Mượn đất "treo' trồng hoa tết

PHAN THÀNH - VIỆT HÙNG 18/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Có thể nói nông dân ở đâu cũng vì “tiếc đất” mà xoay xở tìm cách trồng trọt. Giữa trung tâm TP Đà Nẵng, nông dân đã đi mượn hàng chục hecta đất “vàng” của các dự án còn “treo”, chưa được xây dựng để tận dụng trồng hoa vào những tháng giáp Tết Nguyên đán.

Cạnh những lô đất “vàng” được người dân tận dụng trồng hoa là những ngôi biệt thự, nhà lầu nằm san sát rất đẹp trên đường Lương Nhữ Hộc (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) -PHAN THÀNH
Cạnh những lô đất “vàng” được người dân tận dụng trồng hoa là những ngôi biệt thự, nhà lầu nằm san sát rất đẹp trên đường Lương Nhữ Hộc (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) -PHAN THÀNH


Năm nay thời tiết thuận lợi, những nông dân đang trồng hoa giữa phố này hi vọng có một mùa hoa bội thu. Dọc các tuyến đường 30-4, Lương Nhữ Hộc, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (Q.Hải Châu) hay những khu đất trống ở các khu dân cư quận Sơn Trà, Cẩm Lệ... với giá trị nhiều tỉ đồng/lô đất, đâu đâu cũng thấy họ chăm chỉ, mân mê từng cành hoa.

Ban đêm, ánh đèn điện sáng rực thúc cho hoa nở đúng dịp tết tạo nên khung cảnh đầy sức sống trên những cánh đồng hoa bạt ngàn giữa lòng TP.

Trồng hoa, giữ hộ đất

Theo thống kê của Hội Nông dân TP Đà Nẵng, hiện trên toàn TP có hơn 54ha đất dự án, quy hoạch chưa xây dựng đã được hội đứng ra bảo lãnh cho hội viên trồng hoa, rau xanh. Nhiều nhất là hai quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn. Hội đã giải quyết cho hơn 670 lao động có công ăn việc làm thường xuyên. Mỗi hộ dân trồng hoa dịp tết thu nhập ít cũng vài chục triệu đồng, nhiều thì có người trên cả trăm triệu đồng.

Vườn hoa với đủ loại, chủ yếu hoa cúc đóa, nằm trên lô đất quy hoạch làm dự án hơn 700m2 ở đường Lương Nhữ Hộc (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) của gia đình ông Phan Văn Huy chuẩn bị chớm nụ. Từ sáng sớm, cả gia đình đến tỉa cành, tưới nước, bón phân...

Ông Huy kể thấy gần nhà có lô đất bỏ trống, chưa thấy ai sử dụng nên gia đình đăng ký với hội nông dân phường xin trồng hoa tết. “TP đất chật người đông, thấy đất trống phí quá nên tui xin trồng hoa và được phường đồng ý. Từ chủ đất dự án đến chính quyền địa phương đều đồng ý vì tụi tui trồng hoa vừa giữ đất vừa giữ vệ sinh môi trường xung quanh” - ông kể.

Năm nay, gia đình ông trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc và một ít hoa ly ly, vạn thọ. Nếu thời tiết từ nay đến giáp tết thuận lợi, sau khi trừ hết chi phí, vụ hoa năm nay ông Huy có thể kiếm được 50 triệu đồng. “Vừa không tốn tiền thuê đất vừa thuận lợi việc mua bán vì trồng ngay khu trung tâm nên không tốn phí vận chuyển. Ban đầu nghĩ chỉ làm chơi, ai ngờ ăn thật. Từ năm năm nay gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập đáng kể để lo tết” - ông Huy nói tiếp.

Những người trồng hoa này giờ chỉ lo chuyện thời tiết. “Năm nay ít mưa nên thiếu nước. Hoa đã gần chớm nụ mà gặp mưa dài ngày thì khả năng hư hỏng, thất thu rất cao” - chị Nguyễn Thị Vui, người có thâm niên trồng hoa trên đường 30-4, nói.

Hầu hết hộ dân trồng hoa trên các lô đất tiền tỉ này chỉ tốn công chăm bón là chính. Bởi những lô đất “vàng” này nằm cạnh các trục đường lớn hoặc ngay ngã ba, ngã tư rất tiện việc mua bán, không cần thuê lô, sạp ở chợ hoa tết.

Nông dân Nguyễn Văn Trí (P.Hòa Cường Bắc), có hơn sáu năm trồng hoa ở lô đất “vàng” ngã ba Nguyễn Hữu Thọ và đường 30-4, khấp khởi vui mừng bởi 2.000 chậu hoa cúc trồng trên diện tích hơn 600m2 đang phát triển tốt. Anh Trí có nghề chính là phụ hồ, thu nhập bấp bênh.

Hơn sáu năm gần đây, cứ vào những tháng giáp tết là anh đúc chậu để trồng hoa bởi cho thu nhập ổn định. “Hội nông dân đã bảo lãnh đất cho trồng. Mình chỉ có việc trồng rồi bán tại chỗ, tiết kiệm hàng chục triệu đồng thuê mặt bằng, thuê xe, nhân công, vận chuyển” - anh Trí nói về lợi thế trồng hoa trên đất “vàng”. Anh Trí cũng hi vọng một năm bội thu vì có nhiều người đã đến vườn thăm hỏi, đặt mua với giá 300.000 - 500.000 đồng/cặp cúc.

Còn “trang trại” hoa rộng 4.000m2 của gia đình anh Hồ Văn Chiến tọa lạc ở một lô đất đẹp trên đường 30-4 (P.Hòa Cường Bắc). Dịp tết này nhà anh sẽ có nguồn thu nhập đáng kể từ 3.000 chậu hoa cúc và 1.000 chậu hoa ly.

Trước kia, anh Chiến cùng tám hộ dân sinh sống ở đường 30-4, nhưng năm 2006 TP Đà Nẵng tiến hành giải tỏa, di dời để khai thác quỹ đất. Sau đó các hộ dân được TP hỗ trợ tái định cư và có công việc ổn định. Tuy nhiên do thấy đất cũ chưa sử dụng nên anh cùng nhiều hộ dân xin trồng hoa, vừa kiếm thu nhập vừa bảo vệ môi trường. “Chừng nào chủ đất xây dựng thì chúng tôi giao trả” - anh nói.

Cánh đồng hoa trên vệt đất “vàng” ở đường 30-4 (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) bạt ngàn màu xanh                         -PHAN THÀNH
Cánh đồng hoa trên vệt đất “vàng” ở đường 30-4 (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) bạt ngàn màu xanh -PHAN THÀNH

 

Bảo lãnh cho nông dân trồng hoa

Nhiều người trồng hoa trên các lô đất “vàng” yên tâm khi có nhiều mối hàng quen thuộc ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bỏ vốn cùng trồng, sau đó mua, xuất đi các tỉnh khác bán. Anh Hồ Văn Chiến cho biết như mọi năm vừa bán tại chỗ vừa được các bạn hàng đặt trước ngay khi vừa ươm giống: “Mình có đầu ra ngon lành nên yên tâm trồng, dù được hay mất mùa người ta cũng “thầu” luôn như thỏa thuận”.

Ông Trần Văn Lý, phó chủ tịch Hội Nông dân P.Hòa Cường Bắc, cho biết từ năm 2005 sau khi bị giải tỏa, thu hồi đất, nhiều người dân ở phường tuy đã được tái định cư, ổn định cuộc sống song thấy các dự án, đất khu dân cư chưa triển khai xây dựng khiến đất bị hoang hóa, ô nhiễm môi trường rất lãng phí nên phường nảy ra ý tưởng mượn đất dự án cho nông dân trồng hoa.

Sau mỗi vụ hoa Tết Nguyên đán, nông dân lại tiếp tục tận dụng các lô đất “vàng” để cải tạo đất, làm vườn ươm, trồng thêm một số loại hoa ngắn ngày bày bán trong các ngày lễ. Bên cạnh đó, nông dân còn cho trồng thêm những loại rau, củ các loại để buôn bán quanh năm. Một số ít lô đất cũng được chính quyền cho người dân mượn để làm khuôn viên đúc chậu cây cảnh hay là nơi dùng để họp chợ sinh vật cảnh…

“Sau khi xin ý kiến của quận và TP, hội liên hệ với các chủ dự án bỏ không để thuyết phục họ cho mượn đất. Tất cả đều đồng ý. Lúc đó hội mượn được gần 5ha đất để dân trồng hoa, rau xanh” - ông Lý kể.

Hiện toàn phường có hơn 70 hộ đang trồng các loại hoa tết như cúc, vạn thọ, ly ly... với diện tích trên 11ha. Thấy cách làm của phường hiệu quả, đến cuối năm 2008 Hội Nông dân TP Đà Nẵng trình lên UBND TP xin phép cho các hộ dân nhân rộng mô hình trồng hoa tại các lô đất trống khác trên toàn TP.

Theo ông Nguyễn Kim Dũng - phó chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, tất cả chủ các vườn hoa trên những lô đất “vàng” này đều là hội viên Hội Nông dân TP hoặc chính những hộ dân có đất bị quy hoạch.

Những người này được ưu tiên cho mượn đất để sản xuất, trồng hoa. Hội đứng ra bảo lãnh mượn đất để họ yên tâm trồng trọt. Trong quá trình sản xuất, các hộ dân phải cam kết đảm bảo môi trường xanh, sạch và đẹp.

Ông Dũng nhớ lại lúc chưa được giao cho dân, các lô đất này nhếch nhác, ô nhiễm bởi người đi đường đổ rác bừa bãi. Từ ngày áp dụng mô hình này, cả TP lẫn chủ đất đều yên tâm. Khi chủ dự án muốn lấy lại đất, họ cần báo trước 3-6 tháng, hội sẽ thông báo cho hội viên di dời đi chỗ khác, trả đất cho họ. “Nhờ tận dụng đất dự án đang bỏ trống để trồng hoa nên đời sống nhiều hộ dân khấm khá hơn. Nông dân trồng hoa còn được chính quyền, hội nông dân cung cấp giống giá rẻ, tập huấn kỹ thuật...” - ông Dũng tâm sự.

Dẫu đây là một cách làm hay, nhưng tâm trạng của người đi “mượn đất” trồng trọt lúc nào cũng lo lắng, băn khoăn về tương lai bấp bênh, không biết lúc nào đất bị lấy lại. Ông Nguyễn Kim Dũng cho biết hội đã dự liệu được điều này nên đang định hướng để người dân mở rộng, thuê đất nơi khác trồng hoa lâu dài, có quy hoạch hẳn hoi nhằm hình thành một làng hoa tập trung của Đà Nẵng.

Cũng tâm huyết về một làng hoa trong tương lai, ông Nguyễn Phú Ban, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết hiện TP đã quy hoạch bốn khu vực trồng rau, hoa với diện tích khoảng 100.000ha trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo chủ trương của TP, nếu người dân có nhu cầu thuê đất trồng hoa lâu dài sẽ được tính giá rẻ.

Nói về “số phận” bấp bênh của những người mượn đất các dự án “treo” trồng hoa hiện nay, ông Ban khẳng định: “Trong quá trình người dân di dời vùng trồng hoa lên huyện Hòa Vang, sở sẽ có một số chính sách hỗ trợ để người dân tiếp tục yên tâm sản xuất như cho vay vốn ưu đãi, mở các lớp tập huấn kỹ năng trồng, chăm sóc cây và hỗ trợ giống hoa... Bên cạnh đó, sở sẽ làm cầu nối liên kết với doanh nghiệp và các địa phương lân cận quảng bá thương hiệu hoa Đà Nẵng ra thị trường.■

Cánh đồng hoa tươi tốt được nông dân chăm sóc trên những lô đất “vàng”, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ hoa tết  -PHAN THÀNH
Cánh đồng hoa tươi tốt được nông dân chăm sóc trên những lô đất “vàng”, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ hoa tết -PHAN THÀNH

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận