Tôi bắt tay vào đề tài thứ hai của mình, cái đề tài không cần những tài liệu khoa học, không cần những khuôn mặt khả kính của các giáo sư hướng dẫn. Cái đề tài mang tiêu đề hết sức giản dị: kiếm tiền. Định lý đơn giản là mỗi ngày làm việc tại xứ này bằng lương cả tháng của tôi ở quê nhà. Không ra ngoài tiền lệ, với sự tham mưu của các “bậc tiền nhiệm”, tôi lên gặp vị giáo sư đã hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ, đề nghị ông can thiệp để tôi ở lại Đức thêm ít lâu với lý do nghiên cứu sâu thêm chuyên môn. Đại khái với cái đề tài mới do tôi bịa ra lấy cơ sở từ đề tài cũ “Kinh tế thị trường... đối với các nước đang phát triển tại châu Á”. Tất nhiên là ông bằng lòng bởi đã là thầy thì ai mà chả yêu quí các học trò hiếu học. Tôi mang giấy tờ và hộ chiếu lên sở ngoại kiều. Tôi được mãn nguyện, họ đóng cho tôi cái triện đỏ chói, có giá trị một năm, tính từ ngày...
Khác với lần trước, giờ tôi phải tự túc mọi mặt, từ nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại, thanh toán bảo hiểm y tế... Không hề gì, trời sinh voi sinh cỏ, còn khối kẻ chờ tị nạn, giấy tờ ăn đong kia kìa, so với họ mình còn may hơn nhiều. Tôi đến tá túc tại phòng một anh bạn khóa sau. Số tiền nhà được cưa đôi, hai bên đều có lợi. Vợ con anh ở VN hằng tháng được thêm một “vé” . Tôi bắt đầu chương trình tìm kiếm việc làm.
Mùa đông, trời tối sớm. Tôi lại đi, trong gió tuyết, để đọc những mẩu quảng cáo thuê người dưới ánh đèn vàng vọt, ngái ngủ. Tôi đến các địa chỉ trong quảng cáo, đều nhận được câu trả lời giống nhau: “Rất tiếc, chúng tôi vừa nhận số người đến trước ông. Cảm phiền nhé, tháng sau ông thử quay lại đây xem sao”.
Cuối cùng tôi cũng tìm được một việc khá “xương xẩu”: bán báo trước cổng xuống một ga xe điện ngầm. Đọc đến đây chắc các bạn sẽ nói: “Xì, gớm, có gì mà vất vả, chỉ việc đưa báo, thu tiền... dễ ợt”. Thưa vâng, mùa hè khí hậu ấm áp, cây cối xanh tươi, chim hót vang lừng. Lúc đó thì bán báo là lý tưởng. Nhưng vào thời điểm bây giờ, nhiệt độ ngoài trời luôn xuống dưới âm 10, 150C... Phải chui ra khỏi chăn khi đang mơ giấc mơ tiên mà ra đứng giữa trời thì quả là một cực hình. Có thế bọn tây nó mới “nhè” ra, thì mới dư một chỗ làm cho một thằng nước ngoài là tôi.
Tôi dậy từ 2 giờ sáng, lấy báo, mang đi bán, 8 giờ mang báo thừa về trả, nhận tiền, chỉ có vậy.
Như mọi ngày, tôi mặc ba chiếc quần, nhiều lớp áo, đi ủng lông, găng tay lông, chuẩn bị lên đường. Tôi liếc mắt vào chiếc nhiệt kế treo ngoài cửa sổ, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng: kim nhiệt kế chỉ âm 200C.
Tôi thận trọng dò dẫm tới chỗ bán hàng thường ngày, xếp loạt báo lên bàn. Trang nhất các báo đồng loạt in chữ to: Berlin, âm 200C và có thể thấp hơn nữa. Tuyết vẫn rơi mỗi lúc thêm dày. Thỉnh thoảng một chiếc xe con chậm chạp đi qua. Không có tiếng xào xạo nơi bánh xe, chứng tỏ tuyết vừa chạm đất đã vội đông cứng.
Tôi rao: “Báo buổi sáng đây”, với giọng méo mó đến thảm hại. Nước mắt nước mũi giàn giụa, miệng thở ra khói. Tôi luôn đưa tay quệt, nếu chậm chúng sẽ đóng đá trên mặt. Tôi thèm thuồng nhìn những cặp tình nhân (hoặc vợ chồng) đi qua, họ kín mít trong áo bành tô, khăn, chỉ hở mặt, thỉnh thoảng họ lại gắn hai cái miệng truyền hơi ấm cho nhau. Đốm lửa đầu điếu thuốc của tôi cứ lập lòe không dứt, đống mẩu thuốc cứ dày lên. Thỉnh thoảng tôi tụt xuống ga tàu tránh rét, thậm chí còn định liều mang báo xuống dưới đó bán. Nhưng đâu có được, ở xứ này tấc đất tấc vàng, dẫu là một mét vuông cũng có chủ, ngay cả dán một tấm quảng cáo nhỏ cũng phải trả tiền. Tôi lại vọt lên mặt đất, chân lại đập đập, tay xoa xoa... Tôi thèm một đống lửa trại ngày bé, bếp lửa nồi bánh chưng bên mẹ... Tôi như mê đi.
- Anh cho em mua tờ Berliner Zeitung (*) - tiếng một phụ nữ VN kéo tôi về với thực tại.
Tôi định hình. Trong một chiếc nem cuốn chặt bằng các loại bông, vải sợi, một gương mặt thanh tú hiện ra. Bộ áo liền quần của cô màu đỏ rực. Giá như vào một lúc khác cái màu chói chang ấy dễ làm tôi khó chịu. Nhưng vào thời điểm này, nó giống như một ngọn lửa thiêu chảy những tảng băng quanh chỗ tôi đứng, lớp tuyết mỏng trên quần áo tôi như tan ra. Cô mỉm cười với ánh mắt chia sẻ:
- Trời lạnh quá anh nhỉ.
Tôi rút tiền trả lại (giá báo 1 mác, cô đưa 2 mác), cô gạt đi:
- Thôi, anh cầm cả đi, có đáng là bao.
Tôi cảm ơn sự tử tế của cô. Qua vài câu trao đổi, cô cho biết có chồng, hai con. Chồng yếu, công việc ít. Cô làm tại khách sạn ban ngày, ban đêm rửa bát thuê cho một nhà hàng. Thời buổi khó khăn này, thêm tí nào tốt tí ấy, cô nói.
Trong cái rét cắt da cắt thịt, nét mặt cô vẫn ngời lên vẻ thanh thản, thanh thản đến quật cường.
Két, két... két, tiếng tàu vào ga, cô chào tôi và nhào xuống ga, tôi nhìn theo “ngọn lửa” hun hút chui sâu xuống lòng đất. Bất chợt nhìn thấy tờ báo của cô bỏ lại, tôi hộc tốc đuổi theo và dúi vào tay cô tờ báo:
- Em gái, quên chưa lấy báo, cầm lấy lên tàu mà đọc.
Cô nhìn tôi đôi mắt chớp chớp thoáng buồn:
- Khốn khổ, anh giữ lấy mà bán cho tây. Em có đọc được đâu mà mua, tiếng Đức của em kém lắm không xem được.
Tiếng chuông nhắc hành khách lên tàu. “Ngọn lửa” nhoẻn miệng cười, bước vào trong toa, cửa đóng. Đoàn tàu mang ngọn lửa của tôi hun hút lao vào màn đen sâu thẳm.
Berlin, mùa đông năm 2001
(*) Báo Người Berlin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận