Người di cư và chuyện hòa nhập với "người thành phố"

HÀ QUÂN 08/10/2022 06:31 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên các nhà khoa học VN và Ireland hợp tác nghiên cứu vấn đề người di cư từ nông thôn ra thành phố và bài toán hòa nhập, bình đẳng với cư dân thị thành của họ.

Người di cư và chuyện  hòa nhập với người thành phố - Ảnh 1.

Nhiều người di cư đến các thành phố lớn làm công nhân. Trong ảnh: Công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 1, TP.HCM giờ tan ca. Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Nghiên cứu "Hòa nhập kinh tế - xã hội của người di cư từ nông thôn đến Hà Nội", do Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Cork (UCC, Ireland) công bố tháng 8-2022, lấy Hà Nội là thành phố tham chiếu. 

Trong đó, các nhà khoa học xác định các rào cản như nhà ở, y tế, giáo dục, việc làm, thu nhập ảnh hưởng tới người lao động di cư từ nhiều địa phương lên thủ đô.

Thời gian làm dài, thu nhập thấp

Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, thành viên nhóm nghiên cứu, nghiên cứu khảo sát 236 người lao động (NLĐ) di cư từ nông thôn lên Hà Nội. Đa số họ ở độ tuổi 20 - 40, từ nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh... với trình độ học vấn phần lớn là phổ thông và gần 50% đã kết hôn. 56% người di cư lên thành phố không sống cùng vợ hoặc chồng.

Một nửa số người được phỏng vấn có thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng, chưa đến 10% có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Họ thường làm việc từ 8-10 tiếng, có người 11 - 12 tiếng, cá biệt tới 13 tiếng. Đa số thỏa thuận làm việc bằng miệng, không có hợp đồng lao động, sống tạm bợ hoặc cố gắng kiếm nhà trọ giá rẻ nhất.

Công việc chủ yếu của những người di cư này tại Hà Nội là tiểu thương, xây dựng, giúp việc, xe ôm, phục vụ hàng quán, cắt tóc, đánh giày, bảo vệ. Họ rời quê chủ yếu vì làm nông thu nhập thấp, thiếu việc làm tại chỗ, gia đình nợ nần. 

Khi gặp khó khăn, họ thường hỗ trợ lẫn nhau qua hội đồng hương và nhóm hành nghề trên Zalo, Facebook. Một số NLĐ trẻ tìm kiếm sự ổn định ở thành phố nhưng số khác vẫn gắn bó chặt chẽ với quê nhà, chấp nhận cuộc sống linh hoạt ở thành phố mà không có kế hoạch định cư lâu dài.

Báo cáo của nghiên cứu nêu người di cư không chỉ đối mặt với rào cản về tài chính, bệnh tật mà còn là sự cô đơn, khó khăn trong lúc khủng hoảng. 

Nhiều người nói họ dựa vào các mối quan hệ xã hội hơn là các cơ quan nhà nước hoặc chủ sử dụng lao động. Mạng lưới những người cùng quê giúp người di cư hòa nhập vào cuộc sống ở Hà Nội dễ dàng hơn.

Cần có lưới an sinh

TS Edward Lahiff, ĐH Cork, nhận định di cư là vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Kinh tế đô thị phụ thuộc vào lao động di cư thông qua dịch vụ, sản xuất và du lịch, trong khi nông thôn phụ thuộc nguồn tiền gửi về từ thành phố. 

"Lao động di cư ở VN chủ yếu là người trẻ, tham gia thị trường lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động nên thua thiệt về thu nhập, phúc lợi như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT)", ông nói.

BS Nguyễn Hoàng Yến, chuyên gia lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ nhóm yếu thế, cho biết phụ nữ di cư thường chọn công việc bán hàng rong, giúp việc gia đình... vì dễ xin nghỉ về quê để ma chay, cúng giỗ, cấy hái, chăm con, do đó họ không có hợp đồng lao động hay tham gia BHXH bắt buộc. Cách duy nhất để có lưới an sinh là tham gia bảo hiểm tự nguyện.

"Nhưng BHXH tự nguyện đóng 22% (thấp hơn 4% so với BHXH bắt buộc) mà chỉ được hưởng chế độ tử tuất, hưu trí và BHYT khi về hưu. Vì vậy, Chính phủ cần coi chi phí cho an sinh xã hội là đầu tư, chi bù 4% cho người đóng BHXH tự nguyện để họ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách như người đóng BHXH bắt buộc", BS Hoàng Yến đề xuất.

Cũng theo bà Yến, từ ngày 1-1-2021, BHYT đã có chính sách "thông tuyến tỉnh", tức người có thẻ BHYT được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú ở các bệnh viện cấp tỉnh ở các tỉnh khác. Việc khám chữa bệnh ngoại trú không được thanh toán. 

Như vậy, người di cư từ nơi khác đến, chẳng hạn từ Nghệ An ra Hà Nội, phải chi tiền túi cho các khoản chi phí y tế dùng khám chữa bệnh ngoại trú. 

Do vậy cần "thông tuyến hoàn toàn", tức người tham gia BHYT được chi trả khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú, theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, không căn cứ vào địa bàn thụ hưởng. Điều đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho lao động di cư.

Người di cư và chuyện  hòa nhập với người thành phố - Ảnh 2.

Khu nhà trọ gần trung tâm Hà Nội là nơi lưu trú của nhiều người di cư từ các tỉnh thành miền Trung. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bài toán hòa nhập nơi phố thị

Theo ông Phạm Đại Đồng, trưởng Phòng chính sách bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), kết quả tổng điều tra dân số 2019 cho thấy có 6,4 triệu người là lao động di cư, độ tuổi chủ yếu từ 20 - 39 (khoảng 62% tổng số). 

Họ làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh)...

Vấn đề là, "Mặc dù đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng NLĐ di cư vẫn là nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao, dễ bị tổn thương và khó tiếp cận được với các chính sách an sinh xã hội, chất lượng sống của lao động người di cư không cao", ông Đồng nhận định. Theo ông, gần 80% lao động di cư không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, làm những công việc giản đơn và thời vụ.

TS Vũ Thị Anh Thư, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết Luật cư trú 2020 đã bỏ những "rào cản" mang tính địa phương liên quan đến đăng ký thường trú. Hà Nội và TP.HCM từng yêu cầu người đăng ký thường trú phải có đủ 2-3 năm tạm trú nhưng nay chỉ cần có nhà ở hợp pháp. 

Tuy nhiên, nhiều NLĐ không đăng ký tạm trú do sợ mất quyền lợi đất đai ở quê, thủ tục đăng ký mất nhiều thời gian...■

Một số khuyến nghị của nhóm nghiên cứu:

- Quan tâm nhiều hơn đến chính sách nhà ở, y tế, giáo dục, BHXH - những lĩnh vực vốn "cản trở" sự hòa nhập xã hội đối với người di cư, và xem xét một cơ chế điều phối chuyên biệt về chính sách và hỗ trợ người di cư thay vì giao trách nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau.

- Giải quyết vấn đề việc làm phi chính thức qua việc gây áp lực để nhà tuyển dụng ký hợp đồng chính thức song song với chế tài thực thi mạnh mẽ.

- Sự hỗ trợ, vận động từ các cơ quan nhà nước và quốc tế thông qua hoạt động cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho cải cách phúc lợi xã hội, BHYT, tăng thời gian nghỉ thai sản sẽ tác động đến phụ nữ và người có con.

NHỮNG KHUYẾN NGHỊ:

- Người di cư từ nông thôn lên thành thị có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ thường xuyên, đột xuất các khoản tiền mặt và hiện vật từ ngân sách cùng với việc tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch... (ông Phạm Đại Đồng, trưởng Phòng chính sách bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH)

- Mỗi tỉnh thành cần có chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội; chăm lo việc học cho con cái người lao động nhập cư, chữa bệnh khi ốm đau; giải quyết vấn đề tinh thần như khu vui chơi, nhà văn hóa... đặc biệt ở nơi có mật độ dân cư cao, gần khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm việc trả lương quá thấp, dưới "sàn" lương tối thiểu giờ, nhất là với lao động thời vụ trong công trường, giúp việc, pha chế... (ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH)

- Tăng cường kênh thông tin thông qua website, Facebook, Zalo để NLĐ di cư tìm việc làm phù hợp; khuyến khích tham gia hội nhóm, câu lạc bộ, nghiệp đoàn của Công đoàn VN để kết nối, giải quyết khó khăn.

Các chính sách liên quan sắp tới cần tạo điều kiện cho con em NLĐ nhập cư được học tại các trường công tại địa phương hoặc hỗ trợ học phí; chính sách thuê nhà trọ giá rẻ song song với cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp xây nhà ở xã hội...Cơ quan chuyên môn cần sửa đổi Bộ luật lao động 2019, Luật BHXH 2014 theo hướng tăng quyền lợi cho BHXH tự nguyện như bổ sung trợ cấp thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp để khuyến khích lao động di cư đóng bảo hiểm.

Ngoài ra cần chế tài, quy định cụ thể bắt buộc người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động cho NLĐ kể cả hợp đồng lao động có thời hạn một tháng; bổ sung mức đóng theo ngày/tuần/tháng cho lao động như lái xe công nghệ, người bán hàng rong, thợ cắt tóc, nhân viên gội đầu... (TS Vũ Minh Tiến, viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận