Nếu công xưởng của thế giới phải đóng cửa

CHIÊU VĂN 09/02/2020 00:02 GMT+7

TTCT - Vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu hiện giờ lớn hơn rất nhiều so với lần gần nhất quốc gia này đối mặt với một đại dịch.

Ảnh: Matt Kenyon, ft.com
Ảnh: Matt Kenyon, ft.com

Đó là năm 2003, khi dịch SARS đã khiến nền kinh tế thế giới mất 40 tỉ USD. Dịch viêm phổi do virus corona lần này, theo các chuyên gia, có thể gây ra tổn thất gấp bốn hoặc năm lần con số đó.

Dịch bệnh lan sang nền kinh tế

Tính tới đầu tháng 2, 16 thành phố ở Trung Quốc, với tổng dân số hơn 50 triệu người, đang trong tình trạng giảm thiểu hoạt động. Các hãng hàng không hủy chuyến tới Trung Quốc. Nhiều nước cảnh báo công dân không tới nước này. 

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 14 tỉnh và thành phố Trung Quốc, chiếm hơn 2/3 sản lượng kinh tế, tuyên bố hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ chưa thể diễn ra bình thường ít ra là trong 2-3 tuần nữa.

“Nền kinh tế Trung Quốc hiện giờ rất quan trọng với kinh tế toàn cầu. Khi tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại, chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ ràng” - chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell nói với báo Time đầu tuần rồi. Sau nhiều năm tăng trưởng vượt bậc, đất nước đông dân nhất hành tinh giờ đã trở thành một động lực chủ đạo của tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trung Quốc là quốc gia có ngành sản xuất chế tạo lớn nhất thế giới (sản lượng hơn 2.000 tỉ đôla, so với hơn 1.800 tỉ đôla của nước thứ hai là Mỹ), nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới (11,2 triệu thùng/ngày, so với 10,8 triệu thùng/ngày của Mỹ), nước chi tiêu cho du lịch quốc tế nhiều nhất thế giới (150 triệu chuyến và 277 tỉ đôla vào năm 2018), 7/10 hải cảng tấp nập nhất thế giới là ở Trung Quốc.

Gần 1,4 tỉ dân Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất thế giới của nhiều loại hàng hóa tiêu dùng: xe hơi, đồ uống có cồn, hàng xa xỉ, thời trang đồ hiệu…, theo Viện McKinsey.

Những hãng xưởng và thương hiệu lớn nhất đều đã “lây bệnh” từ đại dịch. General Motors và Honda, đều có nhà máy ở Vũ Hán, tuyên bố chưa biết khi nào mở cửa trở lại. Apple, vốn sản xuất phần cứng toàn bộ tại Trung Quốc và Đài Loan, hạn chế việc đi lại của nhân viên và nói doanh số quý 1-2020 sẽ “không chắc chắn”.

Hãng dầu khí Royal Dutch Shell ra thông báo nói giai đoạn sắp tới sẽ “đầy cam go và bất trắc” khi mức cầu sụt giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. WeWork, vốn đã khốn khổ từ trước dịch bệnh, phải đóng cửa thêm 50 văn phòng ở Trung Quốc.

IKEA đóng cửa tất cả cửa hàng ở đại lục, trong khi KFC, Pizza Hut, Starbucks và McDonald's tạm ngưng hoạt động hàng chục nghìn cửa hàng nữa. Hai công viên chủ đề của Disney ở Thượng Hải và Hong Kong cũng đã tắt điện.

Kể từ dịch SARS năm 2003, Trung Quốc đã từ nền kinh tế lớn thứ 6 vươn lên thứ 2 thế giới (14,55 nghìn tỉ đôla vào năm 2019, gần tương đương Liên minh châu Âu - EU). Trung Quốc là nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của cả Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ; là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU và Brazil.

“Hiệu ứng tràn lần này sẽ lớn hơn rất nhiều vì vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã khác - kinh tế gia của ĐH Quốc gia Úc Warwick McKibbin nói với Time - Thu nhập của rất nhiều người Trung Quốc đã tăng lên, giai cấp trung lưu ở đó rất lớn, tương tự là chi tiêu cho đi lại và tiêu dùng, tác động vì thế sẽ khác hẳn năm 2003”.

Các thị trường tài chính cũng đã phản ứng tương xứng: các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến giảm sâu 8,1% và 8,6% khi mở cửa lại ngày 3-2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; giới đầu tư cũng chuyển tiền vào những nơi trú ẩn an toàn hơn như đồng đôla Mỹ và vàng. Giá cả hàng hóa thương phẩm, bao gồm dầu mỏ, giảm mạnh.

Nỗi sợ lan đi rất nhanh. Ở Hong Kong, cách Vũ Hán gần 1.500km, “những điểm tụ tập đông người duy nhất là các nhà thuốc”, theo tường thuật của Time. Trong khi tại Lan Châu, Cam Túc, cũng cách Vũ Hán cả ngàn kilômet, các nhà hàng và quán xá ngày thường tấp nập giờ trống trơn. Đường phố ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng vắng lặng hẳn.

Cộng thêm vào đó là mức tiêu dùng thấp, thương chiến với Mỹ, bất ổn chính trị ở Hong Kong, mức đầu tư giảm và một kỳ nghỉ của lĩnh vực chế tạo, dịch virus corona có thể khiến tăng trưởng GDP quý 1-2020 của Trung Quốc chỉ còn 4,5%, thấp nhất kể từ khi có số liệu vào năm 1992, so với 6% của quý 4-2019, theo Chang Shu - kinh tế gia trưởng phụ trách châu Á của Bloomberg Economics.

Và cứ với 1 điểm phần trăm tăng trưởng giảm xuống ở Trung Quốc, tính toán của Financial Times cho thấy hiệu ứng lan sẽ mạnh nhất ở Hàn Quốc, Hong Kong và Thái Lan (giảm trên 0,3 điểm phần trăm). Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước chịu tác động tiêu cực mạnh (giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm, xem biểu đồ).

Để ứng phó với những tác động tiêu cực đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương của nước này) ngày 3-2 tuyên bố sẽ bơm 150 tỉ nhân dân tệ (22 tỉ đôla) vào nền kinh tế. Kinh tế gia George Magnus thuộc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford (Anh) nói với BBC rằng quy mô khoản kích thích kinh tế “phản ánh quan ngại của giới làm chính sách về tình trạng nền kinh tế”.

 

Suy thoái bắt đầu từ Trung Quốc?

“Chúng ta có thể sắp được chứng kiến một điều mới mẻ: suy thoái toàn cầu do Trung Quốc dẫn dắt, chứ không phải Hoa Kỳ - Financial Times bình luận - Bốn cuộc suy thoái toàn cầu gần nhất do người tiêu dùng ở Mỹ bắt đầu. Ngày nay Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lớn hơn so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại”.

Để giải thích cho con số đó, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại những năm gần đây, quy mô của nó đã lớn hơn rất nhiều. Một thập kỷ trước, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng tới 9,4% một năm, nhưng quy mô nền kinh tế khi đó chỉ bằng hơn một nửa so với ngày nay.

Nói một cách đơn giản, 6% của 100 thì vẫn lớn hơn so với 9,4% của 50. “Người tiêu dùng Trung Quốc đã thật sự dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019” - Andy Rothman của Matthews Asia nói với Financial Times.

Vấn đề không dừng lại ở mức cầu sụt giảm. Vùng Hà Bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cũng là trung tâm công nghiệp hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

Thành phố Vũ Hán, vùng sản xuất thép trọng điểm của Trung Quốc, là nơi đặt nhà máy và trung tâm điều hành của các hãng Nissan, Honda, General Motors, IBM, HABC, Honeywell, Siemens và Walmart, đó là mới kể vài tên tuổi lớn nhất.

Tầm quan trọng của Vũ Hán đã tăng lên rất nhiều trong khoảng 15 năm qua. Là một thành phố nội địa, đô thị này ưu thế hơn về mặt địa lý trong việc thu hút lao động giá rẻ của vùng tây và tây nam Trung Quốc so với những trung tâm công nghiệp truyền thống vùng ven biển. Mức sống và chi phí sản xuất ở Vũ Hán cũng rẻ hơn.

Hạ tầng ở đây cực tốt với các sân bay, đường sắt và đường bộ tỏa khắp Trung Quốc, nhưng các lệnh cấm đi lại, phong tỏa cùng sự lan nhanh của dịch bệnh đã khiến rất nhiều nhà máy và hãng xưởng không thể hoạt động bình thường, nếu còn có hoạt động.

“Cỗ máy công nghiệp khổng lồ và không ngừng nghỉ của Trung Quốc đã đột ngột khựng lại vào tuần trước” - The New York Times ngày 31-1 bình luận, nhưng các hãng xưởng lớn và tập đoàn đa quốc gia “không phải là những doanh nghiệp bị tác động nặng nề nhất”, mà sẽ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, “các nông dân, chủ cửa hàng nhỏ, tiệm mì và hàng triệu doanh nhân tự lập khác đã đưa Trung Quốc ra khỏi hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa và trở thành một siêu cường kinh tế”.

Không kém các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc có vai trò tối quan trọng trong cỗ máy tăng trưởng. Chính Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhiều lần nhấn đi nhấn lại rằng các doanh nghiệp này đóng góp hơn một nửa tổng thu thuế, 60% sản lượng và gần 3/4 giá trị từ cách tân công nghệ cho nền kinh tế.

Trung Quốc ngày nay thậm chí còn phụ thuộc vào đội ngũ doanh nhân đó nhiều hơn so với thời dịch SARS 2003, khi tiêu dùng cá nhân và ngành dịch vụ công nghệ đang bùng nổ. Nhiều chuỗi nhà hàng lớn chẳng hạn, đã phải đóng cửa: Haidilao, một trong những nhà hàng theo chuỗi lớn nhất nước, đóng cửa toàn bộ 550 cửa hàng ở đại lục.

Xu Zhihua (Hứa Chí Hoa), giám đốc điều hành thương hiệu đồ thể thao Peak, viết trên trang Weibo của mình như một kết luận: “Cả xã hội đã đứng im với mức tiêu dùng bằng không”, và ông lo lắng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có doanh thu để trả nợ: “Khi đó, cả nền kinh tế coi như kết thúc!”.■

Ước tính tổn thất với nền kinh tế của các đại dịch là điều bất khả. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng công bố một báo cáo theo dõi 1.483 dịch bệnh ở 172 nước. 

Các đợt dịch đắt đỏ nhất trong lịch sử gần đây là 40 tỉ đôla tổn thất kinh tế vì SARS năm 2003 và 55 tỉ đôla do dịch cúm heo H1N1 2009, cả hai đều có Trung Quốc là “nhân vật chính”. 

Dịch Ebola ở Tây Phi từ 2014 tới 2016 cũng gây ra tổn thất 53 tỉ đôla.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận