Nghệ sĩ Xuân Hương: "Tôi lựa con đường đi để tự răn mình"

TRẦN NHÃ THỤY THỰC HIỆN 13/02/2012 00:02 GMT+7

TTCT - Gặp nghệ sĩ Xuân Hương trong một quán cà phê vào những ngày đầu năm mới. Phố còn vắng và quán còn thưa thớt. Vẫn nụ cười rộng mở và giọng cười nhiều khi bật thành tiếng, nhưng ánh mắt thì buồn thẳm hơn và nước mắt nhiều lần không kìm được.

Nghệ sĩ Xuân Hương bảo rằng thời gian qua quả thật chị đang… lặn và lặng, muốn trốn đám đông và tìm sự bình yên. Tuy nhiên, nghệ sĩ Xuân Hương ngồi ở nhà không phải để chơi mà âm thầm làm việc, chuẩn bị trở lại sân khấu, màn ảnh, góp cho đời những tiếng cười…

Nghệ sĩ Xuân Hương - Ảnh: Kim Hoàng

Không phải nghệ sĩ hài nào cũng diễn được hài kịch châm biếm

Thỉnh thoảng đọc báo thấy nêu gương người tốt việc tốt, nói thật là tôi… thấy buồn. Vì sao? Vì người tốt việc tốt đáng lẽ phải là hiển nhiên, là số đông, giờ là “hàng hiếm”. Và những cái xấu, cái ác xảy ra hằng ngày khiến tôi sợ. Nhiều khi tôi tự nhủ chẳng thà đừng đọc báo, đừng đi ra đường còn hay hơn!

* Thưa nghệ sĩ Xuân Hương, những năm trước, vào dịp cuối năm, khán giả thành phố có thói quen chờ đợi và sảng khoái với Những người thích đùa (NNTÐ). Thế nhưng mấy năm qua chương trình NNTÐ không còn nữa. 

Nhiều người cho rằng sở dĩ chương trình không tiếp tục là do chị và nghệ sĩ Thanh Bạch chia tay nhau. Tuy nhiên trong nhiều lần trò chuyện, chị xác nhận đó không phải là nguyên do. Vậy nguyên do là từ đâu và liệu NNTÐ có trở lại?

- Đây là câu hỏi tôi thường gặp trong các cuộc trò chuyện, không phải chỉ với nhà báo, mà với những người bình thường, họ là khán giả của NNTĐ. Câu hỏi vừa khiến mình buồn vừa làm mình vui. Nghĩa là thương hiệu NNTĐ vẫn chưa chết. Và tôi từng "đùa một mình" sau khi chia tay. Về nguyên do chương trình gián đoạn lâu vậy thật ra là do tôi. Như bạn đã biết NNTĐ do tôi vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên, rồi lo tất tần tật từ chuyện thuê nhà hát, xin giấy phép…

Mà thời gian qua, cứ mỗi lần thực hiện xong NNTĐ quả thật tôi "đuối" quá, tôi cần thời gian để nạp năng lượng trở lại. Nói có vẻ như phân trần vậy, cuối cùng tôi xin khẳng định là NNTĐ sẽ trở lại trong năm nay, nhưng sẽ không làm vào dịp tết nữa vì làm vào dịp tết rất áp lực, mọi người đều bận rộn. Lần này tôi chọn thời điểm khoảng tháng 6, tháng 7-2012 để thực hiện NNTĐ.

* Và sẽ có Thanh Bạch?

- Sẽ có Thanh Bạch cùng Khánh Hoàng, Trung Dân và "những con rối của Xuân Hương". Nếu mọi người đã quen với hình ảnh của Thanh Bạch - Xuân Hương trên sân khấu thì có lẽ cũng quen thuộc với hình ảnh Xuân Hương và những chú rối, đó là những diễn viên đặc biệt, thay thế diễn viên thật và chuyển tải được nhiều điều hơn.

* Ðúng là "những con rối của Xuân Hương" rất đặc biệt, hình như những gì mà "diễn viên người" không tiện nói thì chị lại đẩy cho "diễn viên rối"?

- Diễn viên rối là một lựa chọn nằm trong ý đồ thực hiện hài kịch châm biếm của tôi. Thật ra không phải diễn viên nào cũng diễn hài được, và không phải diễn viên hài nào cũng diễn hài kịch châm biếm được. Hài kịch châm biếm phải có một cách nhận thức khác và thể hiện khác, nhiều khi anh diễn như chính kịch mà ra hài kịch. Nhưng quan trọng hơn diễn viên diễn hài kịch châm biếm phải là người có tâm thế nhập cuộc, ưu thời mẫn thế, phải trăn trở với cuộc đời và muốn có tiếng nói tấn công vào những cái xấu, những bề trái…

* Như vậy diễn viên tấu hài tràn lan, nhưng diễn viên diễn hài kịch châm biếm lại không dễ kiếm?

- Đúng là như vậy. Khi làm NNTĐ, thú thật tôi rất đau đầu khi tìm diễn viên. Nghệ sĩ thì biết rồi, mỗi người mỗi tính mỗi tật không ai giống ai, nhưng theo tôi nghệ sĩ diễn hài kịch châm biếm phải là người có tri thức, có tiếng nói tư tưởng. Và quan trọng hơn, trên sân khấu diễn xuất của anh phải là từ ruột gan, anh phải trao truyền đến khán giả những điều từ trái tim, và khán giả tin là anh đã nói bằng trái tim chân thật của mình. Với tôi, chọn hài kịch châm biếm không chỉ để đả phá cái xấu mà còn để loại bỏ những cái thấp hèn, có khi là ngay trong chính bản thân mình.

Không cần vinh quang, chỉ cần yêu thương

Đang chuẩn bị cho NNTĐ trở lại, nghệ sĩ Xuân Hương đồng thời còn viết kịch bản phim truyền hình Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa phần 2 (dự kiến 70 tập), trong phim này Xuân Hương tiếp tục vào vai Tư Măng vợ Hai Lúa (Thanh Nam). Và cũng trong năm nay Xuân Hương sẽ thực hiện dự án hài kịch châm biếm truyền hình cho Đài truyền hình TP.HCM (HTV).

* Thưa chị, người nghệ sĩ dù nổi danh đến đâu rồi cũng phải đến lúc xa ánh đèn sân khấu, rời màn ảnh, chia tay khán giả, trở về với đời thường. Chị có chuẩn bị tâm lý ấy chưa, hay có khi nào muốn "rửa tay gác kiếm" giữa chừng?

- Quả thật là trong khi tìm về sống trong khoảng lặng, nhiều lúc tôi cũng muốn… lặn luôn. Tôi hiểu cái danh đối với nghệ sĩ quan trọng chứ, nhưng càng sống càng va chạm nhiều, hiểu nhiều, trải qua buồn vui nhiều, tôi nghiệm ra rằng vinh quang rồi cũng qua, cái mình cần nhất là sự bình yên. Vậy thì cái danh cái lợi có làm mình bình yên không? Với tôi, thật ra không cần vinh quang mà chỉ cần yêu thương, cần một chút tình chân thật với nhau là đủ.

* Trong xã hội hiện nay, điều chị quan tâm và muốn phản ánh nhất trên sân khấu hài kịch châm biếm là gì?

- Có lẽ điều tôi quan tâm nhất mà cũng là điều khiến tôi cảm thấy đau buồn nhất là văn hóa ứng xử. Bởi vì văn hóa ứng xử là thước đo của cả một cộng đồng. Ra đường thấy xe tông nhau rồi người nhảy vào ẩu đả nhau xảy ra như cơm bữa. Vấn đề không phải là chuyện gì, biến cố gì, mà sau biến cố đó con người cư xử với nhau như thế nào. Tôi thấy xã hội hiện nay hình như con người ít biết thương nhau, ai cũng giành phần thắng về mình, ỷ mạnh hiếp yếu…

Thậm chí khi mình sống hết lòng với ai đó thì lòng tốt của mình bị nghi ngờ và thế là người ta lại đem tai họa giáng xuống mình. Thỉnh thoảng đọc báo thấy nêu gương người tốt việc tốt, nói thật là tôi… thấy buồn. Vì sao? Vì người tốt việc tốt đáng lẽ phải là hiển nhiên, là số đông, giờ là "hàng hiếm". Và những cái xấu, cái ác xảy ra hằng ngày khiến tôi sợ. Nhiều khi tôi tự nhủ chẳng thà đừng đọc báo, đừng đi ra đường còn hay hơn!

* Nếu "đóng cửa, bịt mắt, bịt tai" thì có lẽ không còn là… Xuân Hương thích đùa nữa rồi?

- Thì nói vậy thôi, tôi nghĩ mình vẫn phải dấn thân vào cuộc sống, sống hết mình, không phải chỉ để có chất liệu làm nghệ thuật mà còn để hiểu và thêm yêu cuộc đời. Nói thật, với tôi, vẻ đẹp cuộc sống mà tôi nhìn thấy được là từ những con người bình dị xung quanh: người bán cá ngoài chợ, người bán hàng rong, người bán vé số…

Nếu để ý quan sát, mình thấy nhiều cảnh đời rất đáng trân trọng và rất thương tâm. Có một bà má người miền Trung không ở được với con cái bất hiếu, vào thành phố ở đậu, bán cá khô ở chợ gần nhà tôi. Ngang qua ngang lại nhiều lần, tôi để ý thấy buổi trưa bà mua một hộp cơm nhưng chỉ ăn phân nửa, để dành chiều tối ăn tiếp rồi mới về nhà. Tôi thường mua giúp bà cá khô dù ăn chẳng hết, thỉnh thoảng tôi cũng cho tiền và dặn bà mua cơm đủ cho một lần ăn, đừng ăn cơm nguội không tốt cho bụng dạ người già.

Một lần bà nói với tôi vầy: "Sao cô tốt với tui quá. Tui không biết lấy gì đền ơn cô. Thôi thì mai mốt tui chết, tui sẽ phù hộ cho cô, nghen cô"! Nghe bà nói vậy tôi liền chạy xe đi để tránh cho bà nhìn thấy tôi đang khóc. Vậy đó, có những người nghèo mà họ nghĩ rằng chỉ khi nào chết đi mới đền ơn được người khác. Nhưng rồi một hôm bà má không còn ở chợ nữa, tôi không biết bà đã về quê hay đi đâu, hiện còn sống hay đã mất… Những suy nghĩ ấy cứ đáo qua đáo lại trong đầu tôi mãi!

* Xem ra chị rất tâm đắc với những câu chuyện đời thường?

- Có lẽ là vậy. Tôi lại xin kể một chuyện có thật như vầy: bà chị tôi có đứa con học thêm một thầy giáo giỏi. Nhà thầy ở rất xa nhưng tận tụy đến dạy cháu rất đúng giờ, dạy nghiêm túc, nhiệt tình. Vì thầy dạy giỏi nên thù lao cũng tương đối cao. Có một giai đoạn gia đình chị tôi gặp khó khăn về kinh tế nên muốn cho cháu thôi học thêm. Chị tôi tìm cách nói với thầy, nghe chuyện, thầy hỏi lại: gia đình cho cháu nghỉ có phải do thầy dạy dở không?

Chị tôi mới thưa thật rằng thầy dạy rất tốt, nhưng gia đình đang khó khăn nên bất đắc dĩ phải nói thầy thôi dạy. Thầy bảo nếu như thế thì thầy sẽ tiếp tục dạy cháu, khi nào có tiền trả cho thầy, còn không coi như thầy giúp cháu. Thầy còn nói thêm cháu đang tuổi mới lớn, như một tờ giấy trắng, cháu sẽ nghĩ sao khi vì nhà không có tiền mà thầy thôi dạy, chẳng lẽ thầy dạy chỉ vì tiền thôi sao.

Bên cạnh những điều xấu làm tôi trăn trở nhức nhối thì những nét đẹp như vậy luôn làm cho tâm hồn tôi thấy đẹp hơn một chút và còn một chút gì đó để tin.

Đến bây giờ, dù nhiều gian truân, nhưng tôi vẫn nghĩ mình chọn hài kịch châm biếm là đúng, là lựa con đường đi để tự răn mình, giữ mình sống tốt hơn. Con trai tôi cũng tự hào về mẹ đã chọn con đường chông gai, nhưng chân chính trong nghệ thuật.

* Con trai của chị có theo nghề của ba mẹ?

- Cháu đang học ngành tổ chức biểu diễn ở Malaysia. Không theo nghề của ba mẹ, không ở trên sân khấu mà chỉ đứng… bên trong sân khấu, theo tôi như vậy là tốt hơn cả. Tôi có quan niệm dù là nghệ sĩ thì phải ăn học đàng hoàng, có phông văn hóa tốt, chứ vì quá mê nghệ thuật mà bỏ dở học hành thì anh chỉ dừng lại ở chỗ nghệ sĩ diễn như cái máy, lấy ánh đèn sân khấu làm ánh hào quang, không có tư tưởng riêng và cũng khó tìm được những niềm vui thật sự.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận