Người Ấn mua vũ khí như thế nào?

HỮU NGHỊ 18/04/2013 21:04 GMT+7

TTCT - Trong quá khứ gần, Ấn Độ đã vài lần giao chiến với Trung Quốc và Pakistan trên hai mặt trận khác nhau.

Việc hai láng giềng này vẫn đang “mặn mòi” với nhau nên Ấn Độ phải mua sắm vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau hầu tránh sử dụng cùng loại vũ khí với đối phương trên mỗi mặt trận, đồng thời giảm được sự thao túng của nguồn cung cấp khi bốn chữ “đối tác chiến lược” cũng mang nhiều cấp độ.

Phóng to
Máy bay Rafale của Pháp đang trong tầm ngắm của không quân Ấn Độ - Ảnh: defenceforumindia.com

Trong chiến tranh, nguyên tắc cơ bản là tránh sử dụng cùng loại vũ khí hầu tránh lẫn lộn với đối phương, trừ phi để trà trộn đánh úp đối phương. Mỗi trường phái vũ khí có những đặc điểm nhận dạng khác nhau, tỉ như súng AK của Nga, Trung Quốc nổ “chóc, chóc”, còn súng M16 của Mỹ thì nổ “đùng đùng”, nhắm mắt cũng phân biệt được bạn hay thù.

Máy bay, tàu chiến, tàu ngầm… cũng thế, với những bí quyết đặc thù của từng loại mà người sử dụng, vận hành không dễ gì khám phá được ngay trong một thời gian ngắn, mà nếu đối phương có kinh nghiệm sử dụng “dày” hơn, coi như “bí mật” đã trong tay địch!

Tránh "đụng hàng"

Một yếu tố khác khiến Ấn Độ thích mua vũ khí Israel là do Israel không “xét nét” khách hàng của mình trong các lĩnh vực chính trị mà Mỹ vốn thường “áp” các tiêu chuẩn như “dân chủ, nhân quyền” khi cần cứng rắn với một nước nào đó, hoặc vì những lý do “lợi ích chính trị” khác như với Pakistan.

Đa đạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, đó là điều Ấn Độ luôn nhận thức. Đơn giản vì từ khi độc lập vào năm 1947, do những trao trả lãnh thổ “kỳ quái” của thực dân Anh, Ấn Độ và Pakistan rơi vào mấy cuộc chiến tranh giành lãnh thổ: lần thứ nhất vào năm 1947-1948, lần thứ nhì năm 1965, lần thứ ba năm 1971, lần cuối cùng quy mô nhỏ hơn là năm 1999. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng một lần xung đột biên giới với Trung Quốc năm 1962.

Trước hai đối thủ có những nguồn trang bị vũ khí khác nhau, Pakistan chủ yếu vừa của Mỹ vừa của Trung Quốc, còn Trung Quốc thì chủ yếu của Nga (và sau này là hàng nội địa), Ấn Độ phải nhập khẩu từ nhiều nguồn để có thể phân bố vũ khí với từng đối thủ trên từng mặt trận.

Cho đến thập niên 1980, Ấn Độ hầu như chỉ mua vũ khí của Liên Xô (cũ). Đến năm 1982, Liên Xô vẫn còn là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho New Delhi. Hiện nay cũng thế. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó Ấn Độ đã mở cửa nhập khẩu vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau, đáp ứng sát sao hơn nhu cầu của mình. Năm 1979, Ấn Độ mua máy bay chiến đấu Jaguar của Anh và mua cả bản quyền lắp ráp, mua tàu ngầm của Tây Đức và thương thuyết mua báy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp. Các hợp đồng mua bán với phương Tây được giải thích là “phản ánh ý muốn bớt lệ thuộc vào Liên Xô của Chính phủ Ấn Độ”.

Ý muốn này bắt đầu thể hiện từ năm 1979, khi bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ lúc đó là C. Subramaniam, trong bài diễn văn đọc tại Học viện Quốc phòng Ấn Độ, lên tiếng nêu vấn đề “quân lực Ấn cần tăng tính cơ động và hỏa lực của mình trước Trung Quốc và Pakistan. Điều đó có nghĩa sẽ có một sự thay đổi thế hệ vũ khí”. Năm 1982, Carol Honsa cũng ghi nhận trên tờ Christian Science Monitor rằng trong lĩnh vực vũ khí, “Thủ tướng Indira Gandhi thường xuyên nhắc nhở rằng Ấn Độ không nên thân Liên Xô hay thân Mỹ, mà chỉ thân Ấn Độ mà thôi” (1). Từ đó, Ấn Độ nhập khẩu vũ khí từ nhiều nguồn.

Không quân Ấn, chẳng hạn, sử dụng máy bay Jaguar của Anh, Mirage 2000 của Pháp, Mig-21, Mig-27 và sau này là Mig-29 cùng Su-30 MK1 của Nga để đối phó với F-16 của Pakistan. Tuy mở cửa ra mọi hướng song Ấn Độ vẫn không mua máy bay chiến đấu của Mỹ. Lý do đơn giản là Pakistan đang sử dụng F-16 của Mỹ: bổ sung cho 26 chiếc F-16 mua từ những năm 1980, tháng 2 năm ngoái Pakistan nhận thêm 18 chiếc F-16 đời mới.

Điều đó buộc Ấn Độ gạch tên Mỹ ra khỏi danh sách các nhà cung ứng tiềm năng cho đơn đặt hàng lên đến 126 chiến đấu cơ đời mới, thay thế các chiếc Jaguar và Mirage 2000 đã lỗi thời, cho dù từ năm 2008 đến nay, theo những trách cứ của Pakistan, Mỹ đã bắt đầu cung cấp kỹ thuật hạt nhân cho Ấn Độ (2).

Tất nhiên không chỉ Mỹ mới bán vũ khí, trong đó có máy bay chiến đấu, cho Pakistan. Nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Pakistan, đối thủ kịch liệt của Ấn từ năm 1947, lại chính là Trung Quốc, một đối thủ khác từng giáng cho Ấn một cuộc chiến bại năm 1962. Ngày nay, vũ khí Trung Quốc bán cho Pakistan chiếm đến 55% trị giá vũ khí xuất khẩu năm ngoái của Trung Quốc, gồm từ máy bay chiến đấu đến tàu ngầm và tuần dương hạm… Trung Quốc còn sẽ bán tối đa vũ khí cho Pakistan, phần vì lý do Ấn Độ là đối thủ chung của hai nước này, mà còn để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở Pakistan.

Từ sau vụ 11-9-2001 và sau khi chiến tranh Afghanistan “thối rữa” lan sang Pakistan trở thành cuộc chiến Afghanistan - Pakistan, Mỹ đã cố “kềm giữ” Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố của mình. Thành ra, không lấy làm lạ có tác giả cho rằng nhờ Pakistan mà nay Trung Quốc ngoi lên vị trí thứ năm trên thị trường vũ khí quốc tế (3).

Ngày nay, tuy Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất do truyền thống (đến 60%), song không vì thế mà Ấn Độ không tìm đến các nhà cung cấp khác. Gần đây, Israel đề nghị bán cho Ấn Độ hệ thống phòng thủ tên lửa “Mái vòm sắt” vốn là “bảo bối” của Israel chống nguy cơ tên lửa từ dải Gaza hay Syria hoặc Iran... Một rao bán như thế là hấp dẫn khi Ấn Độ và Trung Quốc đang sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga cùng các hệ thống tên lửa phòng không đời cũ hơn.

Đối tác chiến lược cũng dăm bảy đường!

Một lý do khiến Ấn Độ mua thêm nhiều vũ khí của Israel là do họ không hoan hỉ gì lắm việc Nga cũng bán chừng đó vũ khí cho Trung Quốc, thậm chí còn nhiều hơn, như hợp đồng máy bay Su-35 và tàu ngầm Lada ký kết trước chuyến thăm Nga mới đây của ông Tập Cận Bình.

Cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga Lưu Cổ Xương bình luận rằng chuyến thăm này chứng tỏ rằng quan hệ Nga - Trung là quan hệ đối tác chiến lược và cực kỳ quan trọng cho cả hai nước... Trung Quốc và Nga là những đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất (4).

Biết sao bây giờ khi chính thông tấn xã Nga Novosti cũng tự nhận xét: “Nga đã thay đổi hoàn toàn mô hình xuất khẩu vũ khí. Thay vì sử dụng vũ khí như là phương tiện đảm bảo cân bằng quân sự và chính trị trong thế giới thứ ba, nay Nga xem buôn bán vũ khí như một thương vụ”.

Ngoài ra, Ấn Độ hướng đến Israel nhiều hơn là do giá phụ tùng vũ khí của Nga đã tăng hơn 300%, khiến mua sắm hàng Nga thì dễ, song bảo dưỡng lại khó. Với 10 tỉ USD vũ khí bán cho Ấn Độ chỉ từ năm 1997 đến nay, so với 35 tỉ USD vũ khí Nga bán cho Ấn Độ từ thập niên 1960, theo một số nhà phân tích, Israel sẽ có thể qua mặt Nga để giành lấy vị trí nhà cung cấp quốc phòng số 1 cho Ấn Độ.

Các lĩnh vực mà Tel Aviv có thể hợp tác với New Delhi bao gồm tên lửa phóng từ tàu ngầm, hệ thống vệ tinh mini cảnh giới, đạn dược điều khiển bằng tia laser, nâng cấp các hệ thống vũ khí thời Liên Xô và Nga…

Đặc biệt là hệ thống bộ cảm ứng của Israel mà Ấn Độ sử dụng dọc suốt 2.912 dặm biên giới chung với Pakistan nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập đột kích qua biên giới. Những bức tường rào điện tử mà Israel dựng lên để ngăn các khu định cư của người Do Thái với người Palestine đã là những bãi thử nghiệm cải tiến hiệu năng của hệ thống cảm ứng này.

Sử dụng cảm ứng thay thế các toán lính tuần tra đi bộ đã là xu hướng phòng thủ hiện đại ngày nay. Tại Singapore Air Show 2010, Tập đoàn vũ khí ST Engineering của Singapore vừa trình làng hệ thống hải pháo L70 tự động dò mục tiêu bằng cảm ứng và khai hỏa bằng điện là Brazil đã ký ngay một hợp đồng trị giá 20,9 triệu USD! Singapore, một đảo quốc chỉ 3 triệu dân và quân đội thường trực chỉ 70.000 người, mới chỉ mon men vào thị trường vũ khí, huống hồ là Israel.

Một yếu tố khác khiến Ấn Độ thích mua vũ khí Israel là do Israel không “xét nét” khách hàng của mình trong các lĩnh vực chính trị mà Mỹ vốn thường “áp” các tiêu chuẩn như “dân chủ, nhân quyền” khi cần cứng rắn với một nước nào đó, hoặc vì những lý do “lợi ích chính trị” khác như với Pakistan.

Theo báo cáo của Cơ quan Tư liệu phục vụ Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hôm 7-3, từ tài khóa 2002 đến 2011, Mỹ đã cung cấp cho Pakistan 5,2 tỉ USD vũ khí, trong đó 3 tỉ là viện trợ. Số vũ khí này bao gồm 18 chiếc F-16 thế hệ C/D (trị giá 1,43 tỉ USD) và phụ tùng thay thế, lắp ráp cùng 500 tên lửa không đối không Sidewinder, 100 tên lửa đối hạm Harpoon, kèm theo 1.450 quả bom 1.000 cân Anh, 2.007 tên lửa Tow chống tăng, 20 trực thăng vũ trang Cobra, 6 máy bay vận tải C-130, tuần dương hạm lớp Perry…

Chính vì Mỹ bán chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan, Nga bán chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc mà Ấn Độ quay qua mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp (5) để tránh “đụng hàng”. Lệ thuộc vào một nguồn cung cấp vũ khí là điều tối kỵ.

___________

(1): http://www.csmonitor.com/1982/0319/031943.html
(2): http://www.thenational.ae/news/world/south-asia/arms-race-between-india-and-pakistan-takes-to-air
(3): http://www.indianexpress.com/news/thanks-to-pakistan-china-now-worlds-5th-largest-arms-exporter/1089789/0
(4): http://rbth.ru/news/2013/03/22/xi_jinpings_visit_to_moscow_to_prove_china_russia_most_important_strateg_24142.html
(5): http://www.globalsecurity.org/military/library/news/2013/02/mil-130214-irna01.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận