút. Vì làm việc trong môi trường băng giá rất hao sức nên trung bình mỗi buổi người thợ băng có thể làm từ 2-3 con thiên nga rồi phải đổi ca cho người khác, cố gắng hết sức thì một ngày có thể làm tối đa tám con.

Tuy giá không rẻ song rất nhiều người đặt hàng băng đăng cho ngày trọng đại của mình. Dịp cuối năm, lễ cưới, tiệc tùng nhiều, thị trường băng đăng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, cũng là thời điểm thợ làm băng vất vả nhất.

“Sau những ngày làm việc hết công suất như vậy, hai cánh tay và bả vai tôi mỏi nhừ do máy cắt nặng và rung rất mạnh” - anh Vinh chia sẻ. Môi trường làm việc khắc nghiệt nên phần lớn nghệ nhân băng đăng là nam giới. Và phải những ai thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó được với nghề.

Anh Lê Hồ Quang Vinh tạo khối cho tác phẩm Thiên nga băng-Tuyết Mai

Truyền thần bằng băng

Không chỉ tạo hình thiên nga cho các tiệc cưới, khách hàng còn thích sử dụng băng đăng trong các sự kiện quan trọng khác, có người muốn điêu khắc hình trái tim, bông hoa bằng băng để làm quà tặng, có khách hàng đặt điêu khắc băng hình thần tượng hay người thân.

Nếu như vẽ tranh, họa sĩ có thời gian nhìn ngắm nhân vật thật kỹ rồi tung hoành với cọ, màu... thì đối với băng, nghệ nhân băng đăng chỉ có thể cảm nhận nhân vật qua ảnh, phác thảo bằng trí tưởng tượng và đặc biệt là phải “3D hóa”.

“Có lần khách hàng gửi cho tôi một bức hình người thân nhờ tôi điêu khắc, tôi phải nghiên cứu cả ngày, ngắm đi ngắm lại bức hình để lưu giữ trong trí nhớ.

Rồi trước khi làm phải định hướng sẵn trong đầu, một khi đã làm thì phải chăm chú, nếu đi ra ngoài nhiều sẽ bị phân tâm, quên mất. Đối với những mẫu hình mới, chúng tôi phải làm cả ngày mới xong, thậm chí những tác phẩm công phu đến cả một tuần” - anh Thạch Sô Thônh (28 tuổi, ở TP.HCM, người có thâm niên gần 5 năm làm băng đăng) kể.

Cách đây không lâu, anh Vinh vừa hoàn thành chú Kong cao hơn 2m cho một quán cà phê băng đăng. Để làm được những tác phẩm lớn, họ phải chất những khối đá lên nhau, dùng nước để nối chúng lại, cẩn thận tỉ mỉ, kỹ lưỡng không để lộ những khớp nối.

Theo anh Vinh, cả nhóm đã mất hơn một tuần để điêu khắc tác phẩm này. Trước đó anh phải ngắm nó rất kỹ, đi đâu cũng mang theo hình Kong để nhìn, sau đó phác thảo ra giấy rồi mới bắt tay vào điêu khắc. Tuy nhiên, khâu khó nhất vẫn là việc truyền thần cho tác phẩm.

“Điêu khắc người khó nhất là chi tiết mắt, mũi, biểu cảm khuôn mặt, phải cảm nhận được tâm trạng, thần thái của nhân vật thì tác phẩm mới có hồn, muốn vậy người thợ phải làm bằng cả trái tim” - anh Thônh nói.

Một tác phẩm băng đăng đẹp, gợi cảm, chạm được vào tình cảm của nhiều người là kết tinh của tâm huyết, sức lực, sự khéo léo của người thợ làm băng, bởi phần lớn chi tiết trên tác phẩm phải làm bằng tay.

“Bài học nhập môn của nghề băng đăng là người thợ phải làm quen với cưa máy, máy mài, đục..., vì chỉ một nét cắt sai, một đục mạnh có thể làm gãy băng, hỏng cả tác phẩm.

Vậy nên sáng tạo tác phẩm băng đăng, nghệ nhân phải hội đủ các yếu tố về trí tưởng tượng phong phú, nhanh nhẹn, khéo léo và đặc biệt là niềm đam mê” - một nghệ nhân băng đăng chia sẻ.

Trân quý từng khoảnh khắc

Không giống như điêu khắc trên các chất liệu khác, để hoàn thành một tác phẩm băng đăng, nghệ nhân phải chạy đua với thời gian, chuyên tâm, nhanh tay, nhanh trí, tính toán chuẩn xác và một khi đã bắt tay vào làm thì không thể dừng lại để đợi cảm hứng.

Mỗi tác phẩm băng đăng không chỉ cần cái cầu kỳ, tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng động tác mà còn đòi nghệ nhân phải sáng tạo, nhanh nhạy ở cách xử lý băng.

Anh Nguyễn Cao Thắng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một người kinh doanh băng đăng, nói về bí quyết của nghề: “Băng phải đạt tới độ trong suốt nhất định mới có thể tạo ra tác phẩm băng đăng lung linh. Muốn vậy, nước làm đá phải là nước tinh khiết, được xử lý theo tiêu chuẩn nước ăn uống, không bị lẫn tạp chất, bọt khí và cần tới bốn ngày liên tục “tôi luyện” trong nhiệt độ cực thấp ở hầm đá”.

Khâu vận chuyển đá cho khách hàng cũng phải được chú trọng: “Khi giao băng đăng, chúng tôi phải bọc lại bằng tấm phủ cách nhiệt rồi đưa lên xe, với khách hàng ở xa chúng tôi phải chuyên chở bằng xe đông lạnh. Đối với tác phẩm có nhiều tiểu tiết, dễ bị mất nét, người thợ phải theo đến tận nơi, giặm sơ lại để tác phẩm luôn đạt độ tinh xảo và thẩm mỹ” .

Công phu, tỉ mỉ là thế nhưng nếu không được bảo quản ở môi trường đặc biệt, mỗi tác phẩm băng đăng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, rồi tan thành nước mang theo cả tài hoa, tâm huyết và đam mê của nghệ nhân.

Một đôi thiên nga băng chỉ để được khoảng năm tiếng. Mỗi giây phút trôi qua nó lại tan chảy dần rồi biến mất hoàn toàn. Nhưng có lẽ cũng chính vì đặc trưng này mà tác phẩm băng đăng trở nên quý giá, trở thành điểm nhấn cho buổi tiệc. Sống một vòng đời ngắn ngủi song có lẽ vì vậy, mỗi tác phẩm điêu khắc từ băng đều để lại những giây phút thưởng lãm đặc biệt...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận