01/05/2007 06:05 GMT+7

Người mở đường

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Tôi hay tin ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm chiến thắng 30-4 lịch sử. Ở tuổi 82, lại đang nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn cười rạng rỡ khi nhắc lại những ngày gian khổ...

ofF5jZAi.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM (phải) - chúc mừng viện sĩ - tiến sĩ Nguyễn Duy Cương tại lễ thượng thọ 80 tuổi của ông năm 2005 - Ảnh: tư liệu báo Thuốc & Sức Khỏe
TT - Tôi hay tin ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm chiến thắng 30-4 lịch sử. Ở tuổi 82, lại đang nằm trên giường bệnh, ông vẫn luôn cười rạng rỡ khi nhắc lại những ngày gian khổ...

Kỷ niệm không quên

Chiều 28-4, tôi đến nhà ông. Cháu ông mời tôi vào phòng, dặn dò: “Ông mệt, chị chỉ có thể nói chuyện khoảng 40 phút, còn để bác sĩ vào khám bệnh”.

Tôi không ngăn được xúc động khi thấy một người từng vào sinh ra tử, lúc ở trong căn cứ địa, lúc hoạt động ẩn mình trong thành phố bị tạm chiếm... ngày nào đang ngồi bất động trên ghế. Mái tóc ông bạc trắng, gương mặt hằn những bệnh tật và tuổi tác.

Ông kể gần như suốt cuộc đời mình, từ lúc mới 17 tuổi cùng vài người bạn thành lập tổ chức học sinh yêu nước bí mật tại Trường trung học Trương Vĩnh Ký đến khi tập kết ra Bắc, rồi trở về miền Nam năm 1970 và đến tận bây giờ, ông luôn gắn bó với ba công việc là thuốc, công tác đào tạo và phong trào thanh niên. Và năm năm hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn trước ngày miền Nam giải phóng, tấm lòng của những người trí thức đã khiến ông nhớ mãi...

Đầu năm 1970, khi đang công tác tại Bộ Y tế, ông được trung ương phân công trở về miền Nam hoạt động với bí danh Ba Trực. Sau nhiều ngày đi đường vòng, từ VN sang Trung Quốc rồi qua Campuchia và trở về VN qua ngả Tân Châu, An Giang, ông mới đến được chiến khu ở Bắc Mỏ Cày, Bến Tre. Lúc đó, ông Trần Bạch Đằng giao cho ông về Sài Gòn làm trí vận trong giới trí thức.

Viện sĩ - tiến sĩ Nguyễn Duy Cương sinh ngày 27-2-1925 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. 57 năm tuổi Đảng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế. Từ 1982 đến nay là chủ tịch Hội Dược học VN. 1995-2004: chủ tịch Hội Y dược học TP.HCM. Từ 1991 đến nay là tổng biên tập tạp chí Thuốc & Sức Khỏe. Ông đã được Nhà nước và Chính phủ... tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Quyết thắng hạng 2 và nhiều Huy chương Vì sức khỏe nhân dân, Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Vì sự nghiệp dân vận, Vì sự nghiệp khuyến học, Vì thế hệ trẻ... Năm 2001, ông được Viện hàn lâm quốc gia Dược học Pháp cử làm viện sĩ thông tấn.

Ông được một nữ giao liên bí mật đưa vào nội thành. Người nữ giao liên ông không biết tên ấy hẹn hai tuần sau trở lại. Chờ mãi vẫn không thấy. Hai tháng sau ông được tin trong một chuyến công tác, người giao liên ấy bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man, địch hỏi về “ông cán bộ ở miền Bắc tên là Ba Trực mới vào”, chị vẫn cắn răng chịu đựng. Năm 1975, người nữ giao liên ấy từ nhà tù Côn Đảo trở về, ông mới biết chị tên là Huỳnh Hồng Châu, thường gọi Bảy Y.

Giọng ông rưng rưng: “Không có những người kiên cường như chị Bảy Y, tôi chết lâu rồi”. Tại Sài Gòn, một người quen của ông là ông Tô Muồi nhận lo mọi giấy tờ hợp pháp cho ông hoạt động trong vai nhân viên nhà thuốc của con gái ông Tô Muồi. Nhờ đó, ông có điều kiện hoạt động bí mật, vận động được nhiều trí thức. Nhiều trí thức sau khi giác ngộ đã nhiệt tình góp công, góp của, ủng hộ thuốc men... tích cực cho cách mạng. Năm 1974, ông thành lập Hội Trí thức yêu nước Sài Gòn qui tụ được khoảng vài trăm người. Những Việt kiều yêu nước từ Paris về VN cũng thường bắt liên lạc với ông để hoạt động.

Người mở đường

Sau giải phóng, ông cùng với ban tiếp quản tiếp nhận tất cả cơ sở y tế và đưa trở lại hoạt động bình thường. Thời điểm này nhiều nhân viên y tế ở TP.HCM bỏ ra nước ngoài và nhiều sĩ quan quân y của chế độ cũ được đưa đi học tập cải tạo. Biết họ là những người giỏi, ông đứng ra bảo lãnh một số người về làm việc ở các cơ sở y tế. Khi hay tin một trí thức nào đó vượt biên bị bắt, ông tìm đến tận trại giam để bảo lãnh họ về.

Ông tâm niệm phải giữ lại được cho đất nước những người tài. “Lúc ấy có nhiều người phản đối, thậm chí nghi ngờ ông này sao che chở cho ngụy dữ vậy? Phải xem lại lý lịch thế nào”. Ông trình bày ý định của mình và xin ý kiến ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt ủng hộ. Trong những người được ông bảo lãnh, sau này có một số trở thành những giáo sư (GS) bác sĩ nổi tiếng như GS Văn Tần, GS Trần Đông A, GS Nguyễn Chấn Hùng, GS Võ Thành Phụng...

Những năm đầu mới giải phóng, tình hình thiếu thuốc điều trị cho nhân dân rất nghiêm trọng. Để có thêm nguồn thuốc đa dạng, đặc trị, ông đề nghị và được lãnh đạo TP chấp thuận cho người VN ở nước ngoài gửi thuốc về cho thân nhân dưới dạng quà biếu để Công ty Dược phẩm TP.HCM (thuộc Sở Y tế) mua lại. Đồng thời, tiếp nhận và qui hoạch lại tất cả cơ sở dược phẩm tư nhân trong thành phố thành bảy liên viện bào chế, sau này trở thành bảy xí nghiệp dược phẩm quốc doanh trung ương và gom các cơ sở sản xuất dược phẩm nhỏ thành ba xí nghiệp dược trực thuộc Sở Y tế TP.

Năm 1981 ông thôi làm giám đốc Sở Y tế TP.HCM, về làm thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách dược. Ông bắt tay ngay vào việc thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp dược VN, mở rộng công tác sản xuất và phân phối, xây dựng các xí nghiệp dược liên hiệp tỉnh thành. Đồng thời, tích cực đề nghị Bộ Ngoại thương chuyển sang cho Bộ Y tế công tác xuất nhập khẩu thuốc và tiến hành thành lập Công ty Xuất nhập khẩu y tế (Công ty Vimedimex).

Từ đó, mở đường tăng thêm nguồn thuốc cho nhu cầu trong nước... Ông cũng là người dám chịu trách nhiệm khi đặt bút ký thông tư cho phép các dược sĩ được mở nhà thuốc tư nhân. Lúc đầu có người cho rằng ông đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nhưng thời gian đã chứng minh chủ trương này là đúng, phù hợp với cơ chế mới, đưa đến sự ra đời của pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân sau này.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên