25/08/2022 10:17 GMT+7

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Nền giáo dục thực chất mới tạo ra xã hội phát triển thực chất

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Sáng 25-8, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Nền giáo dục thực chất mới tạo ra xã hội phát triển thực chất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM (trái), trò chuyện với ông Nguyễn Văn Phúc, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, tại hội nghị - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP.HCM; bà Trần Thị Kim Yến, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM... tham dự hội nghị.

Nhiệm vụ 2 trong 1 

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, năm học 2021-2022 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục và đào tạo TP khi vừa tập trung nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa phải đảm bảo hoạt động dạy và học. 

Sau thời gian dạy và học từ xa kéo dài gần hết học kỳ 1, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thành phố đã linh hoạt, chủ động, với tinh thần "an toàn đến đâu mở cửa đến đó". Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho học sinh đi học ngày càng tăng qua thời gian.  

Việc đưa học sinh trở lại trường học ngoài việc đáp ứng công tác chuyên môn, đảm bảo việc dạy - học, đảm bảo phát triển học sinh toàn diện còn là một nỗ lực giúp cho người dân TP an tâm công tác, góp phần vào nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM.

Tri ân các thầy cô giáo đã vượt khó 

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Nền giáo dục thực chất mới tạo ra xã hội phát triển thực chất - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: HỮU HẠNH

Phát biểu về phương hướng năm học 2022-2023, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, nhấn mạnh: "Thay mặt ngành giáo dục và đào tạo TP, tôi xin chân thành cảm ơn và tri ân đội ngũ các thầy cô giáo đã vượt qua bao khó khăn của năm học qua, thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục". 

Ông Hiếu cho biết: "Ngoài mục tiêu tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục, năm học tới sẽ là năm ngành giáo dục và đào tạo TP thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường hội nhập quốc tế. 

Cụ thể là củng cố và duy trì hợp tác quốc tế với các tổ chức ngoại giao, tổ chức, đơn vị giáo dục quốc tế có uy tín; chủ động tìm kiếm các đối tác tiềm năng, có khả năng hỗ trợ về tiềm lực, tư vấn hướng phát triển hợp tác trong xây dựng các chương trình giáo dục.

Bên cạnh đó, các đơn vị giáo dục trên địa bàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tạo lập môi trường tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp; thu hút học sinh, sinh viên quốc tế và giáo viên, giảng viên quốc tế đến TP.HCM học tập và giảng dạy; tăng cường các chương trình giáo dục, đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh".

Cũng theo ông Hiếu, năm học tới TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non và phổ thông…

"Cần đặc biệt chăm lo cho đội ngũ giáo viên"

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo TP đã rất nỗ lực khi thực hiện nhiệm vụ kép. Đó là vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ giáo dục với chất lượng được đánh giá cao. 

Tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà các thầy cô giáo và học sinh TP đã đạt được trong năm học vừa qua. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng những kết quả ấy chưa đáp ứng yêu cầu và lòng mong mỏi của người dân TP".

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cần đặc biệt chăm lo cho đội ngũ giáo viên, đảm bảo sự văn minh trong môi trường học tập. 

"Bằng mọi cách phải đảm bảo được đời sống của giáo viên bởi họ đã cống hiến hết mình cho ngành giáo dục của TP. Nếu để tình trạng giáo viên phải bươn chải cho đời sống thì các thầy cô giáo không thể yên tâm giảng dạy. 

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tạo môi trường học tập tốt để học sinh cảm nhận được mỗi ngày các cháu đi học là một ngày vui và thấy được ý nghĩa của việc đến trường" - ông nhấn mạnh.

Ông cũng nhắc đến tính trung thực của việc dạy - học. "Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện và bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững tất cả các hoạt động, hệ đào tạo" - ông nói thêm.

Trung thực trong giáo dục: Trách nhiệm của ba Trung thực trong giáo dục: Trách nhiệm của ba 'nhà sản xuất'

TTO - Trung thực trong giáo dục bắt đầu từ đâu? Câu hỏi đặt ra có vẻ chờ đợi ngành giáo dục lên tiếng nhận trách nhiệm đi đầu. Thật ra, vấn đề không đơn giản như ta mong đợi.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên