Người nghèo cũng... gút

THS.BS NGUYỄN ĐỨC THÀNH 08/11/2010 12:11 GMT+7

TTCT - Anh V.V.H. (Q.8, TP.HCM) viết thư hỏi bác sĩ: ”Nhà tôi nghèo xơ, ăn uống không ra gì, vậy mà mới đây bác sĩ phát hiện tôi bị gút. Sao kỳ vậy bác sĩ ơi. Tôi tưởng chỉ có nhà giàu mới bị gút chứ!”.

Phóng to

Gút cấp tính ở khớp bàn ngón chân cái

Bệnh gút (goute - tiếng Pháp) còn gọi là bệnh thống phong, một bệnh viêm khớp do tinh thể, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên trở lên. Ở các nước phát triển, tỉ lệ mắc bệnh gút chiếm 1-2% dân số. Ở Việt Nam, bệnh gút ngày càng phổ biến, độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hơn.

Ôi, cái ngón chân cái!

Bệnh gút cũng có yếu tố di truyền, tức là nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh gút thì bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn người khác. Ngoài ra, những người béo phì, bị bệnh thận, cao huyết áp, nghiện rượu... có nguy cơ bị bệnh gút cao hơn so với người bình thường.

Bệnh gút thường diễn biến qua bốn giai đoạn: tăng acid uric máu không triệu chứng, cơn gút cấp, giữa các cơn cấp và mãn tính. Cơn gút cấp có đặc điểm khởi phát đột ngột, thường vào ban đêm với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp, thường gặp nhất ở khớp bàn, ngón chân cái.

Nếu không điều trị, đau có thể kéo dài 5-10 ngày rồi tự mất. Nhưng sau đó, các cơn đau khác sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và nặng hơn. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, người bệnh sẽ có biểu hiện viêm đa khớp mãn, nổi những u, cục gọi là tophi xung quanh khớp, gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và có nguy cơ gây biến dạng khớp dẫn đến tàn phế.

Phải cắt bỏ nếu khối u quá lớn

Có ba nguyên tắc cần biết trong điều trị bệnh gút, đó là: chống viêm khớp trong đợt cấp, dự phòng đợt cấp tái diễn và hạ acid uric máu sau khi đã qua đợt cấp. Trong suốt quá trình điều trị cũng như về lâu dài, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng dành cho người bị gút. Bệnh nhân bị gút mãn tính cần được kiểm tra chức năng thận và sỏi thận định kỳ. Béo phì là một yếu tố làm tăng nặng đối với bệnh gút. Do đó các bệnh nhân bị bệnh gút kèm béo phì cần phải cố gắng giảm cân thông qua chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao.

Có một số trường hợp bệnh nhân gút cần được điều trị bằng phẫu thuật như: cắt bỏ khối u tophi khi khối u quá lớn gây ảnh hưởng thẩm mỹ hoặc chức năng của chi thể, mổ nội soi cắt lọc hoạt mạc viêm, nạo bỏ các tinh thể urat trong khớp, thay khớp nhân tạo khi khớp đã bị gút gây phá hủy hoàn toàn.

Dễ bệnh nếu có “tâm hồn ăn uống”

Phòng bệnh gút chủ yếu dựa vào chế độ ăn uống, trong đó có những thứ phải kiêng cữ tuyệt đối, có những thứ có thể dùng nhưng cần hạn chế số lượng. Đa số người bị bệnh gút vốn là những người có thú vui ẩm thực, thế nên vấn đề kiêng khem quả là rất khó khăn, khổ sở đòi hỏi phải có quyết tâm và nghị lực mới thực hiện được.

Người bệnh không nên ăn những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như hải sản, các loại thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, ngựa, dê, thịt thú rừng...), nội tạng động vật (lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc...), trứng gia cầm, nhất là các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn. Không nên ăn các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng, nấm, giá, bạc hà (dọc mùng) vì có thể làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric.

Hạn chế ăn những thực phẩm giàu đạm khác, bao gồm đạm động vật như thịt heo, thịt chó, thịt gà, thịt vịt, cá và các loại thủy sản như lươn, ếch... hay đạm thực vật như các loại đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh...

Ngược lại, người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, khoai sắn, cà chua... sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, giảm thoái biến đạm để sinh năng lượng từ đó giảm hình thành acid uric.

Về đồ uống, người bị bệnh gút tuyệt đối không nên uống rượu, bia, cà phê vì sẽ làm bệnh nặng lên nhanh. Nên hạn chế đồ uống có gas, nước ngọt vì làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó cũng làm bệnh nặng lên. Hạn chế các đồ uống có tính acid như nước cam, nước chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì sẽ làm tăng nguy cơ kết tinh urat ở ống thận dẫn đến tăng nguy cơ bị sỏi thận. Người bị bệnh gút mãn tính nên uống nhiều nước, tối thiểu 2,5-3 lít nước mỗi ngày để làm giảm nguy cơ bị sỏi thận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận