Người kể chuyện cổ tích hiện đại

NGUYỄN THỊ MINH THÁI 11/04/2004 21:04 GMT+7

TTCN - ...Tôi có cảm giác khi nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần viết trang chót Một thiên nằm mộng vào những ngày cuối năm 2002, giấc mơ của nhân vật chính: cậu - bé - nằm - mộng vẫn chưa dứt và số phận văn chương của Một thiên nằm mộng cũng giống y hệt một giấc mơ.

Phóng to
TTCN - ...Tôi có cảm giác khi nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần viết trang chót Một thiên nằm mộng vào những ngày cuối năm 2002, giấc mơ của nhân vật chính: cậu - bé - nằm - mộng vẫn chưa dứt và số phận văn chương của Một thiên nằm mộng cũng giống y hệt một giấc mơ.

Chính tác giả đã thấy trong mơ cuốn sách “cũng giống như một đứa bé, nó có giấc mơ riêng của mình. Chỉ chính nó mới có thể đưa chúng ta đi đến một nơi mà trong tận tâm hồn của chúng ta chờ đợi”.

Có thể nói Nguyễn Ngọc Thuần đã chọn thi pháp cổ tích cho những trang văn xuôi của anh mà Một thiên nằm mộng là một minh chứng. Cậu bé nhân vật chính đã nhìn đời trong giấc mộng hằng đêm và bay bổng trên cuộc đời thường vốn dĩ nhiều tục lụy. Tất cả những người thân yêu của cậu, những con vật, đồ vật thân yêu trong ngôi làng miền Trung xa ngái của cậu đều trở nên lung linh mờ ảo trong giấc mơ về đêm của cậu bé.

Dường như giấc mơ là cứu cánh duy nhất của nhân vật chính và cũng là cách duy nhất để Nguyễn Ngọc Thuần quay trở về với thế giới tuổi thơ của mình, cái thế giới giờ đây đã chỉ còn là hoài niệm.

Nhưng rồi cậu bé hay nằm mộng cũng sẽ phải lớn lên, trưởng thành và cũng có thể sẽ phải… tỉnh mộng. Và Nguyễn Ngọc Thuần cũng vậy, thi pháp cổ tích có thể sẽ là chiếc áo quá chật cho giấc mộng viết văn của anh.

Một thiên nằm mộng không phải là giấc mơ đầu đời viết của Nguyễn Ngọc Thuần, và chẳng phải là tác phẩm duy nhất được trao giải thưởng (giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng 2001-2002).

Trước đó, Giăng giăng tơ nhện đoạt giải 3 cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 2 và truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đoạt giải A cuộc thi văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước lần 2”. Và đây mới thật sự là cuốn sách tiêu biểu nhất trong văn phong đậm màu cổ tích, trong veo trong vắt, hồn nhiên, thơ trẻ của Nguyễn Ngọc Thuần.

Phóng to
Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa là một truyện ngắn tặng bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện ngắn dành cho người lớn. Bởi chúng có nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ… nhìn ra thế giới.

Và chỉ để phát hiện: thế giới chính là tất cả những gì thân thuộc, thương mến nhất ngay ở trước mắt; khu vườn nhỏ cạnh cửa sổ nhà mình, cuộc sống hằng ngày êm đềm của cha mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm láng giềng kế bên và… thật thú vị, ở ngay trong trái tim của chính mình, với tất cả những rung động về những điều thường hằng của đời sống, đã khiến mình phải viết… ra giấy cho chính mình trước hết.

Cách viết và giọng kể của Nguyễn Ngọc Thuần đã cho người đọc cảm giác thật ấm áp dễ chịu, một cảm giác không dễ gì có trong cái thời buổi mà văn hóa đọc đang mất mùa, đang bị tàn phai, nhất là trong khu vực văn học viết cho thiếu nhi hôm nay.

Có lẽ Nguyễn Ngọc Thuần không ý thức được rằng bằng cái cử chỉ “nhị nguyên’’ lạ lùng vừa nhắm vừa mở… của mình, con mắt văn chương của anh cuối cùng đã nhìn ra được cả một thế giới rộng rinh của cuộc đời, bởi trước tiên anh đã nhìn ra và hiểu thấu được khu vườn nhỏ có ngôi nhà sinh ra mình ở mảnh đất miền Trung xa ngái.

Trong tâm tưởng, Thuần có thể quay về bất cứ lúc nào để nhìn ngắm bầu trời tuổi thơ của mình. Đó là một cuộc trở về trên đôi cánh của tưởng tượng, đầy lãng mạn.

Có thể vì thế mà Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ tả chính cậu bé Thuần từ thuở… còn nằm trong bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, và được bố mẹ “cưng như trứng mỏng”: Bố nói giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Đêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ – cánh đồng của bố.

Và Thuần viết về mẹ: Mẹ cũng là một cái tên đẹp nhất, bao giờ cũng dịu dàngBố tôi nói: Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Mỗi cái tên là một tình thương lớn.

Đứa - bé - nhân - vật - chính của cuốn truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ ấy cứ lớn lên, như cây cỏ tốt tươi dưới ấm áp mặt trời tình thương của cha mẹ, của chú Hùng hàng xóm, của ông Tư tật nguyền, của cô giáo Hà, thằng cu Tí bạn thân. Nó học chia sẻ những tình yêu có vẻ như siêu hình nhờ vào cách dạy dỗ giản dị của bố.

Bố dạy nó hiểu các loại hoa trồng trong vườn nhà, bằng cách: bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một. Mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn. Tôi nhắm mắt và chạm tay rồi gọi tên từng món quà… Rồi đến lúc: thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó… cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa. Và hoa gì nở sớm, hoa gì nở muộn, … những hoa gì đang nở. Bố tôi nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới.

Nhưng chính đứa - bé - nhân - vật của Thuần lại tự ơrêka rằng: Tại vì tôi có con mắt thần... Con mắt thần ấy nó nằm ở mũi tôi. Rồi từ đó, nó chẳng bao giờ bị lạc lối trong khu vườn nhà nữa. Bởi chính những bông hoa đã là người đưa đường tuyệt vời của nó.

Cuối cuốn sách, khi đã học được bao nhiêu cái bí mật của cuộc đời vốn xanh tươi, li ti và bình dị xung quanh, đứa - bé - nhân - vật đã học được cách nhớ: Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi. Tôi nhớ từng bông hoa, từng mùa mưa nắng, từng rẻo đất! Nhưng cái nhớ ám ảnh nó nhất lại là những khuôn mặt người. Lý do giản dị: bố nói bởi vì trên đó có đôi mắt. Chúng ta không thể nhìn ai đó mà không nhìn vào mắt họ. Một đôi mắt sẽ cho ta biết họ yêu mến điều gì, và quan trọng hơn nữa, họ đã hi sinh cho điều gì…

Có lẽ sự ồn ào, nhanh gấp, tiết tấu hiện đại của TP.HCM có vẻ mâu thuẫn với lối viết văn lãng đãng, mộng mị của Nguyễn Ngọc Thuần, lại hình như bị chính lối viết này lôi cuốn, dù với văn chương, Thuần đang là một vị khách lạ vừa mới được bắt đầu yêu mến.

Nguyễn Ngọc Thuần rồi sẽ đi khỏi khu vườn thuở bé thơ để trở thành một nhà văn không chỉ của bạn đọc tuổi tím. Và mong sao anh sẽ còn giữ mãi cặp mắt nhìn đời mãi xanh non thắm thiết của mình…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận