17/04/2018 10:01 GMT+7

'Con thua nhưng mẹ con tôi rất vui'

CHU HỒNG VÂN
CHU HỒNG VÂN

TTO - Thắng 4/9 ván, con chỉ được trao giải khuyến khích - một giải an ủi trao cho khá nhiều thí sinh dự thi hôm đó, nhưng tôi nhận thấy con tôi vui sướng nhất.

Con thua nhưng mẹ con tôi rất vui - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: wallpapers

Năm 16 tuổi, tôi tham gia một cuộc thi điền kinh. Vòng đầu tiên tôi chạy trong tốp đầu, rồi cứ tụt dần. Vì không lượng được sức cho cuộc chạy đường dài nên tôi rớt xuống tốp cuối. Chỉ còn hơn 100 mét nữa là về đích, nhưng ngay trong tốp cuối ấy tôi cũng bắt đầu bị bỏ lại xa…

Những người chạy đầu tiên đã về đích trong tiếng reo hò. Người ta chỉ chú ý đến tốp đầu mà quên đi chúng tôi… Đó là điều khiến tôi không đủ kiên nhẫn chạy tiếp về đích. Và tôi bỏ cuộc.

''Mẹ cần con thắng tuyệt đối''

Nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn luôn ám ảnh vì thất bại ấy. Không phải ám ảnh vì tôi đã thua, đã là người chạy cuối hàng mà vì tôi đã bỏ cuộc.

Năm con trai tôi bước vào tuổi thiếu niên, cháu cũng có một cuộc đua tương tự như thế. Đó là cuộc thi cờ vua "Ai là kiện tướng" dành cho thiếu nhi với trên 600 bạn tham dự.

Con trai tôi chưa bao giờ tham dự một cuộc thi hoành tráng đến thế. Tôi dắt tay con vào sảnh khách sạn 5 sao, nơi họ thuê địa điểm tổ chức cuộc thi. Con nhìn lên trần nhà cao vút, nắm chặt tay tôi. Tôi cảm nhận được sự hồi hộp của con.

Cuộc thi có 9 vòng, với những quy định nghiêm ngặt về thời gian. Chưa cần chờ tới khi hết nước cờ mà chỉ cần thí sinh mắc ba lỗi kĩ thuật trong một ván cờ là bị nốc- ao. Những cô bé, cậu bé thắng cuộc không chỉ phải giỏi mà điều cần hơn là bản lĩnh, sự kiên trì, bình tĩnh, thắng không kiêu, bại không nản.

Ván đầu tiên, con trai tôi thắng. Nó hớn hở ra khỏi phòng thi trong khi nhiều bạn khác mặt ỉu xìu. Có một cô bé chưa ra khỏi phòng thi đã khóc vì thua. Có lẽ cô bé đã rất sốc khi bị thua quá nhanh chỉ trong phút đầu tiên.

Tôi sẽ không nhớ cô bé đó trong mấy trăm đứa trẻ ào ra khỏi phòng thi ở vòng đầu tiên nếu như tôi không gặp mẹ con cô bé trong toilet nữ.

- Mẹ thất vọng vì con, tại sao con có thể thua ngay trong vòng đầu tiên như thế? - Bà mẹ trẻ vừa lau nước mắt cho cô bé, vừa nhắc nhở với giọng nghiêm khắc.

Có gì đó không ổn ở đây, tôi định bước tới chỗ họ thì cô bé cất giọng rắn rỏi:

- Con hứa sẽ không làm mẹ thất vọng nữa đâu.

Bà mẹ gật đầu, mỉm cười:

- Phải thế chứ, cố lên nào!

Vòng thi thứ hai, con trai tôi thua. Nét mặt nó hơi buồn nhưng cố tỏ ra "không có chuyện gì phải buồn".

Vòng thi thứ 3, con trai tôi tiếp tục thua. Ra khỏi phòng thi, nó đi đi lại lại trong phòng chờ với vẻ bồn chồn. Một cách cố để trấn an bản thân.

Rồi ván thứ tư, con trai tôi lại thua. Lần này, nó không đi đi lại lại nữa mà lặng lẽ nằm gối đầu lên đùi tôi ở dãy ghế bên ngoài hành lang khu vực thi.

Vô tình bà mẹ trẻ có con gái lúc trước cũng ngồi cạnh tôi. Đúng như cô con gái đã hứa, cô bé thắng liên tiếp ba vòng tiếp theo. Nhưng có vẻ người mẹ vẫn đầy thất vọng.

- Mẹ cần con thắng tuyệt đối, nhưng con vẫn thua nên đừng có chủ quan. Hôm nay con khiến mẹ không được hài lòng!

- Nhưng con đã thắng liên tiếp mấy ván rồi mà mẹ!

- Nhưng con đã thua ngay ván đầu tiên.

Tôi không có tâm trạng để phân tích về câu chuyện của mẹ con cô bé đó mà chỉ trộm nghĩ, nếu con trai tôi là con cô ấy thì có lẽ nó sẽ khiến cô ấy rất rất thất vọng.

Nhưng con lại là con của tôi. Ý nghĩ đó khiến tôi thấy nhẹ lòng hơn và tôi nhận ra con trai tôi đang luồn bàn tay nhỏ bé của nó vào tay tôi, nắm chặt. Tôi biết nó nghe được cuộc đối thoại của mẹ con cô bé kia...

Người về đích cuối cùng

Tiếng loa vang lên báo giờ nghỉ trưa, các thí sinh tạm ngừng cuộc đấu. Buổi chiều còn 4 lượt thi nữa sẽ diễn ra. Năm vòng thi trong buổi sáng, con tôi đã thua ở bốn vòng.

- Con không muốn ăn gì đâu!

Con đã nói thế khi chúng tôi vào quán ăn. Nhìn nó như sắp ốm.

- Chiều nay con không thi nữa đâu, mình đi về luôn mẹ nhé!

Cuối cùng con đã nói ra điều nó vừa quyết định. Một lần nữa, tôi như thấy tôi trên đường đua ngày nào. Sự tập trung của người cổ vũ dồn vào những thí sinh đã về đích, còn tôi tụt lại phía sau. 

Cảm giác bất lực, cảm giác bị bỏ rơi khiến tôi không còn động lực để tiếp tục chạy nốt phần đường sau cùng.

- Đối với mẹ, việc con thi tiếp đến vòng cuối cùng, dù thắng hay bại thì mẹ đều vui. Con sẽ mãi là người thất bại nếu con bỏ cuộc ở đây. Nhưng con dũng cảm đi tiếp, mẹ tin rồi con sẽ trở thành người chiến thắng.

Tôi nói với con như thể nói với tôi - cô gái 16 tuổi năm nào. Tôi không có cơ hội làm lại điều đó, nhưng nó luôn là điều ám ảnh mỗi khi tôi đứng trước một khó khăn khiến tôi thấy nản chí. Tôi thực sự muốn con trai tôi sẽ nhớ cuộc thi cờ vua ấy nhưng không phải là một ám ảnh thất bại mà là một trải nghiệm về sự vượt lên thất bại.

Tôi đoán là con không thật hiểu hết những gì tôi nói lúc đó nhưng cu cậu đồng ý ở lại thi tiếp. Nó nói với giọng rắn rỏi "con sẽ thi tới vòng 9", nhưng nhìn ánh mắt do dự của con tôi hiểu nó muốn nói "có thể con sẽ thua hết đấy".

- Mẹ sẽ rất vui nếu con có mặt ở vòng thi cuối cùng! - Tôi nói khi con nhìn tôi rồi bước vào phòng thi

Con tôi thua thêm một ván nữa ở vòng thứ 6, nhưng thật bất ngờ là nó thắng liên tiếp ba ván cuối cùng. Thắng 4/9 ván, con chỉ được trao giải khuyến khích, một giải an ủi trao cho khá nhiều thí sinh dự thi hôm đó.

Nhưng trong số những bạn nhỏ lên nhận giải khuyến khích, tôi nhận thấy con tôi vui sướng nhất. Có lẽ những người cầu toàn như mẹ cô bé tôi gặp lúc sáng không thể hiểu được niềm hạnh phúc của mẹ con tôi. Nhưng tôi tin là con trai tôi hiểu được vì sao nó cảm thấy vui sướng đến thế.

Tôi cứ nghĩ nếu con tôi thắng đến ván thứ 8 và chỉ thua ở ván cuối cùng thì hẳn nó không cảm nhận được niềm hạnh phúc mà nó đã có. Rất có thể nó sẽ buồn chán, sẽ cay cú. Hoặc một giả thiết nữa, tôi đồng ý để con dừng cuộc chơi ngay trong buổi trưa đó. Nếu vậy, sự ảm đạm của lần thất bại đó sẽ mãi theo con.

Đã mấy năm trôi qua, khi nhớ tới cuộc thi cờ vua đó, tôi hỏi lại con.

- Nếu hồi ấy, con thua tiếp tất cả những vòng còn lại vào buổi chiều thì sẽ thế nào nhỉ?

Nó không ngần ngại trả lời:

- Biết trước là thua hết thì con vẫn thi tới vòng thứ 9.

- Giống như người về đích cuối cùng trong một cuộc chạy đua? - Tôi hỏi lại.

- Vâng!

- Con không sợ thất bại nữa à?

- Có chứ ạ, nhưng bỏ cuộc giữa chừng mới là thất bại mà mẹ!

Và thực sự, cuộc thi cờ vua đó đã trở thành trải nghiệm tuyệt vời của mẹ con tôi. Nó không phải niềm tự hào tựa như "bí kíp dạy con thần đồng", hay những bài học về sự thành công trong việc nuôi dưỡng những đứa con giỏi giang, xuất sắc được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Chính xác ra, đó là câu chuyện về một thất bại, là cách tôi dạy con đối diện với thất bại.

Bài viết trích từ cuốn sách "Tuổi Teen yêu dấu" của tác giả Chu Hồng Vân (bút danh Vĩnh Hà) và Vũ Thu Hà. Sách viết về lứa tuổi dậy thì từ 12-15 do Nhã Nam xuất bản, dự kiến phát hành giữa năm 2018.

Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả hi vọng mang lại những hiểu biết nhất định về lứa tuổi 12-15 để người lớn cảm thông, yêu thương, giúp đỡ teen, cũng như để teen hiểu hơn tâm tư, lo nghĩ của bậc làm cha mẹ...

Nếu con được 9 thì bố mẹ sẽ bắt con cố để được 10 Nếu con được 9 thì bố mẹ sẽ bắt con cố để được 10

TTO - 'Để học giỏi rất mệt. Con sẽ phải học thêm ngoài giờ học, bị bố mẹ ngồi kèm, nhắc nhở. Con cũng biết bố mẹ sẽ không bao giờ hài lòng..."

CHU HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên