Nghe "bắt" với "buộc" mà ngán

HUY THỌ 13/06/2018 21:06 GMT+7

Đã có nhiều đề xuất cho rằng cần phải đưa vào Luật TDTT một điều khoản là “bắt buộc” học sinh, sinh viên phải biết bơi. Phải đưa bơi lội vào chương trình học chính khóa của môn giáo dục thể chất. Thậm chí, muốn tốt nghiệp, muốn thi đại học là phải biết bơi!

Thầy Nguyễn Anh Vũ đã ngăn sông ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi để dạy bơi cho học sinh trong mùa hè. Ảnh: Trần Mai
Thầy Nguyễn Anh Vũ đã ngăn sông ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi để dạy bơi cho học sinh trong mùa hè. Ảnh: Trần Mai

 

Ngày cuối tháng 5-2018, Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi Luật thể dục thể thao (TDTT). Nhiều đại biểu thể hiện sự lo lắng về tình trạng trẻ em bị chết đuối ở Việt Nam quá cao. Vì vậy, đã có nhiều đề xuất cho rằng cần phải đưa vào Luật TDTT một điều khoản là “bắt buộc” học sinh, sinh viên phải biết bơi. Phải đưa bơi lội vào chương trình học chính khóa của môn giáo dục thể chất. Thậm chí, muốn tốt nghiệp, muốn thi đại học là phải biết bơi!

Nói về tinh thần thì không có gì phải bàn, khi các đại biểu đã thể hiện một sự lo lắng đúng mức về tình trạng trẻ em chết đuối ở Việt Nam, đặc biệt trong thực tế đất nước ta quá nhiều sông rạch, biển, hồ. Tuy nhiên, nghe cái từ “bắt” với “buộc” thì quả là không ổn chút nào.

Nhân đây, xin nhắc lại một quy định của Bộ GD-ĐT đưa ra để áp dụng trong nhiều năm nay, đó là sinh viên phải nộp giấy chứng nhận đủ sức khỏe thì mới được tốt nghiệp! Lập luận của Bộ GD-ĐT là nhằm đảm bảo các cử nhân của mình khi tham gia vào thị trường lao động phải đảm bảo đầy đủ sức khỏe. Đó là một ý tốt, nhưng điều bắt buộc ấy có hiệu quả không? Có lẽ là không, khi các cuộc điều tra, nghiên cứu, thống kê của nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều đưa ra những kết quả cho thấy sức khỏe của thanh niên Việt Nam vào loại tệ nhất thế giới.

Tại sao một cái quy định bắt buộc ra đời từ một mục đích tốt, nhưng lại không đạt hiệu quả? Đơn giản bởi, ai chẳng biết ở nước ta, chuyện kiếm một cái giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe là rẻ vô cùng. Chỉ cần đóng 100.000 đồng, đến các bệnh viện quận huyện, vào cân đo xong là đối diện với các câu hỏi của bác sĩ: Có bệnh gì không? Có đau ở đâu không? Và đương nhiên câu trả lời đều là “không”, thế là cộp cái dấu đỏ mang về để chứng minh mình khỏe!

Vì vậy, nếu “bắt buộc” học sinh sinh viên phải biết bơi mới được tốt nghiệp, hay mới được thi đại học thì e rằng nó chỉ làm giàu cho các cơ sở dạy bơi của ngành thể thao. Khi ấy, không loại trừ khả năng như đi khám sức khỏe, đó là “mua” giấy chứng nhận biết bơi.

Trong khi đó, lẽ ra cái điều mà người dân cần các đại biểu lên tiếng nhất trong việc góp ý sửa đổi Luật TDTT, đó là tranh đấu cho điều kiện chơi và tập thể thao của người dân. Cụ thể, ở những đô thị mà đất đã trở thành “vàng” với “kim cương”, thì những khu đất của thể thao đã bị thanh toán để phục vụ cho các dự án thương mại không phải là ít.

Xin lấy ví dụ về sân bóng đá: Vào thời Pháp thuộc và kéo dài đến thời chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa, ở Sài Gòn chỉ có vài triệu dân, nhưng có đến 12 sân bóng đá đúng chuẩn (sân cỏ, phục vụ bóng đá 11 người). Còn bây giờ, được biết phải tròm trèm 15 triệu dân, nhưng thêm được bao nhiêu sân? Trong đó nhiều sân đã biến mất như sân gôn Phú Nhuận, sân Lam Sơn, sân Tao Đàn...

Hồ bơi thì theo số liệu của Quốc hội, chỉ có 0,4% trong tổng số các trường học trên cả nước có hồ bơi mà bắt tất cả học sinh phải biết bơi là điều phi lý. Một giáo viên thể dục của một trường cho biết trường có gần 2.000 học sinh học ở đây nên số thời gian được “nhúng nước” là không đáng kể. Chưa kể chỉ được học trong giờ chính khóa, chứ ngoài giờ thì phải giao cho đơn vị bên ngoài khai thác chứ không thì trường không đủ kinh phí để duy tu bảo trì.

Muốn thế hệ trẻ khỏe mạnh, phải làm cho họ ý thức được tầm quan trọng của thể thao, đồng thời phải tạo điều kiện cho tất cả có điều kiện được chơi thể thao - một điều cơ bản của con người trong xã hội. Điều kiện đó là hệ thống sân bãi, hồ bơi đầy đủ. Một khi Nhà nước chưa làm được điều đó, xin đừng bắt với buộc học sinh phải biết bơi, phải khỏe.

Điều muốn nói cuối cùng: Hiện tại, có nhiều cá nhân, nhóm người có tấm lòng thiện nguyện, cảm thấy nhức nhối trước thực trang đau lòng là nhiều trẻ em Việt Nam bị chết đuối, nên đã mở các lớp dạy bơi miễn phí ở sông rạch... Họ quây lại một khúc sông rạch bằng các phương tiện như dây, phao... rồi dạy trẻ con bơi. Các địa phương, người dân đánh giá việc làm này đạt hiệu quả rất cao.

Nhưng, các lớp dạy bơi này lại vi phạm quy định của ngành thể thao khi hướng dẫn thực hiện Luật TDTT. Cụ thể, muốn dạy bơi thì HLV phải có bằng cấp do Tổng cục TDTT, Hiệp hội Thể thao dưới nước cấp; phải có hồ bơi đạt chuẩn 25m, 50m; chất lượng nước phải đạt các yêu cầu về lý, hóa, sinh... Làm sao các lớp này đạt được, nên hoặc thì bị dẹp, hoặc thì nơm nớp mình phạm luật. Xin đặt hàng các đại biểu giải giùm bài toán khó này xem sao.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận