Mỹ - Việt đạt thỏa thuận về tiền tệ: Bước đi có tính toán

NAM MINH 09/08/2021 01:00 GMT+7

TTCT - Hai quốc gia đạt được sự đồng thuận về chính sách tiền tệ đánh dấu cột mốc quan trọng trong xu thế tăng cường quan hệ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và thực ra, đây là một sự dàn xếp mà chính các doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi không nhỏ.

Nike - thương hiệu giày nổi tiếng của Mỹ - mấy năm qua đẩy mạnh quá trình dịch chuyển các hợp đồng cung ứng từ Trung Quốc sang các đối tác ở Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát từ năm 2018. Kết quả là năm 2020, Việt Nam cung ứng đến 50% lượng giày trên toàn cầu cho tập đoàn này.

Việt Nam là một trung tâm sản xuất quan trọng của Hãng Nike. Ảnh: CNBC

 

Nike đã hưởng lợi lớn khi tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào và chi phí rẻ của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do rộng lớn như CPTPP, RCEP hay EV-FTA, các đôi giày của Nike sẽ tiếp cận thuận tiện hơn nhiều thị trường quan trọng.

Tương tự, sau giai đoạn một đầu tư khá thành công, Hãng công nghệ Intel quyết định rót thêm 475 triệu USD vào mở rộng tổ hợp sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip tại Khu công nghệ cao SHTP. 

Tính tới năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy tiến của Nhà máy Intel tại SHTP đạt trên 50 tỉ USD và nằm trong số các trung tâm kiểm thử quan trọng nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Đó chỉ là hai ví dụ nổi bật trong rất nhiều nhà đầu tư Mỹ khác đang hưởng lợi ở Việt Nam.

Bức tranh lớn

Từ bức tranh lớn đó, có thể thấy quan hệ Việt - Mỹ đang nằm ngoài phạm vi của các tranh cãi về thao túng tiền tệ hay các con số thâm hụt thương mại. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen công bố đã đạt được sự đồng thuận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về vấn đề tỉ giá. 

Phía Mỹ sẽ không áp bất kỳ khoản thuế trừng phạt nào với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích chính sách tỉ giá hối đoái được điều hành trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Việt Nam không sử dụng công cụ tỉ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế, đồng thời cam kết minh bạch và linh hoạt hơn trong việc quản lý tiền tệ của mình. 

“Tôi tin rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này theo thời gian không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt, nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô”, bà Yellen tuyên bố.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thâm hụt hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam là gần 56 tỉ USD trong năm 2019 và tăng lên gần 63,5 tỉ USD vào năm ngoái. 

Nhưng theo các chuyên gia, bất chấp thặng dư thương mại ngày càng tăng, Việt Nam vẫn là một nước nghèo với GDP bình quân đầu người khoảng 2.715 USD - chỉ bằng 1/24 của Mỹ. 

Trong khi tìm cách ngăn chặn các hành vi “vô lý và hạn chế” gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ, chính quyền Biden nếu muốn khẳng định lại vai trò lãnh đạo toàn cầu, họ sẽ cần tìm cách gầy dựng mối quan hệ thân thiện hơn với các đối tác.

Giáo sư Kevin P. Gallagher, giám đốc Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu thuộc Đại học Boston, cho rằng sự đồng thuận đạt được với phía Việt Nam là bước đi thông minh của chính quyền Biden, thể hiện sự tôn trọng với chủ nghĩa đa phương. 

Chính sách tiền đồng là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, trong khi các vấn đề về tiền tệ và khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ nên được giải quyết tốt nhất ở chính nước Mỹ.

Hợp tác chiến lược

Trong thỏa thuận lần này, phía Việt Nam hứa hẹn sẽ tăng mua nhiều khí đốt, than đá, thực phẩm và các sản phẩm khác. 

Thực tế thì thị trường Việt Nam ngày càng mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ tham gia buôn bán, đầu tư và kinh doanh trên các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới.

Đơn cử là mảng năng lượng, Mỹ đã trên đường trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với hàng loạt dự án tỉ USD. 

Tại Thừa Thiên Huế, Chan May LNG, một liên doanh Hoa Kỳ - Việt Nam, có kế hoạch đầu tư lên đến 6 tỉ USD. Giám đốc điều hành của công ty cho biết dự án có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Hoa Kỳ vì sẽ tiêu thụ khí LNG nhập từ Mỹ.

Còn tại Bạc Liêu, Delta Offshore Energy rót 4 tỉ USD đầu tư dự án điện khí LNG. Đây là doanh nghiệp được thành lập tại Singapore, nhưng thuộc sở hữu của 3 cổ đông người Mỹ. 

Tập đoàn Millennium muốn đầu tư dự án điện khí ở tỉnh Sóc Trăng với công suất 9.600 MW. Hay như ở Long An, chủ đầu tư dự án LNG công suất 3.000 MW là Vina Capital mới đây ký biên bản ghi nhớ với Hãng General Electric để cung ứng các tuốcbin khí, thiết bị và dịch vụ liên quan.

Theo giới phân tích, Washington đang giành hỗ trợ cho ngành công nghiệp LNG để biến Mỹ thành nhà sản xuất và xuất khẩu LNG lớn. 

Nhập khẩu LNG của Mỹ có thể là một lựa chọn bền vững cho Việt Nam cả về giá cả lẫn khả năng cung cấp lâu dài. Hơn nữa, các nhà đầu tư Hoa Kỳ, với hồ sơ tài chính và kỹ thuật đã được chứng minh, có thể đảm bảo các dự án của họ được thực hiện thành công.

Tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia còn thể hiện ở lĩnh vực nông nghiệp. Nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã chi hơn 600 triệu USD để nhập khẩu thịt, trong đó Mỹ là 1 trong 3 thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt lợn lớn nhất. 

Riêng về thịt bò, Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 106.500 tấn thịt bò đã qua giết mổ, trong đó 30,7% nhập từ Mỹ. 

Với mức thu nhập đầu người ngày càng cải thiện và dân số đông thứ hai Đông Nam Á, thị trường Việt Nam rõ ràng là hấp lực mới cho các doanh nghiệp Mỹ đến khám phá và làm ăn lâu dài.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận