Ngô Bảo Châu và "Học Thế Nào"

HIỀN HÒA 19/05/2013 03:05 GMT+7

TTCT - “Học thế nào” không còn là một chủ đề hơi có tính tự sự của GS Ngô Bảo Châu khi ông đi nói chuyện tại các trường đại học cách đây vài tháng. Học Thế Nào (How We Learn) đã trở thành một trang mạng về giáo dục (đi vào hoạt động từ ngày 1-5-2013) do GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, nhà giáo Phạm Toàn chủ trương.

Website hocthenao.vn

Chia sẻ với TTCT, GS Ngô Bảo Châu cho biết những người chủ trương xây dựng Học Thế Nào không chỉ kỳ vọng vào những chuyên gia giáo dục hàng đầu mà còn gửi gắm niềm tin vào tất cả bạn đọc thân thiết của trang - những người giàu tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục. Họ là nhà giáo, là phụ huynh, hoặc có thể chỉ là người đã trải nghiệm các môi trường giáo dục khác nhau.

Không vội vã

“Bàn về giáo dục phải nghiêm túc, không được vội vã và phải có kế hoạch dài lâu. Tôi tin rằng giáo dục phải do nhân dân tự làm nên” - GS Ngô Bảo Châu nói. Chuyên gia về toán rời rạc hàng đầu thế giới - GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) cũng khẳng định: “Học Thế Nào mong muốn được cùng bạn đọc của trang tìm ra chiến lược cho giáo dục”.

Bằng cách nhìn ấy, Học Thế Nào chào đón mùa hè đầu tiên với lời mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận một chủ đề cốt lõi, tuy không mới nhưng khó và phức tạp: chương trình khung.

“Học Thế Nào hi vọng sẽ nhận được những đề xuất giải pháp, hoặc cùng nhau tìm được các giải pháp tốt, khả thi để khắc phục những cái “sai”, cái “bất cập” mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra trong mùa hè tới. Và tất nhiên chúng ta cũng sẽ không quên những giải pháp để bảo vệ, nâng cao những cái “đúng” đang bị lấp chìm hoặc bị đánh đồng cùng những cái “sai”.

GS Ngô Quang Hưng (ĐH Suny Buffalo, Mỹ) - một thành viên trong nhóm Học Thế Nào - chủ trương giải thích về cách làm của trang: “Khi chúng tôi chia nhỏ các vấn đề lớn của giáo dục để thảo luận thì các khó khăn cụ thể sẽ lần lượt được tháo gỡ. Những thảo luận này dần dần sẽ tạo thành sườn cho nội dung trang về sau”.

Học Thế Nào có sự tương tác khá tích cực giữa nhóm biên tập với bạn đọc. Đặc biệt, nick Thichhoctoan của GS Ngô Bảo Châu luôn đứng trong nhóm nick có nhiều bình luận nhất.

 Giải quyết những vấn nạn của giáo dục Việt Nam không hề dễ dàng và nhẹ nhàng. Nó đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, để tìm hiểu, phân tích tới tận gốc rễ của những sai lầm, nhất là sai lầm về triết lý và chính sách giáo dục, để từ đó có thể đưa ra cách giải quyết vấn đề. Nó cũng cần sự chia sẻ những phương pháp giáo dục tiến bộ, phù hợp với xã hội và con người Việt Nam; cần sự chia sẻ những kinh nghiệm làm giáo dục hiệu quả từ những cá nhân, các tổ chức giáo dục ở khu vực công và khu vực tư nhân”.

Lời giới thiệu website http://hocthenao.vn

Không né tránh

Trong bài nói chuyện “Học thế nào” tại Hà Nội và TP.HCM tháng 3 vừa rồi, GS Ngô Bảo Châu thành thật: “Tôi rất hay được các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh hỏi về bí quyết học tập. Tôi thường trả lời: Không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê. Trả lời như vậy là một cách né tránh. Không sai nhưng cũng không đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi mình chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề này một cách thấu đáo. Nhưng không thể nào né tránh được mãi câu hỏi này”.

Và “không né tránh” được thể hiện bằng một diễn đàn giáo dục mở ra chỉ hơn một tháng sau đó trên Học Thế Nào. Sẽ hơi mơ mộng khi cho rằng chỉ cần vài ba tháng để giải quyết được những nhức nhối của hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng sẽ không mơ mộng chút nào khi bắt đầu từ những người ưu tư về giáo dục như GS Châu cùng đồng lòng “không né tránh” các câu hỏi về việc con em chúng ta đang học và đang được dạy dỗ như thế nào.

Bằng những khởi đầu mới ấy, Học Thế Nào tiếp tục vun xới cho “sự học” - vốn bám rễ lâu đời trong văn hóa Việt Nam - khi đưa lên nhiều bài viết hướng nền giáo dục đến vẻ đẹp nhân bản, tinh thần độc lập và phản biện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận