NATO thức dậy trong chiến tranh

DANH ĐỨC 10/07/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ kể từ khi khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành lập vào ngày 4-4-1949 trong những đối kháng đầu tiên với Liên Xô ở châu Âu, khối quân sự này lại “la làng” lớn như bây giờ.

Việc NATO la làng, ngay mở đầu tuyên bố của Thượng đỉnh Madrid, là phản ứng rất cụ thể, sát sườn. 

Sát sườn do lẽ trước khi lãnh đạo các nước NATO ngồi lại với nhau từ 28 đến 30-6, bỗng dưng trên tài khoản Telegram, Cơ quan Nhà nước phụ trách hoạt động không gian Nga Roscosmos công bố hình ảnh vệ tinh về địa điểm tổ chức thượng đỉnh, kèm chú giải: “Trong khi đại diện 30 quốc gia NATO, các đối tác và ứng viên, sẽ quyết định ý tưởng chiến lược cho đến năm 2030, Roscosmos công bố ảnh vệ tinh về địa điểm tổ chức thượng đỉnh”. 

 
 NATO xác nhận Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn gia nhập ở thượng đỉnh Madrid. Ảnh: AFP

Chiến tranh treo trên đầu 

Lãnh đạo các nước NATO không hết hồn sao được khi biết nơi họ tề tựu đang trong tầm nhắm của đối thủ. 

Không ai quên trước đó 6 tháng, hôm 27-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho lực lượng hạt nhân Nga sẵn sàng “chế độ chiến đấu đặc biệt” sau khi Kremlin đơn phương khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhắm vào Ukraine 3 ngày trước. 

Newsweek 1-7 trích lời Thủ tướng Anh Boris Johnson: “Ông Vladimir Putin ít nhất đã 35 lần đe dọa chiến tranh hạt nhân”. 

Các tổng thống Mỹ, Pháp và Thủ tướng Anh, Đức có lẽ chột dạ nhất khi Roscosmos còn công bố một số hình ảnh vệ tinh chụp Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ở Washington, Bộ Quốc phòng Anh, Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng Đức ở Berlin, và Điện Elysées ở Paris.

Dù mỗi lãnh đạo NATO đến họp với một tâm thế khác nhau, song theo quy luật động năng tập thể (dynamic group), cuối cùng họ đều tham gia tuyên bố: “Chúng ta cùng nhau hợp nhất làm một, đoàn kết và tái khẳng định mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương lâu dài giữa các quốc gia”. 

NATO cũng tái khẳng định cam kết của họ “bao gồm Điều 5, là không thể lay chuyển”. Điều khoản nổi tiếng đó quy định NATO sẽ ra tay khi một thành viên trong khối bị tấn công.

Nhưng tất nhiên, mọi tuyên bố chỉ là... tuyên bố, còn thực tế ra sao thì chỉ thực tế mới kiểm chứng được. Ít ra thì NATO đã đưa ra một phần câu trả lời với việc kết nạp hai thành viên mới: “Hôm nay chúng tôi quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO”. 

Quyết định này cho thấy NATO đã hóa giải được một số vấn đề nội bộ, cụ thể là giữa Thổ Nhĩ Kỳ với hai đối tác Bắc Âu: “Trong bất kỳ sự mở rộng liên minh nào, điều tối quan trọng là mối quan tâm về an ninh hợp lý của tất cả các đồng minh phải được giải quyết đúng đắn. Chúng tôi hoan nghênh việc ký kết ghi nhớ ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển”.

Với NATO, “sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp các nước này an toàn hơn, NATO mạnh hơn, và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương an ninh hơn”.

Răn đe hạt nhân

Tất nhiên, lãnh đạo các nước be bé trong khối quan ngại nhiều hơn các ông lớn vốn có ô dù hạt nhân trong tay. Nói cách khác, NATO đã và đang phòng vệ trước Nga như thế nào trong thực tế điều động quân lực, nhất là với mối đe dọa hạt nhân?

Đầu tháng 3, sau khi Nga loan tin đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động, báo Pháp Le Télégramme (của vùng Bretagne) đã “khè” lại: “Chưa bao giờ... mức độ căng thẳng quân sự lên cao như vậy ở mũi Ile-Longue của khu vực Bretagne. Rời Ile-Longue, các thủy thủ tàu ngầm tuần tra đang trong tình trạng cảnh giác cao độ”.

Ile-Longue là một bán đảo nằm trên vịnh Brest, được sử dụng làm căn cứ tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Pháp, một trong những nơi bí mật và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất nước Pháp. Thường thì ít nhất một tàu ngầm loại này sẽ làm nhiệm vụ “răn đe” ngoài biển. 

Ba tuần sau, hôm 25-3, có lẽ do tình hình đe dọa hạt nhân tăng “đô”, tờ báo đưa tin thêm: “Với 16 tên lửa đạn đạo có tầm bắn gần 10.000km, mỗi tên lửa mang 6 đầu đạn hạt nhân 100 kiloton, mỗi tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân của Pháp thông thường có thể tự hoàn thành nhiệm vụ răn đe". 

"Đây là lý do tại sao trong thời gian bình thường, luôn có ít nhất một chiếc trên biển (với hai thủy thủ đoàn trên tàu). Với hai, rồi sau đó ba tàu ngầm được triển khai đồng loạt, điều chưa từng thấy, Pháp đang nghiêm túc nâng cao mức độ cảnh báo và răn đe. Lý thuyết mà nói, sức mạnh của ba tàu ngầm này tương đương gần hai nghìn lần quả bom ném xuống Hiroshima”.

Những hoạt động tương tự cũng thấy ở Anh. HMS Audacious, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Astute của hải quân Hoàng gia Anh, đã đến Gibraltar hôm 16-3 để hội ngộ với tàu ngầm Mỹ USS Georgia, lớp Ohio. 

Đến 27-4, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, USS Indiana, lại xuất hiện ở căn cứ hải quân hoàng gia Anh Faslane, Scotland. Một ngày trước, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Rubia của hải quân Pháp đã có mặt ở khu vực này.

Các tin tức trên cho thấy: (1) Mỹ, Anh, Pháp - ba đầu tàu quân sự hạt nhân của NATO - dù mức độ quan ngại và “dấn thân” khác nhau, đã hợp tác chặt chẽ vì nhu cầu phòng thủ răn đe hạt nhân khi phía Nga đã nhiều lần nhắc tới thứ vũ khí hủy diệt này trên truyền thông; (2) đó phải chăng là sự bảo đảm cho các nước nhỏ khác trong khối; và (3) Nga có thể sẽ nhìn nhận sự hợp tác đó là để “bao vây” họ.

Chân dung một liên minh mới

Việc các nước nhỏ, đặc biệt là ở Đông Âu hay từng thuộc Liên Xô, sau này “gõ cửa” NATO hay EU, giống như cảnh “ôm đàn sang thuyền khác”, gây ra những cãi cọ và xung đột là điều dễ hiểu. Hiếm có vụ ly hôn nào mà êm đẹp!

Romania là một ví dụ điển hình. Bộ trưởng Quốc phòng nước này Vasile Dincu hôm 30-6, giữa bá quan văn võ NATO ở Madrid, đã tuyên xưng đức tin mới: 

“Romania trở thành một nhân tố quan trọng hơn nhiều trong NATO nhờ sự cân bằng đang được tạo ra giữa phía bắc và phía nam. Trong khi khu vực biển Baltic, biển Bắc trước đây được bảo vệ tốt hơn nhiều, giờ đây chúng ta có được sự hiện diện tương đương ở biển Đen, điều này là rất quan trọng”. 

Biển Đen là vùng biển chiến lược với Nga, nhất là từ sau khi họ sáp nhập Crimea.

Điều ông Dincu tán tụng là kế hoạch mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tại Madrid hôm 29-6: bố trí lại quân đội từ Đức đến Ba Lan và Romania; gửi thêm tàu khu trục để tăng cường sự hiện diện của hải quân NATO trên sườn phía nam Romania trong những tháng tới; thành lập tổng hành dinh Quân đoàn 5 Mỹ tại Ba Lan, sẽ là sở chỉ huy tiền phương và chiến đấu; thêm một lữ đoàn đóng tại Romania, cùng các đơn vị Mỹ có thể điều động khác. 

Ông Dincu tiết lộ: “Sẽ có những lĩnh vực chiến lược mới mà trước giờ NATO chưa hiện diện nhiều, đó là phòng không và phòng thủ tên lửa... Hiện đang có 2.700 quân Mỹ trên đất chúng tôi. Con số này còn tăng nữa”.

Gió cứ đổi chiều mạnh như vậy, cũng khó trách ở Kremlin nhiều người bức xúc!■

Sau khi thấy NATO đã cả quyết với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, cũng như sau 4 tháng chiến sự, họ bất quá chỉ đứng xa giúp đỡ và cũng không muốn Ukraine gia nhập, phía Nga tỏ ra tương nhượng phần nào. 

Đài Đức DW tường thuật: “Ông Putin nói với các nhà báo tại Asghabat [trong chuyến thăm Turkmenistan]: “Không có gì khiến chúng tôi phải lo lắng về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Chúng tôi không gặp vấn đề với Thụy Điển và Phần Lan như với Ukraine””.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận