Một người đàn ông và một con chó đi bộ vòng quanh thế giới

ANN BABE 22/07/2021 21:05 GMT+7

TTCT - Năm 2015, Tom Turcich bắt đầu đi bộ vòng quanh thế giới. Tới nay, chuyến đi vẫn tiếp diễn.

 
 Turcich và chó Savannah được chào đón tại Arslanbob, Jalal-Abad, Kyrgyzstan tháng 6-2021

Đi bộ có nhiều cách. Ta có thể sải bước hay tản bộ. Có thể thong dong, lững thững, la cà hay loanh quanh - những cách đi này đều ngụ ý một sự nhàn nhã vô định, chẳng cần ghé đâu, chẳng phải làm gì, khi được trao vào tay những xa xỉ vô lượng về thời gian và tiền bạc.

Nhưng có những hình thái cương quyết hơn của chuyện đi bộ, chẳng hạn đi bộ đường trường, đi dài ngày, đi xa cắm trại hay hành quân. Các hình thái này chuyên chở một mục đích hoặc một nơi chốn cho con đường phía trước. Một người có thể đi qua hàng dải đường trải bêtông, hết dãy nhà nọ tới dãy phố kia, chỉ để dừng chân ở một nơi thân thuộc, gần gũi như một tòa nhà văn phòng. Họ cũng có thể hoàn thành một quãng đường trên một chuyến tựa một cuộc hành hương trong tâm thức, mang nặng tính biểu tượng, chẳng hạn độ cao đỉnh Everest hay chiều dài Vạn lý trường thành. Nhưng dù có đi tới đâu, mỗi chuyến đi, về căn cốt, đều diễn ra y hệt nhau: hết chân này tới chân kia, từng bước một.

Có những ngày bước chân sẽ dễ dàng hơn so với những ngày khác. Có lúc cảm tưởng đi thật dễ chịu vô cùng, hệt như ta dạo giữa công viên hay đang bước giữa không trung, mây ngàn, mộng điệp. Còn khi khác lại là lê bước nhọc nhằn.

Tom Turcich, trong sứ mệnh muốn đi bộ vòng quanh thế giới, đã kinh qua hết những lối ấy. Từ lúc rời khỏi mái nhà ở New Jersey hồi tháng 4-2015, người đàn ông 32 tuổi giải cứu chú cún con tên Lulu (rồi cho nó cái tên mới Savannah) tại Texas, bị dí dao vào người ở Panama, bị cản bước bởi một chứng bệnh chí tử ở Scotland. Anh ăn mừng lễ cưới của người lạ mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, chờ tới khi đại dịch ngớt ở Azerbaijan, về Mỹ nhiều lần để hồi phục, gia hạn thị thực và tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Chặng đường vòng quanh thế giới 5 năm liên tiếp mà anh dự kiến giờ sẽ là chặng đường chia thành 7 năm. Hiện ở Kyrgyzstan, sau 39 quốc gia và hơn 30.000km đường, Turcich cùng Savannah vẫn còn dăm ba quốc gia và nhiều ngàn km đường trước mắt. Rất có thể cả hai sẽ trở về Mỹ thêm ít nhất một lần nữa trước khi kết thúc chặng đường, để né mùa đông Mông Cổ và không bị chặn lại ở biên giới Australia - nơi vẫn chưa mở cửa đón du khách. Nhưng cả hai sẽ hoàn thành chuyến đi, đó là điều anh cam đoan.

“Ngày thứ 612. Cái tuyệt cú khi đi bộ hằng ngày là bất kể phơi mình trước nắng gió ta vẫn có mục đích cho riêng mỗi ngày: bước đi. Chẳng khi nào tôi ngủ mà đầu còn băn khoăn sẽ làm gì hôm sau. Tôi biết rồi mình sẽ biết thêm và trưởng thành hơn đôi chút ở từng nơi chốn đặt chân đến”.

 
 Tom Turcich có khi được chào đón vào nhiều ngôi nhà trên đường anh đi, nhưng cũng rất nhiều khi cắm trại ngủ giữa trời. Ảnh: afar.com

Cái gì thôi thúc một người đi vòng quanh thế giới, bỏ ra tháng rộng ngày dài đời mình để theo suốt một chu vi 40.000km dẫn họ về lại đúng vị trí khởi hành? Phải chăng bởi thành tựu, vinh quang hay danh tiếng? Hay cảm giác thử thách hoặc cảm giác chinh phục? Hay cảm giác khám phá đậm bản năng chỉ xảy ra bằng chính các giác quan tóm bắt? Hay để “tìm kiếm chân tâm”, “tìm thấy con người mình”, “vượt qua một chuyện gì đó (hay một ai đó)” và “bước tiếp cuộc đời”, hay truy tìm cách thức để chữa lành bản thân?

Trong sự tồn tại của tuyệt đại đa số chúng ta rồi sẽ có một trải nghiệm mãnh liệt tới độ tách cuộc sống của ta ra thành hai mảnh - quãng thời gian trước và sau, và ở đường nứt chính giữa là khoảnh khắc ta quyết định cần phải làm gì đó. Với Turcich, thời khắc ấy xảy ra lúc anh 17 tuổi, khi người bạn thân qua đời ở tuổi 16. Và điều anh quyết sẽ thực hiện là chiêm ngưỡng thế gian - chẳng phải theo lối nghỉ dưỡng nhất thời tới những chốn dừng chân ai ai cũng biết, mà là cả một lối sống bền vững, có thăng và cũng có trầm.

Dĩ nhiên, một chàng học sinh trung học chưa từng rời khỏi gia đình quá vài tuần như Turcich chẳng thể sẵn sàng để vào hành trình ngay lập tức. Đầu tiên, tài khoản ngân hàng của anh tổng cộng chỉ có chưa đầy 1.000 đôla Mỹ. Anh cũng chẳng biết đầu cua tai nheo cái gọi là “chiêm ngưỡng thế gian” rốt cuộc có ý nghĩa thế nào với mình hay thậm chí sẽ bắt đầu nắn nót từ đâu. Thế là anh tận dụng thời gian. Anh đọc thật nhiều, rảo khắp các trang web du lịch, tìm hiểu những nơi sẽ đi và làm sao để tới được. Anh vào đại học và tốt nghiệp với tấm bằng triết học; anh đi làm, trả hết tiền vay học phí và bắt đầu dành dụm. Anh cân nhắc xem điều gì làm nên một cuộc sống đầy đủ, một cuộc sống trọn vẹn. Anh quyết định cách anh sẽ du hành chính là đi bộ.

Turcich mở lời kêu gọi. Anh tổ chức vận động quyên quỹ và họp báo, tìm được một nhà tài trợ đồng ý cung cấp tài chính nếu anh quảng bá thương hiệu của họ trên website và các tài khoản mạng xã hội. Ngay trước ngày sinh thứ 26 một ngày, Turcich khởi hành, mang theo túi ngủ và lều, lò di động, chất hết vào một xe đẩy và một chiếc túi quàng qua vai. Anh không vạch ra lộ trình chính xác, chỉ có hướng đại khái sẽ đi, biết rằng mình muốn hướng về phía nam xuống Uruguay, đón tàu sang Nam Cực, rồi đón chuyến bay sang Ireland để băng về phía đông qua Trung Á.

Để được công nhận là một chuyến vòng quanh thế giới thỏa đáng, anh cần đi ít nhất 26.200km, chưa tính quãng bay xen giữa; băng hết cả bốn châu lục, dọc theo kinh độ; băng qua hai điểm đối xứng nhau qua trục Trái đất. Dọc đường, anh có thể cắm trại ở bất kỳ đâu, có thể ở khách sạn nếu không thể dựng trại bên ngoài, có thể viết, chụp ảnh, gặp gỡ người này người kia và thực hiện điều mà bất kỳ tâm hồn cô độc thường làm: suy tư.

Thời gian trên đường khá yên ắng - chỉ có anh và Savannah, tiếng bước chân khua mặt đường, tiếng ro ro của xe cộ chạy ngang, tiếng xạc xào của gió, và đôi tiếng trao đổi với người mà cả hai băng qua hay từ dăm người đi bộ mà cả hai gặp dọc đường. Anh ghi lại diễn tiến mỗi ngày để chia sẻ lên mạng, viết blog trên trang The World Walk, đăng ảnh và video lên tài khoản Instagram, Facebook và YouTube.

Sau một khởi đầu đầy tham vọng - 46.169 bước chân và hơn 36km chỉ riêng ngày đầu tiên, Turcich bị kiệt sức kéo ngược lại và chỉ có thể đi chừng 16 tới 24km là dừng. Anh sút cân, mất móng chân. Cổ chân sưng phồng, lòng chân rộp. Nhưng cuối cùng, anh cũng xoay xở để hoàn thành mỗi 24 giờ quãng đường tương đương một chặng marathon.

Vào ngày thứ 34, ở đảo Sandbridge (Virginia), anh nâng cấp một chiếc xe đẩy mới sau khi chiếc cũ bị nổ lốp và bong trục. Hết ngày 66, anh thải bỏ đôi giày đầu tiên. Và sau 186 ngày - qua Pennsylvania, Maryland, Virginia, hai tiểu bang Carolina, Georgia, Alabama, Mississippi và Louisiana - anh tới được biên giới đầu tiên ở McAllen, Texas (Mỹ), từ đó tiến vào Reynosa (Mexico). Xong 10 tiểu bang, còn lại 44 nước.

 Chó Savannah trên sa mạc ở Peru. Ảnh: afar.com

“Ngày 3 tháng 9 năm 2017, ngày 667… Các ý nghĩ trong đầu tôi gần như cạn sạch ngay giữa sa mạc này. Tôi chẳng vướng bận thêm các vấn đề tủn mủn, cũng chẳng còn các ký ức tồi tệ tái hiện. Tâm trí tôi hoàn toàn trống trải và khi ngước nhìn các ngôi sao, tôi chất vấn lẽ tồn tại của chính mình. “Cái gọi là con người là gì, để ta tạo dựng lên trên cả cuộc sống?” - tôi nghĩ. Hắn có thể lao động tới khi ngón tay rớm máu, xây nên những bức tượng vĩ đại, đua ganh với thánh thần, nhưng rốt cuộc hắn sẽ tan biến vào hư không - một hạt muối giữa bể đời. Hắn muốn thành công. Hắn muốn danh vọng. Hắn muốn được đẹp đẽ, được quyến rũ. Hắn muốn được sống trong một căn penthouse lộng lẫy ai nấy đều biết tới. Tất cả cũng chỉ là phương tiện để hắn thấy được thỏa mãn. Kiếm đủ của cải để sống, rồi hướng mọi cố gắng để đỡ nâng kẻ khác. Để hạnh phúc và khiến kẻ khác hạnh phúc, đó mới là mục đích”.

Chẳng ai biết đích xác vì sao và khi nào các bậc tiền bối của loài homo sapiens kinh qua các biến đổi cơ thể thiết yếu để chuyển từ loài bốn chân sang loài hai chân. Một số nhà nhân loại học trỏ tới các vết chân hóa thạch cách đây 3 triệu năm, số khác chỉ sang các hộp sọ và bộ xương cách đây 4 - 7 triệu năm. Các giả thuyết lý giải cho biến chuyển từ bốn thành hai chân đi từ biến đổi khí hậu sang gia tăng hiệu năng và thậm chí cả do đơn giao, một đực một cái.

Bất kể giải thích nào đi chăng nữa, việc đi đứng hai chân được rất nhiều người công nhận là đặc điểm tiên quyết nhất của loài người. Đi bằng hai chân sẽ giải phóng đôi tay để rốt cuộc ta có thể săn mồi và xây mái ấm, nguệch ngoạc hình vẽ và chữ viết, phát minh ra công cụ và sử dụng chúng. “Ngay từ đầu cho tới ngày nay, đi lại và thành người luôn song song tồn tại - sử gia Joseph A. Amato trong quyển On Foot: A History of Walking (Đứng thẳng: Một lịch sử về đi bộ) từng viết - Suốt hàng triệu năm, các tổ tiên xa và gần của chúng ta đã băng qua lịch sử bằng chân, biến cái ý nghĩ chúng ta thành người nhờ di chuyển bằng hai chân thành hiện thực”. Là vì chúng ta buộc phải như vậy. Trước khi thuần hóa loài ngựa hay kịp phát minh ra bánh xe, chẳng có phương cách di chuyển nào khác ngoài đi bằng hai chân.

Nhưng sang thời Trung cổ, việc di chuyển bằng chân lại bị khinh rẻ hoàn toàn vì bị cho là cách tới lui của tập thể, đám đông - một dấu hiệu của sự hạ tiện và hạn chế. “Ngoại trừ các nghi thức rước lễ của nhà thờ, các nghi thức cung đình, các cuộc hành hương hay một hành động du hành đơn lẻ ra, việc đi lại bằng chân còn ngụ thêm một nhìn nhận tiêu cực về sự gắn liền vĩnh viễn của loài người với mặt đất” - Amato viết thêm. Do vậy, hoàn toàn dễ hiểu vì sao nghệ thuật đi bộ đường trường lại trỗi dậy như một ngoại lệ.

Năm 1589, vị quý tộc Robert Carey nọ đã đi bộ từ London tới Berwick - quãng đường gần 500km - bởi có kẻ cược là ông không thể. Giữa thế kỷ 17, vua Charles Đệ nhị của Scotland hoàn tất chặng đi - chạy đầu tiên từng được ghi chép với quãng đường hơn 20km từ Whitehall tới Hampton Court. Vào năm 1762, một người có tên John Hague đảm nhận thử thách đi hết quãng đường 160km chỉ trong 24 giờ trong lượt “centurion” (danh hiệu dành cho những người đi bộ vượt qua 100 dặm, tương đương 160,9km, trong 24 giờ) đầu tiên ghi lại trên thế giới. Ông hoàn thành quãng đường này trong 23 giờ 15 phút.

Kỷ lục này được tiếp nối bởi các cuộc đi đường trường có tính chất thi thố của thế kỷ 19, bao gồm chặng 1.600km trong 1.000 giờ đồng hồ của đại úy Robert Barclay. Ông đã hoàn thành, chán ngắt chán ngứ, bằng cách đi đi lại lại trên một chặng dài nửa dặm ngay tại Newmarket (Anh).

Từ năm 1860 tới 1903, môn thể thao ưa thích nhất nước Mỹ chẳng đả động tới bất kỳ quả bóng, gậy quật hay cây vợt nào, mà là môn đi bộ đường trường, thu hút rất nhiều người tham gia và chi tiêu dành cho giải thưởng cao hơn bất cứ những gì phần lớn người đương thời có thể hình dung. Thập niên 1860, Edward Payson Weston, cha đẻ danh nghĩa của chủ nghĩa đi bộ hiện đại, được người người biết tới bởi lần đầu tiên từ Boston tới Washington D.C hòng dự lễ nhậm chức của tổng thống Lincoln; và về sau từ Portland, Maine tới Chicago, Illinois, hoàn thành chặng 2.133km chỉ trong 25 ngày. Năm 1874, Daniel O’Leary phá kỷ lục đi bộ sáu ngày liên tục, trở thành “nhà vô địch đi bộ thế giới”. Sự háo hức của công chúng dâng cao, số tiền dành cho ông cũng tăng theo, lên tới gần 20.000 đôla Mỹ - tức là hơn nửa triệu đôla Mỹ theo tỉ giá ngày nay.

Giữa cơn sốt chân cẳng ấy, giữa lúc những con người siêu cuồng đi bộ tìm cách nới khoảng cách càng lúc càng xa thêm và gia tăng tính khốc liệt của sự cạnh tranh, một ý nghĩa điên rồ đã được vụt ra. Sẽ ra sao nếu một ai đó đi được hết trọn một vòng trái đất?

Nhiều người thử sức và nhiều người thất bại. Một số thử gian lận, đánh lừa khán giả hòng nẫng về tay tiền đài thọ. Số khác tuyên hô đã thành công nhưng chẳng thể chứng minh được thành tích của mình. Gần một thế kỷ sau, một người đàn ông Minnesota cao dỏng tên Dave Kunst trở thành người đầu tiên được công nhận đã đi hết một vòng Trái đất. Khởi hành cùng em ruột của mình (John) vào năm 1970, Dave hoàn thành chặng đường cùng một người em khác (Peter) vào năm 1974 sau khi John bị bắn chết trong lúc cả hai băng qua Afghanistan. Chuyến đi vòng quanh thế giới của anh em nhà Kunst được Tổ chức Kỷ lục Guiness thế giới công nhận, nhưng Tổ chức Chạy bộ thế giới (World Runners Association, WRA) thì không, bởi chặng đường 23.300km vẫn chưa thỏa yêu cầu của họ. Để xác thực chuyến đi, Dave dùng một cuộn giấy có dấu mộc của từng thị trưởng các thị trấn suốt dọc hành trình. Ngày nay, quá trình định vị nhìn chung sẽ căn cứ trên dữ liệu Hệ thống Định vị toàn cầu (GPS), video và ảnh chụp.

Sau Kunst tới nay, ít nhất 10 người khác đã nối gót thành công, dẫu trên các lộ trình khác. Polly Letofsky, người Mỹ, trở thành người phụ nữ đầu tiên đi bộ vòng quanh thế giới vào năm 2004, 8 năm sau khi Ffyona Campbell thú nhận gian lận kết quả. Jesper Olsen, Rosie Swale Pope, Tom Denniss, Tony Mangan, Serge Girard và Robert Garside, tất thảy đều gắng tới phút chót để hoàn thành.

Những người đi bộ vòng quanh thế giới khác còn có Vishnudas Chapke (từ Ấn Độ), Steven Newman và Angela Maxwell (đều là người Mỹ). Một cựu lính nhảy dù Anh Karl Bushby, khởi đầu ở Chile từ 1998 trên chuyến trek còn được biết với tên gọi Cuộc viễn chinh Goliath, mong được thành người đầu tiên đi liền mạch vòng quanh thế giới, tới nay vẫn chưa hoàn thành. Nhưng Turcich công nhận Karl là nguồn cảm hứng dạt dào nhất của mình. Gộp cả hai lộ trình của Bushby và anh em Kunst, Turcich đã tạo ra lộ trình mà anh đang gắng sức theo đuổi trong thời điểm hiện tại.

Như những hành giả toàn cầu mà anh ngưỡng mộ, Turcich cũng thu hút một lượng người hâm mộ của riêng mình. Khi đặt chân tới châu Âu năm 2017, anh mở một tài khoản Patreon dùng các nội dung độc quyền và bưu thiếp đổi lấy chi phí trang trải chuyến đi. Anh tổ chức các phiên Ask Me Anything (Hỏi tôi bất cứ điều gì) trên Reddit. Hiện trang Facebook của The World Walk có hơn 14.000 follower, còn tài khoản Instagram gần 75.000 follower. Savannah, chú chó Turcich tuyên bố sẽ trở thành chú chó đầu tiên vòng quanh quả địa cầu, hiện có 9.202 follower trên Instagram và con số tiếp tục gia tăng.

 
 Trại nghỉ của Turcich khi anh băng qua vùng Tây Nam nước Mỹ năm 2015. Ảnh: afar.com

Ngày 18 tháng 3 năm 2018. Suốt hai năm đi liên tục, tôi đã và đang được bạn bè, gia đình và những con người hoàn toàn xa lạ chứa chấp. Ở một thành phố mới hay một con đường khó đi, chẳng có gì tốt đẹp hơn thế. Ta không chỉ nhận được chăn ấm nệm êm và nước tắm, mà còn được dịp quan sát một cuộc sống mới. Tôi thức giấc trước những khung cảnh núi non, trong tiếng heo ủn ỉn, trước đời sống ở các thị thành sầm uất, và mỗi lần như thế tôi lại tưởng tượng giả sử đã đi trên một con đường khác, sống trong những hoàn cảnh khác thì con người mình sẽ còn thay đổi đến chừng nào nữa. Như thể thử hết mùi vị và tìm hiểu xem có điều gì ở chúng khiến tôi thích thú. Quan trọng hơn, với mỗi gia đình mới giang tay ôm lấy tôi, nỗi khát khao được đáp đền càng trỗi lên. Tôi mơ về ngày có thể mở toang cửa để mời vào trong tất cả những con người thiện lành ấy”.

Với Turcich, có những ngày phải gắng gượng mà tiếp tục, khi thời tiết quá đỗi khốc liệt và quang cảnh quá đỗi tẻ nhạt cho tâm trí, tất cả chỉ là tròng tai nghe vào và nghe một podcast This American Life hay một playlist nhạc điện tử, cốt để nạp thêm năng lượng tiếp tục. Những ngày khác, anh cũng thấy khác. Những ngày như thế, được khơi gợi hay quyến luyến, hoặc thoải mái dễ chịu, anh thường tự hỏi có cho phép mình nấn ná thêm chăng. Đôi khi, anh cho phép, như dừng chân vài tuần ở hồ Atitlán (Guatemala) để học tiếng Tây Ban Nha hay gặp gỡ vài người bạn để ngơi nghỉ ở Bogota và Lima. Ở Uruguay, anh ngồi xổm cùng một đại gia đình nhiều thế hệ, như từng ở Ireland, Croatia và Copenhagen - nơi anh ước ao sẽ trải qua các mùa hè ở Đan Mạch. Thảng hoặc anh xúc động quá sức trước vẻ đẹp và lòng tốt của vùng đất, bèn hình dung cả cảnh sắm một căn nhà ở đó - ở Guatemala, Peru và Ý.

Suốt 1.530 ngày đã đi, Turcich nghĩ rất nhiều về chốn dừng chân của mình trên thế gian. Ngạc nhiên thay, hoặc chẳng có gì ngạc nhiên, anh nói một ngày nọ anh muốn sẽ dừng chân tại New Jersey quê hương. Nhưng mỗi chốn, mỗi nơi đặt chân qua - với những cái tên như Daisy, Tostado và Split - đều dạy cho anh chút gì đó đặc biệt. Anh học cách đọc thời tiết, trân trọng những ngày đẹp trời. Làm sao chụp ảnh đẹp hơn, để viết một tiểu luận truyền cảm. Anh học cách nghỉ ngơi. Nhưng trong số tất cả những gì học được, có lẽ thứ cơ bản - và quan trọng nhất - là người tốt ở đâu cũng có.

Đi quanh hành tinh có sá gì nếu không gặp gỡ và chào hỏi toàn thể sự sống diễn ra ở chính nơi ấy? Bá vai và tặng nhau những lời chúc tốt lành tới những con người trong số hàng tỉ con người đang sống, như bạn và tôi, trên cái không gian quý giá này? Trên đường, Turcich chứng kiến rất nhiều điều khác - mọi mảnh đời của những người anh đã băng ngang. Những chủ cửa hiệu, những người buôn gánh bán bưng thức ăn cho anh, người chủ quán bar để anh coi trận bóng bầu dục trên truyền hình có Philadelphia Eagles tham gia. Những người cho anh ở nhờ ban đêm; những chủ trại, nông dân, công nhân xây dựng mà anh gặp qua trên đường. Những nhà toán học, điểu học, giáo viên. Một người chồng rải tro cốt của vợ mình.

Nhưng thực tế thì Turcich không hề giống với đại đa số những con người anh gặp gỡ, và một người da trắng có một trong những quyền công dân toàn vẹn nhất trên thế giới như anh sẽ chẳng bao giờ giống họ. Anh thừa nhận đặc quyền này. Là một người da đen vòng quanh thế giới thì sẽ ra sao? Một phụ nữ da nâu Nam Á? Thử làm tất cả mọi thứ Turcich đã thực hiện - đi qua các điểm canh gác cảnh sát, băng biên giới quốc tế, hối lộ hải quan và cán bộ xuất nhập cảnh, dựng trại trên đất tư nhân thuộc sở hữu của người lạ, ngủ trong công viên, sân trường và nghĩa trang - trong vị trí một người kém đặc quyền hơn thì sẽ ra sao?

Turcich không làm sao biết được. Không ai có thể thật sự tỏ được cảm giác mình vào vị trí kẻ khác, ướm bước trong chân họ ngày hôm trước và vô ưu ngày hôm sau, những chốt cản họ gặp phải, hay những lượt đổi hướng họ đã chọn. Có quá nhiều con đường có thể đi. Con đường của Tom Turcich chỉ là một trong số đó.■

DU LÊ (lược dịch từ tạp chí AFAR)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận