Một thập kỷ “âm” nhạc, “dương” ngôn

DU LÊ 05/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Thập kỷ 2010 kỳ lạ ở chỗ, theo cách này cách khác, nó vừa khớp với sự trưởng thành và thờ ơ của thế hệ đầu tiên thật sự ngập trong văn hóa đại chúng tại những thị trường và quốc gia muộn nở như Việt Nam.

Như một mệnh đề bất biến, sau tuổi 20, người ta nghe nhạc tựa như một quán tính, lặp lại những nền tảng tích cóp từ mươi năm về trước, hoặc bỏ ngang để lao vào những lo toan cuộc sống. Vậy những người định hình gu nghe nhạc trong 10 năm qua đã nhận lấy những gì?

Ca sĩ Billie Eilish

Âm nhạc của thời nữ quyền - bất an

Từ Britney tới Billie Eilish là cả một cuộc giải phóng, dẫu vẫn trong một khuôn khổ mới, của mạng xã hội và sự giao tiếp liên tục với lực lượng fan hùng hậu khắp mọi ngóc ngách, mà theo Guardian, đã giúp những phụ nữ trẻ của thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z giành lấy quyền được trở thành những nghệ sĩ pop có cuộc đời… phức tạp. Tự do cá nhân lớn hơn ở các nghệ sĩ nữ, tuy vậy, không đồng nghĩa với thành công thương mại. Chỉ vì một làn sóng nghệ sĩ nữ từ chối những lý tưởng cũ của nền công nghiệp âm nhạc không đồng nghĩa sự kiểm soát với họ nay đã mất đi.

Suốt thập kỷ vừa qua, những ngôi sao âm nhạc nữ giới liên tục khẳng định bản dạng cá nhân, vượt lên trên những khuôn thức cũ mòn. Thế nhưng thành quả họ đạt (hay đoạt) được vẫn là một cuộc đấu tranh chưa ngã ngũ.

Ariana Grande xuất hiện từ giữa bi kịch - cái chết của bạn trai cũ Mac Miller - bằng cảm thức về điều gì là quan trọng. Album Sweetner của cô gái trẻ như muốn đoạt lại hạnh phúc từ đớn đau và bản hit Thank U, Next ôm ấp trọn sự ngẫu hứng của một rapper.

Ariana Grande

Rồi Taylor Swift kêu gọi can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 từ chính lực lượng fan khổng lồ của mình, một thông điệp chính trị của “nàng rắn hao trai” khẳng định mình không chỉ biết có “trai” mà còn nhiều thứ khác nữa. Từ nhạc country, Swift đã trở thành một thế lực đáng gờm của nhạc pop toàn cầu.

Vụ chuyển hóa của Miley Cyrus từ gái ngoan thành gái… hư, chỉ trong vòng hai năm sau cái chết của Amy Winehouse, là một cú trượt dốc dễ hiểu của nền công nghiệp pop, và Miley khi ấy là nạn nhân của sự tự hủy hoại bản thân. Nhưng cô cũng là một nữ nghệ sĩ trẻ thừa nội lực để tự vực dậy, thậm chí vượt ra khỏi những vây bủa của truyền thống, vì lẽ giản đơn: “Tôi ghen tức với những gì họ làm, vì tôi không thể thật sự trở thành chính mình”.

Miley Cyrus

Rihanna trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên chủ xướng một thương hiệu thời trang cao cấp. Dù không chỉ có cô, nhưng cô là người tiêu biểu cho sự chuyển biến của “nghệ thuật đen”: không còn cần viện tới sự định danh bởi màu da trên toàn cầu. Kanye West chẳng hạn, có thể tung tẩy những nhãn hiệu thời trang, kể cả những chiếc áo nhái Yeezus ngay giữa lòng Sài Gòn mà không mấy người đang khoác thương hiệu hàng xịn đó lên người từng nghe anh, hay theo dõi những vở “opera” mới nhất của anh ở New York.

Beyoncé và Jay-Z. Ảnh: wmagazine.com
Beyoncé và Jay-Z. Ảnh: wmagazine.com

Trong khi đó, Beyoncé trở thành nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử bảng xếp hạng Billboard có đĩa thứ 6 dẫn đầu tại Chart 200 năm 2016, bên cạnh vô số giải thưởng khác cho một sự nghiệp hậu Destiny Child phấp phới lên như diều và biến vợ chồng nhà Carter (Beyoncé và Jay-Z) trở thành gia đình nghệ sĩ giàu nhất thế giới. Năm 2016, Beyoncé vượt qua Madonna trở thành nghệ sĩ có nhiều chiến thắng nhất tại giải thưởng MTV Music Awards, với 24 giải. Năm 2018, buổi diễn trực tiếp của cô trở thành buổi diễn “livestream” nhiều người xem nhất mọi thời đại.

Cũng lừng lẫy không kém, To Pimp a ButterflyDAMN như những xã luận văn hóa của Kendrick Lamar trở thành một hiện tượng âm nhạc xứng đáng hoàn toàn với giải Pulitzer, lần đầu tiên được trao cho một nghệ sĩ hip hop. Nhạc của người Phi, hay Mỹ gốc Phi, trở thành một hình thái đối kháng đặc biệt trong giai đoạn chính quyền Donald Trump. Grammy hay không Grammy, “nhạc đen” - vốn đầy ắp những bức bối, ray rứt về xã hội, về bất công, bình đẳng, những hiểm họa - đã lên ngôi ở một thập kỷ vốn cũng tràn ngập hoang mang và bất ổn.

Ở thế giới “da trắng”, Ed Sheeran mang pop trở về với… thế gian cùng Lewis Capaldi, George Erza, Jess Glynne. Còn Avicii yểu mệnh (tự tử năm 2018, 28 tuổi), rồi tới Alan Walker đã cùng biến nhạc điện tử thành hiện tượng toàn cầu, thành những lễ hội EDM thâu đêm suốt sáng và hầu như mọi thói tật của các “raver” - dân “quẩy” lâu năm - đều tiêm nhiễm nhanh chóng chưa từng thấy vào những kẻ mới “ngộ đạo”.

Khép lại một kỷ nguyên

Mất mát to lớn nhất của thập kỷ có lẽ là sự ra đi đột ngột của David Bowie cùng album cuối cùng Blackstar (2016), cực kỳ ảnh hưởng và tiên tri, chỉ phát hành ít tuần trước khi ông lìa đời. Những cái tên vốn gắn liền với rock vẫn có các xuất phẩm thông thường, nhưng sức ảnh hưởng là chuyện khác. Sự ra đi của Bowie và Leonard Cohen là hai trong số những tiếc thương sâu đậm nhất của mỗi cá thể yêu nhạc trên toàn thế giới. Và Prince, hiển nhiên. Cả ba đều từ giã cõi trần vào năm 2016.

David Bowie 

Cũng để khép lại một kỷ nguyên, pop punk từ giã dòng chủ lưu trong thập kỷ này với vài ngoại lệ như Thee Oh Sees hay Ty Segall. Trong khi đó, psy rock của Mac DeMarco (từng trình diễn tại Việt Nam), Ariel Pink, King Gizzard & The Lizard Wizard tìm được tiếng nói nhất định cho mình.

Tiếp đến, ngoài A Star Is Born hút khách của Lady Gaga và Bradley Cooper, thị trường pop rock tỏ ra khá ảm đạm và qua loa, với rải rác những bản hit của Maroon 5, Adam Lambert hay OneRepublic. Soul quay lại với Cee Lo Green, Adele, và quan trọng hơn cả, kỳ nữ Janelle Monáe, với những tự sự nữ quyền thấm đẫm vô cùng quan trọng.

Để rồi tháng 7-2017, tờ Forbes công bố hip hop/R&B đã trở thành nhánh âm nhạc được tiêu thụ nhiều nhất, vượt cả rock, trong lịch sử nước Mỹ. Nhiều hãng đĩa hip hop đóng vai trò nòng cốt trong việc quảng bá những tên tuổi hip hop tới đông đảo công chúng như Grand Hustle, GOOD Music, Cash Money, Maybach Music Group và Def Jam. Những nghệ sĩ được hậu thuẫn và thành danh có thể kể ra là Drake, Kendrick Lamar, J. Cole, Kid Cudi, Nicki Minaj, ASAP Rocky, Wiz Khalifa, Tyler the Creator, Azealia Banks, Macklemore...

Nhìn sang châu Á

Làn sóng Hàn không chỉ có Gangnam Style của Psy, nhưng liệu sẽ có K-Wave như ngày nay không nếu không có Psy? Không ai dám trả lời chắc chắn, khi hiện tượng video tỉ view kỷ lục YouTube gián tiếp và trực tiếp mang Hàn Quốc tới từng ngõ ngách thế giới suốt năm năm trời (2012 - 2017). Sau Gangnam Style, BTS phá vỡ vô số kỷ lục tại Hàn Quốc và thế giới, xuất hiện ở The Late Show của Stephen Colbert trên sóng truyền hình CBS hệt phiên bản của The Beatles mấy mươi năm trước: những khuôn mặt điển trai, yêu âm nhạc, vui tính và… khó hiểu.

BTS xuất hiện trên The Late Show theo phong cách The Beatles. Ảnh: Vanity Fair
BTS xuất hiện trên The Late Show theo phong cách The Beatles. Ảnh: Vanity Fair

Nhưng đầu thập kỷ và cao trào đâu đó vào quãng 2013-2015, K-pop đã lan tỏa ra ngoài phạm vi những buổi hòa nhạc cháy vé tại Bangkok hay Singapore để tới Đông Âu, Mỹ Latin và cả Trung Đông. Nhờ Internet, Twitter và thế hệ Z - thế hệ mạng xã hội, những “fanbase” triệu người ra đời.

Toàn cầu hóa âm nhạc bước lên một đỉnh cao chưa từng có nhờ YouTube, Facebook, Tumblr, Reddit và Twitter, K-pop đổ bộ vào các bảng xếp hạng “danh giá chỉ với phương Tây”, như Billboard. Bộ mặt hào nhoáng, gợi cảm và cả gợi dục của những nam thần, thánh nữ, dù vậy, che lấp đằng sau những sự thật đau xót, những bi kịch nội tâm cùng cực, như cái chết của Kim Jong Hyun, Sulli và Goo Hara, những xìcăngđan xâm hại và đánh đổi tình dục…

Dẫu thế nào, K-pop đã và đang làm công việc của “bubblegum pop”, hay “teen pop” 10 năm trước, mà dân châu Á chỉ thấy được qua những Backstreet Boys, N’Sync, Britney Spears hay Spice Girls.

Khi mà ở Nhật Bản, hiện tượng AKB48 có phần vô duyên với kỷ lục “nhóm nhạc đông thành viên nhất” và Arashi vẫn là boyband triệu bản, khi pop rock trữ tình vẫn chiếm cứ Hong Kong và Đài Loan, jazz và cổ điển là khát vọng của những nhạc công Singapore, và nhạc pop âm hưởng truyền thống vẫn có chỗ đứng ở Malaysia thì năm 2018 và 2019 có thể coi là sự thăng hạng của nhạc Việt, một lần nữa, nhờ không nhỏ vào công nghệ, với bệ phóng Spotify: nhóm post-hardcore WindRunner có album hot trên toàn cầu.

Nhóm WindRunner

Hay hợp tác mới đây của Crown on Hyenas với rapper FOS trên video Chứng minh mình đúng (Watch It Blow). Nhạc Việt đã vượt biên giới đường hoàng chính chính, không từ những nhãn hàng hay cơ hội giao lưu văn hóa truyền thống, mà từ thực lực, như những chuyến lưu diễn của District105 ở Đông Nam Á.

Cứ như thế, 2010 là một thập kỷ như bị bức bách phải lao nhanh, như thể muốn thoát ly khỏi đời sống đầy biến động, mà rốt cuộc vẫn không thể không phản ánh chính thực tại hỗn loạn đó.■

Âm nhạc - meme: Ranh giới bị xóa nhòa

Trong thập niên vừa qua, các ca khúc gắn liền với meme hay những trào lưu hơn là một album hay nghệ sĩ cụ thể. Các nền tảng mạng xã hội khuyến khích sự ra đời của những bản nhạc - meme: trào lưu hát nhép hay bắt chước như Harlem Shake, Gangnam Style... TikTok với hạn định 6 giây lại càng “rút gọn” không gian thưởng thức âm nhạc, như những trích đoạn ngắn từ sáng tác gốc.

Cuộc trở lại không mấy ngoạn mục của các boyband, thực ra chỉ có One Direction, cũng là một điểm đáng chú ý trên mạng xã hội, nay đã thay cho sân khấu truyền thống trở thành sàn diễn chính của họ.

Tương tự, các boyband Hàn Quốc BIGBANG, EXO, BTS bán cháy vé ở Mỹ mà hầu như không hề có quảng bá từ phương tiện đại chúng như truyền hình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận