Ngành dược ở Ấn Độ: Từ kẻ phụ thuộc thành gã khổng lồ

C.VĂN 11/07/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Ấn Độ đã vươn lên từ một quốc gia thuộc địa phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài về dược phẩm thành một siêu cường trong lĩnh vực này như thế nào.

“Những ngày này, khi người Mỹ gốc Ấn trở lại Mỹ sau khi về thăm nhà, họ chắc chắn sẽ mang theo rất nhiều viên thuốc ciprofloxacin sao chép” - Ashish Shirsat, giám đốc marketing của Hãng dược Blue Cross Laboratories, nói hồi năm 2003. 

Thuốc kháng sinh ciprofloxacin được bảo vệ bản quyền ở Mỹ qua đăng ký của nhà sản xuất Đức Bayer từng là tâm điểm của truyền thông sau cơn hoảng loạn vì nỗi sợ bệnh than và khủng bố sinh học ở Mỹ hồi năm 2001.

 
 Ảnh: Getty Images

Giá rẻ cho dân nhờ

Đó cũng là câu chuyện điển hình về thành công của ngành dược phẩm Ấn Độ sau hơn nửa thế kỷ xây dựng cho mình một lối đi riêng. Dân Ấn kiều có thể lựa chọn tới 78 nhãn hiệu thuốc sao chép nội địa giống cơ bản với cipro của Bayer về thành phần và công dụng. 

Với Blue Cross Laboratories, chi phí sản xuất một viên 500mg ở Ấn Độ là 4 xu đôla, giá bán sỉ là 7 xu một viên, và tới tay người tiêu dùng từ các nhà thuốc là 10 xu.

Để so sánh, chỉ sau khi đã chịu áp lực chính trị nặng nề từ chính quyền liên bang Mỹ, Bayer mới chấp nhận bán thuốc viên cipro “ưu đãi” cho chính quyền Mỹ, với giá… 95 xu đôla một viên, tức gấp gần 10 lần giá bán lẻ ở Ấn Độ. 

Giá bán sỉ chưa ưu đãi của Bayer ở Mỹ với loại thuốc này là 3,60 USD, và giá tới tay người tiêu dùng ngoài “thị trường tự do” là 6 USD, gấp 60 lần ở Ấn Độ. 

Tiến sĩ Y. K. Hamied, chủ tịch Cipla, một hãng dược hàng đầu Ấn Độ, nói vụ khủng hoảng bệnh than - thuốc cipro “là trường hợp mở mắt cho thấy các nước đang phát triển không thể trả nổi độc quyền bản quyền [dược phẩm]”.

Vấn đề không chỉ là những cuộc khủng hoảng nhất thời.

Tới tận năm 1987, ca dương tính HIV đầu tiên mới được chính thức ghi nhận tại Ấn Độ, nhưng tới nay nước này đã có 4 triệu người nhiễm, nhiều thứ hai thế giới (chỉ sau Nam Phi). 

Do thiếu bác sĩ, trang thiết bị, hạ tầng y tế, trong khi vào thời kỳ đầu của đại dịch AIDS, thuốc men hết sức đắt đỏ, rất nhiều người Ấn mắc bệnh này - chủ yếu là dân lao động và các thành phần dễ tổn thương như gái mại dâm - từng bị bỏ mặc.

Vào đầu những năm 1990, chi phí cho một liệu trình AIDS ở Ấn Độ lên tới 8.500 USD/năm - nằm ngoài tầm với của hầu hết dân chúng, chứ đừng nói những người nghèo. 

Nhưng vào năm 1993, Cipla là một trong những công ty đầu tiên sản xuất thuốc trị AIDS nội địa Zidovudine, rồi không lâu sau đó là Stavudine, Lamivudine và Nevirapine, với giá rẻ hơn đáng kể so với hàng nhập khẩu. Bước đi tiên phong đó đã kích hoạt cuộc cạnh tranh giảm giá ngay cả trên thị trường quốc tế.

Năm 2001, Cipla đã có thể cung cấp liệu trình kháng HIV với chi phí chỉ 600 USD/năm và xuất khẩu cho tất cả các chính phủ châu Phi (với các tổ chức thiện nguyện như Bác sĩ không biên giới, giá còn rẻ hơn, 350 USD, tức 1 USD mỗi ngày) - góp phần vào việc ngày nay 40% tổng lượng thuốc sản xuất ở Ấn Độ là dành cho xuất khẩu. 

Để so sánh, một liệu trình quản lý HIV ở Mỹ hay châu Âu tiêu tốn 10.000 USD mỗi năm. Với mức giá đó, “nếu cung cấp liệu trình kháng HIV cho 10% người Ấn Độ bị nhiễm thì chúng tôi sẽ phải chi ra số tiền nhiều hơn tổng ngân sách dành cho y tế của cả nước”, cựu bộ trưởng y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ C. P. Thakur tự hào so sánh.

Là một cựu thuộc địa với dân số 1,4 tỉ người, những bước tiến của ngành dược phẩm Ấn Độ phải nói là kỳ vĩ. Những con số không thể thuyết phục hơn: giá trị ngành dược phẩm năm 2021 là 42 tỉ USD, với khoảng 600.000 lao động, một mạng lưới 3.000 công ty dược cùng hơn 10.000 cơ sở sản xuất. 

Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc sao chép lớn nhất thế giới, chiếm 20% tổng lượng thuốc xuất khẩu toàn cầu, là nhà cung cấp vắc xin lớn nhất thế giới (50%).

Các sản phẩm dược của Ấn Độ đáp ứng tiêu chuẩn rất cao của hầu hết những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Anh, EU… “So sánh với cả thế giới thì Ấn Độ là nước có giá thuốc cực thấp với chất lượng thuốc cao” - Nihchal H. Israni, cựu chủ tịch Hiệp hội Các hãng sản xuất dược Ấn Độ, tóm gọn. Nhờ thế, Ấn Độ đáp ứng tới 90% nhu cầu dược phẩm trong nước.

Từ thấp lên cao

Trong suốt tiến trình đó, năng lực điều chỉnh hệ thống pháp lý liên quan tới bản quyền dược phẩm đóng vai trò quyết định. Ấn Độ giành độc lập năm 1947 với hệ thống luật bản quyền thừa hưởng từ mẫu quốc Anh, có hiệu lực từ năm 1911. 

Hệ thống này có mục đích chính là đảm bảo thị trường Ấn Độ cho các nhà sản xuất Anh. Hệ quả là cho tới năm 1970, các công ty đa quốc gia khống chế hoàn toàn thị trường dược Ấn Độ với thị phần 85% - dược phẩm chủ yếu là nhập khẩu, sản xuất trong nước gần như là số 0.

Nhưng luật bản quyền Ấn Độ 1970 được ban hành quy định “bản quyền được cấp trên cơ sở khuyến khích sáng tạo và để những sáng tạo đó hiệu quả ở Ấn Độ ở quy mô thương mại với mức độ tối đa, chứ không phải nhằm đảm bảo thế độc quyền nhập khẩu”. 

Tới cuối thế kỷ 20, thị phần của các hãng dược đa quốc gia ở Ấn Độ chỉ còn 40%, bao gồm một phần đáng kể các hãng này đặt cơ sở sản xuất tại chính Ấn Độ.

Kiến trúc sư của luật bản quyền 1970, S. Vedaraman, bấy giờ là giám đốc Văn phòng Bản quyền Ấn Độ, tóm tắt tinh thần của đạo luật do ông kỳ công xây dựng: “Chúng tôi không chống lại bản quyền và sẵn sàng trả mức phí bản quyền tương xứng. Nhưng Ấn Độ không thể chi trả nổi cho tình trạng độc quyền”.

Thời gian bảo hộ bản quyền thuốc được rút ngắn, 5-7 năm thay vì 15 năm như trước. Việc sản xuất thuốc sao chép dễ dàng hơn nhiều khi nhà nước không bảo hộ bản quyền với sản phẩm cuối cùng, mà với quy trình sản xuất. Một điều chỉnh nhỏ trong công thức thuốc cũng đủ để các hãng dược đăng ký bản quyền mới. 

Có thể nói không ngoa rằng những bước đi can đảm của Ấn Độ đã mở ra cơ hội cho cả thế giới đang phát triển trong ngành dược - một ngành đòi hỏi đầu tư lớn, lâu dài và công nghệ cao - cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ dược phẩm.

Ấn Độ trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995 và cũng phải tuân theo các quy định toàn cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ (TRIPS) với dược phẩm từ ngày 1-1-2005. 

Nhưng với đạo luật bản quyền 1970, Ấn Độ đã tranh thủ được khoảng thời gian quý giá để xây dựng ngành dược phẩm bản địa đứng vững trên đôi chân của mình và giờ tham gia cuộc chơi giá trị cao hướng tới tương lai một cách hoàn toàn tự tin.

Hướng tới tương lai

Đại dịch COVID-19 là một cơ hội nữa cho ngành dược Ấn Độ. Đầu tuần này, chính quyền của Thủ tướng Nerandra Modi đã ra mắt “chương trình tạo động lực nghiên cứu” (RLI) nhằm đưa Ấn Độ dịch chuyển ra khỏi phân khúc giá trị thấp, số lượng nhiều sang phân khúc giá trị cao, số lượng nhiều trên thị trường dược phẩm toàn cầu.

Hiện ngành dược Ấn Độ xếp hạng 14 về giá trị và chiếm 3,4% thị phần dược phẩm thế giới. Theo tính toán của chính quyền, nếu ngành này vẫn tăng trưởng như cũ thì giá trị thị trường sẽ tăng lên khoảng 108 tỉ USD vào năm 2030. 

Tuy nhiên, nếu tập trung vào các yếu tố tăng trưởng mới tạo giá trị cao, Ấn Độ có thể tăng thị phần toàn cầu lên 4% và đạt tới giá trị thị trường 130 tỉ USD cũng vào 2030.

Sáu lĩnh vực trọng tâm được Tổ chức nghiên cứu và hoạch định chính sách nhà nước Ấn Độ NITI Aayog xác định cho ngành dược là thuốc sinh học tương tự (biosimilar), thuốc sao chép phức tạp, thuốc mồ côi (orphan drug - thuốc đặc trị những loại bệnh hiếm gặp, có xác suất mắc phải thấp, phác đồ điều trị chưa rõ ràng), thuốc chính xác, vắc xin và thuốc kháng khuẩn. 

Báo chí Ấn Độ, như trang tin news18, gọi nỗ lực này là một cuộc “đưa người lên Mặt trăng” - tức dự án được thực hiện với tầm nhìn rất lâu dài và không mang lại lợi nhuận ngay lập tức.

Tài liệu sơ thảo bản kế hoạch cho thấy ngành công nghiệp dược Ấn Độ đang chi trung bình 5-6% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển, con số sẽ cần tăng lên ít nhất là 15% để bước vào những sân chơi lớn nói trên. 

Các công ty tham gia RLI sẽ được chia làm ba loại: (1) công ty dược phẩm lâu đời đã có các mối liên hệ học thuật; (2) doanh nghiệp khởi nghiệp hỗ trợ nghiên cứu cơ sở và thử nghiệm trong ngành dược; (3) công ty đã đạt được trình độ công nghệ cao. 

Mỗi công ty dạng (1) và (3) sẽ được đầu tư ít nhất 1,5 tỉ rupee (19 triệu USD) từ nhà nước, trong khi các công ty dạng (2) sẽ nhận ưu đãi dưới dạng chính sách thuế và nhân lực.■

Sudarshan Jain, tổng thư ký Liên minh dược Ấn Độ, nói đại dịch COVID đã “thay đổi nhận thức của cả thế giới” về sức mạnh của ngành dược Ấn Độ: “Thế giới không thể tin nổi rằng chúng ta đủ sức cung ứng thuốc men và vắc xin cho 200 nước liên tục suốt 25 tháng dịch COVID”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận