Nghề giáo hiện nay là nghề "oan trái"

TTCT - Đề tài nghiên cứu “Hệ thống phúc lợi ở TP.HCM với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội” do TS Trần Hữu Quang làm chủ nhiệm đã nêu ra một vài số liệu như một bằng chứng về những “oan trái” mà giáo viên phổ thông đang phải đối diện. Xin giới thiệu một số dữ liệu nghiên cứu ghi nhận được.


Một giờ dạy bồi dưỡng cho học sinh giỏi của thầy Nguyễn Đức Tấn - Ảnh: Như Hùng


Cô Trịnh Thị Định, giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, trong giờ dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 10A15 với dụng cụ dạy học là những hạt đậu trắng, đen. Cách dạy của cô khơi gợi được cảm xúc và sự thích thú của học sinh - Ảnh: Như Hùng

Gần 80% thời gian cho việc ngoài giảng dạy

Theo lẽ thường tình, công việc của giáo viên là nghiên cứu và giảng dạy cho học sinh theo chương trình đã được quy định. Thế nhưng cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy ngoài việc dạy, giáo viên hiện còn phải làm nhiều việc khác đôi khi không dính gì đến chuyên môn (bảng 1).

Như vậy ý kiến của công luận lâu nay về chuyện thầy cô giáo phải đảm nhận quá nhiều công việc trong trường là hoàn toàn có cơ sở. Quả là khó chấp nhận khi giáo viên hiện nay phải làm quá nhiều việc khác ngoài chuyên môn, chẳng hạn như làm đồ dùng dạy học, vệ sinh trường lớp hay thu tiền... vốn lẽ ra không phải trách nhiệm của họ. Vậy thời gian để bồi dưỡng về sức khỏe cũng như chuyên môn là không hề có. 

Trong số các công việc ngoài chuyên môn trên thì loại công việc mà giáo viên cho là chiếm nhiều thời gian nhất đó là việc phải làm các loại sổ sách, thu tiền và việc làm đồ dùng dạy học. Khi được hỏi quỹ thời gian mà hiện nay giáo viên phải dành cho các việc ngoài giảng dạy là như thế nào thì có 73,9% số giáo viên cho biết những việc đó chiếm khá nhiều hoặc rất nhiều thời gian của họ, trong khi chỉ có 26,1% cho là không nhiều.

Về chương trình giảng dạy, có 65,1% số thầy cô cho biết nội dung môn học mà họ đang đảm nhận là nặng hoặc rất nặng; trong khi chỉ có 0,8% cho là nhẹ và 34,1% cho là vừa phải. Đối với sách giáo khoa, chỉ có 23,7% số giáo viên cho rằng họ cảm thấy thoải mái và dễ dàng khi dạy theo sách giáo khoa mà trường đang sử dụng.

 Người thầy chưa phải là nơi nương tựa

Vì thầy cô hiện phải mất nhiều thời gian cho quá nhiều chuyện “linh tinh” như vậy nên họ đã không đóng được vai trò là người tư vấn hay dẫn đường cho học sinh. Khi được hỏi là học sinh có thường xuyên nhờ thầy cô giúp đỡ hay tìm lời khuyên khi các em gặp khó khăn trong việc học hay cuộc sống nói chung, kết quả cho thấy chỉ có 35,7% giáo viên cho biết học sinh thường xuyên hoặc rất thường xuyên tìm gặp họ mà thôi. 

Như vậy rõ ràng là một lỗ hổng rất lớn đối với học sinh khi xét về thực chất, chính thầy cô phải là nơi nương tựa cho học sinh chứ không ai khác.

Hơn 80% bị áp lực bởi thành tích, thi đua 

Vậy có cần phải bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua trong nhà trường hiện nay không? Có 67,3% số giáo viên đồng ý cần bãi bỏ các chỉ tiêu về tỉ lệ học sinh xuất sắc, học sinh giỏi hay tỉ lệ học sinh lên lớp, bởi 66,7% số giáo viên cho rằng tỉ lệ học sinh xuất sắc, học sinh giỏi không phản ánh đúng năng lực thật sự của học sinh (bảng 3).Lâu nay công luận thường xuyên phê phán bệnh thành tích trong giáo dục như là một trong những yếu tố làm giảm chất lượng dạy và học trong nhà trường cũng như làm tăng áp lực đối với giáo viên. Kết quả khảo sát từ ý kiến của bản thân giáo viên cũng cho thấy điều đó. Có hơn 80% số giáo viên được hỏi cho biết bệnh thành tích đang thật sự gây áp lực nặng nề đối với giáo viên lẫn học sinh trong nhà trường, trong khi chỉ 8% có ý kiến ngược lại (bảng 2).

Đồng thời cũng có đến 81,4% giáo viên đồng ý rằng không nên đánh giá giáo viên qua kết quả học tập của học sinh, vì có 30,9% số giáo viên cho rằng hiện nay đa số giáo viên thường xuyên cho điểm vượt quá khả năng thật sự của các em.

Cái nhìn xã hội

Đọc tin tức trên các báo thỉnh thoảng chúng ta lại thấy những chuyện đau lòng: nào là học sinh và phụ huynh học sinh hành hung thầy cô giáo, học sinh đe dọa hay coi thường và xúc phạm giáo viên. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy điều đó. Khi được hỏi về thái độ của học sinh đối với thầy cô giáo hiện nay, có đến 78,2% số giáo viên được hỏi cho biết phần lớn học sinh ngày nay không có thái độ tôn trọng thầy cô giáo như ngày xưa. 

Gần 60% giáo viên được hỏi cho rằng hiện nay xã hội cũng không còn tôn trọng nghề giáo như trước đây. Đặc biệt, có 72,4% số giáo viên cho rằng hiện nay công luận thường xuyên có nhiều ý kiến đánh giá oan ức và không đúng về giáo viên (bảng 4).

Như vậy chúng ta thấy hiện nay nghề giáo là một trong những nghề căng thẳng nhất trong xã hội. Giáo viên phải đảm nhận quá nhiều việc ngoài chuyên môn trong khi vẫn phải chạy theo nội dung chương trình quá nặng nề. Song song đó là thái độ thiếu tôn trọng của HS và sự đánh giá đôi khi quá thiếu công tâm của dư luận xã hội làm người thầy hiện nay gần như phải sống trong tâm trạng đối phó là chính. Từ những áp lực và căng thẳng ấy, việc họ rơi vào sai lầm trong ứng xử là điều có lẽ cần phải được thông cảm hơn lên án.

Bảng 1. Những việc mà giáo viên phải đảm nhận thêm ngoài việc dạy

Bảng 2. Bệnh thành tích trong nhà trường gây áp lực nặng cho giáo viên và học sinh

Bảng 3. Ý kiến về tỉ lệ học sinh xuất sắc, giỏi

Bảng 4. Ý kiến của GV về HS và công luận hiện nay (theo tỉ lệ %)

(*) Để thực hiện đề tài, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 363 giáo viên tại 12 trường từ tiểu học đến trung học phổ thông ở TP.HCM, trong đó có chín trường nội thành và ba trường ngoại thành với cả ba loại hình công lập, bán công và dân lập.

=====================================================================

BẠN ĐỌC KỂ CHUYỆN:

* Bạn bè tôi thường nói đùa với tôi rằng “Ông giáo đã tìm thấy người đồng kham cộng khổ chưa?” mỗi khi tôi nói chuyện với họ. Ban đầu thì không sao, nhưng lâu ngày tôi thấy khó chịu và một ngày nào tôi sẽ hỏi bạn tôi xem thử họ nghĩ gì về nghề của tôi. Theo bạn thì sao? Phải chăng nghề của tôi nghèo quá hay vất vả quá?

* Từ thuở nhỏ do sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi thường là đứa trẻ phá phách nhất nhà: từ trộm cắp vặt trong nhà đến đánh lộn với lũ bạn hàng xóm, mà mỗi khi sự việc xảy ra thì tôi bị ông nội tôi đánh tôi hàng chục roi bằng "đuôi cá đuối" nên tôi càng bất mãn. 

Đến 9 tuổi tôi mới được vào lớp năm (lớp một bây giờ), do lớn tuổi hơn các bạn trong lớp nên tôi thường được chọn làm trưởng lớp, cũng là có dịp để tôi "tung hoành" với các bạn cùng lớp. Nhưng cái tâm của thầy cô lúc ấy đã giáo dục tôi, tôi đã giảm bớt nhiều thói xấu và cố gắng học tốt hơn. 

Điều tôi cảm động nhất là vào cuối năm học lớp đệ tứ (lớp chín) bây giờ, thầy dạy môn hóa học của tôi ở trường TH tư thục KT (đường NĐC) là thầy Trần Thượng Thủ phê vào thành tích biểu của tôi: Giàu lòng vị tha! Với đứa học sinh thường chọc phá thầy, lời phê "Giàu lòng vị tha" làm cho tôi day dứt và tự biến đổi mình cho phù hợp với niềm tin của thầy đối với tôi. 

Suốt quãng đời đi học còn lại, tôi luôn lấy cái "giàu lòng vị tha" đem ra ứng xử với bạn học và mọi người chung quanh. Gia đình tôi ngạc nhiên vì một đứa trẻ bất trị bằng roi đòn như tôi lại thay đổi lớn như thế, chứ họ đâu hiểu là họ "thừa roi đòn" nhưng lại thiếu "cái tâm" đối với tôi! 

Và tôi đã vào ngành sư phạm để tiếp bước theo thầy, suốt quãng đời làm thầy, tôi học ở thầy là đem cái tâm ra giúp đỡ các em, nhất là những em hay nghịch ngợm, quậy phá giống như tôi ngày xưa. Khi tôi phải bất đắc dĩ dùng roi để phạt các em thì chính tôi cũng rơm rớm nước mắt và các em cũng khóc vì hối hận. 

Sau hình phạt ấy, không có hận thù mà chỉ có sự cảm thông giữa tôi và các em: các em không muốn tôi phạt, tôi buồn nên cố gắng học hơn và tôi có dịp xem lại mình còn thiếu sót điều gì trong việc dạy dỗ các em. 

Bao nhiêu lớp học sinh của tôi đã ra đời với nhiều ngành nghề trong xã hội, có đứa đã làm cha, làm mẹ... và còn một lớp trẻ đang học với tôi trong năm cuối nhà giáo này của tôi và cuối cấp của các em. Tôi rất tự hào khi các em dù trong hoàn cảnh, nghề nghiệp nào... đều luôn thương mến tôi. Đó là niềm vui mà tôi nghĩ chỉ là niềm vinh hạnh duy nhất chỉ có ở nhà giáo.

* Tôi là một người mẹ, con gái tôi mới được 1 tuổi rưỡi thôi, nhưng tôi rất lo với môi trường giáo dục hiện nay. Vợ chồng chúng tôi đều là viên chức nhà nước, và chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề giáo dục con. Cũng như mọi người mẹ khác, tôi chăm chút cho con từng tí, và rất cẩn thận trong cách ăn nói, ứng xử của mọi thành viên trong nhà, mặc dù cháu còn rất nhỏ, nhưng cháu đang tuổi học ăn học nói, vì thế mọi thành viên trong nhà đều rất cẩn thận, từng cách cư xử để cháu học tập và hình thành tính cách tốt cho cháu. 

Thế nhưng tôi rất lo lắng, vì chỉ còn hơn một năm nữa cháu sẽ phải tiếp xúc với môi trường mới, đó là môi trường mầm non, ngôi trường đầu tiên của cháu, nhưng thú thật với các bạn tôi không giám nghĩ tới việc cho con mình tới trường.

Nhà tôi ở chung cư, ngay dưới khuôn viên là một trường mầm non, nhìn cách các cô chăm trẻ tôi không khỏi rùng mình. Tôi đã chứng kiến nhiều việc mà nghĩ lại tôi không khỏi bức xúc. Tôi còn nhớ đó là hôm khai giảng đầu năm học, tôi vẫn đang được nghỉ chế độ sau sinh nên ở nhà. Nghe tiếng khóc của các bé ngày đầu đi học chưa quen nên nhiều bà mẹ không muốn rời con để về, sau khi các mẹ đã ra về, tôi vẫn nghe tiếng khóc của một bé (có lẽ chưa quen với việc xa bố mẹ). 

Nhưng tôi ngạc nhiên vì bé khóc cả ngày, đứng ngoài sân nắng chang chang nhưng không cô nào ra dỗ cháu. Đã vậy thỉnh thoảng lại có tiếng hét của cô nào đấy “Nín ngay! Khóc lóc cái gì, có im mồm đi không, nhức cả đầu!”. 

Cả buổi trưa cũng không ai dẫn cháu vào ăn cơm và cho đi ngủ, cháu cứ đứng ngoài sân khóc đến nấc, không còn hơi nữa, nhiều bà mẹ cùng khu chung cư với tôi cũng rất bức xúc và lo lắng cho cháu bé, cháu cứ ngồi ngoài sân, ngay cổng trường đòi mẹ. Cháu nói chuyện rất ngoan “Cô ơi, gọi mẹ đưa con về đi cô”, nhưng đáp lại lời cháu là tiếng quát ầm ầm của cô giáo “Về cái gì mà về, chiều mẹ mày mới tới, câm mồm đi!”. Tiếng một cô khác vang lên “Tìm số của mẹ nó, gọi đến đón nó về đi, nhức đầu quá, khóc cả ngày!”. 

Có hôm tôi còn nghe cô giáo của một lớp trên la ầm ầm trong khi đang dạy các bé lớp lớn học vẽ: “Vẽ cái gì thế này? Vẽ cô giáo dễ thế mà cũng không biết vẽ, nãy giờ vẽ có thế này thôi à, cô giáo gì có cái đầu không vậy?”, rồi tiếp theo đó là tiếng đập bàn ầm ầm vang lên cả lầu 2 nơi tôi đang sống. Hành động của các cô đến chính tôi còn cảm thấy đáng sợ chứ nói gì tới các bé lớn nhất chỉ mới 5 tuổi, như thế thử hỏi tại sao các bé đi nhà trẻ về, nhắc tới cô giáo là sợ.

Tôi thiết nghĩ, trẻ con rất dễ gần, chỉ cần nhẹ nhàng chỉ bảo là các cháu sẽ tiếp thu và học hỏi rất nhanh, và cũng có những việc không phải cháu nào cũng làm ngay được, như việc vẽ cô giáo chẳng hạn, với tuổi lên 5, các cháu cầm bút còn chưa cứng, nét vẽ nguệch ngoạc, dĩ nhiên không thể hoàn thành được. Vậy nên khi giáo dục các bé, cần lắm các kỹ năng sư phạm, và hơn hết là cần tình thương với các cháu, nhưng với hành động của các cô, tôi thấy các cô đơn giản chỉ nghĩ mình tới trường để trông chừng các cháu.

Đó là điều mà tôi và tất cả các bà mẹ đang rất lo lắng khi con mình sắp phải hòa mình vào cuộc sống chung với bao bé khác và cô giáo mà không có ông, bà, cha, mẹ hay ít nhất là người vú nuôi bế chăm cháu hàng ngày ở bên cạnh.

* Vợ tôi là một giáo viên dạy giáo dục công dân tại một trường THPT ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi tôi quen vợ tôi thì mọi người và gia đình cứ bảo "lấy giáo viên sướng lắm, có thời gian chăm sóc con cái"; "giáo viên thì nhàn rỗi có thời gian để chăm sóc chồng con"...

Nhưng hóa ra không phải vậy. Khi hai vợ chồng cưới rồi, tôi mới thấy vợ suốt ngày nào là giáo án, chấm bài, chuyên đề, hướng nghiệp, thu tiền, họp phụ huynh, lao động, trực tết, phòng chống bão lụt, họp tổ, họp hội đồng, vào điểm máy vi tính, văn nghệ... Tôi nghĩ bụng thôi mình cố gắng do vợ mình mới ra trường nên mọi việc chưa quen. Nhưng đến bây giờ vẫn vậy.

Tôi mới nhận ra làm nghề giáo khổ lắm, suốt ngày cứ bận bịu, thời gian thì cứng nhắc sáng 6g30 phải đi dạy, chiều thì 5g50 mới về đến nhà (nhà tôi cách trường 5km), có đêm họp hoặc tập văn nghệ thì 10g tối. 

* Tôi cũng là giáo viên, ra trường tới nay đã được 10 năm 9 tháng. Lương của hai vợ chồng được tổng cộng 5,5 triệu đồng/tháng. Tôi còn phải trả cả gốc và lãi vay ngân hàng để mua nhà ở, vì nhà trường không có phòng công vụ cho giáo viên; mua xe gắn máy đi dạy. 

Phần lương còn lại nuôi hai con ăn học, chi phí cho sinh hoạt cuộc sống gia đình, chi cho các loại quỹ, các loại ủng hộ của ngành, của trường, của địa phương, chi cho các loại đám cưới, tang, thôi nôi, đầy tháng, ốm đau, tai nạn... Thử hỏi rằng tiền lương như thế thì chi phí sao cho đủ? Nói gì đến có tiền dư ra đồng nào phòng khi con cái ốm, mình đau, cha mẹ về già... 

Chúng tôi không so sánh với bất cứ ngành nghề nào cả. Mong rằng qua lời ngắn ngủi này, chúng tôi muốn nói lên một thực tế trong ngành giáo dục nước ta hiện nay. Kính mong các nhà chức trách, nhà quản lí giáo dục xem xét để chúng tôi yên tâm công tác.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận