"Nghề" mới: mua bán chứng minh nhân dân

N.C. GHI 24/05/2009 03:05 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác xuất hiện một “nghề” kinh doanh mới, lạ với “mặt hàng” là... giấy chứng minh nhân dân (CMND).

Phóng to
Sáu CMND được bán giá 40.000 đồng/cái trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM

“Không chỉ mua bán mà còn có đường dây chuyên cho thuê CMND. Đây được xem là một nghề... hái ra tiền bởi giá trị mỗi CMND có thể dao động từ “một đĩa cơm” đến vài triệu đồng, được người ta lùng mua để dùng vào những mục đích riêng” - P.M.T., ngụ quận Tân Bình, TP.HCM, khẳng định.

Giá của CMND

Sáng 14-5, chúng tôi hẹn gặp T. tại quán cà phê cóc bên vệ đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM. Theo lời T., để tiếp cận việc mua bán CMND, tuyệt đối phải thân quen với chủ tiệm cầm đồ vì đây là một “nghề” tế nhị và... phạm pháp.

“Nghề thu gom CMND cũ đã tồn tại mấy năm qua, vì những kẽ hở trong hoạt động của siêu thị miễn thuế Mộc Bài (Tây Ninh). Thường chúng tôi làm theo thời vụ, khoảng vài tháng mới “vét” một lần vài trăm cái. Trước đây, mua một CMND chỉ có 5.000-10.000 đồng rồi bán lại cho các “cò” ở khu Gò Dầu, cạnh siêu thị Mộc Bài với giá 20.000-30.000 đồng. Do có bao nhiêu cũng tiêu thụ sạch nên hiện tại các chủ tiệm ra giá 40.000 đồng/CMND, có khi lên cả trăm ngàn đồng vậy mà nhiều người vẫn rốt ráo săn tìm, khiến “hàng” này ngày càng đắt. Bởi sau khi mua, các “cò” cho thuê lại CMND tại cửa khẩu Mộc Bài với giá 30.000-50.000 đồng/cái/lần” - T. nói.

Cũng theo lời T., thời gian gần đây siêu thị Mộc Bài không còn hoạt động xô bồ từ khu cổng ngoài như trước. Tất cả đã đi vào trật tự bằng hệ thống máy tính giám sát, nhận dạng người mua và số CMND của từng khách hàng. Tuy vậy, hoạt động săn lùng CMND cũ vào thời điểm này vẫn diễn ra, chắc chắn không phải chỉ dùng để mua hàng miễn thuế ở Mộc Bài mà còn được sử dụng vào những mục đích khác. P.H.H. (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết nhóm của anh ta chuyên đi mua CMND ở tiệm cầm đồ trên địa bàn các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp... “Có ba lý do để nghề này có đất sống. Thứ nhất là dùng CMND để gian lận thương mại trong siêu thị miễn thuế. Thứ hai, tạo CMND giả để dễ dàng “làm ăn” ở hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia. Không chỉ có giá trị ở vùng biên giới, rất nhiều công nhân các khu công nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... cần CMND giả để xin việc và “chuồn” an toàn khi cần. Thứ ba là để giả thẻ ATM”.

Chỉ cần lên mạng gõ dòng chữ “mua bán CMND” sẽ thấy khá nhiều thông tin rao bán CMND với giá vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng. Và cũng không ít thông tin cần mua, đại loại như: “Cần mua một số CMND để làm lao động phổ thông, bạn nào có CMND không liên quan đến bản thân có thể bán cho mình. Số điện thoại liên lạc 0908...”. Chúng tôi thử gọi một số điện thoại cần mua CMND thì được các “đối tác” cho biết sẵn sàng thu gom tất cả CMND với giá vài chục ngàn đồng/cái, có bao nhiêu cũng mua.

Phóng to
Các tiệm cầm đồ là nơi lưu trữ rất nhiều CMND của người cầm cố

Đi mua CMND

Trưa 15-5, chúng tôi nhập vai đi mua CMND ở các tiệm cầm đồ nằm rải rác trên đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Cộng Hòa (Tân Bình), Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp)... Năn nỉ mỏi cả miệng và chấp nhận giá 40.000 đồng/CMND, nhưng ít chủ tiệm cầm đồ chịu bán. Tại tiệm cầm đồ trên đường Ung Văn Khiêm, một bà chủ tiệm nói đầy vẻ nghi ngờ: “Cậu là người thứ hai trong ngày hỏi mua CMND rồi đó. Khách hàng có bỏ thì chúng tôi cũng giữ lại. Nếu nhiều quá thì đem... đốt chứ ai lại đem đi bán, lỡ cậu làm gì nguy hại cho họ thì... chết tôi sao?”.

Nghe chuyện, H. cười, lắc đầu giải thích: “Do chưa quen và không nằm trong những đường dây thu gom nên các chủ tiệm từ chối để tránh rắc rối vậy thôi. Hiếm có chủ tiệm nào mà không bán CMND bỏ đi để kiếm ít tiền. Nhưng do mình chưa quen mặt, nếu họ sợ thì mình chuyển qua thuê cũng được”.

H. dẫn chúng tôi đi mua CMND ở một vài nơi gần Khu công nghiệp Tân Bình, đường Lê Văn Khương (quận 12)... Chưa đầy ba giờ mà H. đã có trong tay gần 50 CMND, với giá 20.000-30.000 đồng. Trong đó có 15 cái được thuê một tuần với giá 100.000 đồng dùng làm thẻ “ảo” ATM cho một “đại gia”. H. cho rằng chỉ cần một cú điện thoại sẽ có người đến đón ở ngã tư An Sương (Hóc Môn) mua lại với giá 50.000 đồng/CMND ngay lập tức.

Tại tiệm cầm đồ MT gần Khu công nghiệp Sóng Thần, quận Thủ Đức (TP.HCM), một người đi cầm đồ vừa xin chuộc lại CMND, cho biết: “Không phải riêng ở đây, bây giờ nhiều nơi cầm đồ yêu cầu khách giao CMND. Do thủ tục đơn giản, chỉ cần xác nhận tờ cớ mất là có thể làm lại CMND mới nên nhiều người thản nhiên “bỏ quên” CMND lại cho chủ cầm đồ”.

“Cứ đi thưa đi!"

Theo thượng tá Nguyễn Văn Dung - trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chánh về trật tự xã hội (PC13) Công an TP.HCM, CMND là vật bất ly thân của mỗi người, chủ tiệm cầm đồ có quyền yêu cầu người cầm cố xuất trình CMND để đối chiếu chứ không được quyền tạm giữ CMND. Nếu lỡ giữ phải tìm mọi cách trả lại cho người cầm đồ, trường hợp không biết địa chỉ và người cầm đồ bỏ hẳn thì phải giao nộp cho cơ quan chức năng. Mọi hành động tự ý tiêu hủy hoặc dùng CMND thế chấp để làm ăn, buôn bán... sẽ bị xử phạt từ hành chính đến hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo T., thủ tục làm thẻ ATM ở nhiều ngân hàng quá đơn giản, chỉ cần photo CMND kèm bản gốc và đăng ký thông tin cá nhân là đã mở được tài khoản miễn phí. Đây là công cụ để vòi tiền chuộc bằng tài khoản “ảo” rất hữu hiệu. Do vậy, đối tượng phạm pháp thi nhau lùng mua CMND của người khác để mở tài khoản “ảo” dùng vào những mục đích lừa đảo khác nhau.

Tháng 4 vừa qua, anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị mất một túi xách gồm laptop, máy ảnh, điện thoại di động... với tổng trị giá hơn 30 triệu đồng. Tên trộm đòi tiền chuộc 10 triệu đồng qua thẻ ATM và hứa sẽ trả lại toàn bộ tài sản bị mất. Anh Sơn chấp nhận gửi tiền vì nghĩ công an sẽ căn cứ số tài khoản để lần ra manh mối tên trộm. Thế nhưng khi gửi tiền xong, tên trộm “cuỗm” luôn túi xách và nhắn lại một tin nhắn: “Đi thưa công an đi con, đây là tài khoản ảo mà tao mua lại CMND cũ ở tiệm cầm đồ. Bye bye!”.

Ngày 16-5, chúng tôi có mặt tại khu vực siêu thị miễn thuế Mộc Bài. Để được mua hàng, khách phải vào siêu thị chọn hàng rồi xuất trình CMND cho nhân viên thanh toán. Trông bề ngoài rất trật tự và chuyện gian lận thương mại thông qua CMND xem ra “tắc đường sống”, nhưng thực tế nó vẫn ngấm ngầm tái diễn.

Tại các quầy hàng trong siêu thị, các “cò” cứ luẩn quẩn khắp nơi, gặp khách là to nhỏ: “Có cần thêm CMND thì tụi chị “bơm” cho, cứ mỗi cái đưa tụi chị 30.000 đồng là được rồi”. Dù khách hàng mua xong sẽ được nhân viên xem mặt và ghi lại số CMND, vậy mà hàng chục “cò” vẫn tìm cách “lách” để tuồn hàng ra ngoài liên tục. Thắc mắc này được một “cò” tên Hương lý giải: “Người ta xem mặt, ghi tên và số CMND. Nếu mặt mình giống, tên khác, số khác là được thôi. Lu bu quá, ai mà rảnh rỗi để ý”.

Rồi Hương hé cho chúng tôi xem ba CMND có cùng khuôn mặt chị ta nhưng hoàn toàn khác nhau về tên họ và quê quán.

Phóng to
Tuy quản lý chặt hơn nhưng CMND vẫn là nguồn sống của nhiều “cò” ở siêu thị Mộc Bài, Tây Ninh - Ảnh: B.S.

Phạm pháp băng tên người khác

Cuối năm 2008, Công an TP Đà Nẵng phát hiện và xử lý vụ án lừa đảo qua thẻ ATM liên tỉnh với đối tượng chủ mưu là Nguyễn T. (ở phường 4, quận 8, TP.HCM). T. chuyên mua CMND tại các tiệm cầm đồ ở TP.HCM rồi thay ảnh mình vào để mở hàng chục tài khoản thẻ ATM, chiếm đoạt của 14 người số tiền gần 3,8 tỉ đồng.

Trước đó, cơ quan điều tra cũng phát hiện, phá đường dây tội phạm chuyên mua lại CMND tại các tiệm cầm đồ rồi tới chi nhánh các ngân hàng như Đông Á, Ngoại thương... để mở tài khoản “ảo” lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Công an quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cũng vừa phá đường dây tiêu thụ, làm giả giấy tờ xe máy liên tỉnh quy mô lớn do Nguyễn N.X.H. (ngụ Hoài Đức, Hà Tây, Hà Nội) là một trong những người cầm đầu. H. thường đến các tiệm cầm đồ hoặc đặt hàng các “đối tượng” trộm cướp để mua lại CMND với giá 100.000-200.000 đồng/cái phục vụ mục đích làm giấy tờ giả của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận