Người góp sức giữ truyền thống cho làng võ Việt

HUY ĐĂNG 26/10/2013 07:10 GMT+7

TTCT - Hoạt động của Nhà văn hóa Thanh niên (NVHTN) TP.HCM luôn được làm mới theo nhu cầu của giới trẻ Sài Gòn. Nhưng hằng đêm tại đây có một thứ vẫn không thay đổi: lớp võ cổ truyền Tân Khánh Bà Trà của võ sư Hồ Tường.

Phóng to
Võ sư Hồ Tường và võ sinh người Pháp Salmons Jérôme - Ảnh: Huy Đăng

Võ sư Hồ Tường (tên thật Hồ Văn Tường), con trai út của võ sư Từ Thiện (tên thật Hồ Văn Lành), là truyền nhân đời thứ hai của võ phái Tân Khánh Bà Trà. Tên tuổi của ông đã được làng võ cổ truyền biết đến từ lâu, nhưng với phần lớn võ sinh trẻ ở NVHTN, hình ảnh của vị võ sư đã đến tuổi lục tuần này lại gây ấn tượng theo một cách khác.

Võ là đạo, là văn hóa

Nguyễn Hoàng Anh Khoa, sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Tôi chọn học võ cổ truyền là bởi bên cạnh mục đích rèn luyện thân thể, tôi muốn tiếp cận với văn hóa, lịch sử của dân tộc”. Ngoài việc luyện võ, những võ sinh nơi đây còn thường xuyên được dạy tinh thần võ đạo, kèm thêm những bài giảng về lịch sử và văn hóa ngành võ thuật dân tộc.

Với nhiều võ sinh đang là sinh viên các đại học có khối ngành văn hóa, họ biết đến võ sư Hồ Tường qua hình ảnh một giảng viên trên bục giảng ở những môn học về văn hóa, lịch sử dân tộc. Nguyễn Thị Thanh Tuyên, vừa tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Hâm mộ những bài giảng đan xen giữa võ học và văn hóa của thầy Hồ Tường trên lớp nên tôi tìm đến học võ ở đây”.

Bị tai biến mạch máu não cách đây bốn năm, tưởng chừng võ sư Hồ Tường phải chấm dứt nghiệp dạy võ vì chứng bán thân bất toại làm liệt nửa người bên trái. Bằng nỗ lực tập luyện, ông dần khôi phục sức khỏe và hai năm trở lại đây quay lại với công việc.

Với mức học phí 150.000 đồng/tháng, lại thêm việc thường xuyên dạy miễn phí cho các học sinh, sinh viên (mỗi năm mở hai lớp, một lớp vào dịp hè dành cho học sinh, một lớp trong ba tháng cuối năm dành cho sinh viên vừa mở vào đầu tháng 10), phần lớn lợi nhuận dạy võ sau khi khấu trừ tiền sân bãi được võ sư Hồ Tường dùng để trả thù lao cho các sinh viên đã giúp ông đứng lớp. Công việc để kiếm sống của ông hoàn toàn ở giảng đường đại học.

Để “cổ truyền” không bị “thất truyền”

Lớp võ của ông tại NVHTN ra đời năm 1981. Võ sư Hồ Tường kể: “Thời điểm ấy, nhiều thanh niên tìm đến tôi cho biết họ sắp sửa ra chiến trường biên giới và muốn học võ trước khi lên đường”. Cũng với lý do đó, lớp võ cực thịnh trong suốt thập niên 1980, thu hút hàng trăm võ sinh mỗi buổi học.

Những năm 1990, số lượng võ sinh giảm còn chưa đầy một phần mười. Thời điểm đó, nhiều đồng môn của võ sư Hồ Tường gọi vui lớp học của ông là “võ sĩ mù nghe tiếng gió”, chỉ việc lớp võ của ông phải hoạt động trong bóng tối vì sân NVHTN không mở đèn. Chỉ từ năm 1995, lớp võ bắt đầu đông đúc trở lại.

Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp dạy võ, võ sư Hồ Tường mong muốn võ cổ truyền được duy trì và phát triển mạnh mẽ trước sự phổ cập của các môn võ du nhập như taekwondo, judo, aikido… Ông chia sẻ: “Không dám so sánh hơn thua với những môn võ khác, tôi chỉ hi vọng người VN học võ cổ truyền để biết được những điều đã giúp dân tộc đấu tranh suốt mấy ngàn năm qua”.

Ông cũng không khỏi lo ngại cho tương lai của võ cổ truyền khi nó dường như trở nên khá cổ hủ. Những năm trước đây, mỗi lần mở lớp dạy miễn phí, ông phải đi khắp các trường đại học để gửi… thư mời. Thậm chí võ sư Hồ Tường còn muốn đổi ba chữ “võ cổ truyền” thành “võ truyền thống” cho “dễ nghe” hơn với lứa trẻ ngày nay.

Dẫu vậy, có một điều mà võ sư Hồ Tường tâm đắc: võ cổ truyền VN ngày một được truyền bá mạnh mẽ ra nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây. Từ những ngày đầu lớp võ ra đời, đã có một số người nước ngoài tò mò tìm đến học khi họ sang VN du lịch.

Trở về nước, một số lại trở thành võ sư võ cổ truyền VN “chi nhánh” nước ngoài. Anh Salmons Jérôme, làm việc trong ngành xây dựng ở Pháp, cho biết đã theo học võ cổ truyền VN ở Pháp được hai năm. Khi có cơ hội, anh lập tức sang VN “tầm sư học đạo” tại lò võ ở NVHTN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận