Một tương lai tìm kiếm hậu Google

NGUYỄN VŨ 07/01/2023 06:25 GMT+7

TTCT - Những ứng viên như You.com có thể sẽ làm được một cuộc cách mạng trong tìm kiếm hay ít nhất cũng cung cấp một giải pháp thay thế cho bất kỳ ai thất vọng với Google.

Một tương lai tìm kiếm hậu Google - Ảnh 1.

Những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) trên thông thiên văn dưới tường địa lý như ChatGPT gây xôn xao vào cuối năm 2022 còn có thể "phát minh lại", thậm chí thay thế các bộ máy tìm kiếm trên Internet, vì hỏi gì cũng biết mà lại không có quảng cáo. Google liệu có thể đánh mất vị thế bá chủ trong lãnh vực này?

Ngay chính nhân viên của Google mới đây đã tỏ ra lo lắng khi công ty này bỏ lỡ cơ hội thay đổi bộ máy tìm kiếm của mình. 

CEO Google là Sundar Pichai và trưởng bộ phận AI của hãng, Jeff Dean, cho rằng công ty của họ có những món đồ chơi còn mạnh hơn ChatGPT (như LaMDA mà một cựu nhân viên Google cứ nằng nặc cho rằng đã có trí khôn và biết nhận thức). Nhưng Google rất sợ cung cấp một bộ máy tìm kiếm dù hay ho hơn nhưng thỉnh thoảng đưa ra câu trả lời sai - họ dễ bị kiện sập tiệm như chơi.

Ai hơn ai?

Hiện tại, ChatGPT đã mạnh cỡ nào, có thể thách thức Google trong chuyện gì? Sofia Pitt, phóng viên công nghệ của CNBC, đã làm một thử nghiệm nhỏ với cả hai - tìm kiếm một số thông tin để xem ai hơn ai.

Đầu tiên cô hỏi cách chăm sóc cây dương xỉ cảnh thứ nhì vì cây mua đầu tiên đã chết héo, ChatGPT đưa ra những lời khuyên cụ thể, rất rõ ràng, hơn hẳn Google (trong mấy kết quả đầu tiên có cả quảng cáo nơi bán đất trồng cây). 

Thứ đến cô hỏi nên mua quà gì tặng ông chồng - hai bên đều cho kết quả rất phong phú nhưng ở lãnh vực này Google thắng nhờ có thông tin chi tiết hơn. 

Thứ ba cô thử hỏi đang mang thai có nên uống một loại thuốc cụ thể hay không - ChatGPT thắng vì trả lời vừa chính xác vừa đưa ra thêm những lời khuyên tham vấn bác sĩ, còn Google chỉ biết lo quảng cáo.

Cuối cùng cô thử yêu cầu ChatGPT viết giùm một bài báo với chủ đề "ChatGPT có phải là một thay thế tốt cho Google khi tìm kiếm thông tin" - ChatGPT viết nguyên một bài dài, đầy đủ lập luận nên hay không nên dựa vào ChatGPT, kể cả liệt kê những điểm còn yếu của chính nó. Google thua xa ở lãnh vực này.

Như thế, khi cần một nơi rành rẽ để giải thích những đề tài phức tạp cho người bình thường hiểu, như cách vận hành thị trường chứng khoán, ChatGPT đóng vai trò chuyên gia một cách xuất sắc vì nội dung đưa ra rất mạch lạc, dễ hiểu. 

Google thì chỉ biết dẫn đến những bài giải thích dài dòng, đôi lúc không đúng điều người ta đang tìm, và chỉ giỏi khi được yêu cầu cung cấp thông tin ngắn gọn, chính xác như giá vàng, giá cổ phiếu Tesla, giá vé máy bay rẻ nhất…

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là lời thừa nhận từ chính CEO của OpenAI, nơi sinh ra ChatGPT: dựa vào nó để làm một cái gì đó quan trọng là một sai lầm vì nó còn nhiều hạn chế và đôi lúc cứ tạo ra cảm tưởng nó rành rẽ hết mọi chuyện.

Một ứng viên tiềm năng?

Nếu tò mò về ChatGPT và chưa truy cập được nó từ Việt Nam, chúng ta có thể thử dùng bộ máy tìm kiếm mới ra đời You.com, được cho là tôn trọng quyền riêng tư của người dùng và còn tích hợp các khả năng viết lách của AI.

You.com không lưu địa chỉ IP của người dùng, không thu lượm thông tin để bán quảng cáo theo kiểu tìm gì, quảng cáo đúng cái đó. You.com quảng bá rằng mục đích của họ là làm việc tìm kiếm dễ dàng hơn bằng cách tóm tắt thông tin trên Internet cho bạn chứ người dùng không cần mở từng đường dẫn nữa.

Đặc điểm của You.com là kết quả tìm kiếm được sắp xếp theo từng loại trang web chứ không chỉ đưa ra các đường dẫn đến thông tin cần tìm. Từ kết quả ban đầu, người dùng có thể chọn chỉ lọc lấy video hay hình ảnh, tin tức hay bản đồ liên quan đến thông tin tìm kiếm.

Trước sự ra mắt đầy ấn tượng của ChatGPT, You.com tuyên bố họ mở nền tảng tìm kiếm của mình cho các nhà lập trình xây dựng các ứng dụng để đưa ra kết quả tìm kiếm riêng cho từng ứng dụng. 

Chính đây là điều làm You.com khác biệt hẳn với Google nhờ những tính năng mới, chưa có trên Google, chẳng hạn tạo ra văn bản hoặc hình ảnh từ nội dung bạn gõ vào, tìm nội dung trên các mạng xã hội, tìm trong các ứng dụng, và tìm trong các tài liệu học tập.

Một tương lai tìm kiếm hậu Google - Ảnh 2.

Ví dụ bấm vào ô "Viết" (YouWrite), bạn sẽ được dẫn tới một giao diện có thể tùy chỉnh để chọn lối viết (bài luận hay mẩu ngắn để đăng trên mạng xã hội), giọng văn (bình thường, nghiêm trang, dí dỏm hay chuyên nghiệp), và cuối cùng là đề tài (viết về chuyện gì). 

Vì You.com tích hợp chức năng viết từ trí tuệ nhân tạo GPT-3 của OpenAI nên khả năng viết lách của nó không thua kém gì ChatGPT.

You.com được công bố rộng rãi vào tháng 11-2021, nay đã có hơn 1 triệu người dùng thường xuyên. Những người sáng lập cho biết sáu tháng gần nhất, tốc độ tăng trưởng của họ lên đến 400%. 

Mục tiêu của họ là giúp người dùng kiểm soát quy trình tìm kiếm thông tin chứ không phải gõ gì vào là bị giội bom quảng cáo đúng thứ đó. Họ hy vọng công nghệ mới của họ giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm, khỏi mày mò đọc lại trong hàng chục kết quả được trả về.

So với con số hàng tỉ lần tìm kiếm Google phải xử lý hằng ngày, con số triệu của You.com thật khiêm tốn nhưng biết đâu, kết hợp với ChatGPT, You.com sẽ làm được một cuộc cách mạng trong tìm kiếm hay ít nhất cũng cung cấp một giải pháp thay thế cho bất kỳ ai thất vọng với Google.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận