Nếu ta không cùng nhau tạo ra một không gian sáng tạo cởi mở ...

TTCT- Tại sao các nước khác có những điều kiện quản lý về an ninh, an toàn hàng không cũng rất chặt chẽ mà cấp phép được còn ta thì không?

Cần lắm một không gian sáng tạo cởi mở
Cần lắm một không gian sáng tạo cởi mở

Hệ lụy của tư duy “Tất cả phải bình đẳng”

Có hai vấn đề cần giải quyết trên thực tế hiện nay: Một là bản thân cơ quan quản lý nhà nước chưa thay đổi tư duy. Trong cả hệ thống duy trì quan điểm tất cả đều phải bình đẳng, bình đẳng một cách cào bằng, tất cả đều phải như nhau.

Nếu một nhóm, một cá nhân nào được ưu đãi hơn là bị phản ứng, cho là chính sách không công bằng. Khi bị cào bằng sẽ làm triệt tiêu động lực sáng tạo của những người nghiên cứu khoa học, họ không thể toàn tâm toàn ý tập trung cho nghiên cứu, theo đuổi việc phát triển các ý tưởng mới...

Hai là đang có tình trạng trên thì thông nhưng dưới không thoáng. Đảng, Nhà nước có chủ trương rõ ràng, luôn đánh giá cao những ý tưởng khoa học, những nhà khoa học trẻ, mong muốn tạo điều kiện cho các nhà khoa học và có rất nhiều văn bản chính sách thể hiện rõ chủ trương này.

Nhưng việc thực hiện những chính sách khuyến khích, ưu đãi cho nghiên cứu khoa học trên thực tế còn hạn chế, chủ yếu do chúng ta chậm thay đổi tư duy trong việc đầu tư và ủng hộ những nghiên cứu mới.

Trong nghị định 40/2014-NĐ/CP của Chính phủ đã quy định chính sách ưu đãi các nhà khoa học trẻ tài năng nhưng nhiều cán bộ trực tiếp làm việc ở cơ sở để hỗ trợ về tài chính thì chưa quan tâm nên những chính sách này trên thực tế chưa làm được.

Ai đang “sợ trách nhiệm và đầy hoài nghi”?

Đối với Phạm Gia Vinh, tôi đã theo dõi dự án này từ sớm, đã gặp trực tiếp trao đổi với Vinh, rất ủng hộ Vinh nghiên cứu và thử nghiệm tại Việt Nam.

Dù ở Ấn Độ, Singapore hay Úc, tuy Vinh chỉ là người nước ngoài nhưng lại được cấp phép, chấp thuận cho tiến hành thử nghiệm, nhưng ở Việt Nam, muốn thử nghiệm như Vinh mong muốn là vô cùng khó. Lý do được nêu ra là vấn đề về an ninh, kỹ thuật, lo ngại ảnh hưởng đến an toàn vùng bay, đến hoạt động hàng không dân dụng và quốc phòng.

Nhưng các nước khác cũng có vấn đề tương tự, họ vẫn cấp phép thử nghiệm được. Vậy vướng mắc này phải được sớm tháo gỡ, nếu không, sẽ luôn có một câu hỏi được đặt ra: Tại sao các nước khác có những điều kiện quản lý về an ninh, an toàn hàng không cũng rất chặt chẽ mà cấp phép được còn ta thì không?

Tôi nghĩ khó khăn trong việc cho thử nghiệm có hai nguyên nhân. Một là vấn đề trách nhiệm. Những người có trách nhiệm trực tiếp xem xét việc này do sợ phải chịu trách nhiệm, sợ nhỡ xảy ra chuyện gì, sợ có rủi ro... làm ảnh hưởng đến bản thân nên né tránh cấp phép cho Vinh thử nghiệm.

Nhiều khi khó khăn cho những người như Phạm Gia Vinh đến từ những người làm trực tiếp đã không dám chịu trách nhiệm.

Hai là, do thiếu lòng tin đối với Vinh và những người trẻ như Vinh. Nhìn nhận họ như những người phiêu lưu, mạo hiểm, ngựa non háu đá, thích thể hiện, hoài nghi về con người nên không đánh giá nghiêm túc những ý tưởng, dự án của các bạn ấy.

Thêm một yếu tố nữa làm hạn chế không gian sáng tạo của các nhà nghiên cứu trẻ, kìm hãm sự bay bổng của các ý tưởng mới là văn hóa phản biện, tranh luận trong xã hội, dư luận của ta hiện nay còn rất thấp. Người trẻ ít có cơ hội nói lên suy nghĩ, ý tưởng của mình.

Nếu mạnh dạn đưa ra một cái gì đó sẽ có nguy cơ bị chụp mũ là tự cao tự đại, chém gió, chưa cống hiến đã yêu cầu, đòi hỏi... Tâm lý nhìn nhận thiếu tích cực, coi thường các nhà khoa học trẻ hiện nay khá phổ biến.

Nếu các cơ quan quản lý, những người trực tiếp thực thi chính sách không có sự thay đổi tư duy, dám chịu trách nhiệm để ra được những quyết định mở đường cho những người như Phạm Gia Vinh thì sẽ không có cơ hội để các nhà khoa học, các ý tưởng phát triển.

Chúng ta phải ủng hộ những người trẻ và những ý tưởng của họ dù nó là bồng bột, phiêu lưu, mạo hiểm vì không có ý tưởng nghiên cứu nào mới bắt đầu đã biết chắc sẽ thành công, trong nghiên cứu khoa học dứt khoát phải có rủi ro...

Còn nếu không muốn chịu trách nhiệm, né tránh thì sẽ luôn tìm được lý do, như đã xảy ra đối với việc cho Phạm Gia Vinh thử nghiệm khí cụ bay.

Chúng ta cũng cần có sự đồng thuận, ủng hộ trong xã hội đối với những nghiên cứu, ý tưởng mới. Đừng để các ý tưởng mới luôn bị ném đá, có thể bắt đầu từ ca ngợi với thông tin tích cực nhưng cuối cùng qua sự mổ xẻ của dư luận lại thành ném đá, vùi dập khiến những người mới bắt đầu nghiên cứu, đề xuất ý tưởng bi quan, chán nản.

Nếu cả cơ quan quản lý và xã hội, cộng đồng chúng ta không cùng tạo ra một không gian sáng tạo cởi mở, khuyến khích sự tích cực, năng động thì những người trẻ như Phạm Gia Vinh ắt phải tìm cơ hội thuận lợi ở nước ngoài.

Trên thực tế, hiện nay số những người Việt Nam trẻ, giỏi, có ý tưởng, khát khao nghiên cứu như Vinh không hiếm nhưng với cơ chế, môi trường làm việc này, chúng ta không những không thu hút được họ về làm việc mà thậm chí, những người đang làm việc trong nước còn tìm cách ra đi.

Bởi cũng giống như Phạm Gia Vinh, họ không thể tìm được cơ hội để thử sức, chứng minh ngay tại đất nước mình. Nhiều khi cái họ cần ở các cơ quan quản lý không phải là tiền, mà là hành lang pháp lý, là những chính sách và quyết định giúp họ đi đến cùng các ý tưởng, dự án nghiên cứu của mình...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận