Nắng nóng và túi tiền

NGUYỄN VŨ 31/07/2022 06:24 GMT+7

TTCT - Biến đổi khí hậu đang gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan khắp nơi: nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nam Á… kéo theo nạn cháy rừng, hạn hán làm hư hại mùa màng, phá hủy hạ tầng…

Điều đáng ngạc nhiên là thay vì ngồi lại cùng nhau bàn cách ứng phó, vẫn có những nỗ lực đủ kiểu chống lại các biện pháp cứu nguy Trái đất. Vì sao lạ thế? Lập luận của những người phản đối là gì? Đúng sai đến mức độ nào?

Câu trả lời thật ra rất đơn giản: tất cả chỉ vì tiền. Một báo cáo của Hãng McKinsey cho rằng thực hiện chính sách đạt được mức phát thải toàn cầu bằng 0 vào năm 2050 sẽ làm thế giới tiêu tốn thêm 5.000 tỉ USD mỗi năm liên tục trong ba thập niên tới. Vấn đề nằm ở chỗ phần chi phí này nếu do các doanh nghiệp gánh thì họ sẽ có động cơ vận động giới chính trị gia để trì hoãn.

Hai kiểu cực đoan

Theo trang The Conversation, 5 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới chi đến 200 triệu USD mỗi năm để vận động hành lang nhằm kiểm soát, trì hoãn hay cản trở các chính sách khí hậu của các nước. Nhưng nếu chi phí rơi lên lưng những người nghèo, yếu thế hay nói chung buộc các nước nghèo gánh phần lớn, sự phân định đúng sai khó rạch ròi hơn.

Gần đây nhất là chuyện thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Joe Manchin, người có lá phiếu quyết định ở Thượng viện, đã tuyên bố chống lại kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden, một gói trị giá 300 tỉ USD để miễn giảm thuế và trợ cấp cho các lĩnh vực phát triển điện gió, điện mặt trời, xe điện và các công nghệ sạch khác. 

Theo The New York Times, đó là bởi ông Manchin đang đại diện cho quyền lợi của ngành than đá tiểu bang West Virginia và từng nhận tài trợ từ các tập đoàn dầu khí.

(Cập nhật: Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin bất ngờ quay ngược 180 độ, tuyên bố sẽ ủng hộ gói chi tiêu 369 tỷ USD để ứng phó biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương).

Trước đó các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã liên tục ngăn cản mọi nỗ lực chuyển sang sử dụng năng lượng sạch vì sự vận động của các nhà máy nhiệt điện. 

Tòa án tối cao Mỹ, hiện nghiêng về chính sách của Đảng Cộng hòa, gần đây cũng ra phán quyết hạn chế thẩm quyền của Cơ quan Bảo vệ môi trường liên bang, khiến nơi này không thể buộc các nhà máy điện giảm khí phát thải.

Báo chí khi đưa tin về các sự kiện này đều lên án sự can thiệp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh diễn tiến bất thường của thời tiết hiển hiện. Tuy nhiên, ở một hướng cực đoan ngược lại, mọi người vẫn còn lúng túng chọn một thái độ đúng đắn.

Chẳng hạn, theo The Wall Street Journal, hàng loạt cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan đã nổ ra để phản đối quy định của chính phủ nước này hạn chế mức phát thải khí nitơ oxit và khí amoniac do ngành chăn nuôi; một số vùng phải cắt giảm đến 70-80%.

Hơn 40.000 nông dân tham gia biểu tình bởi cuộc mưu sinh của họ sẽ bị ảnh hưởng. Hà Lan lại là một trong 10 nước xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới, nên một quy định như thế còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác, đẩy giá thực phẩm lên cao trong bối cảnh nạn đói kém toàn cầu đang lan rộng.

Một ví dụ mang tính cực đoan khác: The New York Times vừa đăng ý kiến của hai nhà trí thức lên án việc sử dụng bình xịt cầm tay dùng trong hai căn bệnh khá phổ biến là suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bởi các loại bình này sử dụng hydrofluorocarbon, một chất gây hiệu ứng nhà kính mạnh. 

Thiết nghĩ tìm một loại bình xịt khác không dùng hydrofluorocarbon là đúng đắn, nhưng đặt vấn đề các bình trị suyễn mà gây biến đổi khí hậu e rằng hơi quá đáng, nhất là khi giới ăn trên ngồi trước của thế giới vẫn đang đáp máy bay phản lực riêng đến các hội nghị quốc tế như Davos hay Aspen để rao giảng về hậu quả của biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường.

Tính lại chi phí - lợi ích

Trên bình diện lợi ích của mỗi nước, đã có những tính toán với những con số cụ thể. Cũng theo tờ Wall Street Journal, nỗ lực giảm khí thải sẽ làm mỗi người Mỹ tiêu tốn thêm 5.000 USD một năm, nhưng chỉ giảm 80% khí thải vào giữa thế kỷ này. 

Để đạt mức 100%, chi phí đầu người sẽ tăng gấp đôi. Riêng EU, chi phí hằng năm sẽ vượt quá mức 1.000 tỉ USD - hiện EU đang trợ giá cho các nguồn năng lượng tái tạo chừng 69 tỉ euro, nhưng hiệu quả vẫn còn thấp.

Nếu đơn giản hóa vấn đề, chúng ta có thể kết luận hành động để ứng phó biến đổi khí hậu về ngắn hạn tạo ra chi phí cho tất cả mọi người, trong khi lợi ích thì phải dài hạn mới thấy. Các chính khách e ngại xã hội mất việc làm trong các ngành năng lượng truyền thống, kinh tế bị 

ảnh hưởng bởi chi phí tăng thêm nên thường trì hoãn việc thông qua hay thực thi chính sách chống biến đổi khí hậu.

Một điều cần thừa nhận là hiện nay 80% nguồn năng lượng thế giới đang sử dụng đến từ nhiên liệu hóa thạch, cụ thể là dầu khí và than đá. 

Với công nghệ hiện tại, loài người chưa thể loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, nên dù thực hiện hết mọi chính sách đã cam kết thì đến giữa thế kỷ này, theo Tổ chức Năng lượng quốc tế, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ chiếm trên 50% mọi nguồn phát khắp thế giới.

Điều may mắn là chi phí sản xuất năng lượng xanh ngày càng rẻ, lợi ích dễ thấy hơn và dù sao, tác động tiêu cực lên kinh tế của biến đổi khí hậu ngày càng rõ. Sẽ đến lúc loài người phải tính toán cân nhắc lại lợi ích và chi phí của ứng phó biến đổi khí hậu so với tổn thất kinh tế do thời tiết cực đoan mang lại.

Một nghiên cứu cho thấy nhiệt độ cứ tăng 1 độ F so với nhiệt độ bình quân mùa hè thì tăng trưởng kinh tế hằng năm sẽ giảm từ 0,15% đến 0,25%. 

Một báo cáo khác tính toán rằng nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C thì lợi nhuận từ nông nghiệp ở miền đông nước Mỹ sẽ giảm đến 60%. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, các đợt nắng nóng từ năm 1980 đến năm 2000 tại 32 nước châu Âu đã làm thiệt hại đến 71 tỉ USD, đó là chưa tính hai đợt nắng nóng kỷ lục vào năm 2003 và 2010 làm chết 70.000 và 55.000 người. 

Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế dự báo đến năm 2030, các đợt nắng nóng sẽ giảm số giờ lao động toàn cầu chừng 2%, tương đương 80 triệu việc làm toàn thời gian, gây tổn thất 2.400 tỉ USD.

Với những hình ảnh thiên nhiên khốc liệt hai năm gần đây do biến đổi khí hậu, hy vọng những nhân vật như ông Manchin sẽ nhận ra "không làm gì cả", "cứ sử dụng than, dầu thoải mái như cũ" cũng sẽ dẫn đến chi phí khổng lồ. 

Tờ Financial Times cho biết một nghiên cứu của Hãng tư vấn Vivid Economics kết luận nước Mỹ sẽ thiệt hại 200 tỉ USD mỗi năm đến năm 2030 do các đợt nắng nóng. Lúc đó họ sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài bỏ điện than chuyển sang điện xanh như xu hướng nổi trội hiện nay. 

Vấn đề còn lại là nhà nước phải nghĩ ra những biện pháp hỗ trợ nông dân nói riêng và người nghèo nói chung bị thiệt hại do các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu tạo ra.■

Nắng nóng còn làm giảm sản lượng lương thực, có nơi giảm đến 30%; gia súc chết, cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, sân bay bị hư hại.

Các đám cháy rừng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hy Lạp và Ý ảnh hưởng nặng nề lên vụ mùa ở các nước này. Hiệp hội nông dân Ý cho biết sản lượng lúa mì ở nước này giảm 15% do cháy rừng và hạn hán.

Mỗi đám cháy còn làm dân Ý thiệt hại chừng 10.000 euro mỗi hecta, do chi phí dập lửa và tái xây dựng hệ sinh thái trong 15 năm sau đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận