Một sáng kiến

LÊ VINH QUỐC 16/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Từ hiện tượng có nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng, hoặc được nhà trường đẩy lên các lớp trên và thi tốt nghiệp bằng những biện pháp phản giáo dục trong hệ thống nhà trường phổ thông 12 năm hiện hành, thầy Nguyễn Phi Hùng đã chỉ ra chính xác ba nguyên nhân của hiện tượng.

Phản hồi bài “Tôi không học được, sao bắt tôi học?” của tác giả Nguyễn Phi Hùng đăng trên TTCT ngày 25-8.

Phóng to

Tạm gác lại hai nguyên nhân “nhà nghèo” và “ham chơi”, phân tích nguyên nhân “học dở” (học kém hoặc không học được) của các em, ta sẽ thấy nhiều vấn đề thuộc về chương trình học và cấu trúc hệ thống nhà trường mà ngành giáo dục phải giải quyết.

Chương trình đồng nhất còn phù hợp?

Muốn xây dựng thành công chương trình học mới này, những người có trách nhiệm phải nhận thức được rằng giáo dục phổ thông không chỉ là dạy chữ - dạy người, mà còn bao gồm hướng nghiệp và dạy nghề.

Trước hết, cần nhận thức thế nào là “học dở”. Khoa học giáo dục đã khẳng định con người có nhiều loại trí thông minh khác nhau, mỗi người đều có những năng lực và sở thích riêng biệt.

Vì thế, ngoại trừ những em thiểu năng hay chậm phát triển trí tuệ, nói chung học sinh có thể học dở hoặc không thể học môn này nhưng lại có thể học khá, thậm chí xuất sắc ở môn khác; các em có thể học dở trong chương trình hiện hành, nhưng lại học giỏi trong một chương trình khác có những môn thích hợp với mình.

Như vậy, “học dở” không phải là bản chất bất biến của người học sinh, mà phần lớn là do sự bất cập của chương trình học.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là loại chương trình học đồng nhất, áp đặt mọi học sinh phải học tất cả các môn như nhau trong suốt 12 năm, mà hầu hết đều là các môn khoa học và văn hóa cơ bản, hầu như không có các môn kỹ thuật và dạy nghề.

Chương trình học đó có vẻ bảo đảm cho sự bình đẳng giữa các học sinh với nhau, nhưng lại không đáp ứng được các phẩm chất trí tuệ riêng biệt của học sinh, nên tạo ra sự bất công khi buộc các học sinh yếu kém phải cùng học với những em vượt trội về một lĩnh vực nào đó.

Hơn thế nữa, chương trình này không có tác dụng định hướng nghề nghiệp và dạy nghề cho học sinh, chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức để học sinh đi thi mà không ứng dụng được vào đời sống hằng ngày. Với chương trình học như vậy, chỉ một số ít học sinh có thể học tốt nhằm vươn lên đại học, đa số các em sẽ chỉ học để đối phó với việc thi cử, còn lại là những em hầu như không học được gì nên phải bỏ học giữa chừng một cách oan uổng.

Cần định hướng nghề sớm

Tác giả Nguyễn Phi Hùng đã đưa ra ý tưởng cấu trúc lại hệ thống trường học với một sơ đồ minh họa rất cụ thể. Xem xét kỹ ý tưởng và sơ đồ của ông có thể nhận thấy đây là một sáng kiến rất có giá trị. Chương trình học và hệ thống cấu trúc trường học mà tác giả đề xuất sẽ bảo đảm đầy đủ những chức năng và tác dụng của loại chương trình học phân ban theo mô thức quốc tế, tức là đảm bảo cho học sinh được quyền lựa chọn môn học theo phẩm chất trí tuệ và sở trường của mình.

Nếu so sánh với các chương trình phân ban hiện hành ở nước ngoài, có thể thấy sáng kiến của thầy Nguyễn Phi Hùng trùng hợp với các chương trình học ở Đức (thường phân ban hoặc “phân luồng” từ lớp 5 hoặc lớp 6), đồng thời cũng tương thích với chương trình tú tài phân ban Pháp (theo ba hệ với 10 ban trong đó).

Dĩ nhiên, sơ đồ này chỉ là một hình mẫu khái quát, khi đi sâu vào chương trình học ta sẽ phải giải đáp các vấn đề: Phân ban từ cấp lớp nào là thích hợp nhất? Mỗi hệ sẽ có những ban gì? Mỗi ban bao gồm những môn nào, với thời lượng bao nhiêu...?

Khách quan mà nói, ngay từ cuối thế kỷ 20, Bộ Giáo dục và đào tạo đã thí điểm xây dựng chương trình phân ban cho bậc THPT, rồi đến đầu thế kỷ 21 bộ lại xây dựng một chương trình phân ban nữa. Nhưng với quan niệm cũ coi giáo dục phổ thông chỉ là nơi “dạy chữ và dạy người” bằng các môn văn hóa và khoa học cơ bản, các chương trình phân ban đó đã thất bại hoàn toàn.

Giờ đây, trong công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (sau năm 2015), việc từ bỏ chương trình học đồng nhất để xây dựng một chương trình học phân ban mới theo quy chuẩn quốc tế, trong đó bao gồm cả các môn văn hóa, khoa học cơ bản cùng các môn kỹ thuật và dạy nghề, sẽ là định hướng thích hợp cho việc phát triển chương trình trung học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận