Một ngôi trường cho "Tốt - tô - Trang"

TRỊNH MAI TRANG 26/11/2011 13:11 GMT+7

TTCT - Tấm danh thiếp của Trang Trịnh (Trịnh Mai Trang) làm tôi khá tò mò. Cô tự giới thiệu mình là nghệ sĩ dương cầm và nhà giáo dục âm nhạc.

Nghệ sĩ dương cầm thì rõ rồi vì Trang Trịnh bắt đầu các chuyến lưu diễn quốc tế từ năm ngoái, sau khi hoàn thành xuất sắc bằng thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh, nhưng còn “nhà giáo dục âm nhạc”? Hóa ra, đó mới chính là ước mơ lớn của cô gái nhỏ bé nhưng đầy năng lực này.

Phóng to
Trang nghĩ mình chỉ thành công khi thật sự đưa được những trải nghiệm cuộc sống của mình vào âm nhạc, và qua âm nhạc đến với khán giả - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mai Trang lẽ ra đã có thể chỉ là một nghệ sĩ có năng khiếu được phát hiện từ bé như nhiều người khác nếu không có cơ may được biểu diễn cùng Claude Kahn, danh cầm người Pháp, năm 1995 khi mới 9 tuổi và đang theo học tại Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Thư gửi Mai Trang

“Với tôi, âm nhạc cổ điển là một loại nghệ thuật rất đặc biệt. Vẻ đẹp của nó xuất phát từ sự thật: sự thật về cảm xúc của con người, những chướng ngại vật mà con người phải đối mặt, những ngọn núi mà con người phải vượt qua, sự thật về niềm tin, về tình yêu. Tất cả những điều này đều được thể hiện rõ ràng trong âm nhạc cổ điển, có lẽ bởi vì ngôn ngữ của âm nhạc cổ điển không dùng lời nên không bị bó buộc bởi những thứ mà ngôn từ không thể diễn đạt được. Tôi rất yêu âm nhạc cổ điển vì đối với tôi, sự thật và cái đẹp luôn đi đôi với nhau, một thứ không thể đẹp nếu nó giả”.

Đến giờ, gia đình Trang vẫn giữ cuốn sách Claude Kahn tặng Trang khi đến thăm nhà cô sau buổi biểu diễn. Trong lời đề tặng, ông viết: “Thân tặng nữ nghệ sĩ dương cầm rất tài năng Mai Trang. Tôi chắc rằng nếu kiên trì luyện tập, em sẽ có được một sự nghiệp thật sự”. Lời khích lệ của nghệ sĩ Pháp đã khiến bố mẹ Trang thêm quyết tâm dành dụm để con mình có thể phát triển tài năng.

Chín năm sau, với sự giúp đỡ của Bích Trà, một nghệ sĩ dương cầm đã thành danh trước đó ở Anh, Trang được nhận vào học tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh. Thêm một may mắn nữa đến với cô: hai vị giáo sư nổi tiếng Christopher Elton và Hilary Coates, trước kia từng dạy Bích Trà, nhận cô làm học trò. Trang kể: “Buổi ra mắt công chúng lần đầu ở London là năm 2006, lúc đó Trang 19 tuổi và đánh cùng nhạc trưởng Nhà hát nhạc kịch quốc gia Anh là Edward Gadner và dàn nhạc.

Đó là buổi biểu diễn rất đáng nhớ đối với Trang. Trang chọn bộ áo dài màu đỏ, cả dàn nhạc rất ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ bước ra với trang phục truyền thống vì thường mọi người chỉ mặc bộ váy cổ điển phương Tây. Khi Trang ra sân khấu thì phải đi qua rất nhiều các nghệ sĩ chơi cello và violin, họ đều nhìn theo với ánh mắt ngạc nhiên thú vị, điều đó cho Trang thêm tự tin để thể hiện thành công tác phẩm Totentanz - Điệu nhảy thần chết của Listz”.

Để được tham gia buổi biểu diễn đó và thể hiện một trong những tác phẩm được đánh giá là khó nhất của piano, Mai Trang đã phải trải qua một kỳ thi gắt gao ở nhạc viện. Nhưng có vẻ như cô gái này có duyên với các kỳ thi. Cô còn thắng một vài kỳ thi, được vài giải thưởng nữa trước khi tốt nghiệp thạc sĩ và trở thành nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp với nghệ danh Trang Trịnh. Lời chúc của Claude Kahn với cô bắt đầu thành sự thật. Như một cơ duyên: Claude Kahn cũng bắt đầu học piano từ 4 tuổi và song song với sự nghiệp nghệ sĩ biểu diễn, ông cũng là một nhà giáo dục, sáng lập Nhạc viện Antibes và một cuộc thi piano quốc tế thường niên mang tên mình.

Phóng to
Trang và các bạn trẻ hâm mộ. Sau buổi diễn ngày 19-11 tại TP.HCM, khán giả trong nước sẽ còn được gặp Trang Trịnh vào ngày 26-11 tại Đà Nẵng, 3-12 tại Cần Thơ và 24-12 tại Hà Nội - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chiếc kiềng ba chân mơ ước

Trang Trịnh ra mắt khán giả Hà Nội và TP.HCM đầu năm nay với “Nhật ký dương cầm”, một chương trình độc tấu piano bao gồm các nhạc phẩm nổi tiếng thế giới (bonus thêm bài Trống cơm của Đặng Hữu Phúc). Trước mỗi tác phẩm, khán giả lại được nghe lời tâm sự của Trang về tác phẩm, tác giả ấy qua giọng đọc của một MC truyền hình. Ngày 3-11, Trang trở lại Hà Nội với một chương trình gồm những bản nhạc “trừu tượng” hơn, phân nửa là của tác giả Pháp Debussy, sở trường của cô, dành cho một công chúng (có thể) hiểu biết hơn tại L’Espace - Trung tâm văn hóa Pháp. Khán phòng chật ních, khán giả ngồi tràn cả lối đi.

Thành công ấy khích lệ cô rất nhiều trên bước đường cô đã chọn. “Ước mơ của tôi từ khi mới 14, 15 tuổi là sẽ có chỗ đứng thật sự như một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển tại Việt Nam, đồng thời là tìm cách nào đó để đưa được âm nhạc cổ điển đến với công chúng - Trang tâm sự - Có một câu tôi rất hay phải nghe và cũng rất ghét nghe khi mọi người biết được là tôi quyết định về Việt Nam, đấy là về Việt Nam làm gì, chỉ là đàn gảy tai trâu thôi, khán giả không hiểu được nhạc cổ điển đâu. Nhưng thật ra đối với tôi, âm nhạc cổ điển là âm nhạc rất dân dã. Nó xuất phát từ người dân thôi. Tôi nghĩ là không cần học rộng hay hiểu rộng mới có thể thưởng thức được âm nhạc cổ điển”.

Khi còn ở Anh, Trang đã bỏ công nghiên cứu về sự thành công của âm nhạc cổ điển tại đất nước này. “Khi tôi làm việc với các giáo sư, họ cũng phân tích cho tôi rằng để một nền âm nhạc thành công thì cần có một cái kiềng ba chân, ba yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là giáo dục phổ cập, có nghĩa là tất cả trẻ em đều được quyền học một nhạc cụ, vì học nhạc là một việc rất cần thiết để đứa trẻ có thể phát triển toàn bộ trí thông minh của mình. Thứ hai là việc biểu diễn quần chúng. Chẳng hạn như chương trình nhạc cổ điển của BBC Proms có rất nhiều buổi biểu diễn thậm chí diễn ra lúc 22g, đến những quán bar, bệnh viện hay trường học. Có những buổi biểu diễn mà người ta có thể uống rượu, nhảy múa và mặc quần soọc đến chứ không cần phải mặc trang phục trang trọng. Chân kiềng thứ ba là truyền thông chuyên sâu, với những chương trình được đầu tư lớn phát trên tivi khiến người xem, kể cả những vị giáo sư đại học, đều thấy là mình có thể học hỏi được. Tôi rất mong là khi về Việt Nam làm việc thì sẽ tìm được những cộng sự giúp tôi thực hiện được cái kiềng ba chân này, và sẽ giúp cho nền âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển hơn”.

Mơ một ngôi trường

Trang rất thích truyện Tốt-tô-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ và hằng mơ cũng có được ngôi trường lý tưởng như trong truyện mô tả, nơi trẻ em có thể thỏa sức phát triển trí tưởng tượng phong phú của mình. Trang thích dạy trẻ con học nhạc, ở Anh cũng như ở Việt Nam, vì sự ham hiểu biết của trò khuyến khích thầy không ngừng trau dồi kiến thức của mình. Cô dạy piano ở một trường tư thục tại TP.HCM từ hơn một tháng nay. “Trang có nhiều dự án thú vị cho các em nhỏ trong năm 2012, năm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Debussy. Nhạc của ông khó nhưng có vẻ rất hợp với các em vì dùng nhiều hình ảnh” - cô giáo trẻ cho biết.

Trang còn là một thành viên tích cực của diễn đàn nhaccodien.info để cùng chia sẻ và hướng dẫn các bạn yêu nhạc cổ điển tìm hiểu thêm về loại nhạc này. Bên cạnh đó, nữ nghệ sĩ dự định mở rộng phạm vi lưu diễn của mình tại châu Á, bắt đầu với Trung Quốc và Nhật Bản. Với sự trợ giúp của cả gia đình, Trang hi vọng một ngày nào đó sẽ mở ra được một trung tâm dạy nhạc và nghệ thuật nói chung cho các em nhỏ.

Cô còn có tham vọng mời được những giáo sư nước ngoài về tuyển chọn trong số học sinh học nhạc những em có khả năng nhất để đưa các em học tại những trường uy tín trên thế giới. Cơ may cô đã có trong đời, cô muốn được chia sẻ với các bạn trẻ yêu nhạc. Và biết đâu, từ trung tâm của Trang Trịnh sẽ lại có những nghệ sĩ và “nhà giáo dục âm nhạc” tiếp tục sự nghiệp phát triển âm nhạc cổ điển tại Việt Nam!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận