Món quà của ông Trump

DANH ĐỨC 09/04/2019 03:04 GMT+7

Sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời tòa đại sứ Mỹ tới đấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công nhận cao nguyên Golan là của Israel. Những “món quà” này đem lại lợi ích gì với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu?

Cao nguyên Golan là vùng thưa thớt dân cư, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự và an ninh. Ảnh: AFP
Cao nguyên Golan là vùng thưa thớt dân cư, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự và an ninh. Ảnh: AFP

Thứ hai tuần trước, 25-3, trước khi lên máy bay rời Washington sau cuộc gặp ông Trump, ông Netanyahu hoan hỉ tuyên bố: “Tôi trở về từ một chuyến thăm lịch sử. Đây là điều mà sẽ được nhiều thế hệ ghi nhớ. Chúng tôi có nguồn gốc lịch sử ở cao nguyên Golan. Bổ cuốc xuống lòng đất ở đó sẽ phát hiện những giáo đường tuyệt đẹp mà chúng ta đang khôi phục. Golan là của chúng ta theo chủ quyền lịch sử và quyền tự vệ - và Tổng thống Trump đã công nhận điều này”.

Qua hôm sau, thứ ba 26-3, trong diễn văn ở Hội nghị thường niên AIPAC (Ủy ban Công vụ Mỹ-Israel) - tổ chức phi chính phủ tự nhận là “vận động cho Israel”, ông Netanyahu một lần nữa bày tỏ sự hài lòng của mình: “Hôm qua tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump một lần nữa làm nên lịch sử. Ông chính thức công nhận chủ quyền của Israel trên cao nguyên Golan. Điều đó xứng đáng với những tràng pháo tay lớn. Cao nguyên Golan là một phần lịch sử của chúng tôi... Người Do Thái đã sống ở đó hàng ngàn năm và nhân dân Israel đã quay lại Golan”.

Từ cuộc chiến 1967

Cao nguyên Golan ở phía nam dãy núi Đông Lebanon, kẹp giữa Syria, Israel, Lebanon và Jordan, là một vùng lãnh thổ nhiều biến động. Cao nguyên này thuộc Syria từ năm 1944 tới khi Israel chiếm được vùng này trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 với các nước láng giềng Ả Rập (Ai Cập, Jordan, và Syria). Tất cả bắt đầu vào tháng 5-1967, khi Ai Cập trục xuất lực lượng Liên Hiệp Quốc UNEF khỏi bán đảo Sinai, huy động 1.000 xe tăng và 100.000 quân đến biên giới với Israel, phong tỏa eo biển Tiran (cửa ngõ vào vịnh Aqaba nằm giữa Ai Cập, Israel, Jordan và Saudi Arabia), “cấm cửa” các tàu mang cờ Israel hoặc tàu chở hàng chiến lược và kêu gọi các nước Ả Rập cùng đối phó với Israel. Syria thì hỗ trợ du kích Palestine xâm nhập Israel ở phía bắc.

Ngày 5-6-1967, Israel quyết định ra tay trước, tấn công không quân Ai Cập, vốn là lực lượng không quân lớn và hiện đại nhất trong các quốc gia Ả Rập. Jordan - có hiệp định tương trợ quân sự với Ai Cập từ ngày 30-5 - tấn công tây Jerusalem và Netanya. Liên Xô, CHDC Đức, Algeria, Iraq, Saudi Arabia và Kuwait hậu thuẫn liên quân Ai Cập, Jordan, Syria. Song liên quân Ả Rập đã nhanh chóng thua trận chỉ trong vòng 6 ngày. 18.500 binh sĩ thiệt mạng, 30.000 người bị thương, 452 máy bay (trong đó gần 400 chiếc khi đang đậu trên sân bay), hơn 1.000 xe tăng bị phá hủy hoặc tịch thu. Israel giành quyền kiểm soát Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và cao nguyên Golan.

Kết quả cuộc chiến là chiến thắng áp đảo cho Israel, với “chiến lợi phẩm” bao gồm 1.200 km2 của cao nguyên Golan về phía tây. Từ đó tới nay, đây chính thức là vùng lãnh thổ chiếm đóng bất hợp pháp của Israel.

Xung đột tiếp diễn, nhưng nay cục diện có vẻ đã khác trước. Ai Cập không còn là đại kình địch của Israel nữa: ngày 26-3-1979, Tổng thống Ai Cập Anwar El Sadat ký hiệp định hòa bình ở Trại David với Thủ tướng Israel Menachem Begin trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ai Cập trở thành nước Ả Rập đầu tiên ký hòa ước và công nhận Israel.

Jordan làm theo vào năm 1994. Trong liên quân 3 nước năm 1967, nay chỉ còn Syria tiếp tục kình chống Israel với sự trợ giúp của Nga, tiếp nối công việc của Liên Xô cũ (nhưng Saudi Arabia, Kuwait và Iraq nay cũng là “thân hữu” của Israel và Mỹ rồi).

LHQ và Liên đoàn Ả rập: Chỉ nói mà không làm

Tất nhiên thân với Israel và Mỹ, song thân đến mức nào lại là chuyện khác. Một trong số ít những vấn đề đã thống nhất của Liên đoàn Ả Rập 50 năm qua là việc liên đoàn bác bỏ quyền kiểm soát của Israel với cao nguyên Golan cũng như Đông Jerusalem và Bờ Tây, nơi người Palestine muốn lập quốc.

Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã chia sẻ quan điểm đó đến khi ông Trump thay đổi 180 độ chính sách hàng thập kỷ của Washington, bằng cách chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem vào năm ngoái và giờ tiếp tục công nhận luật Israel năm 1981 mở rộng đến cao nguyên chiến lược Golan.

Thật trùng hợp, vào đầu tuần Tổng thống Trump “thết đãi” Thủ tướng Netanyahu món “công nhận Golan là của Israel” thì đến cuối tuần, chủ nhật 31-3, khai mạc thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 30 tại Tunis với sự tham dự của các đại diện 21 nước thành viên (Syria vắng mặt, tư cách thành viên của họ tạm bị treo từ năm 2011 vì cuộc nội chiến), kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar đưa tin: “Palestine, cao nguyên Golan chiếm sân khấu chính của thượng đỉnh Ả Rập”. Song tít phụ: “Không có thêm hành động nào được tuyên bố khi các nhà lãnh đạo nhấn mạnh “ủng hộ chủ quyền của Syria” đối với Golan, thúc đẩy việc thành lập Nhà nước Palestine” phản ánh thực chất của hội nghị: chỉ nói mà không làm (được gì).

Có một thực tế khác phản ánh tình hình chính trị hiện giờ: chỉ 13 nguyên thủ các nước Ả Rập tham dự hội nghị thượng đỉnh, vốn cũng chỉ kéo dài một ngày này. Với một thành phần tham dự như thế, tuyên bố chung cuộc của thượng đỉnh vẫn nói liên đoàn lên án quyết định của Hoa Kỳ về Golan và nhất trí về sự ổn định của Nhà nước Palestine, song sức nặng của tuyên bố đó còn lại bao nhiêu?

Nếu nói đến kết đoàn, một trọng tâm khác của thượng đỉnh và rằng “kết đoàn là sức mạnh” thì số học mà nói, sự vắng mặt của gần phân nửa lãnh đạo khiến sức nặng của tuyên bố chung nhẹ đi một nửa. Càng nhẹ hơn khi quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani có mặt lúc khai mạc, song bỏ về sau đó mà không cho biết lý do! Sự tham dự của quốc vương Qatar được mong đợi, do lẽ đây là lần đầu hai nhà lãnh đạo Qatar và Saudi Arabia cùng hiện diện từ sau khi Saudi Arabia với các đồng minh tẩy chay Qatar vào năm 2017 với những cáo buộc Qatar bảo bọc khủng bố và “ngả theo” Iran - điều mà Qatar bác bỏ.

5h37 chiều thứ tư 27-3, hai ngày sau khi ông Trump “biếu” ông Netanyahu “chủ quyền tại Golan”, Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhóm họp. Đa số áp đảo trong HĐBA lên tiếng phản đối quyết định của ông Trump.

Bà Rosemary DiCarlo, phó tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và hòa bình, nhắc lại lập trường rõ ràng của LHQ về vùng lãnh thổ này trong các nghị quyết của HĐBA và Đại hội đồng có liên quan, đáng chú ý là các nghị quyết 242 (1967) và 497 (1981). “Chúng tôi hi vọng những diễn tiến gần đây sẽ không được sử dụng như một cái cớ để bất cứ phía nào có thể theo đuổi các hành động làm suy yếu sự ổn định tương đối của tình hình trên cao nguyên Golan và xa hơn thế nữa” - bà DiCarlo cảnh báo.

Nghị quyết 242 bà nhắc đến nêu rõ hai đòi hỏi mang tính nguyên tắc: “(i) Rút các lực lượng vũ trang Israel khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc xung đột gần đây; (ii) chấm dứt tất cả yêu sách và chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, đồng thời tôn trọng và thừa nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị của mọi quốc gia trong khu vực, quyền được sống trong hòa bình trong các ranh giới an toàn và được công nhận”.

Còn nghị quyết “khẳng định lại rằng việc thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực là không thể chấp nhận được” và bởi thế: “1. Quyết nghị việc Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và chính quyền của họ ở cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là vô hiệu và không có hiệu lực pháp lý quốc tế; 2. Yêu cầu Israel... hủy bỏ quyết định đó”.

Nhưng cả hai nghị quyết đó (được EU nhắc tới trong một tuyên bố tương tự) giờ có nguy cơ trở thành... giấy lộn. ■

Hôm sau tuyên bố của ông Trump về cao nguyên Golan, nhật báo Israel Haaretz bình luận: “Với tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel ở cao nguyên Golan, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã góp sức cho chiến dịch bầu cử của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng không rõ liệu ông có giúp được gì cho dân chúng sống ở khu vực này không… 52 năm sau khi Israel chiếm đóng cao nguyên chiến lược này, ngoài 4 ngôi làng cũ của Syria, chỉ có 32 cộng đồng Do Thái nằm rải rác trong khu vực với dân số 17.600 người”. Chẳng ai tha thiết đến bãi tập quân sự khổng lồ này sống cả. Nhưng về mặt quân sự, đó quả là vùng chiến lược: cao nguyên Golan chỉ cách thủ đô Damascus của Syria, nơi đang có nhiều lực lượng do Iran bảo trợ hoạt động, 269km. Mặt khác, trong bối cảnh Syria đang “đầu Ngô mình Sở”, “lá bài” an ninh có thể sẽ giúp làm lạc hướng phần nào những cáo buộc tham nhũng nhắm vào ông Netanyahu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận