Nghệ thuật làm quan!

THANH VÂN 10/04/2013 00:04 GMT+7

TTCT - Trong trào lưu “tiểu thuyết quan trường” đang thịnh hành ở Trung Quốc, Quan trường hủ bại (*) là một trong những tác phẩm tiêu biểu vẽ nên bức tranh về một căn bệnh lớn, mỗi người làm quan là một con bệnh, rộng hơn là một cơ chế bệnh, một xã hội bệnh.

Mắc bệnh rồi con người không còn nhân tính nữa, chỉ còn “quan tính”.

Phóng to

1. Thành phố Đông Lạc xảy ra ba sự kiện chấn động dư luận: cục trưởng Cục Kiến thiết thành phố Hà Đại Dục bị công an cách ly để điều tra, nữ chủ nhiệm phòng quản lý di dời nhà ở Phạn Băng Băng không hiểu sao lại đi ăn cắp đồ trong siêu thị và Mã Chi Đông, thường ủy thị ủy thành phố, bỗng dưng nhảy lầu tự sát.

Ba sự kiện này bề ngoài không liên quan nhưng đều nhắm thẳng đến Đường Hội Thanh, chủ nhiệm hội đồng nhân dân thành phố Đông Lạc, một nhân vật lão luyện trong giới quan trường.

Trong mấy chục năm làm quan, ông ta đã câu kết với Hà Đại Dục làm ăn phi pháp, ngoại tình với Phạn Băng Băng, lại từng là người tiến cử Mã Chi Đông. Nguyên nhân của cả ba sự kiện đều nằm trong vòng bí ẩn, điều này tạo thành một áp lực khổng lồ đối với tâm lý của Đường Hội Thanh khiến ông ta từ đó trở đi sợ cả tiếng mèo kêu, vẹt nói, gió lạnh, sấm chớp...

Những vụ việc mờ ám tưởng đã ngủ yên bỗng sống dậy từ những chỗ không ngờ nhất, từ từ siết chặt lấy ông ta như một tấm lưới nhện.

Chu Kim Thái là một nhà văn tự do người Hồ Nam. Ông đồng thời là học giả, nhà bình luận kiêm phát thanh viên tin tức trên Đài truyền hình Hồ Nam và là phó tổng biên tập tạp chí Thư Họa Hồ Nam. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng được đăng dài kỳ trên các mạng của Trung Quốc, nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng nước ngoài. Quan trường hủ bại là tác phẩm tiêu biểu của ông vào top 10 cuốn sách bán chạy nhất của trang web nổi tiếng về sách dangdang.com.

2. Từ Đường Hội Thanh, cuốn sách mở rộng ra rất nhiều nhân vật khác, có chính có phụ, nhưng đều mang màu sắc điển hình: Lý Hựu Thu, “nô tài hầu cận” thời hiện đại hoàn hảo, tận tụy với Đường Hội Thanh đến mức “chỉ cần một động tác nhỏ, một biểu cảm nhỏ là có thể đoán được lãnh đạo đang nghĩ gì, cần gì”.

Tất Phu Chiết vì quá lệ thuộc vào quan chức nên khi bị trù dập đã trở nên dở điên dở dại, mỗi lần anh ta làm càn phải có người nhắc “phải chính trị” mới ngăn được. Bí thư huyện ủy Lôi Đạt Nhân giấu cuốn nhật ký tình ái đầy những chuyện bẩn thỉu, đến lúc bị phát hiện thì vội vã dùng công an, quân đội để bưng bít...

Đến cả nhân vật quần chúng như thím Phàn, ôsin nhà Đường Hội Thanh, cũng “là một người giúp việc rất “chính trị”, nữ chủ nhân cười, nam chủ nhân không cười, thím cũng không cười. Chỉ khi nào cả hai người cùng cười thì thím mới phụ họa cười theo. Khi gặp chuyện gì vui vẻ, để chủ cười trước là triết học ôsin của thím Phàn”.

Những con người cả dân lẫn quan xuất hiện liên tục từ đầu đến cuối sách đều là những bức chân dung hiện thực khiến người ta bật cười vì thương hại, nhưng cũng nhận ra một phần sự méo mó, thảm hại của chính bản thân mình trong đó.

3. Đỉnh điểm của sự bi hài diễn ra trong chương “Nghi thức cáo biệt” nói về đám tang Mã Chi Đông. Mã Chi Đông vốn là một quan chức hiếm hoi hết lòng trách nhiệm với công việc, được người dân rất tin yêu, không làm đám tang đúng quy cách thì không xong, nhưng lỡ sau này ủy ban kỷ luật điều tra ra ông ta vì mang trọng tội mà tự sát thì người đến viếng làm sao yên được?

Cái chết đó “dùng cách nói của nhân dân thì thật không dễ viết điếu văn... Người chủ trì buổi tang lễ không thể lên tiếng ca ngợi, cũng không thể tỏ ra quá đau buồn”. Quang cảnh xung quanh nhà tang lễ vì thế biến thành vở kịch với rất nhiều xe con nấp trong rừng ở lưng chừng núi, che biển số, người trong xe dùng ống nhòm quan sát xem đơn vị nào tới viếng.

Khi lễ truy điệu kết thúc mà không thấy xuất hiện quan chức trên tỉnh thì đám xe con mới lặng lẽ rời đi, vất lại rất nhiều vòng hoa đủ loại. Đây có lẽ là chương hay nhất trong cuốn sách, có đầy đủ tình huống tâm lý căng thẳng, vô số tính toán cân nhắc đầy kịch tính.

Hơn 500 trang tiểu thuyết có lẽ làm thỏa mãn người đọc về mức độ dày dạn, phong phú, chỉ đáng tiếc là tác giả ôm đồm quá nhiều, chưa biết giản lược để làm nổi bật lên những tình tiết đắt giá. Nhưng nhìn chung Quan trường hủ bại là một cuốn sách nên đọc với những ai quan tâm tới... nghệ thuật làm quan.

___________

(*): Quan trường hủ bại, tiểu thuyết của Chu Kim Thái, Thảo Giang dịch, Ajarbook và NXB Văn Học, 2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận