Mỹ - Iran: Tàu sân bay và dầu mỏ

DANH ĐỨC 12/05/2019 17:05 GMT+7

Một lần nữa, Iran và Hoa Kỳ lại “khè” nhau quyết liệt. Liệu sẽ đâu lại vào đó như mọi lần hay chuyến này sẽ “tới luôn bác tài”?

Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln đã có mặt ở vùng Vịnh vào đầu tháng 5. Ảnh: AP
Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln đã có mặt ở vùng Vịnh vào đầu tháng 5. Ảnh: AP

“Để đối phó với một số dấu hiệu và cảnh báo đáng lo ngại và leo thang, Hoa Kỳ đang triển khai nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và một lực lượng oanh tạc cơ đặc nhiệm tới khu vực Bộ Tư lệnh trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn tới chế độ Iran rằng bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào lợi ích của Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của chúng ta sẽ bị đáp trả với sức mạnh không ngăn cản được” - cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phát đi tuyên bố trên khuya chủ nhật 5-5.

Thông điệp 98 chữ của cố vấn Bolton rất rõ: Iran “gây hấn” trước nên Mỹ phải giành quyền phòng vệ chính đáng cho bản thân và các đồng minh, và điều này sẽ là vô đối!

Tuy nhiên, ông Bolton cũng phân trần: “Hoa Kỳ không tìm kiếm chiến tranh với chế độ Iran”, trước khi kết thúc bằng một lời răn đe khác: “Nhưng chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào”.

Đóng cửa eo biển?

Những “dấu hiệu và cảnh báo đáng lo ngại và leo thang” mà ông Bolton nhắc đến là gì?

Giở thời sự Iran - Mỹ gần đây sẽ thấy hôm 27-4, Hãng tin Tasnim của Iran công bố một đoạn video chất lượng HD do lực lượng hải quân Vệ binh Hồi giáo ghi hình cảnh các tàu chiến Mỹ đang bị theo dõi trong vùng Vịnh ở phía nam Iran, trong đó nổi bật nhất là một tàu sân bay Mỹ.

Tuy nhiên, bài viết kèm video này lại không đưa ra bất cứ chi tiết nào về nội dung đoạn video, mà tập trung vào việc Mỹ đưa Vệ binh Hồi giáo Iran vào hàng ngũ các tổ chức khủng bố, và để đáp trả, “Hội đồng An ninh quốc gia tối cao (SNSC) Iran ngay lập tức tuyên bố Hoa Kỳ là nhà nước tài trợ khủng bố và lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực này là khủng bố. SNSC cho biết đã đưa Bộ Tư lệnh trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) vào danh sách khủng bố của SNSC như một biện pháp đáp trả động thái bất hợp pháp và thiếu khôn ngoan của Hoa Kỳ”.

Câu chuyện từ Hãng tin Iran Tasnim chỉ chừng đó, nhưng rất cần được hiểu rõ cho đúng bản chất. Hãng tin Tasnim có môn bài là một hãng tư nhân. Trong một xã hội như Iran, nếu xem đây là một thông điệp “răn đe” thì rõ ràng Tehran đã “chừng mực” khi chọn kênh truyền tải là hãng tin tư nhân Tasnim, chứ không phải một hãng tin nhà nước như Hãng FARS, Iran Press hoặc IRNA.

Đặt trong bối cảnh địa chính trị rộng hơn, Hãng tin nhà nước Nga Sputnik cùng ngày 27-4 giải thích thêm: “(Tasnim) không xác định cảnh quay khi nào, nhưng cho biết video đã được Vệ binh Hồi giáo Iran công bố. Tàu sân bay trong video dường như là chiếc USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz. Lần triển khai cuối cùng của tàu ở vịnh Ba Tư được biết là vào tháng 12-2016. Lầu Năm Góc chưa bình luận về đoạn phim được công bố này”.

Sau đó, Hãng thông tấn Mỹ AP đã đăng tải “bình luận từ Lầu Năm Góc”, dẫn lời phát ngôn viên Chloe J. Morgan thuộc hải quân Mỹ ở Bộ Tư lệnh trung tâm, theo đó “chiếc Eisenhower đã không hề có mặt tại vùng Vịnh từ năm 2016, và Hoa Kỳ cùng các đồng minh quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải trên eo biển Hormuz”.

Eo biển Hormuz


AP cũng nhắc lại “bối cảnh” vấn đề: “Eo biển này, nơi gần 1/3 lượng dầu xuất nhập khẩu trên toàn thế giới đi qua, từng là bối cảnh những vụ đối đầu trong quá khứ giữa Hoa Kỳ và Iran, bao gồm cả trận hải chiến một ngày năm 1988. Trong những năm gần đây, hải quân Hoa Kỳ đã cáo buộc các tàu tuần tra Iran quấy rối tàu chiến Mỹ ở hải lộ này”.

Nhắc lại trận chiến năm đó, New York Times ngày 19-4-1988 đăng một bài dài 1.869 chữ rất chi tiết, với tựa đề: “Hoa Kỳ tấn kích hai giàn khoan dầu của Iran, đánh trúng sáu tàu chiến trong các trận đánh trên các hải lộ bị thả mìn ở vùng Vịnh”. Có thể tóm tắt nội vụ bằng trích đoạn sau:

“Hải quân Hoa Kỳ đã đụng độ với các lực lượng Iran trên vùng phía nam vịnh Ba Tư trong hôm nay, làm tê liệt hoặc đánh chìm sáu tàu Iran có vũ trang. Một máy bay trực thăng tấn công của Mỹ được báo cáo mất tích. Các cuộc tấn công bắt đầu khi sáu tàu Mỹ phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran, một động thái mà chính quyền Reagan nói là để trả đũa vụ trúng mìn làm hỏng một tàu hải quân Mỹ tuần trước”.

Câu chuyện trên đã cách đây 31 năm, khi nhà nước Hồi giáo Iran chưa đầy 10 tuổi và còn mải miết chiến tranh với Iraq của ông Saddam Hussein. Nay Cộng hòa Hồi giáo Iran đã tròn 40 tuổi, là một cường quốc hùng mạnh trong khu vực, còn kình địch của họ Saddam đã “xanh cỏ” vì... Mỹ!

Trở lại với hiện tại, một ngày sau vụ công bố video trên, tức 28-4, tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran, Mohammad Bagheri, tuyên bố: “Các quan chức Iran từng làm rõ rằng Iran không muốn đóng cửa eo biển Hormuz, song trong trường hợp các thế lực thù địch tỏ ra hung hăng hơn, chúng tôi sẽ có thể chặn eo biển”, theo Radio Farda.

Ai cũng muốn tin rằng Iran không ra tay. Song không loại trừ khả năng đôi bên động thủ nên không thể không tự hỏi: Iran sẽ làm gì để “chặn eo biển Hormuz”? Nối nội dung đoạn video tàu sân bay Mỹ bị Iran quay và phát biểu của tướng Bagheri, có thể tin rằng việc đóng cửa eo biển là trong tầm tay Iran: tàu sân bay còn bay qua đầu ghi hình được thì đánh chìm cũng không phải là bất khả?

Lý do của mọi lý do

“Cọ xát” Mỹ - Iran thật ra khởi sự cách đây một năm. Nhật báo Mỹ New York Times 8-5-2018 bình luận: “Tổng thống Trump tuyên bố ông đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA, xóa sạch thành tựu đối ngoại đặc sắc của người tiền nhiệm Barack Obama, cô lập Hoa Kỳ khỏi các đồng minh phương Tây... Hoa Kỳ nay sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt từng áp lên Iran trước khi có thỏa thuận và đang xem xét các hình phạt mới”.

Nhật báo Anh The Guardian cùng ngày viết: “Trump biện minh cho việc ra khỏi thỏa thuận là Iran đang xây dựng chương trình hạt nhân, song lại không cung cấp bằng chứng. “Thỏa thuận này là một chuyện hư cấu khổng lồ” - Trump nói. Ông đã sử dụng ngôn ngữ đầy khiêu khích trong suốt bài phát biểu, đưa ra những lời buộc tội Iran mặc dù nước này đã hành động tuân thủ thỏa thuận hạt nhân”.

Cũng theo tờ báo Anh, các lãnh đạo Anh, Pháp và Đức, là các bên tham gia JCPOA, đã ra một tuyên bố ngay sau tuyên bố của ông Trump yêu cầu Hoa Kỳ đảm bảo “rằng các cấu trúc của JCPOA còn nguyên vẹn, và tránh hành động cản trở việc thực hiện đầy đủ của tất cả các bên khác trong thỏa thuận”.

Như một sự tương nhượng với các nước liên quan, ngày 2-11-2018, khi lệnh trừng phạt được Mỹ áp trở lại với Iran, Ngoại trưởng Mike Pompeo loan báo Hoa Kỳ sẽ tạm thời cho phép tám bên nhập khẩu tiếp tục mua dầu của Iran trong sáu tháng. Tám bên này là các nơi nhập khẩu dầu hỏa Iran nhiều nhất: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Ý, và ông Pompeo không nêu tên bên thứ tám do không tiện, mà ai cũng biết là Đài Loan.

Dầu mỏ của Iran đã mất 10 tỉ USD kể từ lệnh trừng phạt của Mỹ năm 2018

Ngày 13-3 vừa rồi, Reuters loan tin: “Iran đã mất 10 tỉ đôla doanh thu kể từ khi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vào tháng 11-2018 đã loại khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Iran khỏi thị trường toàn cầu, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết”.

Ngày 2-5 vừa rồi là ngày cột mốc đánh dấu sáu tháng “ân hạn” kết thúc. Không còn ai được mua dầu từ Iran nữa, bao gồm cả tám bên được đặc cách nói trên, nếu không muốn chọc giận Hoa Kỳ. Lệnh chính thức được ông Trump ban bố ngày 8-5 với mục tiêu “đưa lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống bằng 0”.

Vấn đề của tất cả các nước vẫn nhập khẩu dầu từ Iran sẽ là tìm nguồn cung thay thế. Michael Pregent, một chuyên gia về Trung Đông, trong hội thảo hôm thứ hai 29-4 tuần trước ở Viện Hudson, một cơ quan nghiên cứu mà trong danh sách cố vấn từng ghi tên các tên tuổi như Henry Kissinger, Raymond Aron (mà một số đại học văn khoa ở miền Nam Việt Nam trước 1975 có giảng quyển “18 bài học về xã hội công nghiệp”), đã nhận xét ông Vladimir Putin có thể trở thành người chiến thắng lớn về mặt kinh tế và ngoại giao nếu Hoa Kỳ không bãi bỏ chế tài đối với các nước mua dầu của Iran, bởi họ sẽ quay sang Nga.

Theo báo cáo Triển vọng năng lượng của BP năm 2018, Nga dự kiến vẫn là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới kể từ năm 2018 trở đi. Bản thân nước Nga cũng có định hướng “hướng Đông” rõ ràng giữa vòng vây trừng phạt. “Bất chấp các lệnh trừng phạt, các công ty dầu khí vẫn thực dụng đối với Nga.. Tương lai năng lượng Nga không nhất thiết dựa vào phương Tây. Thay vào đó, năng lượng Nga đang chuẩn bị cho sự xoay trục lớn về hướng Đông, phục vụ các thị trường ngày càng đói năng lượng. Trung Quốc và Ấn Độ là hai phần thưởng lớn nhất mà Nga đang hi vọng ghi điểm” - báo cáo viết.

Cứ như thế, vào lúc tiếng trống trận nổi lên trên eo biển Hormuz, giá dầu leo dốc và lợi hại cho ai đều đã rõ. ■

Thị trường xám

Amir Hossein Zamaninia, thứ trưởng dầu mỏ Iran, nói với Hãng tin nhà nước IRNA tuần trước rằng Iran sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

“Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực trong nước và đang bán dầu ở các “thị trường xám” - ông Zamaninia nói - Chúng tôi chắc chắn sẽ không còn bán được 2,5 triệu thùng một ngày như khi thỏa thuận hạt nhân còn hiệu lực”. Trong khi ông không nói chi tiết Iran được cho là vẫn tiếp tục bán dầu với giá giảm mạnh cho các công ty tư nhân suốt thời gian họ bị cấm vận trước đây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận