Mùi của gió

NGUYỄN THỊ KIM HÒA 13/08/2022 06:36 GMT+7

TTCT - "Cô ơi, gió có mùi gì?" - Giữa giờ học, học trò thình lình hỏi.

Cô giáo chựng lại một nhịp giảng. Mải mê dạy, cô đâu hay lớp học bên hông nhà giờ tràn gió.

Là gió Nam!

Cơn gió cứ mỗi tháng ba đến tháng tám lịch âm lại thấy chạy từ biển vào, đem mát rượi tưới xuống chảo lửa mùa hè đang hun cháy dải đồng bằng nhỏ hẹp.

Mùi của gió - Ảnh 1.

Dân miền Trung quen gọi gió bằng cái tên gió Nồm. Học giả nổi tiếng Phan Khôi từng "đoán phỏng", có lẽ Nồm là cách "chuyển âm" của tiếng Việt từ chữ "Nam" thành "Nôm", rồi ra "Nồm". Tùy sức gió, hướng gió, có vùng còn phân loại rõ ràng: Nồm non, Nồm ngang, rồi Nồm Đông, Nồm Nam, nghe rất bài bản.

Đất Phan Rang lọt thỏm giữa ba mặt núi, nên dẫu gọi gió Nam, quê nhà của gió chắc ở phương chính diện mặt trời mọc.

Đâu đó trong những ngày hè xa lắc, dạo bằng tuổi học trò, cô giáo nhớ mình từng có giấc ngủ trưa no nê mùi gió.

Bên hông nhà ngày đó còn kê một bộ ván gỗ mun, nước gỗ bắt màu thời gian lên đen bóng. Sau giờ cơm trưa, nhà bốn người chất hết lên một mặt ván. Ba quạt được một lúc đã thiu thiu chợp mắt. Mẹ thay tay quạt, vừa phất đều đều chiếc quạt đan lá buông, vừa nhắc chừng hai đứa con "Ráng ngủ đi. Lát gió Nam tới!".

Không gì sốt ruột bằng đợi gió Nam đến. Rục rịch, ngọ nguậy liên tục mà mồ hôi vẫn dính ẹp lưng áo vào mặt ván. Hai chị em thành hai con ruồi nhỏ loay hoay giữa lưới nhện nóng hầm. Mắt trĩu xuống, nhưng vì nóng, giấc ngủ cứ thò một chân tới lại quay đầu chạy mất.

Em trai lúc nào cũng là đứa nghe được gió sớm nhất.

"Mùi nước mương!" - dịch lại gần gối chị, sợ mẹ nghe, em thầm thì.

Vậy ra gió qua cổng từ hướng cái mương duy nhất đầu xóm. Mương ăn thông mạch nước với giếng làng Chăm bên cạnh nên mùi nước lúc nào cũng ngọt ngây, trong lành.

"Mùi gai ác hầu cháy!" - lần khác, gió vào nhà theo bờ ranh ba đang phát quang. Khói đốt ranh tan chiều hôm trước mà mùi của loài cây kiên trì bám đất vẫn quanh quẩn.

Cũng vài đợt hiếm hoi, em nói mình nghe mùi cá khô. Tưởng em bắt mùi gió đến từ góc bếp mẹ, sau này, cô giáo mới biết chỗ gió ở là làng biển bên kia động cát. Mùa cá Nam, nào cá cơm, cá nục, cá lồ ồ... theo chân người làng cá vượt dốc cát ghé chợ xóm.

"Ông trời sanh lạ. Mùa nóng lại toàn cá nóng!" - mẹ đi chợ gặp buổi lồ ồ, cá ngừ đầy chợ về, phàn nàn. Lo hai đứa con ưa nóng nhiệt trong người, mẹ toàn ưu tiên cá nục. Nào nục nướng lá chuối, nục nấu canh chua lá me non, nục hấp cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm thấm... Gió Nam bữa nào ghé sớm, lại được thêm mùi cá nục beo béo rồi thơm thơm mùi rau lá rẫy mẹ trồng.

Nếu ghé tầm quá ngọ, gió mười lần như một mang mùi cát bỏng. Trời hè đổ lửa nấu cát từ lúc tảng sáng, tới giữa trưa, cát đã chín rục. Từ sân nhà nhìn ra động cát, chỉ thấy dưới nắng chấp chóa hai dải đỏ, trắng cặp kè nhau chạy.

Gió từ hai dải cát khác màu ấy mùi cũng khác. Hoi hoi mùi lông cừu, mùi cỏ khô là gió đi từ vũng cát trắng dưới chân động. Phảng phất hương nhang, hương trái xương rồng chín, là mùi gió đặc trưng của vùng cát đỏ.

Nghĩa địa xóm ở trên ấy. Hai ngày cúng ông, bà đều trong mùa gió Nam. Theo ba lên lau mộ, thắp nhang, hai chị em tha hồ "đi săn" trái xương rồng. Chị nhát gan chỉ dám tìm mấy trái rụng sẵn. Em kệ gai, khều luôn đám trên cây. Đập trái, đua màu nước, đua vị ngọt, phần thắng toàn nghiêng về em. Ba nói vị trái xương rồng cát đỏ ngọt không loài xương rồng nào sánh bằng. Cát đỏ là người mẹ nuôi bầy con xương rồng mát tay nhất.

Đường về, dừng ở một đỉnh cát, ba hay chỉ hai chị em thấy phố, tuyền những mặt phẳng, khối, hộp bé tí nối đuôi nhau, xen kẽ với loang loáng ánh nước từ các ruộng muối, vuông tôm. "Học giỏi, ba chở xuống phố chơi!" - gió ghi lời hứa của ba, sực nức mùi hy vọng.

Bao nhiêu mùi đổ dồn, trào khỏi những buổi trưa trong ký ức. Giữa giờ dạy, cô giáo xém rớm nước mắt vì nhận ra mình chưa quên mùi gió.

"Gió có mùi hạnh phúc, con à!" - cô trả lời học trò, và nghĩ đến tin nhắn tối nay sẽ gửi cho em trai. Lâu rồi, chắc ba mẹ đang chờ hai chị em đến cùng nghe mùi gió trên đỉnh cát đỏ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận