Nga phát triển khoa học kiểm tra an toàn GMO

DUY VĂN 26/05/2015 02:05 GMT+7

TTCT - Tháng 9-2013, Thủ tướng D.Medvedev đã ký một nghị định cho phép từ đầu tháng 7-2014 ở Nga được gieo trồng các hạt giống biến đổi gen (GMO). Tuy nhiên, tháng 2-2014, Hạ viện Nga đã thông qua dự luật cấm chế biến các sản phẩm từ hạt giống GMO.

Hiện nay ở Nga, tất cả thực phẩm biến đổi gen phải được đăng ký. Có 21 loại thực phẩm GMO ở Nga được nghiên cứu.

Chính phủ Nga sau đó đã phải sửa đổi nghị định trên, quyết định dời hiệu lực của nghị định này sang ba năm sau (tức tới tháng 7-2017), để các nhà khoa học có thời gian đưa ra các luận chứng khoa học về GMO. Bà Elena Sharoikina, giám đốc Hiệp hội An toàn gen toàn Nga, ngày 11-5 đã trả lời báo Matxcơva Buổi Chiều về vấn đề này.

Thưa bà, có thật sự thực phẩm GMO mang tới hiểm họa?

- Có thể nói hiệp hội chúng tôi có quan điểm trung dung trong vấn đề này. Chúng tôi cho rằng GMO là công nghệ mới được sử dụng cho những mục tiêu thương mại. Trong khi đó, thực phẩm biến đổi gen thật ra đã tồn tại trong cuộc sống chúng ta 20 năm qua rồi.

Bà cho rằng ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ để đánh giá tất cả nguy cơ?

- Đó là một quãng thời gian rất ngắn cho bất cứ công nghệ nào. Trong thời gian đó trên thế giới đã tiến hành một loạt nghiên cứu độc lập, được thực hiện không có tài trợ của những tập đoàn xuyên quốc gia sản xuất GMO. Trong quá trình thử nghiệm, sức khỏe của những con vật được nuôi bằng GMO đã xấu đi đáng kể.

Những thay đổi nào đã được các nhà nghiên cứu ghi nhận?

-...Một loạt biến đổi tiêu cực như vô sinh, các loại ung thư, sự biến đổi của các cơ quan nội tạng cũng như các bộ phận bên ngoài. Đồng thời người ta ghi nhận sự thay đổi hành vi của động vật.

Có nghĩa là GMO dẫu sao cũng mang tới hiểm họa cho con người?

- Theo chúng tôi, ở đây nên nói rằng công nghệ này tới giai đoạn hiện nay vẫn chưa đủ hoàn thiện để được đưa ra thị trường. Chúng tôi cho rằng khi chưa chắc chắn 100% rằng các sản phẩm GMO an toàn thì cần phải cấm buôn bán chúng.

Vậy là dù sao bà cũng chống GMO?

- Công nghệ này có thể được điều chỉnh nhưng cũng có thể gây hại. Chúng tôi không chống lại sự phát triển của khoa học, đặc biệt là kỹ thuật di truyền. Chúng tôi đấu tranh cho tiến bộ khoa học, nhưng cùng lúc cũng đấu tranh cho sự phát triển của một ngành khoa học song song: kiểm tra độ an toàn của những công nghệ mới. Đây chính là cái chúng ta đang thiếu.

Vậy là các nhà nghiên cứu từng sai lầm khi tuyên bố một số phát minh là an toàn?

- Đã có những trường hợp như thế, như ta từng biết với thuốc trừ sâu nổi tiếng DDT. Nó được sản xuất vào thập niên 1940. Đầu tiên các nhà sản xuất tuyên bố nó tuyệt đối an toàn. Nhưng vào thập niên 1980, một số nghiên cứu phát hiện ngược lại. DDT bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Mà đó không phải là thí dụ duy nhất.

Vậy hiệp hội của bà sẽ nghiên cứu về sự an toàn của GMO?

- Dĩ nhiên, và chúng tôi kêu gọi kiểm tra lại công nghệ này. Chính vì thế mà tháng 11 năm ngoái (2014), chúng tôi tuyên bố về việc bắt đầu một thí nghiệm lớn nhất trên toàn thế giới tìm hiểu tác động của GMO lên các cơ thể sống. Nó sẽ được tiến hành trên chuột.

Bản chất thí nghiệm này là gì?

- Các nhà khoa học một số nước sẽ phối hợp nỗ lực để nhận chân sự thật khoa học này. Thí nghiệm này sẽ mang tính trung dung, tức tham gia thí nghiệm sẽ là những người không chống GMO. Sẽ không có định kiến.

Cần bao lâu cho thí nghiệm này?

- Từ hai đến ba năm. Chúng tôi cho rằng việc cấm bán sản phẩm GMO là cần thiết dẫu chỉ trong giai đoạn các nghiên cứu này, khi chúng tôi chưa nhận được kết quả sau cùng.

Có cách nào phân biệt thực phẩm GMO với thực phẩm thường trong cửa hàng không?

- Rất phức tạp. Tốt nhất là lên danh sách các thương hiệu mà bạn tin và thông tin được kiểm tra đầy đủ và chỉ mua hàng của thương hiệu đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận