Nếu da bạn không trắng...

THỦY TIÊN 14/03/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Di sản của quá trình thực dân hóa châu Phi vẫn hiện hữu ở châu Âu, ngay cả trong bối cảnh chiến tranh.

 
 Chúng ta khác biệt màu da, nhưng màu máu thì nào có khác?

“Tôi rất xúc động khi thấy những người châu Âu với đôi mắt xanh và mái tóc vàng bị giết” - những lời này của David Sakvarelidze, phó công tố viên Ukraine, trong cuộc phỏng vấn của BBC tuần trước, cho thấy lại một góc đen tối của thế giới phương Tây: không phải họ coi mọi mạng sống đều có giá trị như nhau, rằng họ vẫn nghĩ có một số chủng tộc vượt trội những chủng tộc khác. Và di sản của quá trình thực dân hóa châu Phi vẫn hiện hữu ở châu Âu, ngay cả trong bối cảnh chiến tranh.

Rachel, một sinh viên nữ người Nigeria đang học y năm đầu tại Lviv (Ukraine), cùng các sinh viên nước ngoài khác lên xe bus để chạy sang Ba Lan khi chiến sự trở nên căng thẳng. Họ bị đuổi xuống để nhường chỗ cho người Ukraine. Sau khi đợi hết 10 chuyến thì không còn xe nào cho họ cả. “Chúng tôi không cần phải hỏi tại sao. Chúng tôi hiểu tại sao” - Rachel cay đắng nói. Họ đi bộ 4 ngày để tới được biên giới. 

Rugiatu Faith Maxey, 22 tuổi, một người Mỹ gốc Sierra Leone đang ở Ukraine để thăm vị hôn phu, thuật lại với Tổ chức Human Right Watch: “Tài xế thông báo tất cả người da đen phải xuống xe”, khi họ trực chỉ biên giới Ba Lan. Cô đã phải dùng đến hộ chiếu Mỹ của mình thì mới qua được biên giới. 

“Đó là một sự hỗn loạn tuyệt đối. Chúng tôi đã bị đối xử như động vật” - Ahmed Habboubi, một sinh viên y khoa 22 tuổi người Pháp gốc Tunisia, người bị quân đội Ukraine đánh tới mức khi anh qua được biên giới Ba Lan thì người ta đã phải đưa anh thẳng tới bệnh viện, nói.

Số liệu của Chính phủ Ukraine năm 2020 cho biết nước này có hơn 76.000 sinh viên nước ngoài, trong đó ¼ từ các nước châu Phi (chủ yếu từ Nigeria, Morocco và Ai Cập), cùng 20.000 sinh viên Ấn Độ, số còn lại đến từ Azerbaijan, Turkmenistan, một số nước châu Á.

Những miễn cưỡng, chậm chạp và hạn chế trong việc xét chấp thuận cho những người tị nạn chạy từ Ukraine sang cũng cho thấy thứ chủ nghĩa “nhân văn” đầy màu sắc thực dụng của nhiều nước EU, tiếp nối một thứ “truyền thống” lúc ẩn giấu lúc công khai của nhiều nước trong khối này với não trạng phân biệt chủng tộc. 

Giữa những tuyên bố chính trị đầy vẻ cam kết và ủng hộ người tị nạn là thực tế trần trụi, cho thấy sự mở rộng vòng tay hiện tại của EU đối với người tị nạn Ukraine chỉ là một ngoại lệ trong chính sách với người tị nạn của lục địa này chứ không phải là một sự thức tỉnh và thay đổi mô hình. Sau năm 2015, khu vực này trở nên thù địch hơn với những người xin tị nạn, gồm cả người Syria, Afghanistan, Iraq và châu Phi cận Sahara.

Điều này được phóng chiếu trên truyền thông phương Tây, nơi mà những phát biểu như của Charlie D’Agata, nhà báo kỳ cựu của CBS News, hôm 26-2 là một ví dụ. “Ukraine không phải là một nơi như Iraq hay Afghanistan - vốn đã chứng kiến xung đột bùng phát trong nhiều thập niên. Đây là một thành phố tương đối văn minh, tương đối châu Âu” - một cách nói không thể hiểu gì khác ngoài ngụ ý rằng người Ukraine, không giống như người Afghanistan và người Iraq, đáng được thông cảm hơn. Nhiều nhà báo khác mô tả những người di tản “ăn mặc như chúng ta”, “họ rất giống chúng ta”, “họ không phải thế giới thứ ba, họ là người châu Âu”…

Moustafa Bayoumi, giáo sư ngôn ngữ Anh tại Đại học Brooklyn (New York) nhận xét rằng đó không phải là tình đoàn kết thực sự của con người đối với một dân tộc đang bị tấn công mà là một thứ chủ nghĩa bộ lạc, và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn đang lan tràn trong chiến tranh, như vết ố bám chặt trên tấm vải, rằng chiến tranh là điều tự nhiên xảy ra ở đâu đó với người da màu, còn người da trắng hướng về hòa bình một cách tự nhiên.

Sinh viên y khoa Korrine Sky, người Zimbabwe, nói rằng cố gắng rời khỏi Ukraine hiện nay chẳng khác gì chơi “trò chơi con mực” với người Ukraine, và người châu Âu da trắng đứng đầu hệ thống ưu tiên di tản, người Ấn Độ và Trung Đông ở giữa, còn người châu Phi ở dưới cùng danh sách.

Trên bề mặt sục sôi của chiến tranh, người ta quan tâm chủ yếu tới các lý do địa chính trị, kinh tế hay quân sự, những khủng hoảng nhân đạo chiếm một thời lượng không lớn trong dòng thông tin. Ngay cả khi những tin tức khủng hoảng nhân đạo ấy tới được với công chúng, vẫn còn những cuộc khủng hoảng nhân đạo khác đã bị nhấn chìm, mà người da đen hay Trung Đông trong cuộc chạy trốn chiến tranh ở Ukraine chỉ là một ví dụ đau đớn không được kể về những bi kịch của con người mà chiến tranh gây ra.

“Trong khi người ta ca ngợi Ba Lan đã chào đón những người tị nạn Ukraine, một hành động thực sự đáng khen ngợi, họ dường như đã quên mất sự đối xử nhẫn tâm đối với những người tị nạn Syria - những người chỉ vài tháng trước đã phải bỏ mạng tại biên giới Ba Lan - Belarus. Nhưng hơn hết, tôi tự hỏi, một đứa trẻ ở Yemen, Syria, Sudan cảm thấy gì khi các em nhìn thấy sự huy động sốt sắng như thế của thế giới phương Tây cho Ukraine. Ai dám nhìn vào mắt những đứa trẻ ấy và nói với chúng rằng đau khổ của chúng là ít quan trọng hơn, thậm chí đau khổ ấy là không đáng có? Tôi hiểu rằng tình hình ở Ukraine giờ đây thu hút sự chú ý cao hơn, trong nỗi sợ về một cuộc xung đột quy mô thế giới với vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta không được nhầm lẫn giữa các tác động địa chính trị với tác động đến con người” - chị Miradoli, một người từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực trợ giúp người tị nạn, nói với TTCT.

Khi cùng cả thế giới lên án chiến tranh, cầu nguyện cho hòa bình và hy vọng cho một không gian sống thanh bình trở lại cho tất cả mọi con người, không thể quên được điều cần thiết đầu tiên phải làm: thực thi công bằng các quyền dân sự và nhân quyền, bảo vệ mọi mạng sống và phẩm giá con người như nhau. Ngay lúc này, đó là những thống khổ mà một gia đình Yemen, Syria, một người da đen hay một người da trắng ở Ukraine đều phải trải qua. Nếu chúng ta quên điều này thì nhân tính đã mất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận