Ngôn tình, võ hiệp Trung Quốc trên đà "Tây du"

XUÂN TÙNG 16/08/2022 08:13 GMT+7

TTCT - Nhiều khán giả từ các nước nói tiếng Anh đang say mê đọc tiểu thuyết Trung Quốc - từ các bộ kinh điển kiểu Thần điêu đại hiệp đến các bộ ngôn tình xuyên không, cung đấu...

Thị trường văn học mạng Trung Quốc không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nước mà còn bắt đầu vươn ra thế giới trong những năm gần đây, thu hút sự quan tâm của một tập khán giả mới đến từ nước ngoài - không chỉ ở các thị trường lân cận như Đông Nam Á mà còn cả châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi.

Ngôn tình, võ hiệp Trung Quốc trên đà Tây du - Ảnh 1.

Bìa bản Anh ngữ của một số truyện ngôn tình Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone

Nhờ có các bản dịch qua các nền tảng như WebNovel hay WuxiaWorld, nhiều khán giả từ các nước nói tiếng Anh đang say mê đọc tiểu thuyết Trung Quốc - từ các bộ kinh điển kiểu Thần điêu đại hiệp đến các bộ ngôn tình xuyên không, cung đấu, thậm chí là chuyện tình người sói, ma cà rồng lấy bối cảnh miền viễn tây Hoa Kỳ.

Đưa "truyện Tàu" vượt biên giới

Giống như phần lớn người đọc trên WuxiaWorld (Thế giới võ hiệp) - nền tảng chuyên dịch tiểu thuyết kiếm hiệp sang tiếng Anh, Kevin Cazad (31 tuổi, người Mỹ) chưa một lần đặt chân đến Trung Quốc. Sinh ra và lớn lên tại California, Cazad làm việc tám tiếng một ngày tại nhà kho của Amazon với vai trò kỹ thuật viên IT. Vậy mà trong vài năm trở lại, Cazad đã được hàng chục đầu báo Trung Quốc phỏng vấn - tất cả là nhờ câu chuyện đặc biệt giữa anh và các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp trên WuxiaWorld, thứ đã giúp anh cai nghiện ma túy thành công.

"WuxiaWorld choán hết thời gian của tôi, khiến tôi quên hẳn ham muốn sử dụng thuốc", anh chia sẻ trên forum WuxiaWorld. Hai năm sau bài viết gây chấn động này, Cazad vẫn tránh xa các loại chất kích thích, đồng thời vẫn say mê đọc tiểu thuyết Trung Quốc. "Sở thích chính của tôi vẫn là đọc tiểu thuyết mạng. Về cơ bản, tôi đã thay một thói nghiện ngập này bằng một thói nghiện ngập khác", anh nói với tạp chí Sixth Tone.

Cũng theo Sixth Tone, nhiều độc giả Trung Quốc cho rằng Cazad đại diện cho một mơ ước không xa vời, nơi văn học tiếng Trung chinh phục thị trường quốc tế. Trong bối cảnh thị trường trong nước có dấu hiệu bão hòa với nhiều đối thủ cạnh tranh, lượng người dùng mới lại tăng trưởng chậm, các nền tảng văn học mạng lớn như China Literature (thuộc Tencent) hay iReader (thuộc ByteDance, công ty mẹ TikTok) đã bắt đầu đi tìm "đại dương xanh" mới, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của 2 đại gia công nghệ này.

Thật ra, China Literature, vốn chiếm quá nửa thị phần xuất bản online trong nước, lại là kẻ tương đối chậm chân trong cuộc đua ra ngoài lãnh thổ đại lục. Thậm chí đến đầu năm 2017, dù nhiều đầu sách ngôn tình đã đạt được thành công tương đối tại thị trường Đông Nam Á, thì China Literature vẫn muốn "để đạn bay thêm chút nữa" - ý nói chờ thêm thời cơ, theo lời CEO Wu Wenhui. Vậy tại sao tập đoàn này lại đổi ý chóng vánh đến vậy? Câu trả lời có lẽ là thành công đột phá tại thị trường Mỹ của WuxiaWorld.

Được thành lập năm 2014 bởi Lai JingPing, công dân Mỹ gốc Hoa 33 tuổi, WuxiaWorld đã trở thành nền tảng truyện kiếm hiệp tiếng Anh lớn nhất, thậm chí còn lọt top 2.000 website nhiều người dùng nhất tại Mỹ năm 2017. Cùng lúc này, chính quyền Bắc Kinh dần chú ý đến sức mạnh mềm của sản phẩm văn hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Tháng 1-2015, Tổng cục Báo chí và xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đã gửi công văn kêu gọi các đơn vị xuất bản online trong nước "cần vượt qua biên giới quốc gia để kể câu chuyện của Trung Quốc đến với thế giới, đồng thời trình diện một bộ mặt mới của Trung Quốc".

Các yếu tố này đã thúc đẩy China Literature tân trang nền tảng tiếng Anh Qidian International của mình thành WebNovel vào năm 2017. ByteDance cũng không chịu kém cạnh khi cho ra mắt bản tiếng Anh của iReader - đối thủ lớn nhất trong nước của China Literature.

Ngôn tình, võ hiệp Trung Quốc trên đà Tây du - Ảnh 2.

Bản tiếng Anh quyển Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung trên Wuxia Word. Hồi 24: Thái Cực Sơ Truyền Nhu Khắc Cương. Ảnh chụp màn hình

Rào cản dịch thuật

Tuy đã có vốn và mô hình, công cuộc chinh phục thị trường nước ngoài của các nền tảng văn học tiếng Trung cũng không phải chuyện dễ dàng, khi các khác biệt về văn hóa vẫn hiện hữu. Nổi bật nhất là việc dịch thuật: Các thể loại truyện phổ biến như xianxia (tiên hiệp) hay xuanhuan (huyền huyễn) thường lấy cảm hứng từ kho tàng văn học, văn hóa dân gian cũng như đời sống tâm linh phong phú của Trung Quốc. Người dịch truyện vì đó cũng cần phải hiểu sâu về văn hóa nước này để không gây nhầm lẫn: jiuying, hay "cửu anh" - tên một loại quỷ chín đầu - sẽ rất dễ bị dịch phô thành "chín đứa bé" trong tiếng Anh bởi một người chưa đủ kiến thức.

Theo etvolare, một dịch giả người Đài Loan cộng tác với WebNovel, hầu hết những người nhận làm công việc trúc trắc này là người Mỹ gốc Hoa có hiểu biết cả Hán ngữ lẫn Anh ngữ. Tuy vậy, hiểu biết tiếng Anh vẫn là quan trọng nhất, bởi sản phẩm cuối cùng vẫn sẽ được đánh giá bởi người đọc tiếng Anh.

Với các nền tảng truyện Trung Quốc, việc tìm được người dịch không hề đơn giản. Nền tảng WuxiaWorld sau 5 năm thành lập mới chỉ dịch được 56 bộ kiếm hiệp. Các đơn vị có tiềm lực công nghệ từ đất nước tỉ dân cũng đang xoay xở giải quyết vấn đề này: WebNovel thuê một đội ngũ hơn 200 dịch giả để xây dựng một bộ từ điển Hán - Anh chuyên dụng nhằm đảm bảo công việc dịch sau này được mượt mà và thống nhất. iReader đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để tự động hóa việc dịch truyện. "[Hệ thống học máy] làm việc nhanh hơn con người gấp nhiều lần, tuy vậy sản phẩm vẫn cần được kiểm tra và biên tập bởi con người" - Jia Huaiqing, giám đốc mảng kinh doanh quốc tế của iReader, cho biết.

Sản xuất công nghiệp

Viết tiểu thuyết từng được coi là công trình tốn nhiều năm, thậm chí cả đời người, nhưng nay đã có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Tạp chí Rest of World phỏng vấn nhân viên của các nền tảng truyện online, nghệ thuật viết tiểu thuyết nay được rút gọn thành công thức: Chọn một đề tài phổ biến như người sói, thêm các tình tiết phổ biến kiểu "tình yêu bị cấm đoán", và viết nhiều chương hồi nhất có thể. Nhiều tiểu thuyết kéo dài hàng trăm chương, mỗi chương lại bỏ lửng phần kết để lôi kéo khán giả quay lại vào tuần sau.

Khi các thuật toán cho biết thể loại nào, lối viết nào được ưa thích, thậm chí cho sẵn "công thức" để sáng tạo, thì rào cản với ngành xuất bản đối với các cây viết nghiệp dư dường như đang thấp hơn bao giờ hết. Trả lời tờ Rest of World, một số biên tập viên người Trung Quốc cho biết họ chỉ cần rút tỉa vài gạch đầu dòng từ các tiểu thuyết đang "hot", sau đó thuê người viết ra vài phiên bản của cùng một câu chuyện.

Một lãnh đạo cấp cao của một nền tảng truyện online cho biết các ứng dụng Trung Quốc có khả năng cải biên lại truyện có nội dung tích cực, từ đó kết nối với độc giả và thu lợi nhuận tốt hơn các ứng dụng phương Tây như Wattpad.

Ngôn tình, võ hiệp Trung Quốc trên đà Tây du - Ảnh 3.

Trọn bộ (203 chương) bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết Đại Đường Nữ Nhi Hành trên WuXiaWorld. Ảnh chụp màn hình

Nhưng cũng vì lối viết "công nghiệp" mà các cây viết thường dễ bị ép giá hơn: Ở một số trường hợp, lợi nhuận mà nền tảng thu được từ một cuốn sách có thể cao hơn phần tác giả nhận được tới 10 lần. Và cũng vì lối viết tùy biến theo nhu cầu thị trường mà các tiểu thuyết "công nghiệp" thường lược bỏ các yếu tố văn hóa không thân thuộc với khán giả phương Tây.

Alice, một dịch giả của ByteDance, cho biết cô được hướng dẫn phải "giải Đông phương hóa" các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc bằng cách đổi tên nhân vật sang tiếng Anh, đồng thời bỏ các tình tiết liên quan đến Đông y và truyền thuyết dân gian Trung Quốc. "Mặt dây chuyền ngọc bích" sẽ sửa thành "dây chuyền vàng" để giảm bớt yếu tố ngoại lai. Alicee cho biết cô khá thất vọng vì công việc này không giúp cô truyền bá văn hóa Trung Hoa như đã hứa hẹn. "Việc này hoàn toàn là thương mại", cô cho biết.

Tuy vậy, nếu công thức vẫn chạy tốt, có lẽ không có lý do gì để dừng lại. Theo ước tính của công ty khảo sát thị trường iResearch, lượng người đọc nước ngoài của văn học Trung Quốc tính đến năm 2020 đã đạt gần 32 triệu, với giá trị ngành lên đến 67,5 triệu USD. Những bộ truyện online rõ ràng là sản phẩm rập khuôn, thậm chí còn cẩu thả với nhiều lỗi chính tả, nhưng chúng chẳng giấu giếm gì điều đó; người đọc có lẽ cũng không quan tâm lắm, bởi thứ họ quan tâm là việc được trốn vào thế giới giả tưởng sau một ngày làm việc căng thẳng.

Theo Cassandra, một người đọc ở bang Louisiana (Mỹ), những câu chuyện theo môtip "nữ cường" đã truyền nhiều cảm hứng cho cô trong cuộc sống. "Nếu ứng dụng miễn phí và truyện đủ hay, tôi có thể dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm kiểu sai chính tả".■

Trong khi việc dịch tác phẩm có sẵn tốn nhiều công sức, một giải pháp khác nổi lên: Tận dụng nguồn nhân công giá rẻ từ các nước đang phát triển để sản xuất "công nghiệp" truyện tiếng Anh với nội dung nhắm thẳng đến người đọc phương Tây. Trên Dreame, một ứng dụng truyện online tiếng Anh có trụ sở tại Singapore đang thu hút hơn 100 triệu người dùng, truyện ngôn tình với môtip nam chính người sói điển trai - nữ chính độc lập mạnh mẽ đang thống trị. Truyện thường lấy bối cảnh nước Mỹ, nhưng người viết chủ yếu đến từ Mexico, Phillipines, Nigeria và Trung Quốc, hầu hết không phải là người nói tiếng Anh bản ngữ.

Các cây viết trên app cũng thường là người đọc được mời gọi thử theo đuổi đam mê. Một "tiểu thuyết gia" người Bangladesh, bút danh Anamika, hiện vẫn là học sinh nhưng đã có thu nhập hàng trăm đôla từ mỗi cuốn sách cô viết trên Dreame. Dù bận rộn với bài vở, cô vẫn dành 5 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần để viết tiểu thuyết tình cảm - tất cả là nhờ những lời động viên của độc giả hâm mộ từ phương Tây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận