Nghĩ khác và làm khác để giảm nghèo bền vững

TTCT - Để một chính sách thẩm thấu vào thực tế thường mất ít nhất vài năm. Nếu một chính sách không thật sự “trúng” sẽ là một độ lùi nhiều năm tiếp đó để sửa chữa. Câu chuyện hỗ trợ giảm nghèo “nhanh và bền vững” trong chuyên đề này với vế “bền vững” còn bỏ ngỏ cho thấy từ việc ban hành đến cụ thể hóa chính sách cần cả viễn kiến và sự chăm chút trong thực hiện, chứ không đơn giản thuyết phục bằng con số tăng trưởng...

Những ngôi nhà mái đỏ, xanh được xây từ chương trình xóa nghèo - Ảnh: H.Văn

5 năm trước, một chương trình hỗ trợ để “giảm nghèo nhanh và bền vững” đã được Chính phủ ban hành (*) để thực hiện tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Mục tiêu của chương trình là “đảm bảo đến năm 2020 đưa các huyện nghèo này lên ngang bằng với các huyện trong khu vực”.

Báo cáo từ các cấp lên đến Chính phủ về ba năm triển khai (2009-2012) đều khẳng định “đã có chuyển biến nhanh trong việc giảm nghèo, đời sống người nghèo được nâng cao...”. Tiếc là những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến tại nhiều nơi cho thấy những sự thật rất khác.

Nhà trống trải

Ở Nghệ An, tỉnh này đề xuất tổng nhu cầu nhà ở cần hỗ trợ theo nghị quyết 30a của ba huyện nghèo thuộc tỉnh là 7.355 ngôi nhà. Từ năm 2009-2012, tỉnh đã nhận 134,5 tỉ đồng rót từ ngân sách nhà nước cùng với các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ khác, kết thúc với báo cáo “đã xóa được 7.208 nhà tạm bợ cho người nghèo, đạt tỉ lệ trên 98%”.

Tại Thanh Hóa - tỉnh có bảy huyện nghèo, cao nhất cả nước - đến cuối năm 2012 toàn tỉnh đã có 32.460 hộ được hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí thực hiện hơn 804 tỉ đồng (trong đó trung ương hỗ trợ 267 tỉ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 229 tỉ đồng, còn lại là nguồn huy động khác). Còn ở Quảng Ngãi - nơi có sáu huyện nghèo, bà Đinh Thị Loan, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết việc xóa nhà tạm “cơ bản đã hoàn thành” và “hầu hết người nghèo đều có nhà ở mới”.

Với tốc độ và sự tập trung vào việc xây nhà như thế, tới hội nghị sơ kết của Chính phủ về thực thi nghị quyết 30a thì báo cáo chung cho biết “các huyện nghèo đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, đạt tỉ lệ 97,27%”. Trước đó, tổng nhu cầu nhà ở cần hỗ trợ trên địa bàn 62 huyện nghèo là gần 100.000 căn. 

Thành tích này được Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đánh giá là “đáng quý”. Nhưng ngay lập tức chính nó cho thấy sự bất ổn khi đặt trước mục tiêu “xóa nghèo bền vững”, bởi ngoài việc xây nhà, các mục tiêu khác đều “chưa đạt hiệu quả”. Bất hợp lý lớn nhất là cơ cấu vốn hỗ trợ đầu tư dành tới 80% cho phát triển hạ tầng, chỉ có 20% hỗ trợ sản xuất. Ông Giàng A Chu khi đó đã đặt câu hỏi: “Xóa nhà ở tạm nhưng trong nhà không có gì đáng giá thì làm sao giảm nghèo được?”.

Anh Đinh Văn Dậu rầu rĩ bên chuồng nuôi heo ky bỏ hoang vì heo chết hết, không dám nhận thêm giống mới về nuôi - Ảnh: H.Văn

Tiền tỉ trôi theo dự án gia cầm

Chúng tôi tìm đến UBND xã Trà Thọ (thuộc huyện Tây Trà - huyện nghèo nhất và xa nhất của Quảng Ngãi) - nơi được cho là có nhiều dự án hỗ trợ người nghèo thất bại. Anh Tiêu Viết Phương, phó chủ tịch UBND xã, nói như than: “Xã mới nhận kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo năm 2013 chỉ được 130 triệu đồng. Với số tiền này, chúng tôi không biết làm thế nào khi có tới gần 300 hộ nghèo trong diện hỗ trợ của nghị quyết 30a”.

Theo anh Phương, năm 2011 xã được “cấp” một dự án hỗ trợ người nghèo nuôi heo ky (heo rừng lai). Có năm hộ được tham gia dự án thì bốn hộ được chia mỗi hộ 10 con heo, một hộ nhận ba con heo. Nuôi một thời gian thì hầu như toàn bộ số heo được cấp đều chết. Nhà ông Hồ Văn Quyền (thôn Bắc Nguyên 1) được hỗ trợ nuôi 10 con heo ky, chỉ ba tháng sau heo bị bệnh tiêu chảy chết sạch đàn.

Ông ca cẩm: “Giờ chuồng nuôi heo bỏ không đó, nghe nói Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm nhưng tôi không dám nhận nuôi nữa. Heo ky là loại khó nuôi, hỗ trợ nhưng không chỉ bảo cách nuôi thì dân chúng tôi biết gì mà chăm sóc. Heo chết còn bị cán bộ cấp trên mắng là lười chăm sóc nữa, oan quá!”. Nhà anh Đinh Văn Dậu trong thôn cũng được hỗ trợ 10 con heo ky, nuôi mấy tháng sau chết hết tám con, hai con còn lại anh Dậu bán nhanh được 6 triệu đồng gọi là gỡ gạc công nuôi.

Tại xã Trà Phong, phó chủ tịch UBND xã Hồ Thị Ân cho biết dự án nuôi heo ky hỗ trợ người nghèo trong xã cũng chung tình trạng. Còn kết quả báo cáo từ huyện Tây Trà cho thấy tổng kinh phí của dự án hỗ trợ người nghèo về cây trồng, vật nuôi từ năm 2009-2012 là 1.018 tỉ đồng. Nhưng số gia cầm, vật nuôi được cấp ban đầu đến nay chỉ còn 45-50% bởi chết dần do rét, dịch bệnh...

Tại huyện nghèo Sơn Hà không có dự án nuôi heo ky, thay vào đó tháng 1-2013 Phòng dân tộc của huyện cùng Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi mua 15.310 con vịt xiêm lai trị giá 1,23 tỉ đồng về “hỗ trợ người nghèo trong huyện”. Người dân được nhận vịt phản ảnh sau khi đem về nhà, nhiều hộ mở bao ra thì thấy vịt đã chết cứng từ hồi nào, con nào sống thì nuôi được mười ngày cũng chết nốt. Toàn bộ hơn 15.000 con vịt cấp cho người dân đến nay gần như đã chết hết. Cán bộ phụ trách dự án trả lời vịt chết là do dịch cúm, do cả ý thức của người dân còn thấp...

Câu trả lời ấy khiến Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Loan bức xúc cho rằng “đổ lỗi như vậy là thiếu trách nhiệm, vì thời điểm đó Quảng Ngãi chưa có dịch, việc cán bộ đưa vịt về cho dân là có sự vô trách nhiệm, chưa ý thức thời điểm phù hợp, tránh lúc nắng nóng hay quá lạnh”. “Nếu nói có dịch nên vịt chết thì anh lại càng sai. Vì đã trong thời điểm có dịch thì không nên mang giống về cho dân nuôi” - bà kết luận.

Cũng theo bà Loan, trong ba năm thực hiện chương trình 30a (có lồng ghép chương trình 135), chỉ riêng bốn huyện nghèo miền núi của tỉnh được duyệt theo các dự án có số vốn là 4.000 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ nhận được 1/3 số tiền.

Tại huyện Tây Trà có một dự án mua máy móc “hỗ trợ người dân phục vụ sản xuất nông nghiệp” gồm từ máy xay xát gạo , máy cắt lúa, tuốt lúa, băm đất, phun thuốc sâu trị giá gần 60 tỉ đồng. Trong vài năm thì một số không sử dụng nằm phơi mưa nắng, số khác “sử dụng không phù hợp”...

Cán bộ huyện lại có người giải thích do huyện chỉ có khoảng 300ha lúa nên chỉ dùng vài thiết bị, còn lại không biết dùng vào mục đích gì. Mà mua máy với số lượng nhiều nên ắt có cái bị bỏ lãng phí. Nhưng nếu không nhận dự án (dù biết là thừa) thì mất vốn đầu tư. Theo Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi, một số địa phương do sợ mất nguồn vốn nên đầu tư thiết bị tràn lan khiến tình trạng lãng phí tiền tỉ như ở Tây Trà không hề cá biệt.

Tìm hiểu thêm “dự án nuôi bò” ở một số xã nghèo, huyện nghèo thuộc ba tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, chính quyền tại các địa phương này đều cho chúng tôi biết “khó mà đạt kết quả”. Bà Mai Thị Khuê, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Mường Lát (Thanh Hóa), cho hay giá hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò chỉ đủ mua được… nửa con theo thời giá hằng năm. Vì vậy, huyện phải “xử lý việc không muốn” là cho 2-3 hộ nuôi chung một con bò. Việc nuôi chung không đạt hiệu quả, nhiều nơi như xã Mường Chanh, xã Trà Phong… các hộ nuôi chung đã giết bò lấy thịt ăn hoặc bán lấy tiền chia đều.

Tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa), năm 2008-2009, bà con ở huyện nghèo miền núi này được nhận bò lai sind thuộc dự án phát triển sản xuất của chương trình 135 giai đoạn 2. Nhưng sau đó nhiều hộ dân phải bán đổ bán tháo để lấy tiền mua gạo ăn. Lý do là bò không phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, thức ăn của bò thuộc dạng công nghiệp nên “không biết kiếm đâu ra”. 

Trong dự án này, hộ dân chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng, phải vay thêm ngân hàng chính sách 5 triệu đồng để mua bò. Nuôi không xong thì đành bán, nhưng giá bán cũng chỉ 2-3 triệu đồng/con, dự án bò thành “dự án nợ” cho hàng trăm hộ dân thuộc huyện nghèo này. Sau này, chương trình 30a về, lồng ghép với chương trình 135 tiếp tục hỗ trợ dân nuôi bò song vẫn hai hộ nuôi chung một con bò.

Chị Vi Thị Huyển chăm sóc con bò nuôi chung với một hộ gia đình khác từ sự hỗ trợ của dự án 30a - Ảnh: H.Đồng

Theo nghị quyết 30a, các chương trình giảm nghèo mà người dân được nhận gồm: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; hỗ trợ đầu tư hạ tầng thôn, bản, xã, huyện. 

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong hai năm 2011-2012 ngân sách trung ương bố trí cho các huyện nghèo là 6.840 tỉ đồng để thực hiện các chương trình 30a. Năm 2013, Quốc hội đã đồng ý bố trí hơn 5.031 tỉ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Giao rừng nơi có nơi không

Nhưng chính sách này lại nơi có nơi không. Tại Nghệ An, ông Lê Phùng Thiều, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương, cho biết đã triển khai giao cho 36 bản thuộc 12 xã của huyện quản lý, bảo vệ 3.719ha. Tuy nhiên, ôngTrong chương trình hỗ trợ các huyện nghèo của nghị quyết 30a có việc giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng và trồng rừng. Mỗi hộ nghèo nếu nhận giao khoán 1ha được nhận 200.000 đồng/năm, còn trồng rừng được hỗ trợ cây giống, phân bón và được cấp 15kg gạo/tháng trong sáu tháng.

Lộ Văn Quỳnh, chủ tịch UBND xã Lưu Kiền (xã có tên trong danh sách đã nhận rừng giao khoán của huyện Tương Dương), phủ nhận: “Chúng tôi nghe nói mỗi hộ nhận 1ha rừng sẽ được hỗ trợ 200.000 đồng. Nhưng chỉ nghe chứ chưa thấy triển khai gì hết, rừng nói giao mà xã chưa nhận thì lấy gì triển khai cho bà con nghèo?”.

Tại xã Tà Cạ, ông Hà Giống Lùa, chủ tịch UBND xã, cho biết đã thấy các cơ quan ban ngành về khảo sát dự án giao rừng, nhưng đến nay chưa thấy triển khai. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại giải thích việc giao rừng chậm, chưa giao là do các huyện đo đạc chưa xong!? Chưa kể mức hỗ trợ giao khoán rừng chỉ 200.000 đồng/ha là quá thấp nên các huyện nghèo không mặn mà.

Bên xã Trà Thọ (Quảng Ngãi), anh Tiêu Viết Phương khẳng định mới “nghe nói đến việc giao rừng cho dân xã chứ chưa nhận được danh sách của ban quản lý rừng. Người dân phản ảnh cũng chỉ biết mình được nhận rừng, chứ không biết rừng ở đâu. Nhiều lần chúng tôi yêu cầu ban quản lý cung cấp danh sách giao khoán rừng nhưng không nhận được hồi âm”.

Theo anh, việc trồng rừng còn nhiều bất cập hơn, người dân muốn được cấp tiền mua giống keo tại địa phương trồng, bên quản lý lại ép người dân phải nhận giống họ đưa từ nơi khác về. Kết quả là người nhận người không. Việc cấp phát gạo hỗ trợ trước sáu tháng cho các hộ trồng rừng cũng khi có khi không.

Năm 2010 hộ dân trồng rừng được cấp gạo đều đặn, năm 2011 lại không được cấp gạo với lý do người dân trồng rừng sai quy định. Còn năm 2012 không thấy triển khai kế hoạch trồng rừng. Chị Hồ Thị Ân, phó chủ tịch UBND xã Trà Phong, xác nhận người dân trồng rừng chưa nhận được gạo hỗ trợ cũng vì lý do “trồng sai quy hoạch”.

Trong nhiều năm qua đã có hàng trăm cơ chế, chính sách phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhưng vẫn là những vấn đề muôn thuở của thực thi: tiền giải ngân rất chậm, chỉ đáp ứng một phần nhỏ của nhu cầu, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập không được thực hiện đầy đủ, chưa triển khai hoặc triển khai hạn chế ở mức “thí điểm”. Sự èo uột ấy sinh ra một hiệu ứng ngược: các địa phương thích nghèo, nhiều nơi phấn đấu thành… xã nghèo.

Tất cả đặt ra yêu cầu thật sự nghiêm túc xem lại các chính sách và cách tiếp cận về giảm nghèo.

 Mường Lát: Chưa có lối ra

Mường Lát (Thanh Hóa) “nổi danh” cả nước mấy năm qua vì đều đặn mỗi năm ba lần xin trung ương cứu đói giáp hạt. Nhưng có nhiều thứ lẽ ra phải đến tay những người dân nghèo nơi đây thì mãi chưa thấy đâu.

Bà Mai Thị Khuê, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Mường Lát, liệt kê hàng loạt hỗ trợ mà dân nghèo Mường Lát vẫn đang chờ mòn mỏi (tất cả đều thuộc dự án 30a): gạo hỗ trợ theo dự án trồng rừng, tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng rừng, kinh phí khai hoang ruộng bậc thang 10 triệu đồng/ha... Nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng thì hầu như chưa thực hiện được dự án nào.

Ông Đinh Công Đại, chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết hầu hết dân trong xã là người nghèo, hỗ trợ từ chương trình 30a quá ít nên khó giúp họ thoát nghèo được. Trong xã, cây tre là cây cứu đói, mỗi đợt thu hoạch phải chờ nước lũ về mới làm bè theo nước về xuôi bán. Nhưng từ đầu năm đến nay, ông Đại cho hay cây tre trong xã bị bỏ vàng úa vì nước cạn không mang đi bán được và nhất là không có người mua, giá thấp.

Mới đây, khi chúng tôi về Mường Lát đã thấy nhiều đồi trọc đang được phủ xanh cây xoan - giống cây được hỗ trợ trồng rừng từ chương trình 30a mà Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Ông Vi Đình Thượng - bí thư xã Mường Lý, người đi đầu trồng xoan trong xã với 5ha rừng xoan xen cây lát - tính toán: trồng xoan sau bảy năm sẽ cho thu hoạch 200 triệu đồng/ha, như vậy 5ha của ông khi đến thời điểm thu hoạch sẽ cho tiền tỉ. Vấn đề là từ nay đến khi ấy dân Mường Lát vẫn cần được hỗ trợ gạo ăn để trồng và giữ rừng

"CÀO BẰNG VÀ ÁP ĐẶT TRONG XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO"

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm về thực tế thực hiện xóa đói giảm nghèo thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm - Ảnh: P.S.N.

Ông có thể nói rõ thêm về sự “cào bằng” và áp đặt trong việc xóa đói giảm nghèo hiện nay?

- Cách tiếp cận, đánh giá, đo lường về nghèo của nước ta khác với nhiều nước, đó là chúng ta đưa ra một mức sống tối thiểu, cứ dưới mức đó thì ta cho là nghèo. Sau đó đưa ra luôn nguyên nhân của nghèo đói là do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kỹ năng, thiếu nhà ở…, tiếp đó lại đặt ra luôn các chính sách hỗ trợ vào xóa đói giảm nghèo rất chung chung, như thế thành ra cào bằng.

Áp đặt còn ở chỗ khi làm chính sách thì thiếu bằng chứng, căn cứ về những nhu cầu thật sự, thực tiễn của người dân, cứ đưa từ trên xuống. Đôi khi chúng ta làm chính sách nhưng lại chưa lắng nghe, chưa tập hợp được ý kiến và sự tham gia của người dân, dẫn đến làm hạn chế hiệu quả thực hiện ở dưới.

Gần đây, người ta đã bắt đầu nói nhiều đến việc tiếp cận “nghèo đa chiều”. Khái niệm này khá mới đối với Việt Nam. Mặc dù về chính sách chúng ta đã có những sự hỗ trợ đa chiều cho người nghèo nhưng còn thiếu hệ thống đánh giá, giám sát vấn đề đa chiều của người nghèo. Vì vậy khi đưa ra chính sách, ta chỉ mới lấy một cái “chuẩn” về nghèo đói, rồi sau đó tất cả những người dưới “chuẩn” đó thì có chính sách hỗ trợ như nhau.

Đó là điều chúng tôi thấy cần phải tính lại. Bởi vì cũng ở trong nhóm dân cư dưới chuẩn nghèo nhưng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội và mức độ đạt được của họ là khác nhau. Do đó cần phải phân biệt được sự khác nhau đó để đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tránh sự cào bằng, tránh được sự không công bằng. Đó là vấn đề đặt ra cho nghiên cứu về chính sách giảm nghèo.

 Áp đặt, thiếu dân chủ trong giảm nghèo

Việc giảm nghèo bền vững, theo tôi, phải đảm bảo được ba yếu tố cơ bản: Thứ nhất là giảm nghèo đa chiều (không chỉ là thu nhập, an ninh lương thực mà còn có rất nhiều vấn đề khác như nhà ở, chữa bệnh, học, thông tin, trợ giúp pháp lý, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội).

Thứ hai là vấn đề dân chủ trong giảm nghèo. Bởi trong thực tế giám sát, chúng tôi thấy một số nơi trong tư duy làm việc, tư duy chỉ đạo của địa phương đó còn mang yếu tố áp đặt, thiếu dân chủ trong giảm nghèo. Áp đặt trong cả việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn, áp đặt trong cả việc sử dụng các nguồn vốn đó như thế nào nên không tạo được sự đồng thuận để phát huy được các tiềm năng cần thiết trong giảm nghèo.

Nếu phát huy được dân chủ trong giảm nghèo thì bản thân sự sáng tạo, sức lao động và mong muốn của người nghèo cũng đã là một nguồn lực rất to lớn trong giảm nghèo, nhưng nhiều nơi không làm được điều này bởi một tư duy có thể nói nôm na là “nghèo phải chịu”, áp đặt kiểu gì cũng phải chịu.

Thứ ba là trong giảm nghèo bền vững còn là bảo vệ môi trường sống, trong đó có môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa và môi trường xã hội. Việc giảm nghèo bền vững trong những năm tới cũng cần phải hướng đến những mô hình như vậy”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Vậy theo ông, cần khắc phục những hạn chế đó ra sao?

- Để chuyển toàn bộ hệ thống tiếp cận từ “nghèo đơn chiều” về thu nhập sang “nghèo đa chiều”, tức bên cạnh thu nhập còn tính đến mức độ tiếp cận được các dịch vụ cơ bản khác của người dân, thì còn mất nhiều thời gian. Nhưng ngay trong giai đoạn này, chúng ta cần phải xây dựng được hệ thống chỉ số đánh giá các chiều khác ngoài thu nhập, ví dụ về tiếp cận giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, tiếp cận về nhà ở, vệ sinh môi trường, tiếp cận về thông tin, các dịch vụ bảo hiểm xã hội, các bảo hiểm khác của người dân…

Chúng tôi đang cùng các bộ liên quan tập trung xây dựng khung đánh giá về chương trình giảm nghèo và các chính sách giảm nghèo với sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và các cơ quan khác. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá một cách thật sự toàn diện, sâu sắc về hiệu quả của các chính sách xóa đói giảm nghèo, rà soát xem các chính sách đó cần phải điều chỉnh như thế nào.

Người nghèo kiếm sống trên bãi rác đèo Rù Rì ở TP Nha Trang - Ảnh: Phan Sông Ngân

Ông nói rằng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chưa tạo thành một khung kết nối và dàn trải. Vậy khi triển khai các chính sách đó gây ra sự phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư ra sao?

- Nó gây ra sự phân tán, chia cắt về mặt hoạch định chính sách và cả về các mặt bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện, đánh giá. Đó là cái yếu của chúng ta trong phối hợp liên ngành. Ví dụ, hiện nay thật ra người nghèo ở nông thôn đồng bằng có thể vẫn thu nhập dưới mức 400.000 đồng/tháng nhưng việc cho con đi học tiểu học, trung học cơ sở đối với họ có thể không có nhiều khó khăn (như nơi khác), hoặc tiếp cận y tế của họ cũng tốt hơn.

Nhà ở của người nghèo ở đồng bằng, như ở đồng bằng sông Hồng, khác với điều kiện nhà ở trên miền núi nhưng ta lại không có phân biệt nhà ở đối với các vùng như thế, ta vẫn đưa chính sách giống nhau là đều được vay vốn để làm nhà ở, đều được hỗ trợ từ ngân sách để làm nhà ở.

Về thực thi chính sách đang còn những gì không ổn nữa, thưa ông?

- Thực thi chính sách còn chồng chéo. Ví dụ về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), ta có chính sách cấp thẻ BHYT cho người nghèo, chính sách cấp thẻ BHYT cho thân nhân của quân nhân, cấp thẻ BHYT cho học sinh dưới 6 tuổi, cấp thẻ BHYT cho người từ 80 tuổi trở lên. Đó là những đối tượng được BHYT cấp thường xuyên. Nhưng có thể những đối tượng này lại cùng sống trong một gia đình nghèo nên đôi khi cấp trùng.

Theo thống kê của BHYT, vừa qua bị trùng đến mấy trăm ngàn thẻ BHYT. Việc này không gây mất tiền chi trả BHYT nhưng tốn kém chi phí in ấn, cấp số thẻ đó. Chưa kể trong thực tế do những hạn chế bởi năng lực của cán bộ cơ sở ở các vùng miền khác nhau dẫn đến làm không đúng quy định.

Cũng không loại trừ những trường hợp cán bộ cấp cơ sở khi bình xét, rà soát các đối tượng nghèo có thể có chủ quan, tiêu cực, chẳng hạn có thể thiên vị gia đình, người thân, họ hàng, khe khắt với người khác…

Vậy cách phân bổ, điều hành, thực hiện các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo cho dân sắp tới liệu có sự thay đổi nào để khắc phục những hạn chế đó?

- Bây giờ chúng ta đã có thay đổi rất mạnh. Sau mấy thập kỷ thực hiện xóa đói giảm nghèo, ta đã nhìn nhận ra những vùng, những nhóm dân cư nghèo nhất là ở đâu, các chương trình giảm nghèo của chúng ta đã nhằm vào những vùng đó. Hiện ta có những chính sách chung cho người nghèo toàn quốc nhưng cũng có những chính sách đặc thù cho các vùng nghèo, người nghèo cùng cực, nghèo nhất (vùng có đông đồng bào dân tộc ít người, những huyện nghèo, những xã đặc biệt khó khăn, những xã ven biển).

Đó là những nơi chúng ta đang tập trung nguồn lực cho họ trong giai đoạn này.

Trong quá trình làm với một chương trình lớn, có diện đối tượng rộng như thế, với năng lực không đồng đều thì chắc chắn chỗ này chỗ kia có những sai sót. Sai đâu thì ta phải chỉnh đó ngay chứ không băn khoăn là cái đó phổ biến hay không. Những người nghèo, những vùng nghèo đã tương đối thuận lợi hơn, đã có thể tự lực vươn lên được thì người ta sẽ vươn lên từ “giá đỡ” của Nhà nước. Còn những vùng cần phải tiếp tục hỗ trợ thì ta đã xác định được và sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn, thực tế hơn.

Việt Nam đã đạt được những bước phát triển lớn để giảm nghèo trong những năm 1990. Nhưng làm thế nào để duy trì được bền vững các thành tựu này cần phải phân tích các chính sách có chất lượng cao hơn, với những số liệu đáng tin cậy hơn để đưa ra những biện pháp, chính sách can thiệp có hiệu quả…

Trong những tham vấn cơ sở cho chương trình phát triển của Việt Nam sau năm 2015, các bên liên quan đã nói đến cách thức tiếp cận cũng như mong muốn của họ: muốn được tham gia nhiều hơn; có xã hội công bằng hơn; có việc làm chất lượng, ổn định, có được sự tiếp cận của toàn dân đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề…

Như vậy, vấn đề đặt ra với những nhà hoạch định chính sách, những nhà lãnh đạo là phải tìm kiếm các mô hình để đạt nấc thang cao hơn, có giá trị nhưng đồng thời vẫn duy trì được một nền kinh tế có thể có những phản ứng tốt trước nhiều cú sốc đến từ bên ngoài.

Nhiều quốc gia như Mexico, Malaysia, Brazil, Trung Quốc, Bhutan đã áp dụng thành công khái niệm “nghèo đa chiều” và các phương pháp của “nghèo đa chiều” để theo dõi, đo lường và thiết kế các chính sách thực hiện giảm nghèo… Đó là những kinh nghiệm hết sức hữu ích đối với Việt Nam - nơi cũng đang tìm kiếm cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề đói nghèo và giảm nghèo đang ngày càng phức tạp hơn...

Ông Bakhodir Burkhanov (phó giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam) 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận