Nàng Godiva và món quà sôcôla gửi bạn

TRẦN THỊ VĨNH - TƯỜNG 12/01/2019 03:01 GMT+7

TTCT - ​Mỗi năm, cứ dịp Noel và năm mới lại nhận được món quà ngọt ngào từ bạn, dù cả năm không kịp nói với nhau lời nào. Món quà vẫn là gói kẹo sôcôla của nhà Godiva buộc nơ tím với lời nhắn “Chỉ còn gửi kẹo năm nay - Ngày này năm tới vèo bay không hẹn về”.

Không sao, chúc bạn mạnh khỏe bình yên, lâu lâu nhìn trời “Đếm sao canh dài mộng thấy nhau”.

Và không có điều chi mà vắng câu chuyện đằng sau. Năm 1926, cửa tiệm sôcôla đầu tiên của gia đình Pierre Draps mang tên Godiva Chocolatier được mở trên con đường lát đá ở quảng trường Grand Place, trung tâm thành phố Brussels, nước Bỉ.

(Ảnh: visit.brussels)

Từ đó đến nay, những viên kẹo xinh vẫn giữ công thức cũ “bột cacao, đường và sữa”. 70% bột cacao thế giới đang dùng là từ cây cacao trồng ở bốn quốc gia Tây Phi gần xích đạo nóng ẩm nhiều mưa.

Lại nhớ đến một người bạn thân ở Huế, giờ đại gia đình ở Đức, Pháp, con cháu học hành xong. Mười năm trước sang Brussels học làm kẹo sôcôla, huy động tiền trong nhà về Bến Tre nơi đất thích hợp trồng cacao. Đặng chi? Đặng dân có việc làm, đặng Việt Nam có kẹo ngon.

Cây cacao trồng ở Việt Nam (Ảnh: wiki)

Năm 1956, Godiva Chocolatier mở thêm một tiệm ở Paris trên con phố sang trọng Rue Saint Honoré. Năm 1968, hãng này hân hạnh được làm sôcôla cho Hoàng gia Bỉ khiến triều đình châu Âu đặt hàng tới tấp. Bé nào có trong tay phong kẹo Godiva mặt mày hớn hở không khác gì công chúa nhỏ. Rồi cửa tiệm Godiva mở khắp châu Âu như đại diện ngoại giao ngọt ngào của Vương quốc Bỉ. Ngày nay Godiva có 600 cửa tiệm trên 100 quốc gia trên thế giới. Năm 2015, doanh số bán ra là 792 triệu đôla.

Ở Sài Gòn những năm 1960 chỉ mỗi tiệm thực phẩm Thái Thạch ở đường Tự Do có bán kẹo Godiva. Học trò nhỏ ráng để dành tiền, mua được một phong Godiva mừng gần chết.

Năm 1968, hãng thực phẩm nổi tiếng Campbell Soup Company ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) giành được độc quyền sản xuất Godiva cho thị trường Mỹ với công thức từ hãng mẹ ở Brussels.

Năm 2007, hãng Campbell bán lại cho hãng Yildiz ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với giá 850 triệu USD, có lẽ vì cà phê uống kiểu Thổ không cho đường luôn phải kèm kẹo bánh.

Nước Mỹ một năm tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn sôcôla. Người Mỹ ưa ngọt, mỗi người ăn sơ sơ năm ký lô sôcôla một năm, và rồi “bịa ra” đủ dịp để mua kẹo Godiva, sinh nhật, hội họp, đám cưới, ngày lễ, quà tặng... Qua ngày lễ Giáng sinh, gốc cây thông chất đầy hộp Godiva, lại lúi húi mang đến viện dưỡng lão trao tận tay các cụ già. Khi buồn buồn ăn vài viên sôcôla sẽ vui.

Thật ra chất ngọt nào cũng làm hưng phấn, nhưng cứ đổ cho sôcôla cái tội đáng yêu đó đặng có cớ chạy biến đi mua vài ba hộp.

Rồi cũng ở Mỹ, sinh ra một tục lệ dễ thương: khi có hàng xóm mới dọn tới, xung quanh rủ nhau mang sôcôla Godiva đến chúc mừng. Bà ngoại dạy cháu gái làm bánh sôcôla sinh nhật cho cả nhà, cho vào bánh nào là hạt, mứt, sữa, gia vị, trái cây... và rồi thế nào cũng phải có vài chai rượu Chocolat Martini cho đủ vị “ngọt đắng cay”. Đếm sơ sơ về sau này có chừng 15 bài hát về sôcôla hết sức rộn ràng.

Minh họa

Trở lại với nhà Draps danh tiếng xứ Bỉ. Nhãn hiệu Godiva chính là từ tên nữ công tước nổi tiếng Godiva, “Phu nhân trên lưng ngựa” mà nhiều nước châu Âu coi như nữ anh hùng. Phu nhân Godiva (khoảng 980 - 1067) là người từng liên tiếp khẩn nài chồng là bá tước Leofric giảm thuế và nhiều sai dịch nặng nề cho dân chúng vùng Coventry (153km tây bắc London, Anh).

Leofric hứa sẽ giảm thuế nếu vợ khỏa thân cưỡi ngựa dạo quanh thành phố. Leofric tin Godiva không bao giờ chịu khỏa thân như vậy.

Không ngờ, Godiva đồng ý nhưng đề nghị dân chúng đóng cửa và không nhìn ra đường ngày nàng khỏa thân, tóc xõa dài phủ thân hình, cưỡi ngựa một vòng thành phố với hai hiệp sĩ hộ tống theo sau. Quá đỗi ngạc nhiên nhưng đầy cảm phục tấm lòng vì dân của nàng, ngài bá tước giữ lời giảm thuế cho dân chúng.

Bức tranh vẽ nàng Godiva trên lưng ngựa của Họa sĩ John Collier, 1897, Herbert Art Gallery and Museum (Wiki)

Biểu tượng Godiva từng xuất hiện trên nhiều kiệt tác từ tranh vẽ đến tượng, bày khắp các viện bảo tàng châu Âu, đầu thế kỷ 20 mới lần đầu tiên xuất hiện trên món sôcôla. Hãng kẹo nhỏ này đánh trúng tâm lý cả ong kiến lẫn trẻ con người lớn: trong mịn ngoài giòn, vỏ láng mướt, vừa ngọt vừa đắng, kiểu dáng thanh lịch. Như đàn bà.

Ngày lễ ngày tết tặng nhau món quà hay nhớ đến nhau đôi phút, cũng là một món quà tự tặng cho mình, vì người cho hạnh phúc hơn người nhận. Bạn thì sao?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận