Người nuôi voi cuối cùng ở bắc Tây nguyên

HUỲNH VĂN MỸ 10/07/2011 14:07 GMT+7

TTCT - Phải hẹn trước một ngày, ông Ksor Chăm mới có thể sắp xếp đưa tôi vào núi sâu thăm con voi ông đang nuôi ở đó. Đây là con voi nuôi cuối cùng còn lại ở vùng bắc Tây nguyên, nơi cách đây không lâu là xứ sở của voi rừng và voi nuôi.


Voi Yã Tâu rất thích khi được anh Ksor Alưh tắm cho dưới sông - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Từ làng Plei Pa Kdranh, xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), ông Ksor Chăm dẫn tôi qua nhiều buôn làng rồi rẽ vào những rẫy mì mênh mông, hun hút. Lội qua mấy khe suối, qua cả sông Tul, gần trưa chúng tôi mới đến được dãy núi cao được ông chọn làm chỗ sinh sống cho con voi cái của mình.

“Người ta cứ phá rừng trồng mía trồng mì mãi, cái núi cái rừng còn lại ngày càng xa cái làng mình ở. Phải đưa con Yã Tâu vô núi sâu thế này mới có cái cho nó ăn...”- ông Chăm giải thích.

Làng voi xưa

Từ trong lùm cây bên bờ sông, vừa nghe thấy tiếng hiệu của ông Chăm, voi Yã Tâu liền ló đầu ra hướng về chủ. “Nó lại “tè” rồi đó. Cứ mỗi lần tui hay con rể đến thăm là nó chấm vòi xuống đất mấy cái rồi lại “tè” như muốn nói với mình là nó mừng được gặp lại chủ...”- ông Chăm nói, đưa tay vuốt ve đầu con voi trong khi nó nhắm mắt lại. 

Cùng với bố vợ, anh Ksor Alưh cởi sợi xích buộc quẳng lên lưng con voi, ra hiệu cho nó xuống sông. “Nó thích tắm như bọn trẻ thích tắm khi nóng nực. Ưa được mình kỳ cọ cho lắm”- anh Alưh nói khi voi Yã Tâu ngụp lút đầu dưới nước.

“Yã Tâu theo tiếng Jrai là con dâu, mình coi con voi này như là con dâu của mình nên mới đặt tên cho nó như vậy...” - phì phò điếu thuốc cuộn, ông Chăm kể. Kế thừa nghiệp nuôi voi từ ông cha, năm 1970 khi con voi đực của cha để lại bị chết, ông Chăm mang cặp ngà trị giá 300.000 đồng cùng với 600.000 đồng tiền mặt đến Buôn Đôn (Đắk Lắk) mua con voi đực tơ.

Khoản tiền 900.000 đồng thời đó ông Chăm còn nhớ bằng 150 con bò: “Nhưng mình không cho là đắt. Nhà mình nhiều đời nuôi voi, cha mẹ vợ mình cũng nuôi voi, đến đời mình không nuôi tiếp coi sao được. Không có con voi để kéo gỗ, cưỡi đi đây đi đó, nhà Ksor sẽ bị người trong làng ngoài xã coi thường, xấu cả ông cha đã khuất của mình...” - ông Chăm nói. 

Chú voi tơ được ông đặt tên là Bạk Xôm mau lớn, khôn ngoan, kéo gỗ kéo hàng cho nhà ông có tiền có thóc, lại cả đổi công làm rẫy làm ruộng, lợi ích vô cùng.

Ông Ksor Chăm với cây kích điều khiển voi có móc và mũi nhọn bằng sắt do ông tự chế - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Cuộc sống nhà ông ngày càng khá giả. Để được như đời ông cha ngày trước nuôi cùng lúc hai, ba con voi, năm 1990 ông Chăm đem năm lượng vàng dành dụm được sang chợ Lạc Thiện ở Đắk Lắk mua con voi cái Yã Tâu.

“Hồi mới mua Yã Tâu chừng 20 tuổi nên không cần phải giết heo làm lễ đặt tên. Bởi cái bụng mình muốn đem nó về làm vợ Bạk Xôm nên mới gọi tên nó là Yã Tâu”- vuốt ve chiếc tai phớt hồng của Yã Tâu, ông Chăm giải thích.

“Vợ chồng” Bạk Xôm - Yã Tâu ở với nhau gần ba năm nhưng Yã Tâu vẫn chưa sinh cho chủ chú voi con nào. Đến năm 1993, Bạk Xôm đột ngột bị bệnh nặng rồi chết. “Có lẽ do mình không thả chúng vào rừng rộng, chỉ quanh quẩn với sợi xích ngắn nên chúng không giao phối được. Khi mình hiểu ra thì Bạk Xôm đã không còn… Tiếc quá!” - ông Chăm kể.

Thương tiếc con voi đực do mình mua và thuần dưỡng, ông Chăm càng buồn khi phải chứng kiến ba con voi do cha ông nuôi dưỡng lần lượt qua đời. Đó là ba con voi đực Thoong Khăm, Thoong Xa và Đăk Xom. Chính cặp ngà của Đăk Xom là vốn liếng giúp ông duy trì nghiệp nuôi voi của tổ phụ.

Trong ký ức của ông còn mãi hình ảnh đàn voi nuôi của xã Chư Mố vẫn tồn tại năm bảy năm sau ngày hòa bình: “Hồi đó Chư Mố có ba làng nuôi voi, trong đó có nhà mình. Đàn voi có sáu con, có con do hai hộ chung tiền mua. Hồi đó cầu Bến Mộng chưa có, đường dọc sông Pa lầy lội, việc vận chuyển hàng hóa, cây gỗ trong vùng đều cậy vào voi. Núi Chư Mố nằm ngay giữa làng hồi đó còn rậm rạp, đủ chỗ cho cả đàn voi nuôi ăn ở...”.

Ông Ksor Chăm cùng con rể Ksor Alưh bên voi Yã Tâu. Anh Alưh là người duy nhất giúp bố vợ chăm sóc, điều khiển Yã Tâu - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Nỗi niềm

Ở tuổi 72, ông Chăm vẫn còn cưỡi xe máy vượt trăm rưỡi cây số đến Pleiku, Buôn Ma Thuột thăm bà con, bè bạn. Cuộc sống của ông và dân làng đã có nhiều đổi thay, khấm khá hơn so với trước nhưng những hồi ức quá khứ luôn khiến ông day dứt, nuối tiếc, nhất là đàn voi nuôi và một cõi núi rừng hùng vĩ ngày xưa.

Những cánh rừng đã bị triệt hạ, biến thành những rẫy nương còi cọc ngó không hết mắt. Cây gỗ quý trên những dãy núi xa, hiểm trở cũng không được yên thân. Thời trước đàn voi Chư Mố chỉ kéo một ít gỗ đủ cho người trong xã làm nhà - những ngôi nhà không lớn lắm nên không tốn nhiều gỗ.

Ngoài ra không ai lấy gỗ quý bán, dân làng phá rừng làm rẫy cũng rất ít. Trong rừng rậm chim chóc, muông thú nhiều vô kể, dân làng lúc nào cũng có thịt để ăn, vậy mà bây giờ Chư Mố đã gần như không còn rừng núi bao quanh, thú rừng hầu như cạn kiệt!

Tiếc con voi còn khả năng sinh sản, ba năm trước quản tượng Ma Bích ở Buôn Đôn, bạn thân của ông Chăm, đã đề nghị ông đưa Yã Tâu đến đàn voi nhà chỗ Ma Bích để tìm cách cho Yã Tâu sinh con. Nhưng do không thể bỏ công việc đi theo Yã Tâu ba bốn tháng, ông Chăm đành lỡ dịp. Cuối năm 2009 có người ở Buôn Đôn mang tiền đến nài nỉ ông Chăm bán Yã Tâu nhưng ông cương quyết từ chối.

Nhiều năm qua, khoản thu nhập nhờ Yã Tâu kéo gỗ cho dân làng được ông Chăm trích ra để tổ chức lễ cúng mừng tuổi cho Yã Tâu hằng năm và đó cũng là ngày hội vui của cả làng. “Có lễ cúng tuổi tử tế để lớp người lớn còn được vui với con voi nuôi cuối cùng của Chư Mố mình. Còn lớp nhỏ mai này có biết nuôi con voi như thế nào...”- ông Chăm buồn rầu.

“Gia Lai - vùng bắc Tây nguyên - trước đây có nhiều voi rừng, cư dân nhiều làng ở Nhơn Hòa (nay là thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã nuôi khá nhiều voi để làm phương tiện vận chuyển, đi lại, thể hiện địa vị của mình. 

Nay làng voi Nhơn Hòa chỉ còn là tiếng vọng: từ khoảng 50 con những năm 1970 đến năm 1993 chỉ còn khoảng 15 con, năm 2007 thì không còn ai ở Nhơn Hòa nuôi voi nữa. Dân xã Chư Mố cũng nuôi voi, tuy không nhiều như ở Nhơn Hòa nhưng đến nay “làng voi” này vẫn còn lại ông Ksor Chăm nuôi một con voi cái lớn tuổi. 

Ông Ksor Chăm là người cuối cùng ở Gia Lai còn nuôi voi, bảo lưu được một tập tục mang bản sắc văn hóa Tây nguyên độc đáo”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận