Người di cư từ Bednoland

PAVEL SELUKOV (NGA) 08/01/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Truyện ngắn dưới đây là của Pavel Selukov - một công nhân xây dựng, năm nay 35 tuổi, bắt đầu sáng tác từ năm 30 tuổi. Đầu tiên, anh viết truyện ngắn đăng trên Facebook, sau đó gom lại thành tuyển tập rồi xuất bản. Người di cư từ Bednoland vừa giành giải nhất giải thưởng văn học mang tên V. Kataev, công bố tháng 10-2021 (với giải nhất trị giá 300.000 rúp - khoảng 100 triệu đồng). Truyện nằm trong tuyển tập Tôi đã là Anna như thế nào - cuốn sách cũng lọt vào chung kết giải thưởng Sách lớn và Sách bán chạy quốc gia Nga năm 2021. Được sự cho phép của tác giả, TTCT dịch giới thiệu.

 
 Bức tranh The Believer của Michele Vargas

 Mười năm trước, trong tòa nhà máy in cũ trên đường Sibirskaya lấp lánh câu lạc bộ “Gió” nổi tiếng nhất Perm. Cũng trong đó có nhà hàng “Santa Barbara” và một câu lạc bộ tuềnh toàng hơn “Blackbar”. Đến với “Gió” là lớp trẻ vàng, những mỹ nhân hiếm gặp, các ngôi sao vãng lai và vận động viên thể thao.

Làm việc ở “Gió” lúc đó có bạn tôi là Boris với nhiệm vụ được gọi là bảo vệ nội bộ - ngồi sau bàn ở hành lang và kiểm soát cánh bảo vệ, hầu bàn và pha chế để họ đừng mang rượu vào câu lạc bộ. Cách biệt giá rượu ở cửa hàng và câu lạc bộ rất lớn: bồi bàn có thể mua một chai vodka giá ba trăm rúp và cũng đêm đó bán lại với giá ngàn rưỡi.

Boris làm việc theo lịch cách hai ngày một lần. Tôi biết trước đấy anh đã trải qua một nỗi sầu khổ nào đó kinh khủng lắm, uống nhiều rượu và hơi điên. Anh tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, hay chân lý, mà dường như không có nó, anh không thể vận dụng mình. Sau đó, anh gắn với Kitô giáo, nơi anh tìm thấy sự tha thứ mà tôi không biết để làm gì, bắt đầu đi lại khắp nơi với cuốn Kinh thánh, bỏ rượu cũng như chửi thề, mập lên và cuối cùng tìm được công việc mong đợi.

Boris kiếm việc một cách khổ sở, bởi ở tuổi hai mươi bốn của mình anh chẳng có tấm bằng nào, không hiểu từ “manager” có nghĩa gì, lại coi buôn bán là trò bẩn thỉu sao đó, bởi không thể nào hiểu được tại sao mua rẻ bán đắt lại được gọi là việc lương thiện. Sự khổ ải của Boris kéo dài đến khi anh gặp Slava, một gã lờ mờ chuyên cung cấp bảo vệ cho các quán rượu ở Perm. Tôi không hiểu tại sao, nhưng Slava đầy trách nhiệm với Boris, đưa anh ta vào làm ở một quán cà phê thời thượng trên phố Lenin.

Boris tới chỗ làm đầu tiên đó với đầu cạo trọc bằng tôngđơ. Quần tây, áo sơmi và giày nhựa mua ở một cửa hàng xã hội. Anh cũng lo lắng về những mẩn đỏ trên mặt vừa mới phát ra. Trên nền những cửa sổ kiểu Pháp, kỳ hoa dị thảo trong các thùng gỗ và nội thất châu Âu, Boris trông như một người di cư từ Bednoland (1). Và các bạn đã hiểu, anh làm ở đó chẳng được lâu. Ba tiếng sau, chủ quán cà phê xuất hiện - một cô gái chăm chút và bắt mắt, rồi một tiếng sau đó Slava đến với khuôn mặt đơ cứng ảm đạm. Anh ta gọi Boris ra một cái bàn ngoài xa, cho ngồi xuống rồi nói:

- Cô chủ sa thải cậu rồi, xin lỗi.

Boris rất lo:

- Là do quần áo, phải không?

Anh còn hỏi cô ấy nói thế nào, thẳng tuột ra thế phải không. Slava nhìn chằm chằm vào bàn và không dám nói dối:

- Cô ta nói trông cậu tởm quá. Quái đản, ngắn gọn vậy.

Một cơn run rẩy chạy qua mặt Boris và vỡ ra ở cằm. Lần đâu tiên phải đối mặt với một lý do sa thải như thế, Slava khó xử. Anh ta nhấp một ngụm cà phê và nói:

- Đừng bận tâm, Boria. Ả ta là một con khốn, hiểu chưa? Con khốn toàn tập. Bảy trăm rúp một ca, phải dâng Brad Pitt cho ả chắc? Cậu là một tay bình thường. Cậu đừng nghĩ...

Boris lấy từ túi ra cuốn sổ tay nhỏ và mẩu bút chì, lật sổ và nhìn Slava:

- Nói tôi nghe, cô ấy tên gì?

Slava cảnh giác:

- Cậu biết làm chi?

Boris đưa mắt vào cuốn sổ:

- Đây là tờ cầu nguyện của tôi. Tôi sẽ cầu nguyện cho cô ấy.

Slava im một hồi, cố tiêu hóa:

- Cậu là Kitô hữu à?

- Phải.

- Thôi được. Cậu biết đó... Olga Eremina.

Boris ghi vào sổ rồi chìa tay cho Slava:

- Cảm ơn anh đã cố giúp tôi.

Slava không chìa tay lại.

- Khoan đã! Hay tôi đưa cậu vào “Gió” làm? Tôi quen tay giám đốc. Hả? Ngồi đây đi, tôi gọi điện liền.

Slava bật dậy chạy ra đường gọi điện. Ngay hôm đó, Boris được nhận làm bảo vệ nội bộ cho câu lạc bộ “Gió”. Giám đốc Mikhail Lvovich nhìn anh rồi ra lệnh sáng mai chín giờ vào ca.

Phải nói là Boris không thích quảng bá tôn giáo của mình. Thí dụ, trong ca làm đầu tiên anh không hỏi ai có thể cầu nguyện ở đâu tại đây nhưng tự tìm ra được phòng điều khiển điện và quỳ ở đó vào giờ ăn trưa. Boris luôn quỳ khi cầu nguyện, bởi trong Phúc âm có ghi: “Vào phòng, đóng cửa và quỳ xuống”, ngay cả khi phòng không phải là phòng và cửa không phải là cửa.

Andrei, người làm ca trước, giới thiệu bố trí của câu lạc bộ và các nhiệm vụ cho Boris. Hơi kích động vì thiếu ngủ và vui sướng vì cái iPhone mới, thứ ba, vừa mua góp được, Andrei không buông nó khỏi tay, dùng ngón cái vuốt ve màn hình và chỉ thỉnh thoảng nhăn mặt khi nhớ lại khoản lương mười hai nghìn và việc trả góp hằng tháng, nhưng ngày trả tiền còn xa, còn cái iPhone sưởi ấm bàn tay nên Andrei không bận tâm.

Trạm gác ở tầng một - một cái ghế, bàn và sổ kiểm tra, xa hơn là cầu thang xoắn dẫn lên tầng hai, “Santa Barbara”, phòng điều khiển điện, nhà vệ sinh, và “Gió”. Nhiệm vụ chính và gần như duy nhất của người trực gác là kiểm tra nhân sự trước và sau khi tan ca.

Dần dần Boris nhập vào đời sống của câu lạc bộ. Anh làm quen với trưởng bộ phận Fira Sergeyevna, người cho anh ăn những bữa trưa ngon lành và thậm chí món ngon vật lạ kiểu như gazpacho. Fira Sergeyevna là một phụ nữ bốn mươi lăm tuổi vui vẻ, với đôi tay tròn trịa và nụ cười ấm áp.

Anh cũng làm quen với cánh bảo vệ đêm, nói đúng hơn là những người giữ trật tự - những gã phong độ, lực lưỡng, chỉ đến câu lạc bộ vào các đêm thứ sáu và thứ bảy. Đặc biệt nổi bật trong số đó là Oleg và Misha. Oleg từng phục vụ trong Quân đoàn nước ngoài, trông giống một ghềnh đá, bình thản và lãnh đạm, bạn không thể dịch chuyển và không cách nào vượt qua. Misha có vỏ bọc của một bậc thầy thể thao quyền anh, hau háu nhìn các cô gái nhảy.

Nổi bật trong số họ là Zhanna - cô gái tóc nâu da ngăm đen, tự tin và rực rỡ như bước ra từ phim. Boris còn làm quen với cô hầu bàn Alena. Hai mươi tuổi, tóc đỏ, nhẹ nhõm, cô học nghề diễn viên ở đại học văn hóa, còn ở đây cô làm bán thời gian. Nói chung, Boris không phải kiểu làm bạn với tất cả, đầu tiên anh chỉ đơn giản tìm hiểu xem ai tên gì, không gạ gẫm bắt chuyện, nhưng chào hỏi tất cả, cười thân thiện và say sưa đọc sách.

Ngay trong ca làm việc đầu tiên, Boris đã xin phép Mikhail Lvovich được đọc sách ở chỗ làm. Mikhail Lvovich vừa đi vừa gật rồi chạy đi đâu đó, ông ta luôn chạy đi đâu đó, thật là một người nhanh nhẹn. Boris mang tới chỗ làm ba cuốn sách: Kinh thánh, Thằng ngốc của Dostoyevsky và Aurora của Jakob Böhme. Anh ta cũng đem theo một cuốn tập dày, nơi anh ta viết xuống những câu thơ và cụm từ để suy ngẫm tiếp. Người đầu tiên nhận thấy việc sưu tầm trước tác này là Fira Sergeyevna. Bà không nói gì, chỉ thường từ bếp liếc nhìn vào các ca làm của Boris như để kiểm tra xem anh ta có đang đọc hay không? Boris đang đọc. Mọi người chú mục vào anh ta.

Chẳng bao lâu việc say sưa đọc sách, sự xa cách của anh, việc anh ta là ai đó không phải như “người mình” mọi người đều nhận ra. Những lời đồn đại và xì xào lan truyền khắp câu lạc bộ. Người theo giáo phái Nhân chứng Jehova, tín đồ cựu giáo, tín đồ Tin Lành, kẻ chập mạch. Bỗng nhiên Boris làm mọi người khó chịu bởi chính sự hiện diện của mình. Anh không nghe nhạc, không chơi điện thoại, không rủa xả sếp vì lương thấp, không hút thuốc, luôn lịch sự, cảnh giác và bình lặng đến mức phát ngấy. Những cô gái nhảy, mà tất cả dân tình nam giới của câu lạc bộ đều bị hút vào, gán cho Boris là đồng tính bởi anh ta là người duy nhất không nhìn họ chòng chọc và các cô thấy điều đó dễ chịu. Thế nhưng cậu bartender là gay lại bác bỏ giả thuyết của họ, những chuyện như vậy giới đồng tính luôn cảm nhận chính xác. Khi đó, mọi người đồng thanh coi anh ta thuộc những người vô tính bí ẩn.

Những tay giữ trật tự cũng không ưa anh ta. Họ vào chốt gác để sưởi ấm và nói chuyện tiếu lâm về rượu chè, gái gú mà Boris không một lần cười. Họ thử đãi anh ta whisky tịch thu được ở lối vào, nhưng việc đãi đằng cũng không thành công. Trong giới họ, Boris bị cho là kiêu ngạo.

Thế nhưng căm anh ta nhất là đám pha chế và bồi bàn. Boris thẳng thừng từ chối tham gia vào âm mưu bán vodka cửa hàng, nhưng cũng không tâu rỗi lên sếp, nên anh ta khét tiếng như một kẻ vứt đi nhưng cao thượng. Sau một tháng, cả câu lạc bộ đã quen với việc mang bất cứ thứ gì trong ca làm của Boris là vô ích. “Thứ sáu, ai? Ối, chết tiệt, lại cái tượng thờ đó! Thôi được, thứ bảy nhé”. Đến tháng hai, người bảo vệ mới đã biến thành hiện tượng thiên nhiên như mưa hoặc băng.

Một ngày nọ, đầu bếp của “Santa Barbara” và Fira Sergeyevna chuẩn bị lên đường tham dự một cuộc thi ẩm thực quan trọng. Như mọi khi, Boris đang ngồi sau bàn và ghi ra gì đó. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong, FiraSergeyevna đến bên anh và khẽ nói:

- Hãy cầu nguyện cho chúng tôi thành công.

Boris gật đầu, bỏ vào phòng điều khiển cầu nguyện. Fira Sergeyevna trở về, vui mừng vì chiến thắng. Tôi không gán thắng lợi đó cho lời cầu nguyện của Boris, tôi gắn nó với tài nghệ của các đầu bếp, nhưng Fira Sergeyevna coi đó như công của Boris, gọi điện cho cả câu lạc bộ và nói “đấy, nhờ cậu ta cầu nguyện”.

Tối thứ sáu, Zhanna theo cầu thang xoắn đi xuống trong chiếc đầm ngắn mỏng tang, ngang qua bàn và luồn ra phố hút thuốc. Boris đã nhiều lần dũng cảm dõi theo bức tranh này. Nhưng lần này anh cầm cái áo khoác ấm, được phát cho đám trực gác vào mùa đông, bước theo Zhanna rồi phủ ấm cho cô. 

 “Không phải mới, mà là tươi mát. Có một tiêu chí như vậy, không thể thốt ra được, không thể định hình - chỉ là một cảm nhận, một xúc cảm, có thể được mô tả bằng cách nào đó. Nó “thoáng qua”, nó hình thành từ thực tế là câu chuyện không nhàm chán... Nó không chỉ thể hiện ở cấp độ của câu, nó thể hiện ở cấp độ của các từ và sự gắn kết của chúng. Bạn không còn thấy từ, mặc dù từ rất quan trọng, mà bạn thấy hình ảnh” 

Thành viên ban giám khảo, nhà văn Tatyana Tolstaya, giải thích tiêu chí chính để đánh giá các truyện ngắn dự thi là “sự tươi mát” của câu chuyện. (theo TASS)

Zhanna nhướng mày:

- Dễ thương ghê. Cảm ơn.

- Không có chi.

Boris quay vào, nhưng Zhanna đã nắm tay anh ta.

- Đứng đây với tôi. Anh lạnh không?

- Lạnh, nhưng tôi sẽ đứng.

- Từ lâu tôi muốn hỏi... Anh bao nhiêu tuổi?

- Hai mươi bốn.

- Mà trông như năm mươi.

Boris im một lúc, không thấy câu hỏi trong bày tỏ đó. Zhana dập tàn thuốc.

- Anh ở giáo phái nào?

- Tôi không thuộc giáo phái. Tôi chỉ đọc Kinh thánh.

Zhanna vòng tay qua cổ Boris:

- Nói thật đi, anh có thích tôi không?

Boris nhìn vào mắt cô:

- Tôi yêu cô.

- Cái gì?! Anh khùng thật rồi!

Zhanna cười phá lên rồi bỏ vào câu lạc bộ. Boris quay vào tiếp tục đọc. Anh ta đang quan tâm tới sự tự mâu thuẫn của thuyết Calvin và học thuyết Arminius, nhưng tôi không hiểu chuyện này nên chúng ta quên đi nhé.

Vào ca làm cuối tuần tiếp theo, gần hai giờ sáng, tay lính quân đoàn Oleg chạy vào chỗ trực để sưởi ấm. Anh ta lấy từ trong túi ra chai whisky đã mở, nhấp một ngụm rồi giấu vào túi và hỏi:

- Tôi mới chở đồ đạc cho nhà trẻ mồ côi, vậy cậu nghĩ tôi có được lên thiên đàng không?

- Vì nhờ ân điển mà anh em được cứu bằng đức tin, và điều này không phải do anh em mà ân sủng của Chúa trời, không phải để nhận tưởng thưởng, để không ai có thể khoe khoang.

- Cái gì vậy?

- Thư của Ignatius gửi người Ephesians, chương hai, câu tám.

- Chà, cậu là quái vật, tên mọt sách! Viết ra cho tôi!

Boris xé giấy từ cuốn tập, viết ra rồi đưa cho Oleg. Gã cầm lấy, mỉm cười, mấp máy môi rồi bỏ đi.

Chẳng bao lâu, Boris lại có những người đối thoại khác. Người ta tấp vào Boris như sóng dạt vào bờ. Một đêm nọ, tay võ sĩ quyền anh Misha đợi cho đến khi chỉ còn lại hai người, thốt lên:

- Mẹ tôi là điếm, nhưng bà là một vị thánh!

Misha căng người. Boris nhìn anh ta một lúc rồi gật đầu. Misha “đứng hình”, chôn chân chốc lát rồi bỏ đi. Sau đó, anh ta thường đến cùng chiếc ghế của mình, ngồi cách đó không xa và bóp cái giãn tay.

Boris tồn tại với tư cách một hiện tượng thiên nhiên thần thánh kỳ quái, rặt Nga và không thể gặp được ở các nước khác cho đến mùa xuân. Vào mùa xuân, mà đó là hồi tháng tư, cô hầu bàn Alena chạy đến bàn anh ta. Mắt cô ngấn lệ. Cô độp thẳng:

- Dạy tôi tin đi.

- Để làm gì?

- Tôi muốn tin vào gì đó. Trước đây tôi đã từng tin sẽ trở thành diễn viên, nhưng giờ hết tin rồi.

- Tại sao?

- Tôi bị thầy rủa thậm tệ... Tôi có một tiểu phẩm... Cái công việc này... thật ngu ngốc! Tôi ghét hết tất thảy! Còn anh đây! Ngồi như đá! Có dạy không?

- Lòng tin là làm những gì mong đợi và tin tưởng vào vô hình. Có gì để dạy?

- Đúng, đúng, chuyện đó hiểu rồi! Nghe này, thầy nói với tôi...

Boris lắng nghe, anh lắng nghe tất cả, đôi khi khuyên lơn gì đó nhưng rất thận trọng và thường lắng nghe nhiều hơn.

Vào tháng năm, anh ta và Alena đi ăn tối ở “Viva - Buffet”, nơi mọi người thường tụ tập sau khi rời câu lạc bộ. Alena lại bám theo Boris với Kinh thánh. Boris lấy cuốn sách từ balô ra.

- Tôi sẽ cầu nguyện, nếu cô không phản đối.

Alena lắc đầu như bị bỏ bùa. Boris chống khuỷu tay lên bàn, đan các ngón tay vào nhau, nhắm mắt và đọc “Kinh lạy cha”, không lớn giọng nhưng cũng không hạ giọng, bất chấp vô số người chung quanh để ý. Khi anh mở mắt, Alena ngồi với đôi má ửng đỏ, lấy tay che mắt. Boris hỏi:

- Chuyện gì vậy?

- Tôi không biết, mắc cỡ. Ai cũng nhìn.

- Thì sao? Cứ để họ nhìn. Tôi đâu làm chuyện gì xấu hổ.

- Sao anh không hiểu vậy?

- Cô không hiểu thì có.

- Tôi không hiểu gì?

Boris muốn nói với Alena nhiều lắm: xấu hổ khi phê amphetamin nhảy múa trên sàn, xấu hổ khi làm tình với đàn bà bằng mắt, xấu hổ khi say xỉn và nôn mửa, xấu hổ khi biến mình thành thứ đồ tình dục, xấu hổ vì không xấu hổ, chứ cầu nguyện thì không xấu hổ. Nhưng anh nhớ ra đúng lúc, đó không phải là nỗi xấu hổ của cô, mà là của anh, bèn cất cuốn Kinh thánh đi. Họ thân thiện ăn rồi ai về nhà nấy.

Mùa hè câu lạc bộ đóng cửa để sửa chữa, và Boris ra đi. Tôi nghĩ nhiều về anh, đọc Kinh thánh, và sáng hôm qua tôi tình cờ gặp anh ở trạm xe.

Tôi hỏi anh - này giáo sĩ, tại sao mọi việc chung quanh anh luôn như thế? Và anh đáp - không thể che giấu một thành phố đứng trên đỉnh núi, và khi thắp nến, họ không đặt nó dưới gầm giường mà đặt trên cao để soi sáng cho mọi người. Tôi hỏi anh - này giáo sĩ, anh phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp nào khiến anh trở thành như thế? Và anh đáp - nếu tôi nói với cô, cô sẽ ganh tị và thương xót, mà đó là tội lỗi.

Tôi hỏi anh - này giáo sĩ, tại sao không thể nói, dạy, thuyết giảng, mà chỉ có thể chỉ ra và biểu lộ? Và anh đáp - bởi người nói thì không biết, và người biết thì không nói.

Tôi hỏi anh - này giáo sĩ, tôi biết kết thúc câu chuyện này thế nào đây? Và anh đáp - không gì có thể kết thúc, Zhanna, không có cái chết.

(1): Bednoland - tác giả chơi chữ, với “bedno” từ tính từ tiếng Nga “bednyi” có nghĩa là nghèo khó, và “land” - vùng đất, miền (mượn từ tiếng Anh như trong Disneyland).

Phan Xuân Loan dịch 

 
 Pavel Selukov tại lễ trao giải thưởng văn học Kataev tháng 10-2021. -Ảnh: godliteratury.ru

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận