Ngôi nhà tre xuyên thế kỷ

HUỲNH VĂN MỸ 19/09/2010 18:09 GMT+7

TTCT - Tre là vật liệu xây dựng từ xa xưa của người Việt ở nông thôn. Ở thôn Trung Phú 2, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) có một ngôi nhà tre tuổi đã gần thế kỷ.

Toàn cảnh ngôi nhà tre trăm tuổi của ông Nam bên cạnh ngôi nhà ngói được ông làm vào năm 1985. Mái tôn lợp chồng lên để bảo quản mái tranh được lợp hồi năm 1983 đã bị hư, ông Nam dự tính lợp lại tôn mới - Ảnh: Huýnh Văn Mỹ
Ông Nam xem tư liệu gia đình trên chiếc chõng tre do ông nội ông đóng cách đây gần 90 năm - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Buổi trưa làm đồng về, ông Lương Hoài Nam, 65 tuổi, thắp hương bàn thờ người cha mới mất trong ngôi nhà tranh tre được dùng làm từ đường của gia đình. 

Tính đến đời cháu nội của ông Nam, đến nay năm thế hệ từng sống dưới mái tranh này. Nền đất, mái tranh, vách phên nan thông thoáng, ngôi nhà luôn mát rượi nhờ gió từ triền sông Thu Bồn len vào.

Sức sống tre

“Ông nội tui sinh năm 1898, mất năm 1968 lúc tui 22 tuổi. Còn cha tui sinh năm 1923, đi tập kết lúc tui mới 9 tuổi. Từ nhỏ đến tuổi thành niên tui sống với ông nội trong mái nhà này nhiều hơn với cha” - ông Nam nói.

Ngay sau khi lập gia đình, ông nội của ông Nam đã đến đây tôn đất ruộng lên cao làm nhà ở. Thời bấy giờ chỉ hào phú trong làng mới có khả năng làm nhà rường cột gỗ kê trên đá, còn hầu hết cư dân làng đều ở nhà rội bằng tre, cột chôn dưới đất.

“Lúc ra riêng ông nội tui may gặp người hô bán lại cái nhà rội cũ. Tuy là nhà rội nhưng lại có giàn cột gỗ lim, chôn dưới đất lâu vẫn không mục, khỏi phải dăm ba năm thay cột một lần như các loại cột tre, cột gỗ tạp. Theo lời ông nội tui, ngôi nhà này được người chủ cũ ở trên 20 năm rồi mới bán cho ông...” - ông Nam kể.

Giàn cột lim tuy không lớn - gốc có chu vi 40-60cm - nhưng chôn dưới đất suốt trăm năm vẫn không hư hại, trong số 36 cây cột chỉ bị đứt chân bốn cây. 

Phần mái nhà từ trính, kèo đến đòn dông, đòn tay đều bằng tre ngâm nên cũng không bị mối mọt. Ngay phần mây buộc cũng được người xưa ngâm nước muối trừ mối mọt. 

Nhưng, theo ông Nam, ngôi nhà được bền vững trăm năm chính là nhờ có người ở liên tục, mái tranh luôn được thay lợp kịp thời để chống dột vốn dễ gây ẩm ướt, tạo điều kiện cho mối mọt sinh sôi. Phên nan bằng tre mỏng bị hư dần, năm 1983 ông đã phải thay mới nhưng vẫn đan theo kiểu cũ, dù vậy vẫn còn nguyên một tấm phên nhỏ chắn phần trên cùng và hai tấm cửa nan ở hai gian đầu hồi. 

“Nan tre mỏng nhưng nhờ trét dầu rái nên rất bền chắc, đã trăm năm vẫn còn tốt thế này. Tính ra nếu mình biết cách phòng trừ mối mọt, giữ gìn thì cây tre thật bền chắc, quý vô cùng...” - ông Nam nói.

Một góc mái nhà tre trăm năm với thành phần bằng tre và dây mây buộc được ngâm chống mối mọt, mái tranh được tôn che phủ nên không hư hại - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Tâm nguyện

“Ngôi nhà này có phước đức lớn” - lời của cha ông Nam khi từ miền Bắc trở về quê sau ngày hòa bình thấy ngôi nhà, vợ và bốn người con của mình vẫn bình an, vô sự. 

“Cha tui một đời thanh bần, sau hòa bình ông chuyển về công tác ở Đà Nẵng, phụ trách phòng vật tư ngành thủy sản khu vực 2 nhưng vẫn ở nhà tập thể, về hưu lại sống dưới mái nhà xưa. Chính cha tui quyết định giữ lại ngôi nhà này như một di sản của dòng tộc” - ông Nam tâm sự. 

Sợ sau này sẽ hết tranh lợp nhà vì đất hoang tranh mọc đều được khai khẩn trồng màu, năm 1983 ông Nam cùng cha quyết định mua tôn phủ lên mái tranh. Để giữ được mái nhà rội đơn sơ nhưng chứa đầy kỷ niệm gia đình, năm 1985 ông Nam cùng cha xây ngôi nhà ngói sát bên để có thêm chỗ ở.

“Cha tui mất đột ngột hồi năm ngoái, không kịp dặn dò gì. Nhưng tui biết tấm lòng cha tui với ngôi nhà tranh tre này. Tui nói với sắp con phải hết sức giữ ngôi nhà này, có tu sửa cũng phải hết sức cẩn thận, phải giữ sao cho đúng nguyên dạng như ông cha để lại...” - ông Nam nói bên di ảnh người cha một đời giữ đạo thanh bần.

“Một ngôi nhà rội mà nay người ta quen gọi là nhà tạm có tuổi trăm năm như của gia đình ông Nam là rất hiếm. Nói không quá lời, trên cả nước chưa chắc tìm ra được dăm cái. Theo chúng tôi, ngành chức năng nên có cách đưa vào bảo tàng nhà Việt những ngôi nhà rội có tuổi thế này. Giữa lúc việc xóa nhà tạm - một chủ trương lớn của Nhà nước - đang được tiến hành mạnh mẽ, việc bảo lưu trong khu bảo tàng những ngôi nhà rội - kiểu thức nhà Việt phổ biến xưa nay - rất có ý nghĩa, là việc làm cần kíp...”.

Ông NGUYỄN THƯỢNG HỶ(Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận