21/12/2018 10:24 GMT+7

Mỹ rút khỏi Syria có bất ngờ?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump, như mọi khi, viết trên Twitter về quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria.

Mỹ rút khỏi Syria có bất ngờ? - Ảnh 1.

Học sinh Syria ở Hasakah, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đi học cạnh xe bọc thép tuần tra của Mỹ vào đầu tháng 11-2018 - Ảnh: REUTERS

Tuyên bố được đưa ra sau khi lực lượng Quân đội dân chủ Syria, được quân đội Mỹ yểm trợ, vừa chiếm được thị trấn Hajin - căn cứ cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) còn lại tại phía đông sông Euphrates.

Đột ngột mà không quá bất ngờ!

Quyết định này được coi là khá đường đột bởi mới gần đây thôi, cả bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao, tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ, đặc phái viên của Mỹ về Syria... đều tuyên bố theo hướng sẽ tăng cường hiện diện cả quân sự, ngoại giao và "sẽ ở lại Syria đến khi nào thấy cần thiết". 

Các tuyên bố đều đưa ra những biện minh cho sự ở lại này, mà ngoài mục tiêu "đánh bại IS và không cho chúng phục hồi ở Syria" còn có các mục tiêu to tát khác như đảm bảo cho một giải pháp chính trị ở Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ và đẩy lùi sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria.

Nhưng lại không bất ngờ, hay nói đúng hơn là quyết định này chỉ có thể khẳng định là do đích thân ông Trump đưa ra, bất chấp mọi chủ đích trái chiều từ phía các quan chức cao cấp nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Quyết định này làm nhớ lại sự kiện tháng 4 năm nay: chính ông Trump đã ra lệnh rút quân ngay khỏi Syria cũng với lý do "đã đánh bại IS".

Quyết định đó đã gặp phản ứng trái chiều rất mạnh từ phía Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và cả cố vấn an ninh của Nhà Trắng, đến mức buộc tổng thống sau đó phải rút lại quyết định. Nhưng khi đó, ông Trump vẫn kiên quyết chỉ gia hạn cho quân đội ở lại Syria thêm 6 tháng, tức là đến trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Từ đó, mọi người cứ tưởng vị lãnh đạo Nhà Trắng đã chịu nghe các cố vấn thân cận nhất để duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại Syria, đối trọng với Nga và đẩy cho được Iran ra khỏi quốc gia Ả Rập này. Nhưng nay, ông Trump tái xuất và thể hiện rõ vai trò "độc quyền quyết định" của tổng thống.

Một lần nữa, Tổng thống Trump khẳng định bản sắc "đã nói là làm cho được", bất chấp mọi phản ứng trái chiều ngay trong đội ngũ cao cấp nhất của chính quyền Mỹ!

Yếu tố Nga và Thổ

Quyết định bất ngờ này được đưa ra trong hoàn cảnh có những diễn biến mới nhất trong vài ngày qua: ngoài việc IS bị xóa sổ ở Hajin, sự kiện đáng kể nhất là cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 16-12. Ngay sau cuộc điện đàm, phía Thổ Nhĩ Kỳ hoan hỉ thông báo Mỹ đã đồng ý bán cho hệ thống tên lửa phòng không Patriot trị giá 3,5 tỉ USD.

Có lẽ nội dung cuộc điện đàm này còn nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria? Ngay sau cuộc điện đàm ấy, ông Erdogan khẳng định "sắp mở chiến dịch chống khủng bố ở miền bắc Syria, mà không đụng đến quân đội Mỹ vẫn đang hiện diện ở đây".

Còn quá sớm để đánh giá những hệ lụy của quyết định rút về hơn 2.000 quân nhân Mỹ đang có mặt tại Syria. Nhưng bên được lợi trước mắt nhiều nhất chính là Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Các bên liên quan trực tiếp khác cũng có phần: Iran sẽ giảm bớt được áp lực của Mỹ đối với họ ở Syria, ít nhất là trong thời gian trước mắt. 

Chính quyền của Tổng thống Erdogan sẽ được tự do thực hiện các hoạt động quân sự nhắm vào người Kurd Syria ở miền bắc nước này. Riêng Israel sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, bởi dù có rút đi thì Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Israel đánh phá "các mục tiêu quân sự của Iran" ở Syria.

Nhưng ở góc độ khác cũng có thể thấy Nga bị đẩy vào thế phải một mình đối phó với vô vàn rối rắm tại đất nước vừa thoát khỏi cuộc nội chiến thảm khốc kéo dài suốt 7 năm qua. Khối đồng minh lỏng lẻo do Nga đứng đầu, gồm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hình thành từ năm 2015 để đối trọng với Mỹ, thì nay tự các thành viên của khối này sẽ tranh chấp quyết liệt với nhau, nhất là giữa Nga với Iran; bởi thực sự Matxcơva với Tehran hợp tác với nhau ở Syria chỉ là "đồng sàng dị mộng".

Syria chưa thể sớm ổn định dù chính quyền ông al-Assad vẫn được duy trì ở Damascus. Không dễ giải quyết rốt ráo các ung nhọt bùng nhùng bởi sự tồn tại các lực lượng vũ trang của người Kurd, phe đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan và các thủ lĩnh bộ tộc cát cứ địa phương, vùng miền... Không loại trừ sự phục hồi ở mức độ nào đó của khủng bố (al-Qaeda và IS).

Nga từ nay phải một mình ứng phó với vô vàn khó khăn tại Syria thời hậu chiến, trong khi vẫn bị Mỹ và EU trừng phạt kinh tế liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine!

Mỹ rút quân khỏi Syria: Tất cả đều sốc Mỹ rút quân khỏi Syria: Tất cả đều sốc

TTO - Một lần nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giữ đúng lời hứa tranh cử khi ra lệnh rút hết quân khỏi Syria, nhưng để thấy hết các hệ quả của quyết định gây tranh cãi này cần có thêm thời gian.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên