"Người đàn bà thất lạc" gặp may

TTCT - Được sự tài trợ của Music fan company ở Việt Nam, Nhà hát Pan Asian và Hội Sinh viên du học tại Mỹ, từ ngày 26-3 đến 26-4-2008, vở kịch Người đàn bà thất lạc của đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã diễn 12 suất tại New York, Mỹ.

Phóng to
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc (giữa)... và các nghệ sĩ - diễn viên giao lưu cùng khán giả Việt kiều sau đêm diễn

Tham gia vở kịch của Minh Ngọc có nghệ sĩ Thành Lộc, hai nghệ sĩ cải lương Ngọc Đáng, Mỹ Hằng, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, cùng hai diễn viên Việt kiều Mỹ Thục Hạnh và Leon Le. Người đàn bà thất lạc là vở kịch Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Mỹ, diễn cho khán giả Mỹ xem.

Người đàn bà thất lạc là một vở kịch nói được chính chị dàn dựng theo hình thức nghệ thuật sân khấu đương đại, mang tính thử nghiệm, có đưa vào hát bội, cải lương. Nội dung là một câu chuyện kể về một đôi vợ chồng nghệ sĩ, người vợ rời khỏi ngôi nhà tưởng như rất hạnh phúc của hai vợ chồng. Người chồng thương nhớ vợ, ngày trò chuyện trong tâm tưởng với những người phụ nữ tiêu biểu trong lịch sử, truyền thuyết, văn học xa xưa như Bà Trưng, Hồ Nguyệt Cô, thiếu phụ Nam Xương, Kiều Nguyệt Nga... để tìm nguyên nhân ra đi của vợ. Các đêm diễn vở kịch đã thành công tốt đẹp tại New York. Nguyễn Thị Minh Ngọc đã gửi về cho TTCT bài ghi nhận.

Khi ngồi ghi lại những cảm xúc của mình lẫn khán giả sau 12 suất diễn vở Người đàn bà thất lạc ở New York, tôi mới thấy công việc này khó khăn với mình biết bao. Con đẻ ra ai mà không thương, nhất là với đứa con “đẻ khó” như vở này, tôi e rằng mình sẽ chỉ ghi lại những xúc cảm tích cực về nó mà không ghi lại những khó khăn đã gặp.

May mắn đầu tiên là quen được Tisa Chang, giám đốc Trung tâm sân khấu liên Á. Khi vở diễn đi được nửa chặng đường, tôi đọc được một bài báo đăng trên The Epoch Times và đưa lên Broadwayworld.com ca ngợi Tisa là “người đàn bà tìm được” vì đã giới thiệu được một tác phẩm độc đáo về bình đẳng giới của sân khấu Việt Nam. Ai cũng thấy đây là một cách chơi chữ. Nếu người đàn bà đồng nghiệp ấy không cố công tìm cho ra một tác phẩm sân khấu Việt Nam để giới thiệu cho công chúng Mỹ như bà đã giới thiệu các vở diễn của Hàn, Trung, Tây Tạng, Nhật... thì vở này cũng rất khó có cơ hội chường mặt ở New York.

Trước tôi, khi nữ đạo diễn Phạm Thị Thành đến New York, bà Tisa cũng đã có những trao đổi để mong thực hiện được chuyện này nhưng trở ngại về tài chính, phải tự lo vé cho nhóm nghệ sĩ sang đây cũng như tự lo lấy chỗ ở trong suốt thời gian biểu diễn vẫn là một trở ngại khó thể vượt qua.

Tisa luôn nhắc với mọi người việc bà và tôi đã âm thầm chuẩn bị cho giấc mơ này trong mấy năm ròng rã. Có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng trong việc xin tài trợ, tôi đã tính với các diễn viên là chúng ta sẽ tự túc lấy tiền vé, nhận thù lao tác giả, đạo diễn và diễn viên để bù vào, còn chuyện ở thì ở tạm nhà của bạn bè tôi.

May mắn thứ nhì phải kể đến việc được Công ty Bạn Yêu Nhạc (MFC), một công ty tư nhân, góp tay vào tài trợ ba cái vé cho ba diễn viên và Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Mỹ lo chỗ ở cho hơn mười người trong 12 ngày, gia đình designer La Thanh Thảo - cô bạn thời đại học Huế của tôi - đã cưu mang cả đoàn trong năm ngày đầu khi chưa có khách sạn.

May mắn kế là sau bao nhiêu lần từ chối lời mời của các đạo diễn Mỹ lẫn bạn bè Việt sang biểu diễn tại Mỹ, Thành Lộc đã nhận lời tham gia vở này với chúng tôi. Không thể về Việt Nam trong tháng ba, tôi còn đề nghị Lộc lãnh đạo diễn vở để tập cho nhóm nghệ sĩ ở Việt Nam nhưng Lộc không nhận.

Tuy vậy, phải ghi một điểm son lớn cho Lộc trong ý tưởng đề nghị cho Hồ Nguyệt Cô nhập hồn vào người chồng. Cũng những lời thoại ấy nhưng phong cách tâm linh đậm nét hơn đã nâng thêm một tầng ý nghĩa cho vở: anh chỉ có thể cảm nhận sâu sắc nỗi đau của người đầu ấp tay gối cùng anh nếu anh sống trong chính cuộc sống của họ, đau chính cái đau của họ.

Không chỉ có Lộc, mỗi thành viên góp tay vào sản phẩm này đều đã làm việc cật lực hơn cả sức mình. Có những ngày ráp âm thanh và ánh sáng, chúng tôi phải làm đến 13 giờ trong ngày. Thục Hạnh vẫn giữ thói quen làm việc riêng với tôi bằng điện thoại vào 11 giờ đêm sau khi đã lo hết mọi chuyện nhà cho cha, chồng và hai con nhỏ. Leon Le thì có bữa xin vào trễ một tiếng vì cậu phải thức đến 4 giờ sáng để làm những đạo cụ cho các bạn diễn từ Việt Nam sang và chỉnh lại trang trí của toàn vở để thích ứng với sân khấu của nhà hát West End 86 W Street.

Những nỗ lực của chúng tôi đã có những đáp trả đáng kể từ khán giả. Từ suất đầu tiên đến suất cuối, đa số khán giả đều lần khân ở lại chưa muốn về ngay. Pan Asian đã có hợp đồng riêng bốn suất với các trường học tại New York và còn cẩn thận mời thêm chuyên gia đến nói chuyện thêm về nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam. Đó là giáo sư Rosalind C. Morris, chuyên về nhân chủng học tại Đại học Columbia. Ngay suất đầu tiên, ông bà mục sư Charles Monaco, chuyên trách về âm nhạc của ngôi nhà thờ West End 86 W Street, cho biết sẽ vận động tất cả bạn bè, đạo hữu của mình thu xếp để đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế của tâm hồn phụ nữ Việt Nam.

Thu Trang - chuyên viên xã hội, cô gái quen nhau từ những ngày ở nhà mở Thảo Đàn - đã cho biết một thông tin thú vị là những vở kịch gần đây của sân khấu off-Broadway cũng khai thác vấn đề tương tự. Công việc căng thẳng khiến những người đàn ông đành để vợ tìm nguồn an ủi nơi những cô gái khác, từ quan hệ bình thường chuyển sang đồng tính là chuyện đương nhiên; riêng bản thân các ông dù được các cô thư ký trẻ cố lấp vào chỗ trống cũng không còn đủ “bản lĩnh đàn ông” để chiều chuộng các cô. Đó là lý do khiến có nhiều phát biểu cho rằng vở kịch đương đại này của Việt Nam đã nêu được vấn đề không chỉ riêng của một dân tộc mà còn là của toàn cầu.

Trong 12 suất diễn, chúng tôi chọn đêm mồng bảy tháng tư là đêm khai mạc.

Theo luật của sân khấu tại New York, báo chí chỉ được quyền chê khen sau đêm đó. Đêm đó, chúng tôi ngập trong hoa và những lời chúc tụng. Những người bạn Việt Nam của tôi có mặt trong đêm đó cũng thấy ấm lòng trước những lời khen tặng trên cả mong đợi của những nhà tài trợ phía Mỹ và các bạn đồng nghiệp của sân khấu Mỹ.

Tôi nói với Tisa Chang: “Chúng ta gặp may”.

Tisa nói: “Phải nói là cá nhân tôi gặp may, vì đã được làm việc với các bạn, những nhân vật tinh hoa của sân khấu Việt Nam”.

Thành Lộc kêu tôi, nói riêng trong đêm khai mạc: “Chị có biết là vở diễn thành công lắm không? Bao nhiêu người Mỹ đến gặp Lộc để bày tỏ cảm xúc đó”.

Tôi biết, và tôi cũng biết rằng trong thành công đó công của Lộc cùng bạn bè đóng góp vào rất lớn. Vở diễn kỳ này so với vở đã diễn ở Manila, Philippines và phát sóng trên truyền hình đã có một bước tiến khá xa dù giữ lời hứa với hội đồng duyệt, chúng tôi gần như không chỉnh sửa kịch bản nhiều, chỉ khác mỗi đoạn Hồ Nguyệt Cô nhập hồn vào người chồng và cắt gọn hơn khúc Hồ Xuân Hương, dù chen thêm tiếng Anh vào cũng chỉ hơn 60 phút một chút.

Một gia đình vốn là fan của Thành Lộc được tin muộn, cả nhà năm người phải khó khăn kiếm vé máy bay vào giờ chót để từ Texas lên New York xem. Trong đó mấy cậu bé rành tiếng Anh hơn tiếng Việt cho biết thích nhất là vai đa sắc của Thành Lộc khi được Hồ Nguyệt Cô nhập hồn rồi thoắt làm người, thoắt hóa thú, thoắt đàn ông, thoắt mỹ nhân. Các cậu cũng thú vị với tích Nam Xương vì đã được ông nội viết sách về những câu chuyện dân gian bằng tiếng Việt cho học từ nhỏ.

Diễm Tú, mẹ các cậu, thì bất ngờ khi trong vở có cả Hồ Xuân Hương. Ba các cậu là một kỹ sư nhưng vẫn mày mò tìm cách dịch Kiều sang tiếng Anh. Tú cho biết vừa thấy cây đàn bầu và đàn tranh bày ở một góc sân khấu là cả nhà đã thích mê đi rồi vì ở Mỹ ít khi nào được thấy nhạc cụ đệm sống theo trong các vở kịch như vậy, dĩ nhiên là trừ các vở nhạc kịch.

Bạn Phạm Quốc Lộc lái xe từ Boston sang coi đêm trước đó thì lại ước rằng phải có guitar phím lõm đệm vào mới đủ làm nền cho tiếng hát Mỹ Hằng cùng nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đáng.

Phải nói là nơi đất khách, bên cạnh những khán giả Mỹ, có được khán giả Việt nào đến và ở lại lưu luyến với anh em đều gây trong tôi một cảm giác tri ân, từ nhóm bạn trẻ của Tuấn lái xe từ Washington D.C bảy người sang coi đến cô Đào - người định cư ở New York từ ngày tôi chưa sinh ra, cùng các bạn của cô trong đó có cô Minh Châu - người giữ nhiều tranh Việt xưa, nhà thơ Lê Thị Hàn - tác giả cuốn New York, New York, nhóm bạn của cô chuyên viên tài chính Thanh Trúc, designer Thân Thanh Hà, các bạn trẻ Bảo Hòa, Duy Võ, Minh Tú, cô du học sinh từ Berlin sang rủ rê “chị ơi cố mang vở này sang Đức nhé”, Dick Hughes tức Nguyễn Văn Đức - anh diễn viên Broadway trong những năm chiến tranh đã lăn lóc khu Phạm Ngũ Lão để phát sinh hai chữ “bụi đời” mà đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã dùng đặt tựa phim.

Trong những ý kiến thú vị, phần lớn là khen ngợi, thi thoảng cũng có những cảm nhận trái chiều nhau, nhưng chỉ là những góp ý chân tình để rút kinh nghiệm cho tác phẩm sắp tới tốt hơn, nếu có.

Suất diễn áp cuối, Thành Lộc mới nhẹ nhàng thông báo cho tôi biết mãi đến hôm nay vết thương của anh mới chính thức giảm đau, đó là chấn thương Lộc mang trong buổi tập đầu tiên mà những cuộc hẹn với bác sĩ sau đó đều không thành vì Lộc không còn giờ rảnh.

Chị Kiều Chinh vừa gọi cho tôi để đặt vé cho các bạn Mỹ xem một vở kịch Việt, mới hay đoàn vừa rời New York.

Khi chia tay tôi, ai cũng hỏi một câu: Bao giờ bạn trở lại với một tác phẩm mới?

Một mình tôi không thể trả lời câu hỏi này của khán giả, bạn bè ái mộ tại New York.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận