“Người đọc" trong mỗi người đọc

LÊ QUANG 24/09/2015 20:09 GMT+7

TTCT- Không phải ngày nào cũng có dịp tiếp cận một cây bút bestseller tầm thế giới, lại còn là người mình được hân hạnh chuyển ngữ, và người mở cõi lòng hăm hở cho mình đi vào nghiệp dịch văn học. Chừng ấy gánh nặng tâm lý khiến tôi đi bên ông bốn hôm liền mà ít khi dám hỏi thẳng nhà văn Bernhard Schlink - tác giả cuốn Người đọc (The reader) - những câu chứa chất trong lòng.

Nhà văn Bernhard Schlink -Lê Quang
Nhà văn Bernhard Schlink -Lê Quang

 May thay, dưới lớp vỏ thoạt tiên hơi kỹ tính và khó gần của một giáo sư luật, ông là người vô cùng ấm áp và thoải mái. 

Ông cho phép tôi thú thật là không thích bộ phim cùng tên.

- Stephen Daldry là một đạo diễn điện ảnh và sân khấu với nhiều giải lớn và được đề cử giải Oscar. Tôi gửi gắm tác phẩm của mình vào tay ông và biết rằng nó sẽ có một cuộc sống mới mà chính tôi không được phép can thiệp nữa.

Nếu anh không thích bộ phim có lẽ vì anh mong đợi nó phản ánh hoàn toàn kịch bản văn học, nhưng đó lại là điều không mấy khi xảy ra, vì thông thường phim chỉ khai thác vài khía cạnh nào đó của sách, nhiều hơn nữa cũng không thể gói gọn trong 90-120 phút. Tôi viết Người đọc để xây dựng hình tượng cậu bé Michael Berg, trong phim thì cậu ta đôi khi mờ nhạt bên cạnh Hanna Schmitz, đó cũng là chủ ý của Stephen Daldry, hoàn toàn có lý do.

 Tôi tin có thể đến lúc nào đó chỉ còn viết văn, nhưng luật học là một món hời lớn trong đời tôi. Sáng tác văn học giống làm thẩm phán ở định hướng đi tìm giải pháp và quyết định, nhưng lại khác vì văn là mổ xẻ và soi rọi, là thể hiện chủ đề và gợi ý trải nghiệm cho người đọc

Nhà văn Bernhard Schlink

Hôm qua chúng ta cùng xem phim, sau đó một khán giả đã hỏi ông đại ý rất khó chấp nhận một tội phạm chiến tranh (Hanna Schmitz) lại do khuôn mặt khả ái (Kate Winslet) thể hiện.

- Không hiếm người nghĩ thế, và tôi lội ngược dòng với Người đọc: ta phải sống với thực tế là không phải đơn giản chỉ những người có bộ mặt ác quỷ mới làm điều ác quỷ. Cuộc sống đa tầng hơn thế.

Còn gọi Kate Winslet là khả ái thì quá phiến diện. Tôi thấy cô ấy vào vai rất đạt, thể hiện mọi giai tầng cảm xúc một cách gần đúng như hình ảnh Hanna Schmitz trong đầu tôi - thô bạo và yếu đuối, gợi cảm và cứng đầu, dũng mãnh và hèn hạ. David Kross và Ralph Fiennes (Michael Berg ở hai thời đoạn) đều là các diễn viên tuyệt vời.

Ông ưa lội ngược dòng, vì ông cần tư duy bay bổng để sáng tác, song lại là một nhà nghiên cứu và giảng dạy triết lý trong luật hiến pháp và luật xã hội?

- Có lẽ đó lại là lợi thế của tôi. Tôi ưa tư duy và ưa tư duy về các chủ đề luật cũng như trong cấu trúc của luật học. Bình thường tôi vẫn dạy luật, viết tiểu luận và giám định. Tôi tin có thể đến lúc nào đó chỉ còn viết văn, nhưng luật học là một món hời lớn trong đời tôi.

Sáng tác văn học giống làm thẩm phán ở định hướng đi tìm giải pháp và quyết định, nhưng lại khác vì văn là mổ xẻ và soi rọi, là thể hiện chủ đề và gợi ý trải nghiệm cho người đọc.

Ông có thể tiết lộ cảm xúc làm cha đẻ tác phẩm tiếng Đức đầu tiên và duy nhất đứng số 1 trong danh sách bán chạy của The New York Times?

- Thành công đó đến một cách đột ngột vì tôi thậm chí còn không mong được nhà xuất bản chấp nhận bản thảo. Trước đó tôi chỉ viết sách trinh thám với mức thành công nhất định, và nếu Người đọc có nhiều độc giả yêu mến như truyện trinh thám thì tôi đã thỏa mãn lắm rồi.

Patrick Sueskind phải trốn đi ở ẩn sau thành công với Mùi hương, còn cuộc đời tôi đơn giản không bị xáo trộn mà còn được mở mang thêm bởi Người đọc qua những cuộc giao lưu với độc giả, hiệu sách, nghệ sĩ, diễn viên...

Tôi được nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey mời đến đàm đạo, ở thời điểm đó Người đọc đã bán được khoảng 130.000 bản. Sau buổi tối trên tivi, nó trở thành “Sách của tháng” và con số bán ra vọt lên ngót 1 triệu trong vòng bốn tuần.

Nhưng tôi đã quá cái tuổi để nhảy cẫng lên vì vui mừng. Tôi đã có một vị thế xã hội nhất định, tôi ưa nghề luật gia và tôi cứ thế viết tiếp mà không cần trăn trở để tác phẩm sau phải hơn tác phẩm trước. Được cầm bút là hạnh phúc, tôi còn đòi hỏi gì hơn...

Xin lỗi phải ngắt lời ông. Trong làng truyền thông, được Oprah Winfrey mời cũng gần như con chiên Kitô giáo được yết kiến Giáo hoàng. Ông có khó khăn gì khi phải đối đầu với các nhà văn và nhà phê bình nặng ký tối hôm đó?

- Vậy là anh không biết gì về truyền hình Mỹ. Ở mỗi show, Oprah Winfrey chọn ra năm người trong hàng ngàn đơn gửi đến, đa số là phụ nữ, lực lượng khán giả chủ yếu của bà ấy. Đó là những độc giả rất bình thường, nhưng buổi tối ngồi bên Oprah Winfrey là đỉnh điểm trong đời họ, nhiều người không cầm được nước mắt.

Bốn phụ nữ và một đàn ông từ các thành phần khác nhau trong xã hội: một nhân viên bàn giấy gốc Phi, một luật sư Do Thái, một bà nội trợ...

Tôi lại phải hỏi lần nữa cho chắc: không có người “trong nghề”?

- Đúng thế, một cuộc tranh luận nghèo tính văn chương, cũng ít mang màu trí thức, tuy nhiên rất nghiêm túc. Người đọc bắt đầu với cuộc tình giữa một cậu bé 15 tuổi và cô soát vé tàu điện 36 tuổi, người Mỹ lập tức liên tưởng đến tình dục phi pháp.

Hôm đó chúng tôi bàn luận xem đó là lạm dụng tình dục hay lạm dụng cảm xúc, và liệu quan hệ đó có phải là tình yêu đích thực hay chỉ để thỏa mãn nhục dục, và xã hội có nên đề ra tiêu chí cụ thể cho tình yêu “bình thường” hay “lành mạnh”? Từ đó dẫn đến việc nên đồng cảm hay lên án Hanna Schmitz, không chỉ trên giường, mà còn ở vị trí một cựu quản tù đã gián tiếp gây ra cái chết cho nhiều người.

Như tôi nhận định, đây là một cuộc tranh luận đặc trưng Mỹ, họ chỉ lấy tác phẩm làm xuất phát điểm để nói về một đề tài được xã hội quan tâm. Trong một buổi giới thiệu sách khác ở Mỹ, người ta còn đưa đến một cô giáo người Oregon từng bị tù vì ngủ với học sinh.

Bìa sách Người đọc
Bìa sách Người đọc

"Người đọc" chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi từ khi ra đời, thậm chí nhiều nhà hoạt động xã hội đòi truất giải Oscar của Kate Winslet, chính ông cũng cho rằng bị một số nhà phê bình hiểu nhầm.

- Có lẽ vì lịch sử của nước Đức rất đặc biệt, và chủ đề “khắc phục dĩ vãng” ở mỗi nước được nắm bắt khác nhau. Một số học giả Do Thái cho rằng tôi phong thánh cho Hanna Schmitz, nhiều nhà văn lại ca tụng công năng tẩy trần của văn chương, trong khi số khác chờ đợi tôi nghiệt ngã hơn nữa khi nói về “trách nhiệm” - chả là Hanna Schmitz hỏi ngược thẩm phán “Ở địa vị tôi thì ông sẽ làm gì?”.

Hôm qua có một bạn Việt Nam hỏi tôi trong buổi giao lưu vì sao lại để nhân vật chính tự sát. Trời đất ơi, lúc bắt đầu đặt bút, tôi còn không rõ mọi nhân vật của tôi sẽ tiến triển ra sao! Mọi tuyến hành động tự nó đi theo một logic và Hanna Schmitz phải chết là đúng.

Vấn đề mà tôi nhận ra trong các bài phê phán là: tại sao ít ai quan tâm đến sự việc có hậu quả bi thảm là bà cựu quản tù ấy không dám nhận là mù chữ, cho dù có triển vọng được giảm tội?

Tại sao sinh viên luật Michael Berg mơ hồ nhận ra điều đó và thậm chí đến gõ cửa thẩm phán nhưng rồi cũng không nói ra lời; phải chăng chúng ta hèn nhát không dám đương đầu với tội ác của tiền nhân mà nhắm mắt lại để tự an ủi là ai làm nấy chịu, để kết cục không khắc phục được dĩ vãng nhiều phần đen tối?

Cho phép tôi rời khỏi tác phẩm. Mấy chục năm nay bay đi bay lại giữa Berlin và New York giảng bài, ông có thấy khác biệt giữa sinh viên Mỹ và Đức?

- Họ ít khác nhau về cách tiếp cận nội dung, mà trong cách hành xử xã hội. Văn hóa học và dạy ở phổ thông Mỹ là văn hóa thúc đẩy và động viên, còn học sinh Đức bị áp đặt mạnh hơn. Khi tôi giảng bài, sinh viên Mỹ bộc phát và vô tư hơn, dĩ nhiên họ cũng nói những điều vớ vẩn nhưng họ hăng hái tranh luận làm cho buổi giảng đơn giản hơn.

Có thể vì sinh viên Mỹ phải trả học phí cao nên họ đòi hỏi nhiều hơn, còn sinh viên Đức phải bị kích hoạt tử tế thì mới giơ tay phát biểu.

Còn về giáo trình?

- Từ ngót 30 năm nay ở Mỹ có môn mà người Đức bây giờ mới bắt đầu: Luật và văn chương. Một số sinh viên ngại cày xới ý tưởng triết học trong luật học của Hegel hay Kant, và họ có thể chọn con đường đỡ gập ghềnh hơn qua tác phẩm của Bertolt Brecht (Vòng phấn Kavkaz), Heinrich von Kleist (Michael Kohlhaas) hay Herman Melville (Billy Budd)... mà trong đó các vấn đề triết học trong luật học được văn chương hóa.

Ông có một ngôi nhà nhỏ ở Massachusetts, ông có định...

- ... di cư qua đó? Không! Tôi thậm chí không xin thẻ xanh. Ở Mỹ không có tiếng chuông nhà thờ, không có chim két hót líu lo. Và thiên nhiên không thuộc về mình, vì cái gì cũng nằm trong sở hữu tư nhân hết.

Muốn đi dã ngoại thì phải đến vườn quốc gia hay công viên, vào đó cũng không có các hội tự nguyện chăm sóc nâng niu như ở Đức mà được cai quản bởi một nhà nước ít quỹ xã hội. Từ khi hay qua đó tôi mới biết quý trọng niềm vui nho nhỏ ở Đức - cứ thế đỗ xe và vào rừng dạo chơi. Và dĩ nhiên tiếng mẹ đẻ là sợi dây cột tôi với quê hương.

Các đồng nghiệp Mỹ khen tiếng Anh của ông lắm mà?

- Tôi vẫn xuất bản sách chuyên môn bằng tiếng Anh, nhưng sau một thời gian tôi cảm thấy giới hạn tiếng Anh của mình nó đau đớn một cách vật lý. Những trò đùa, cách nói mỉa, chơi chữ... chỉ thành công như may rủi.

Học tiếng Anh không khó, thông thạo tiếng Anh một cách hoàn hảo thì... Có lẽ đó là một trong những ngôn ngữ khó nhất vì vốn từ quá rộng và liên tục biến động. Một người bạn là phiên dịch rất giỏi xác nhận điều mà các đồng nghiệp của cô nhất trí: người nước ngoài có thể học tiếng Pháp đến mức thấu đáo, tiếng Anh thì không.

Sau buổi giao lưu tối qua, ông có nói là ông rất ngạc nhiên và phấn khích về mức lan tỏa của tác phẩm Người đọc ở một đất nước xa xôi như Việt Nam, khi hàng trăm người muốn xin chữ ký của ông...

- Tôi cảm ơn sự thịnh tình đó, nhưng phải nói là người ta chen vào lấy chữ ký như đi xe máy ngoài phố vậy (cười lớn).

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất cởi mở. ■

Giáo sư Bernhard Schlink sang Việt Nam trong khuôn khổ Đối thoại nhà nước pháp quyền được tiến hành từ nhiều năm nay giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Đức. 

Trong bốn ngày ở Hà Nội, ông tham gia tọa đàm và giảng bài tại Học viện Chính trị Hồ Chí Minh và ĐH Luật Hà Nội về Tòa án hiến pháp Đức, bảo đảm quyền con người và quyền công dân, các thiết chế kiểm tra giám sát bộ máy hành chính.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận