​Một dòng chảy từ khởi nguồn

LÊ THIẾT CƯƠNG 24/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - Có thể xem được một tập hợp tranh tuy không đồ sộ song hiện diện nhiều họa sĩ đã tạo nên bức chân dung của mỹ thuật Việt Nam hiện đại chỉ trong một triển lãm - Khởi nguồn (*).

Hào - Dương Bích Liên
Hào - Dương Bích Liên

Sự hiện diện của bức Hào (sơn dầu trên vải, vẽ năm 1972) đủ để những lời dị nghị về tư cách hội họa của Dương Bích Liên (thế hệ Mỹ thuật Đông Dương) phải im bặt.

Hào là tác phẩm lớn nhất cả về nghệ thuật và kích thước (147cm x 200cm) của ông, là tác phẩm tiêu biểu gắn với tên tuổi Dương Bích Liên.

“Một tác phẩm nói về chiến tranh, về hào khí của cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng lại được mô tả bởi một không gian hoàn toàn tĩnh lặng như sự tĩnh lặng ở mắt bão. Những khối hình kỷ hà chắc nịch suy tư cùng dáng hình những con người dưới đường hào im lìm như sắp nổ tung lòng phẫn nộ” - họa sĩ Trịnh Tú bình về Hào.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu là một trong vài tác giả xuất sắc nhất của thế hệ thứ hai - thế hệ họa sĩ khóa mỹ thuật kháng chiến của thầy Tô Ngọc Vân. Ông tham gia Khởi nguồn bằng những tác phẩm vẽ cây và người.

Sắc mầu - Trần Lưu Hậu
Sắc mầu - Trần Lưu Hậu

Năm 1986, sau nhiều quyết định đổi mới có tính chất lịch sử đối với vận mệnh đất nước được xác lập, cả trong chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa nghệ thuật, giới nghệ sĩ tự cởi trói và tự do sáng tạo. Đó là nguyên nhân sâu xa tạo nên thế hệ mỹ thuật đổi mới.

Thế mạnh của ông là bút pháp và màu. Bút pháp của nét. Ông không phân biệt hình và nền. Tất cả đều là một nét, không tô đi dạm lại, một đi không trở lại, trắng trợn quyết liệt, dứt khoát, chắc khỏe, ông không ưa nét nhỏ. Bảng màu của ông hoặc là đen trắng hoặc mấy màu nguyên, có sao dùng vậy, ông không thích trung gian.

Sự khác biệt của thế hệ này là ở sự tôn trọng trở lại với hình thức biểu đạt chứ không phải ở phạm trù nội dung. Tôn trọng tự do sáng tạo, các khuynh hướng khác nhau, đề cao tính cá nhân, không hạn chế tìm tòi những phong cách mới. Chiến tranh đã qua, những vấn đề lớn, của số đông, cái “chung” không còn được chú trọng.

Phố Hàng Đường - Phạm Luận
Phố Hàng Đường - Phạm Luận

Các nghệ sĩ quay về khai thác những vấn đề cá nhân, những vui buồn, trải nghiệm riêng tư. Họ hướng cái nhìn vào thế giới nội tâm. Ta sẽ thấy điều đó qua tranh của Hồng Việt Dũng, Bùi Hữu Hùng, Phạm Luận, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Quang Em, Lê Thiết Cương... trong triển lãm này.

Vòng đời - Đặng Xuân Hòa
Vòng đời - Đặng Xuân Hòa

Những họa sĩ 7X, 8X tiếp nối thế hệ đổi mới bằng tư duy tạo hình khác, họ đến gần cuộc sống hơn, khai thác những đề tài thời sự hơn. Lê Quý Tông - một họa sĩ trẻ (sinh năm 1977) của giai đoạn hậu đổi mới - tham gia Khởi nguồn bằng 10 tác phẩm sơn dầu trên vải khổ lớn.

Ngắm sen - Lê Thiết Cương
Ngắm sen - Lê Thiết Cương

Anh vẽ những cầu, cầu vượt, tháp nước, nhà cao tầng, nội thất nhà hát, nhà ga... toàn công trình kiến trúc to lớn, bề thế. Ấy thế mà không bị khô khan cho dù quá nhiều những gờ góc, những vuông bằng sổ thẳng.

Phượng Hoàng - Bùi Hữu Hùng
Phượng Hoàng - Bùi Hữu Hùng

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã đi qua ngót một thế kỷ với bốn thế hệ. Nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng bao giờ cũng là vấn đề của cá nhân, cá tính, cá tính sáng tạo. Thế hệ nào cũng có những cá nhân, những tác giả với các tác phẩm cụ thể của nó. Lịch sử mỹ thuật là lịch sử của những thay đổi về quan niệm mỹ thuật.

Khởi nguồn hấp dẫn người xem khi họ thấy sự dịch chuyển của dòng chảy mỹ thuật Việt Nam hiện đại qua các thế hệ này.■

Thành phố chuyển động - Lê Quý Tông
Thành phố chuyển động - Lê Quý Tông

Triển lãm Genesis (Khởi nguồn) trưng bày khoảng 35 tác phẩm, diễn ra từ ngày 14 đến 21-12 tại khách sạn Apricot, 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận