Nền kinh tế hớt váng

TRUNG TRẦN 07/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 13 năm trước, có lẽ chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam đối mặt với thử thách lớn như lúc này.

13 năm trước, khi khủng hoảng tiền tệ thế giới xảy ra và lan đến Việt Nam, biểu hiện rõ rệt nhất trong lĩnh vực sản xuất là sự sụt giảm đơn hàng ở các công ty FDI, các yêu cầu thanh toán mua nguyên vật liệu buộc phải chuyển sang hình thức an toàn nhất là L/C qua các ngân hàng bắt buộc phải thuộc hạng uy tín nhất.

Ảnh: ShutterStock

 

Bài học không bao giờ cũ

Tác động khủng khiếp tức thời xảy ra khi một ngày đẹp trời giữa năm 2008, ngân hàng phát đi thông báo ngừng các khoản cho vay mua nhà… chưa xây. 

Cơn sốt bất động sản bỏng rẫy - “quyền mua” một căn hộ chẳng hạn, có thể kiếm lời vài trăm triệu - đang ở đỉnh điểm xẹp lép chỉ trong một buổi sáng vì toàn dân lúc đấy đều đầu cơ bất động sản bằng năng lực chen lấn mua “suất chờ” và tiền vay ngân hàng. 

Bao nhiêu gia đình tán gia bại sản, tan vỡ hạnh phúc khi giấc mơ về một khoản lời tương đương vài năm tiền lương nổ bùng chỉ trong tích tắc. 

Hàng trăm công ty liên quan đến lĩnh vực bất động sản lúc bấy giờ đóng cửa, hàng ngàn chuyên viên bất động sản complet cà vạt xe hơi bóng loáng lại về quê ăn bám thầy bu đợi hết ngày bĩ cực. Cái phao được quăng ra lúc đấy là gói cứu trợ vô tiền khoáng hậu của Chính phủ lên đến 120 ngàn tỉ. 

Trăm ngàn tỉ đấy được tung ra thị trường dưới hình thức các gói hỗ trợ cho vay, giảm lãi suất cho nhu cầu an sinh, thúc đẩy sản xuất, kích cầu đầu tư, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế chưa gượng dậy được do kinh tế thế giới chưa phục hồi, tức khả năng hấp thu vốn không tương xứng với số tiền tung ra.

Thế là tiền lại tìm được đủ mọi cách để chạy vào cái trũng cần nó nhất: bất động sản. Nghịch lý xảy ra một cách đại trà: Doanh nghiệp vay tiền hỗ trợ sản xuất với lãi suất thấp, mang tiền đấy đi chơi chứng khoán hoặc đầu tư vào bất động sản, hay thậm chí cho vay lại. Rất ít tiền thực sự được đầu tư vào sản xuất.

Một trong nhiều hậu quả của việc đồng tiền chạy vào các ngành kinh tế hớt váng là lạm phát năm 2011 lên tới hơn 18%, cao nhất trong vòng 10 năm, bao nhiêu thành quả kinh tế vĩ mô đạt được nhiều năm trước đó bị xóa sạch và hệ lụy của các chính sách đầu tư dàn trải kéo dài đến tận giờ, như thừa nhận của ông Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư khi trả lời Quốc hội đầu tháng 11 vừa rồi.

Một hậu quả nặng nề hơn của việc xử lý khủng hoảng thiếu này - điều nhiều người biết nhưng không tiện nói ra - là chuyện bẫy thu nhập trung bình. 

Khi giới kinh tế gia Việt Nam nhận ra nguy cơ này vào khoảng năm 2008 và cố tìm cách tránh thì khủng hoảng và cách xử lý thời điểm đó là nguyên nhân chính để bây giờ chúng ta phải chua chát ngầm thừa nhận mình đang kẹt trong cái bẫy đấy. 

Vì chỉ số năng suất lao động và năng lực đổi mới công nghệ - những thứ mà giá bất động sản hay chứng khoán tăng vọt không hề gây nên tác động gì - vẫn giẫm chân tại chỗ.

Đồng tiền có chân

Hậu đại dịch, một trưởng phòng kinh doanh khách sạn hạng 5 sao do không chịu nổi cảnh không lương gần một năm trời nên đã xin nghỉ việc về nhà tập buôn bán online. 

Bao giờ các hoạt động sản xuất mới trở thành thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam? Ảnh: eastasiaforum.org

 

Một anh kỹ sư có thâm niên 25 năm về khuôn mẫu cơ khí, từng là chủ xưởng gia công, chấp nhận đi xin việc ở công ty mà cách đây 10 năm anh từng là giám đốc, để bắt đầu lại làm nhân viên, kiếm lương sống qua ngày, thời gian rảnh sẽ tập viết content và bán hàng trên Facebook.

Hàng trăm đồng tiền ảo đang được những kỹ sư IT và người chơi tay ngang đầu tư với hy vọng chỉ cần thành công một đồng thôi thì khả năng một ăn một ngàn là khả thi. 

Trong khi đó, một căn nhà thứ hai cách Sài Gòn vài chục đến vài trăm km sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho quý vị khi một đại dịch khác xuất hiện… là những trend “kinh doanh”, “đầu tư” đang thời thượng. 

Một cách kỳ diệu, giá nhà đất ở Bảo Lộc, La Gi, Quy Nhơn lại tăng và dồn dập người mua, trong lúc từ “suy kiệt” hay được nhắc tới với không ít thành phần khác trong nền kinh tế.

Gói hỗ trợ kinh tế dự kiến hàng trăm nghìn tỉ của Chính phủ ra đời trong bối cảnh như thế với tiêu chí đúng trọng tâm, hiệu quả, kịp thời và kiểm soát được rủi ro. 

Việc huy động ngân sách và vay nợ để có khoản tiền này là điều phải làm và việc phải bơm tiền để phục hồi nền kinh tế là chuyện mà chính phủ nào cũng phải tính toán.

Thế nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều lo sợ về nợ công tăng do vay mượn, lạm phát tăng do tiền mất giá bởi lãi suất ngân hàng giảm nhờ các chính sách hỗ trợ. 

Hơn hết, đó là nỗi sợ bóng ma thất bại hệ thống năm nào. Nỗi sợ đấy là có cơ sở khi mà bất động sản, chứng khoán…, những “tiền đồn” của nền kinh tế hớt váng, đang chực chờ đón dòng tiền cứu trợ.

Quan trọng hơn, tâm lý sợ hãi của người có tiền tích trữ sẽ dồn những đồng tiền đáng lẽ phải chảy vào an sinh, sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị và tìm kiếm khách hàng mới... vào nơi có người đang đón lõng.

Chính phủ không muốn lặp lại kịch bản năm 2009, Nhà nước muốn nguồn tiền hỗ trợ chạy đến đúng doanh nghiệp sản xuất, để nền kinh tế thật - nền kinh tế tạo ra giá trị để bán - có thêm năng lượng phục hồi và phát triển, bằng cách áp dụng các kỹ thuật tín dụng để cho vay, ưu đãi đúng đối tượng.

Nhưng đồng tiền có chân, nó chưa chắc sẽ chạy theo lối mà Nhà nước muốn. Như mọi thứ trên thị trường tự do, nó nhiều khả năng sẽ chạy về những chỗ có nhiều người muốn nó nhất, sinh lợi nhanh nhất, dù việc sinh lợi đấy có đem lại sức sống và sự bền vững cho cốt lõi của nền kinh tế hay không.

Một nghịch lý sớm muộn cũng sẽ xảy ra: Người nghèo không có thu nhập, mất việc làm vì dịch, hộ gia đình dân doanh khó mà vay vốn ngân hàng để chuyển đổi sinh kế; còn người giàu, để có thêm tiền mua đất, họ không khó khăn lắm để vay mượn thêm từ những nguồn tiền có gốc gác là gói hỗ trợ kia. 

Ngân hàng, vốn đứng ra làm trung gian chi ra những đồng tiền đấy, có muốn như vậy không? E là có. Vì tính an toàn và khả năng thu hồi vốn. Đất thì không thể mất giá và càng không thể mất đi.

Nguồn cơn sâu xa hơn nữa: Phát triển sản xuất, xây thêm nhà máy, chế tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chưa bao giờ là ưu tiên, là ước mơ của phần lớn người Việt Nam. 

Nếu phải chỉ ra động lực tăng trưởng mới của công nghiệp gia công, lắp ráp, hoàn chỉnh thành phẩm ở Việt Nam, một mục tiêu trọng điểm của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, chắc chắn các chuyên gia hàn lâm lẫn kỹ sư thực địa đều sẽ vò đầu bứt tai. Tự động hóa ư? Nhà máy thông minh ư? Năng suất lao động của nhân công Việt Nam ư?

Những thứ đó bây giờ muốn có thì phải khởi động tối thiểu từ 10 năm trước. Mà 10 năm trước đây, tiền đáng lẽ cho việc đấy thì đã dùng đi mua đất cả rồi!

Một chính sách kèm một ngân quỹ lớn đến hàng trăm ngàn tỉ, dù muốn hay không, đều phải vận hành theo quy luật thị trường, tức là tiền chảy vào chỗ trũng, kể cả khi nó gặp nhiều hàng rào kỹ thuật và hành chính. 

Vấn đề là chỗ trũng đấy luôn được khuyến khích rộng hơn và sâu hơn trong quá khứ lẫn hiện tại, không chỉ bởi giới doanh nhân. Để giới sản xuất được hưởng lợi tốt nhất, những định chế giải ngân trung gian cấp địa phương như ngân hàng, sở công thương, sở tài chính… đóng vai trò quyết định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận