Mua điện sinh khối thay vì nhập khẩu than

QUANG KHẢI 08/04/2014 21:04 GMT+7

TTCT - Trên TTCT số 9 ngày 16-3, chuyên đề “Điện bã mía chờ cơ chế” nêu những vướng mắc khiến doanh nghiệp ngại đầu tư. Cơ chế hỗ trợ phát triển lĩnh vực này vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24-3, có hiệu lực từ ngày 10-5.

Điện bã mía chờ cơ chế
Giải cho được bài toán giá

Các vấn đề về cơ chế hỗ trợ giá, thuế, đầu ra của điện sinh khối... đã được đặt ra trong quyết định mới này. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn.

Một trong những vấn đề lâu nay nhà đầu tư thường lo lắng là phải “chạy đi chạy lại” lo đầu ra thì nay đã được giải quyết. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) được giao nhiệm vụ mua lại toàn bộ lượng điện sản xuất được từ năng lượng sinh khối (phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản và các loại cây khác) nối lưới.

Ngoài việc bao tiêu đầu ra, quyết định mới ban hành này cũng quy định hàng loạt chế độ ưu đãi khác về vốn, thuế như: dự án điện sinh khối được huy động nguồn vốn trong, ngoài nước để triển khai dự án; được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ cho việc xây dựng nhà máy; việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện sinh khối như những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư cũng như việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất...

Một vấn đề mấu chốt được các đơn vị dự kiến xây dựng các nhà máy sản xuất điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối trong thời gian qua là giá mua điện cũng được minh bạch trong quyết định này.

Cụ thể đối với các dự án đồng phát nhiệt điện (vừa sản xuất nhiệt - hơi vừa sản xuất điện), mức giá điện được EVN mua lại là 1.220 đồng/kWh (tương đương 5,8 cent/kWh). Với mức giá này đã cao hơn khoảng 2 cent đối với một số nhà máy đường sử dụng bã mía để phát điện hiện nay.

Trong khi đó, các dự án dùng nguyên liệu sinh khối chỉ sản xuất điện (không phải là đồng phát nhiệt - điện) sẽ được EVN mua điện theo “biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các dự án điện sinh khối”.

Ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công thương), giải thích: “chi phí tránh được” là chi phí EVN mua điện sinh khối thay vì phải dùng than nhập khẩu sản xuất điện như hiện nay.

“Việc nhập khẩu than sản xuất ra 1kWh điện hiện nay vào khoảng 7,3-7,5 cent được coi là “chi phí tránh được” và cũng là giá điện mà EVN mua lại từ các nhà máy sản xuất điện từ nguyên liệu sinh khối. Đây cũng là mức giá mở theo biến động giá than trên thị trường” - ông Cường giải thích.

Cũng theo ông Cường, sở dĩ có sự chênh lệch giá giữa hai loại hình sản xuất điện từ nguyên liệu sinh khối là đồng phát nhiệt - điện và nhiệt điện vì loại hình thứ nhất về cơ bản đã có đầu tư cơ sở hạ tầng sẵn. Ví dụ các nhà máy sản xuất mía, đường hoặc một số nhà máy dùng nguyên liệu sinh khối sản xuất hơi phục vụ trong công nghiệp nên mức ưu đãi về giá thấp hơn so với các nhà máy chỉ đơn thuần sử dụng nguyên liệu sinh khối sản xuất điện.

Một trong những quy định khiến doanh nghiệp băn khoăn là điều kiện khởi công xây dựng công trình điện sinh khối cần phải có văn bản chấp thuận mua điện của bên mua điện (tức EVN) và thỏa thuận đấu nối với nhà phân phối...

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng cho rằng chi phí đầu tư sẽ tăng khi quy định bên bán điện phải chịu trách nhiệm đầu tư đường dây từ nhà máy đến điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia gần nhất, theo quy hoạch của điện lực tỉnh.

Ông Phạm Hồng Dương, Giám đốc Khối mía đường - Tập đoàn Thành Thành Công:

Mong chính sách sớm đi vào thực tế

Là đơn vị đã và đang đầu tư nhiều dự án đồng phát điện từ bã mía trong nhiều năm qua, Thành Thành Công rất mừng khi Chính phủ quyết định nâng giá mua điện sinh khối. Quyết định tăng giá mua điện sinh khối của Thủ tướng đã tạo một hành lang pháp lý tốt để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện sinh khối của VN còn nhiều tiềm năng.

Chúng tôi hiểu mọi việc cần có quy trình và cũng san sẻ khó khăn với Tập đoàn Điện lực VN. Chỉ hi vọng Chính phủ có lộ trình tăng giá điện sinh khối theo từng năm để khuyến khích các nhà đầu tư trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Chúng tôi mong muốn có những hướng dẫn thực hiện cụ thể để quyết định này đi vào thực tế nhanh hơn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường VN:

Cần thêm những chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư

Mức giá mới này là khá tốt cho những đơn vị đã đầu tư điện bã mía vì trước nay họ bán giá thấp. Nhưng để đầu tư nhà máy điện bã mía mới thì vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Chính phủ cũng giao Bộ Công thương điều chỉnh giá theo từng thời điểm và quan trọng là có được chính sách này với các chính sách kèm theo như giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập... sẽ kích thích nhà đầu tư nghiên cứu các dự án đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

TRẦN MẠNH ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận