Mứt chùm ruột

LỆ BA 25/01/2012 23:01 GMT+7

TTCT - 1. Tôi cùng chị bạn ngồi khuất sau cửa lớp để tránh gió. Năm ấy trời rất lạnh. Trong không gian tối lờ mờ của một lớp học được dùng làm văn phòng ban giám hiệu, vài chục giáo viên đang đứng, ngồi hoặc nằm trên băng ghế để chờ đợi...

Chuyến hàng tiêu chuẩn tết dành cho giáo viên từ phòng giáo dục vẫn chưa chở về tới, dù đã hơn 9 giờ tối.

Phóng to

Hôm đó đã là 28 tháng chạp. Chuyến hàng nhu yếu phẩm cuối năm ngoài những thứ phân phối theo tiêu chuẩn mỗi quý như gạo, thịt heo, bột ngọt..., còn có thêm đậu phộng, đường thùng, vải sợi... Từ phòng giáo dục huyện về đến trường tôi dạy xa hơn 20 cây số, đi về bằng ghe máy mất gần nửa ngày. Có nồi thịt kho ngày tết, có thêm chút mỡ cho chồng cho con, có cái gì đó đãi khách làm cho tôi và bạn bè quên hết mệt nhọc vì chờ đợi.

Gần nửa đêm, hàng mới được phân phối. Thịt heo được gom cả lại rồi chia đều cho giáo viên trong trường: thiếu, đủ, mỡ, nạc chẳng nghe ai phàn nàn. Vải tiêu chuẩn giáo viên chỉ có 0,8m/người, vài người nhường cho một người để đủ may một bộ quần áo cho chồng con. Đường với đậu phộng làm được món kẹo, còn dư đường làm thêm hũ mứt chùm ruột đãi khách.

Tôi không thể nào quên đêm giao thừa năm đó, quá mệt mỏi nên giao nồi mứt chùm ruột cho chồng để chợp mắt một chút. Sáng ra, thay vì nhìn thấy những trái chùm ruột mọng đỏ, tôi lại thấy cả một nồi “nhựa đường”. Tiếc công tôi và con gái mất cả ngày ngâm xả, dù không nỡ trách chồng tôi vẫn buột miệng: “Là họa sĩ mà không phân biệt được màu đỏ với màu đen”.

Anh không nói gì, cúi đầu dùng đũa lặng lẽ gắp từng trái chùm ruột màu nâu đen cho vào hũ để tự ăn dần những ngày sau tết, phần còn lại đem... thắng nước màu!

2. Tôi nhớ đứa em chồng của tôi, rời trường sư phạm được phân công dạy ở một nơi heo hút. Bốn thầy giáo trẻ được bà con thương cho ở nhờ trong nhà gần trường để tiện việc đi dạy. Gần tết, chủ nhà xẻ một trái mít to đem biếu các thầy một miếng ăn lấy thảo.

Mít ngọt thơm nên cả bốn thầy ăn một loáng đã hết sạch. Còn thòm thèm, các thầy ăn thử xơ và phần thịt vàng sát ngoài vỏ mà vẫn thấy ngọt thơm như múi mít. Đến khi chẳng còn gì ăn được nữa, mấy thầy mới giật mình nhìn nhau: Phần vỏ xanh còn lại đem bỏ đi đâu? Bỏ hố rác bà con nhìn thấy được thì còn gì mặt mũi thầy giáo. Mấy thầy bàn nhau đợi đêm xuống, một thầy lội ra giữa sông, lật úp miếng vỏ mít rồi nhẹ nhàng khoát nước cho nó trôi ra xa.

Nhìn mấy đứa em ngồi kể chuyện của mình một cách vô tư, tôi nghe lòng đăng đắng. Khó khăn, thiếu thốn đến chừng ấy mà vẫn bám lấy nghề, vẫn cùng với ngành giáo dục vượt qua và đứng lên trên chính đôi chân của mình sau ngày đất nước thống nhất. Điều đó đáng tự hào hay xấu hổ?

3. Mỗi độ tháng chạp về, tôi lại kể với con về những chuyện xưa. Con gái cũng là giáo viên, nói với mẹ: “Chuyện khổ mà mẹ cứ kể lại hoài nghe “mất quan điểm” quá!”. Tôi cười. Phải kể để lớp trẻ hôm nay thấy chúng sung sướng quá. Bây giờ có thiếu gì nữa đâu. Đợi đến tối giao thừa, đi siêu thị “quơ” một vòng là tha hồ ăn uống.

Tôi vẫn mua mứt chùm ruột mỗi năm, cùng chồng ăn để nhớ. Mứt người ta làm đỏ mọng, căng tròn, thơm lựng vani... thế nhưng ngậm trong miệng tôi vẫn nghe thiếu cái gì đó. Thiếu cái mùi đường khét và vị đăng đắng của kỷ niệm hay là thiếu cái hạnh phúc tìm được dẫu trong gian khổ, thiếu thốn?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận