Một V-League sòng phẳng và hấp dẫn hơn

HUY ĐĂNG 16/11/2020 00:11 GMT+7

TTCT - 5 năm kể từ chức vô địch của Bình Dương, cuối cùng cũng có một CLB không thuộc nhóm các đội chịu sự chi phối của ông bầu Đỗ Quang Hiển đăng quang ở V-League.

Trong bối cảnh phải thay đổi nhiều về thể thức thi đấu vì đại dịch, V-League mùa giải 2020 hóa ra lại hấp dẫn hơn, với cả cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng.

Sau 5 năm mới lại hấp dẫn

Nhưng tạm chưa nói đến đội vô địch mùa này, chỉ riêng những cuộc đua cũng đủ để người hâm mộ mãn nhãn. Đến tận những vòng cuối cùng, màn tranh chấp vô địch vẫn là cuộc chiến tay ba giữa Viettel, Hà Nội và Sài Gòn. Phải chờ đến trận sau chót mới có thể tìm ra tân vương của mùa này. Đó thực sự là một hiện tượng lạ.

Viettel lần đầu tiên vô địch V-League. Ảnh: Hoàng Tùng
Viettel lần đầu tiên vô địch V-League. Ảnh: Hoàng Tùng

Mùa giải trước, Hà Nội đăng quang sớm 2 vòng đấu. Mùa trước nữa, đội bóng thủ đô thậm chí vô địch sớm đến 5 vòng. Còn ở mùa 2017, Quảng Nam gây bất ngờ khi vô địch kịch tính vào phút chót, cũng là lần đầu tiên đội này đăng quang V-League. 

Đó sẽ là một kịch bản chẳng khác gì Premier League nếu không có chi tiết cuộc đua vô địch thật ra rơi vào tình cảnh “2 đánh 1”: một mình Thanh Hóa phải chống Hà Nội và Quảng Nam - những đội bóng của bầu Hiển.

Thậm chí theo cách tính đối đầu của mùa giải năm đó, Thanh Hóa còn lép vế và chỉ vô địch trong trường hợp cả Hà Nội lẫn Quảng Nam đều thua. Chức vô địch nghẹt thở vì thế đơn giản cũng chỉ là “em vượt mặt anh” trong “đại gia đình bầu Hiển”.

Cuộc đua vô địch mùa giải 2020 xứng đáng được xem là hấp dẫn nhất trong 5 năm trở lại đây, khi Hà Nội không còn đội bóng “anh em” nào khác trong cuộc đua. Không chỉ vậy, cả cuộc đua trụ hạng cũng nghẹt thở với màn thoát chết ngoạn mục của Nam Định. Phải thừa nhận, thể thức thi đấu mới của V-League đã khiến giải đấu trở nên khó lường hơn hẳn.

Học theo K-League

Đại dịch là lý do chính thúc đẩy ban tổ chức V-League thay đổi thể thức mùa giải này. Do nhiều lần tạm hoãn, V-League 2020 phải tìm cách rút ngắn giải, giảm bớt số vòng. Thay vì tiến hành đá vòng tròn hai lượt đi và về giữa 14 đội như mọi năm, V-League 2020 chỉ đá vòng tròn giữa 14 đội giai đoạn lượt đi.

Đến lượt về, giải được tách làm đôi - 8 đội đứng đầu đá vòng tròn tranh ngôi vô địch, 6 đội xếp sau tranh suất trụ hạng. Như vậy ở nhóm xếp trên, mỗi đội chỉ phải đá 20 trận thay vì 26 trận như mọi năm, còn nhóm xếp dưới chỉ phải đá 18 trận.

Thể thức mới cũng khiến từng trận đấu gay cấn hơn. Vấn đề gây đau đầu với mọi giải đấu là khi trôi dần về cuối mùa, có quá nhiều đội không còn động cơ thi đấu, khiến nhiều trận trở nên nhạt nhẽo, thậm chí là xuất hiện nguy cơ dàn xếp tỉ số.

Với một giải đấu như V-League, vấn đề này càng đáng lo ngại bởi hầu như năm nào cũng chỉ có 2 cuộc đua là vô địch và trụ hạng, do các CLB Việt Nam không mấy mặn mà với việc giành vé tham dự AFC Champions League hoặc AFC Cup. Trong những vòng cuối các mùa trước, luôn có khoảng gần 10 đội ở V-League không còn động cơ thi đấu.

Nhưng việc chia nhỏ giải đã giúp lược bỏ những trận vô nghĩa, khiến nhiều đội có động cơ rõ ràng hơn. Các trận đấu cũng cân bằng vì không còn tình cảnh đội quá mạnh gặp đội quá yếu.

Tất nhiên cũng có một số mặt trái, khi các đội bóng chơi tệ trong giai đoạn 1 mất cơ hội hồi sinh trong giai đoạn 2 để tranh ngôi vô địch. Nhưng cũng chính vì vậy, mọi trận đấu ở giai đoạn 1 đều căng thẳng vì không có cơ hội sửa sai.

Thể thức thi đấu này thực ra không quá xa lạ. Quốc gia gần gũi nhất áp dụng thể thức tương tự là Hàn Quốc, với giải K-League lịch thi đấu dày đặc và phức tạp hơn.

Ở K-League, thể thức này không nhằm giản lược giải đấu mà để giải hấp dẫn hơn nhờ những lý do đã nêu. Việc V-League học theo K-League mùa này có thể xem là một quyết định linh hoạt, và có thể là vô tình giúp giải quyết một vấn đề lớn của V-League đã tồn tại bao năm qua.

Tước bớt quyền lực số đông

Đa số các chức vô địch V-League những năm gần đây đều được giải quyết theo một kịch bản quen thuộc: các đội bóng của bầu Hiển, hoặc có liên quan đến bầu Hiển, lấy đông đánh ít.

Ở hai mùa 2018 và 2019, Hà Nội vô địch với sức mạnh áp đảo. Mùa 2017, Quảng Nam và Hà Nội vây ép Thanh Hóa. Mùa 2016, Hải Phòng thậm chí phải ở vào thế “1 chọi 3”, với 3 đội bóng được gắn mác bầu Hiển là Hà Nội, SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh.

Hiện có ít nhất 4 CLB V-League được cho là thuộc về hoặc chịu ảnh hưởng từ bầu Hiển, và đó đều là các đội mạnh. Những mùa trước, 6/26 trận đấu của Hà Nội là gặp “người nhà”, tức chiếm 23% số trận đấu.

Thể thức mới khiến “đại gia đình” bầu Hiển bị chia nhỏ. Sau giai đoạn 1, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam rớt xuống nhóm trụ hạng, còn Hà Nội và Than Quảng Ninh lên nhóm tranh vô địch. Như vậy số trận gặp “người nhà” của Hà Nội chỉ còn là 1/7 trận ở giai đoạn 2, tương đương 14%. Kết quả: Hà Nội bị Viettel đánh bại trong cuộc đua vô địch, còn Quảng Nam thậm chí rớt hạng.

Thể thức thi đấu mới rõ ràng có tác động tích cực với V-League, đến mức nhiều người hâm mộ và giới truyền thông đã lên tiếng ủng hộ tiếp tục ở mùa giải năm sau.

Quả thực, nếu vấn nạn một ông bầu nhiều đội bóng đã ăn sâu bén rễ suốt bao năm qua mà không tài nào giải quyết được, thì đây có thể xem như một nỗ lực hợp lý mang lại sự hấp dẫn cho giải đấu. ■

Thể thức của V-League 2020 và K-League cũng khá tương đồng với giải vô địch bóng đá Bỉ Jupiler Pro League. Ở Jupiler Pro League có 16 đội, các CLB sẽ đá đủ 30 trận vòng tròn gồm cả lượt đi và về trong giai đoạn 1, trước khi chia làm 2 nhóm để đá giai đoạn 2.

Sáu đội đứng đầu tranh chấp vô địch và vé dự Champions League, các đội còn lại tranh vé dự play-off Europa League. Điểm lợi của thể thức này là đảm bảo tất cả các đội đều đá đủ số trận sân khách, sân nhà trước mọi đối thủ.

Trong khi với V-League và K-League, đây là yếu tố may rủi, với chỉ một lượt đấu. Bù lại, thể thức thi đấu kiểu Bỉ rất cồng kềnh với số lượng vòng đấu nhiều gấp rưỡi cho cùng số đội bóng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận